Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 10-8 đã hội kiến Tổng thống Indonesia Yudhoyono nhân chuyến thăm ba nước ASEAN đúng vào thời điểm Bắc Kinh đang gây căng thẳng trên biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono - Ảnh: Reuters |
Theo báo Jakarta Post, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết trong cuộc hội đàm, Tổng thống Yudhoyono đã đề cập đến việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và quan hệ ASEAN - Trung Quốc. Ông Yudhoyono yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nghị quyết của ASEAN về việc tránh dùng vũ lực và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển Đông.
“Giải quyết vấn đề biển Đông cũng phục vụ lợi ích của Trung Quốc - Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa khẳng định - Bất kỳ sự cản trở hoặc đứt quãng nào trong kênh đối ngoại giữa ASEAN và Trung Quốc, bao gồm vấn đề biển Đông, cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ASEAN - Trung Quốc”.
AFP dẫn lời ông Dương Khiết Trì tuyên bố Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với Indonesia để duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc như Tân Hoa xã và Nhân Dân Nhật Báo chỉ đưa ngắn gọn cuộc hội đàm và không nhắc đến vấn đề biển Đông.
Trung Quốc vẫn phản ứng tiêu cực với COC
Nhiều chuyên gia quốc tế dự báo Trung Quốc dù khiêu khích nhưng sẽ không dám gây chiến trên biển Đông. Trao đổi với Tuổi Trẻ, học giả Ian Storey và giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cũng đồng tình với quan điểm này. Giáo sư Carl Thayer còn mô tả Trung Quốc đang “diễn trò” và nhắm vào ba đối tượng khán giả là dư luận trong nước, các nước khu vực và Mỹ. |
Trước đó, Ngoại trưởng Natalegawa đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ căng thẳng sẽ gia tăng trên biển Đông nếu Trung Quốc và ASEAN không đạt được một “cách tiếp cận chung”. Ông bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được sự đồng thuận về một bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong năm 2012.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc tiếp tục có những phản ứng tiêu cực về COC. Trung Quốc Nhật Báo dẫn lời “chuyên gia” Dương Bảo Vân thuộc ĐH Bắc Kinh trắng trợn tuyên bố điều thiết yếu để ASEAN và Trung Quốc đạt được sự đồng thuận về COC là “các đề xuất không thách thức chủ quyền của Trung Quốc”. “Đó là điểm mấu chốt” - ông này nhấn mạnh. Có nghĩa là COC phải thừa nhận cái gọi là bản đồ “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh tự vẽ ra.
Chuyến thăm ba nước ASEAN (Indonesia, Brunei, Malaysia) của Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì kéo dài từ ngày 9 đến 13-8. Theo Hãng tin Bernama, hôm nay 11-8 ông sẽ đến Kuala Lumpur và hội đàm với Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman. Trung Quốc Nhật Báo nhấn mạnh mục tiêu của chuyến đi là mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với ba nước ASEAN.
Trước đó, hàng loạt nhà quan sát và truyền thông các nước đều đánh giá việc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM) hồi giữa tháng 7 không đưa ra được tuyên bố chung xuất phát từ sự can thiệp trắng trợn của Trung Quốc. Khi đó tờ Thời Báo Hoàn Cầu còn hân hoan mô tả thất bại của AMM là “thắng lợi” của Trung Quốc.
Chính vì vậy, uy tín của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á đang sụt giảm nghiêm trọng. Trên báo The Straits Times (Singapore) số ra ngày 10-8, cựu quan chức ngoại giao Thái Lan Pavin Chachavalpongpun đã cho rằng rất nhiều nước ASEAN đang coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Còn theo báo Daily Inquirer (Philippines), một khảo sát gần đây cho thấy hơn 55% người Philippines khẳng định họ không tin tưởng vào thiện ý của Trung Quốc, một mức thấp kỷ lục.
Làn sóng chỉ trích Trung Quốc
Trong những ngày qua, truyền thông và giới chuyên gia quốc tế vẫn liên tục chỉ trích dữ dội các hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông. Trên báo Asia Times, học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu châu Á (ISAS) đã viết: “Trung Quốc lộ rõ nanh vuốt trong tranh chấp trên biển”.
Báo Wall Street Journal (Mỹ), trong xã luận ngày 10-8, mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt trên biển Đông” và nhấn mạnh các yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Trong khi lớn tiếng cáo buộc các nước nhỏ láng giềng là gây căng thẳng trên biển Đông thì Bắc Kinh lại đã có những hành động khiêu khích nghiêm trọng nhất kể từ nhiều năm qua, như mời thầu khai thác dầu trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của VN, như sử dụng hải quân và lực lượng bán quân sự để leo thang căng thẳng. Theo báo này, Chính phủ Mỹ cần thẳng thắn khẳng định bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là “trò hề nhạo báng đối với luật pháp quốc tế”.
Trên báo Jakarta Globe, chuyên gia chính sách đối ngoại Ấn Độ Rajeev Sharma mô tả việc Trung Quốc mời thầu khai thác dầu trên vùng biển của VN, nơi có công ty Ấn Độ đang đầu tư, là “hành vi gây hấn đơn phương nguy hiểm”. Theo học giả Sharma, đòn gây sức ép của Trung Quốc sẽ không dọa được Ấn Độ bởi như ông nhấn mạnh, “con hổ Ấn Độ đang gầm vang và sẵn sàng đối đầu với con rồng Trung Quốc”.
SƠN HÀ //(Tuổi Trẻ)