Trả lời phỏng vấn bên lề hội nghị bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44 cùng ngày tại Siem Reap (Campuchia), ông cho biết ông bất ngờ trước thất bại của hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng trước (không đưa ra được tuyên bố chung). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh thất bại này là lời cảnh tỉnh rằng các vấn đề an ninh khu vực sẽ xuất hiện và ASEAN cần phải chuẩn bị đối phó.
Ông ghi nhận tranh chấp chủ quyền giữa năm nước ASEAN và Trung Quốc đang ngày càng gây căng thẳng cho hệ thống ASEAN. Ông cho rằng nhiệm vụ cấp bách của ASEAN là phải thúc đẩy hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc và vấn đề quan trọng hiện nay là các bên liên quan phải tạm gác lại vấn đề chủ quyền để tập trung vào các biện pháp thực tế nhằm ngăn chặn rủi ro xung đột trên biển.
Ông cũng lưu ý muốn xây dựng các biện pháp giải quyết đòi hỏi phải có thời gian và ông tin tưởng ASEAN và Trung Quốc sẽ đạt được giải pháp chung cho vấn đề này. Ông khẳng định các vướng mắc chính trị trong nội bộ ASEAN sẽ không cản trở xu hướng hội nhập kinh tế của ASEAN.
Báo Washington Post nhận định Trung Quốc đang trong tâm thế lo ngại ASEAN sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh và chính trị khu vực. Một số chuyên gia ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo ASEAN có thể hành xử theo hướng đối lập với Trung Quốc như cách thức Liên đoàn Ả Rập gây sức ép chính trị với Syria.
Báo ghi nhận đó là lý do Trung Quốc tìm cách loại bỏ vai trò của ASEAN trong vấn đề giải quyết lãnh thổ và khăng khăng với lập trường rằng chủ quyền ở biển Đông chỉ có thể giải quyết qua đàm phán song phương giữa các bên có liên quan.
Bình luận về vấn đề này, GS Carlyle A. Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận định Trung Quốc muốn ASEAN vững mạnh nhưng đồng thời phải phục tùng Trung Quốc.
LÊ LINH// PLTPHCM