TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 02-10-2012


Philippines: Trung Quốc nên kiềm chế sử dụng vũ lực

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 1/10, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã đề cập tới những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc và ngầm kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các quy định của luật pháp đồng thời kiềm chế sử dụng vũ lực.

Bài phát biểu của ông del Rosario có đoạn: "Ngày nay, đất nước chúng tôi đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh biển và toàn vẹn lãnh thổ cũng như việc bảo vệ hiệu quả môi trường biển của mình. Để giải quyết thách thức này và để đi đến một giải pháp bền vững, chúng ta phải dựa vào quyđịnh luật pháp chứ không phải vũ lực".

Cụ thể, những tranh chấp biển đang gia tăng ở Châu Á cần được giải quyết trên cơ sở các quy tắc và quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 vốn "không bao giờ thích hợp hơn vào thời điểm hiện nay".

Theo ông del Rosario: "Tất cả các nước phải tôn trọng các trách nhiệm của họ trong việc giải quyết những tranh chấp biển bằng các biện pháp hòa bình, mà không đe dọa hay sử dụng vũ lực, căn cứ theo UNCLOS. Cách tiếp cận dựa trên các qui định theo UNCLOS có thể giải quyết hòa bình những tranh chấp biển ở châu Á".

Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã xấu đi do những tranh chấp liên quan tới quần đảo Trường Sa và Bãi đá ngầm Scarborough trên Biển Đông.

Trước đó, chỉ huy lực lượng quân sự miền Tây Philippines, Tướng Juancho Sabban đã lên tiếng cải chính về số lượng binh sỹ được điều tới quần đảo Trường Sa.
 
Theo đó, chỉ có dưới 100 binh sỹ được điều tới đảo Palawan ở Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines. Nhóm này đã tới đảo từ hôm 28/9, chủ yếu là các nhân viên kỹ thuật và hậu cần hỗ trợ cho trung đoàn lính thủy đánh bộ đang đồn trú tại đây./.

(Vietnam+)
-----------------
"Một mồi lửa có thể dẫn tới chiến tranh nguyên tử"

Hãng AP đưa tin, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 1/10, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Kil Yon nói rằng Bán đảo Triều Tiên đã trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới, nơi chỉ một mồi lửa có thể dẫn tới chiến tranh nguyên tử.

Thứ trưởng Pak Kil Yon đã chỉ trích chính sách "thù địch" của Mỹ đối với Triều Tiên dẫn tới "quỹ đạo xấu của đối đầu trầm trọng hơn" khiến cho Bán đảo Triều Tiên tiến gần tới một cuộc xung đột hạt nhân.

Ông Pak cũng cáo buộc Washington tìm cách chiếm đóng toàn bộ Bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực và "sử dụng nó làm bàn đạp hòng hiện thực hóa chiến lược chi phối toàn bộ châu Á."

Ông cho rằng Mỹ đã hoàn tất các kịch bản cho một cuộc Chiến tranh Triều Tiên mới và đang đợi để thực hiện các kịch bản này song đã bị Triều Tiên ngăn chặn./.

(Vietnam+)
------------
Nước Mỹ mệt mỏi với cuộc chiến “Ai quan tâm”    
           
(CATP) Vụ một binh sĩ Mỹ chết trong trận đấu súng với binh sĩ Afghan đồng minh cuối tuần qua đã đẩy con số lính Mỹ chết trong cuộc chiến tranh này lên chẵn 2.000, một nhắc nhở ớn lạnh về những hiểm nguy vẫn rình rập sau một cuộc chiến kéo dài 11 năm làm dân Mỹ mệt mỏi.

Số thương vong vẫn tăng đều trong những tháng gần đây. Dồn dập các vụ tấn công từ chính cảnh sát và quân đội Afghan - vốn được cho là đồng minh - nhằm vào binh sĩ Mỹ và NATO.

