Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 1/8/2012
TTXVN (Giacácta 30/7)
Bàn về ý nghĩa của việc ASEAN vừa đạt đượcnguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông sau khi Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN (AMM-45) không ra được Thông cáo chung do bất đồng liên quan đến vấn đề này, cũng như ưu tiên nội dung, phương hưóng, cách thức mà ASEAN và Trung Quốc cần phối hợp để thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Rizal Sukma – Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) (Inđônêxia) có bài viết đăng trên tờ“Bưu điện Giacácta “, nhan đề “Sau khi giành lại sự thống nhất là thời gian để tiến lên phía trước. Trong bài viết tác giả cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần sớm khởi động đàm phán COC, song không nên kỳ vọng sẽ hoàn thành vào tháng 11/2012; đồng thời nêu kiến nghị ASEAN chỉ định Inđônêxia và Xinhgapo – hai nước không có tranh chấp trên Biển Đông -đứng ra làm đầu mối giúp điều phối tiến trình đàm phán COC với Trung Quốc. Sau đây là nội dung bài viết:
Thất bại lần đầu tiên trong lịch sử của ASEAN khi không ra được Thông cáo chung tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 45 (AMM-45) ở Phnôm Pênh vừa qua hẳn là một lời nhắc nhở về những thách thức đang đặt ra đối với ASEAN về việc duy trì và củng cố sự thống nhất của khối.
Sự thất bại, do những bất đồng về vấn đề Biển Đông gây ra, đã tự nó dấy lên câu hỏi về tương lai của trung tâm ngoại giao ASEAN và khả năng ASEAN quản lý hầu hết các vấn đề quan trọng ở sân sau của mình.
Tuy nhiên, trong vòng một tuần, thất bại hoặc trục trặc ngoại giao này – tùy thuộc vào cách người ta nhìn nhận nó – đã được sửa chữa với một chừng mực nào đó. Inđônêxia, một thành viên sáng lập của ASEAN và cũng là nước duy nhất tuyên bố ASEAN là nền tảng của chính sách đối ngoại của mình, cảm thấy có nghĩa vụ khôi phục sự đoàn kết và gắn bó của ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa lập tức bắt tay vào những gì mà ông ấy gọi là “một nỗ lực 36 giờ, ngoại giao con thoi, thăm và làm việc qua điện thoại” nhằm tạo dựng một lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Nỗ lực ngoại giao đó đã được đền đáp, với việc tất cả các thành viên ASEAN đã ủng hộ và thông qua đề xuất của Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa về nguyên tắc 6 điểm có tiêu đề “Lập trường chung cua ASEAN về vấn đề Biển Đông”.
Mặc dù nguyên tắc 6 điểm chủ yếu nhắc lại lập trường lâu dài của ASEAN về vấn đề này, song thỏa thuận nói trên đã đưa ASEAN trở lại con đường của sự đồng thuận.
Trong khi ảnh hưởng của sự trục trặc ngoại giao tại Hội nghị AMM-45 vẫn có thể được cảm nhận trong những tháng tới, ASEAN giờ đây có lý do mạnh mẽ để tiến lên phía trước.
ASEAN cần chứng minh rằng nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông không chỉ là về ngoại giao bề ngoài hay là một màn sương khói để che đậy sự thất bại trước đó của ASEAN.
ASEAN cần và có thể tận dụng các mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động ngoại giao con thoi vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegavva, cụ thể là sự cần thiết về quản lý các xung đột tiềm tàng tại Biển Đông.
Thật vậy, một trong nguyên tắc 6 điểm đó là kêu gọi ASEAN “sớm đạt được COC” Có hai nội dung quan trọng liên quan đến nguyên tắc này:
Thứ nhất, ASEAN đã nhất trí về các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở thảo luận và đàm phán tiếp theo với Trung Quốc.
Thứ hai, bản thân Trung Quốc, tiếp sau sáng kiến của ông Marty, đã nhắc lại rằng Bắc Kinh “sẵn sàng tham vấn với ASEAN về việc hoàn thành một Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông”.
Để tiến lên phía trước, ASEAN và Trung Quốc cần bắt đầu quá trình đàm phán sớm hơn. Ngoài hàng loạt những căng thẳng trong vài tháng qua, hiện đã có dấu hiệu cho thấy qui mô quân sự của vấn đề, nếu không được xử lý đúng cách, sẽ làm phức tạp tình hình trên biển trong khu vực.
Chẳng hạn, trong một phản ứng trước những động thái tuyên bố chủ quyền khác, Trung Quốc thông báo sẽ thiết lập một trạm đồn trú quân sự tại quần đảo Hoàng Sa.
Vì vậy, một khởi đầu sớm cho cuộc thảo luận về COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với ASEAN, tham gia một cuộc thảo luận chính thức với Trung Quốc sẽ khôi phục hy vọng và niềm tin của cộng đồng quốc tế về ASEAN đối với khả năng làm việc chặt chẽ với người láng giềng khổng lồ của khối trong việc quản lý tranh chấp trên Biển Đông.
Sự khởi động sớm cũng sẽ khôi phục sự tín nhiệm của chính ASEAN với tư cách là người quản lý trật tự khu vực, và chứng minh rằng vai trò ngoại giao trung tâm của ASEAN vẫn là một yếu tố quan trọng của các mối quan hệ khu vực.
Đối với Trung Quốc, bước vào một cuộc thảo luận chính thức về COC với các nước ASEAN sẽ giúp xua tan những gì nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh không chỉ đối với ASEAN, mà còn tại khu vực Biển Đông và cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sẽ là không thực tế để kỳ vọng rằng COC sẽ được hoàn tất vào tháng Mười Một năm nay. Thực tế, ASEAN và Trung Quốc không cần phải vội vàng cho việc chính thức ký kết một thỏa thuận như vậy.
Như Inđônêxia đề nghị, COC cần có một tiện ích thiết thực, chứ không đơn thuần chỉ là một tuyên bố chung về các nguyên tắc.
COC nên có chức năng như là một cơ chế chi tiết cho ngăn ngừa xung đột và quản lý khủng hoảng. Trong ngắn hạn, như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa, COC nên hoạt động như là một “biển báo giao thông” quy định hành vi của các bên trên biển. Để có một tài liệu với tiện ích thiết thực như vậy, ASEAN và Trung Quốc nên dành ra ít nhất một năm để xây dựng dự thảo.
Để đảm bảo tính liên tục và tập trung, ASEAN có thể sẽ cần phải thiết lập các “đầu mối” giữa các bên nhằm phối hợp tiến trình. Ví dụ, ASEAN có thể chỉ định Inđônêxia và Singapo đứng ra thực hiện nhiệm vụ đó. Thực tế hai nước không phải là bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông sẽ mang lại một mức độ “trung lập” cho quá trình này./.
----------------------
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Nguồn: Anh Ba Sàm