Gần đây, Trung Quốc đang ráo riết triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng ở cái gọi là "Tam Sa" nhằm thực hiện mưu đồ hợp thức hóa việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sáng ngày 1/10, quốc kỳ Trung Quốc lần đầu tiên đã được kéo lên theo tiếng quốc ca kỷ niệm lần thứ 63 năm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam) thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa được thành lập trái phép hồi giữa năm nay.
Đây là hành động mới nhất của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, tiếp theo vụ nước này xây mạng thông tin trái phép trên đảo Việt Nam.
Cơ sở của Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm |
Tân Hoa Xã đưa tin "Quân, dân, cán bộ, viên chức và các ngư dân đã tham gia lễ kỷ niệm tại quảng trường trước tòa nhà thị ủy và chính quyền thành phố." Tin còn dẫn lời Thị trưởng thành phố Tam Sa Tiêu Kiệt khẳng định thành phố này sẽ luôn đặt công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia lên vị trí hàng đầu.
Trước đó, ngày 30/9, Tân Hoa Xã cũng đưa tin chính quyền Tam Sa đang ráo riết triển khai một số dự án cơ sở hạ tầng và triển khai dự án nhà. Các dự án hạ tầng bao gồm xây đường, hệ thống cấp thoát nước trên đảo Phú Lâm - hòn đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chương trình xây dựng nhà ở trên đảo với tổng vốn đầu tư 18,7 triệu nhân dân tệ (khoảng 3 triệu USD).
"Thành phố Tam Sa" mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.
Kỹ sư Trung Quốc xây dựng cáp ngầm vượt biển tại tỉnh Hải Nam |
Tuy vậy, gần đây Trung Quốc liên tục gây hấn bằng một loạt những hoạt động phi pháp ở khu vực này. Các trang báo của Đài Loan như Taiwan News, Focustaiwan cho biết mạng lưới viễn thông này sẽ do cơ quan viễn thông của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đảm nhận. Nó sẽ bao gồm 51 trạm thu phát sóng di động (BTS) trên các đảo, 104 trạm BTS trên các thuyền và 8 cáp ngầm dưới biển.
Nếu hoàn thành, mạng lưới này sẽ bao phủ tất cả các hòn đảo ở vùng biển Đông, bao gồm cả các đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) của Việt Nam, và cả hòn đảo Scarborough Shoal – một lãnh thổ đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Việc Trung Quốc xây dựng mạng viễn thông ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Những động thái phi pháp này của Trung Quốc không gì khác là nhằm thực hiện mưu đồ hợp thức hóa việc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.