Các vụ tấn công của binh sĩ hay cảnh sát Afghan - hoặc những kẻ nổi dậy mặc giả đồng phục của họ - làm chết 52 binh sĩ Mỹ và NATO từ đầu năm 2012 đến nay. Các vụ tấn công trong nội bộ được coi là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chiến lược thoát ra khỏi Afghan của Mỹ. Trong giai đoạn mới nhất, chiến lược tập trung vào việc huấn luyện các lực lượng Afghan để họ đảm bảo an ninh trên cả nước, cho phép binh sĩ nước ngoài rút về nước vào cuối năm 2014.

Chương trình huấn luyện và trang bị cho 350.000 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan đã ngốn tiền từ những người đóng thuế Mỹ hơn 22 tỷ đôla trong ba năm qua.

Vụ tấn công gần đây nhất đến chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói hầu hết đơn vị chiến đấu của Mỹ và liên quân ở Afghan đã quay trở lại hoạt động thường nhật là huấn luyện với các lực lượng Afghanistan. Trước đó gần hai tuần, vị tư lệnh hàng đầu của Mỹ đặt nhiều hạn chế lên sự hợp tác như vậy.

Ngoài con số 2.000 lính Mỹ chết kể từ khi cuộc chiến Afghan bắt đầu hôm 7-10-2001, ít nhất 1.190 binh sĩ liên quân nữa từ những quốc gia khác cũng mất mạng (số liệu của iCasualties.org, một tổ chức độc lập truy tìm thương vong).
Theo số liệu từ  báo Washington Post, khoảng 40% số lính Mỹ chết bởi các thiết bị nổ ngẫu tác. Phần lớn số binh sĩ chết sau năm 2009, khi Tổng thống Barack Obama ra lệnh dồn quân và gởi thêm 33.000 binh sĩ tới để chống Taleban. Hoạt động này nâng tổng số binh lính Mỹ ở Afghan lên 101.000 người, con số đỉnh điểm trong cuộc chiến.  Cuộc chiến Iraq do Mỹ dẫn đầu, bắt đầu năm 2003 và kết thúc cuối năm ngoái, khiến Mỹ tổn thất gần 4.500 binh sĩ.

Mười một năm mệt mỏi vì chiến tranh, binh lính Mỹ vẫn chết hàng ngày ở Afghan. Cũng theo Washington Post, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng có 31 người  Mỹ bỏ mạng ở chiến trường Nam Á này,  trung bình mỗi ngày có một lính Mỹ tử vong. Như vậy, mỗi tuần trôi qua lại mang lại thêm nhiều nỗi đau cho những gia đình có con, anh, chị, cha hay mẹ của họ bị giết hoặc bị thương.
Khi chiến tranh còn kéo dài, nó vẫn là một câu đố khó hiểu đối với nhiều người Mỹ. Chẳng thế mà Max Boot, một nhà phân tích lịch sử quân đội và quốc phòng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ đã gọi cuộc chiến tranh Afghanistan là “Ai quan tâm?”.
     
  HỒNG PHƯƠNG // CAND
---------------
Súng phóng lựu XM-25 trước thời khắc thử lửa

Một hội nghị đã được tổ chức vào cuối tháng 9/2012 tại trại Fort Benning nhằm tìm kiếm các giải pháp đẩy nhanh sự phát triển hệ thống, tinh chỉnh, cải tiến công nghệ để bắt đầu sản xuất XM-25 hàng loạt vào mùa thu năm 2014.

XM-25 là loại súng phóng lựu thông minh được thiết kế để tiêu diệt đối phương ẩn nấp sau các bức tường hoặc công sự.

Súng được trang bị một hệ thống chỉ thị mục tiêu laser, kính trắc viễn sẽ phát đi một xung ánh sáng đến khu vực đối phương, một khi chạm vào mục tiêu xung ánh sáng sẽ phản xạ trở lại. Hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ tính toán thời gian từ khi phát xung ánh sáng đến khi phản xạ trở lại để đo khoảng cách đến mục tiêu. Lựu đạn 25mm được trang bị ngòi nổ với một cảm biến nhỏ, dựa vào thông số về thời gian và khoảng cách do hệ thống chỉ thị mục tiêu cung cấp để phát nổ.

Điểm đặc biệt của XM-25 là lựu đạn sẽ phát nổ trên không, khoảng cách phát nổ có thể được điều chỉnh từ độ cao từ 1-3m tùy thuộc vào việc đánh giá mục tiêu qua hệ thống chỉ thị mục tiêu. Lợi thế của việc phát nổ trên không là xung lực của vụ nổ được phân bổ đồng điều trên một khu vực rộng hơn so với kiểu chạm nổ trên mặt đất.

Mẫu nghiên cứu XM-25 từng được thử nghiệm ở chiến trường Afghanistan trong vòng 14 tháng. Trong quá trình đánh giá, XM-25 cung cấp một lợi thế rất lớn trong các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan. Trong nhiệm vụ tuần tra ở miền Nam Afghanistan, các binh lính thuộc Lữ đoàn 3, Sư đoàn 10 đã sử dụng XM-25 tiêu diệt các phiến quân ẩn nấp sau 3 bức tường.

Đại tá Scott Armstrong, quản lý chương trình vũ khí cá nhân quân đội Mỹ nhận xét: “Quân đội đã nhận được nhiều bài học giá trị từ việc triển khai XM-25, từ đó quyết định vũ khí này sẽ triển khai như thế nào và làm thế nào để tinh chỉnh các thiết kế của vũ khí phù hợp với chiến thuật”. Theo Đại tác Armstrong, kết quả thử nghiệm ở Afghanistan đã giúp quân đội tiến hành hơn 100 cải tiến của mẫu nghiên cứu.

Sau khi vượt qua đánh giá lần 2, công tác sản xuất loạt XM-25 sẽ được bắt đầu vào năm 2014 và đây sẽ là loại súng phóng lựu tiêu chuẩn cho Quân đội Mỹ. Súng phóng lựu thông minh XM-25 được xem là khẩu súng cá nhân đi tiên phong trong lĩnh vực tác chiến công nghệ cao của tương lai.
 
Phan Nguyễn (theo Defence Talk, Beenet)
---------------
Nga bác tin đồn chỉ đạo Syria hạ máy bay F4

Tờ Al-Arabiya của Ả-rập Xê-út hôm qua (1/10) đưa tin, họ có tài liệu tình báo tối mật chứng tỏ Nga đã ra lệnh cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó giết hại các phi công trong một sự kiện xảy ra hồi tháng 6. Nga đã ngay lập tức lên tiếng phản bác thông tin này.
 
Theo tờ Al-Arabiya, họ đã có trong tay một tài liệu mật “được gửi từ cung điện của Tổng thống Assad”, trong đó nói rằng, chính Nga đã ra lệnh cho Syria bắn hạ chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó gợi ý “tiêu diệt” các phi công “theo cách thức tự nhiên”.
 
Cụ thể, tài liệu mật nói rằng, chiếc máy bay chiến đấu F-4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn hạ “trong hành động phối hợp với căn cứ hải quân Nga ở Tartus” hôm 22/6. Trái ngược với những thông tin được đưa ra trước đây, hai viên phi công của chiếc F-4 đã không chết trong vụ rơi máy bay này. Họ đã bị lực lượng tình báo Không quân Syria bắt sống.
 
Chính quyền của Tổng thống Assad đã chính thức yêu cầu tiến hành thẩm vấn hai viên phi công bị bắt sống về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ủng hộ cho phe nổi dậy Syria. Trong tài liệu mật này, Tổng thống Assad đã cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nếu có hành động gây hấn chống lại Damascus. Ít nhất, Syria sẽ sử dụng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Syria đã có kế hoạch chuyển hai viên phi công của Thổ Nhĩ Kỳ đến Li-băng để giao cho lực lượng Hezbollah giam giữ. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy bỏ và số phận của hai viên phi công đã được định đoạt với sự giúp đỡ của Nga.
 
Theo Al-Arabiya, “một tài liệu bị rò rỉ sau đó, cũng được gửi từ cung điện của tổng thống, đã nói rằng: ‘Dựa vào thông tin và sự hướng dẫn từ giới lãnh đạo Nga, chúng ta cần phải tiêu diệt hai viên phi công Thổ Nhĩ Kỳ do Đơn vị Đặc nhiệm bắt giữ theo một cách tự nhiên và thi thể của họ sẽ được đưa trở lại khu vực máy bay rơi ở vùng lãnh hải quốc tế”. Tài liệu này được cho là được gửi tới chỉ huy của các đơn vị tình báo nước ngoài của Syria.
 
Nga lên tiếng phản bác
 
Ngay sau khi những thông tin trên được tung ra, Nga đã lên tiếng phản bác mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (1/10) tuyên bố, những thông tin báo chí cho rằng Nga có liên quan đến vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở.
 
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, hành động cố tình phát tán những thông tin bịa đặt, dối trá liên quan đến cuộc xung đột ở Syria đã trở nên phổ biến trên một số trang tin Ả-rập.
 
“Chúng tôi cho rằng, tác giả của những bài báo xuyên tạc về Nga và những người cho phép chúng xuất bản nên dành thêm nhiều thời gian để suy ngẫm, nếu không đề cập được những vấn đề đạo đức thì ít nhất cũng phải thể hiện được sự tin cậy một cách chuyên nghiệp”, Bộ Ngoại giao Nga phát biểu.
 
Hôm 22/6, Syria tuyên bố bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Địa Trung Hải. Vụ việc này đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu ngoại giao căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Một phát ngôn viên quân đội Syria cho hay, chiếc chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào không phận Syria trưa hôm 22/6 và nó đã bị lực lượng pháo binh phòng không của quân đội bắn hạ.
 
Tuy nhiên, Istanbul đã phản bác lại những phát biểu trên của phát ngôn viên quân đội Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu cho rằng, Syria đã hành động không đúng khi không đưa ra lời cảnh báo nào trước khi bắn hạ chiếc F-4 Phantom. Theo ông Davutoglu, máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bay lạc vào không phận của Syria một thời gian ngắn và bị bắn hạ tại không phận quốc tế.
 
Sau vụ việc trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần triển khai vũ khí hạng nặng gồm một loạt tên lửa, súng phòng không và nhiều loại vũ khí khác đến khu vực dọc biên giới với Syria. Kèm theo động thái triển khai vũ khí rầm rộ này, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành động thù địch nào của Syria. Damascus cũng đáp trả bằng cách dồn khoảng 170 xe tăng về thành phố phía bắc Aleppo, gần với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, để sẵn sàng nghênh chiến với nước láng giềng này.
 
Quan hệ giữa hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã rơi vào căng thẳng kể từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria nổ ra hồi tháng 3. Giới quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bày tỏ sự ủng hộ đối với phe nổi dậy Syria và kêu gọi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Trong khi đó, Syria cũng tỏ thái độ tức giận với nước láng giềng, cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ che chở cho các chiến binh nổi dậy, đào tạo và cung cấp vũ khí cho họ chống lại chính quyền của ông Assad.
 
Nga vốn là đồng minh thân thiết của Syria. Trong cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 18 tháng qua ở đất nước Trung Đông, Moscow luôn thể hiện lập trường phản đối mọi sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề Syria. Mới đây, hồi cuối tháng 9, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã dùng những lời lẽ gay gắt nhất để chỉ trích Nga. Ông này nói: “Nguồn gốc chính gây thất vọng lớn chính là Nga. Họ đã không hề lên tiếng phản đối Syria mà lại còn ủng hộ các cuộc thảm sát”.

Kiệt Linh - (tổng hợp)// theo VNmedia
-------------------
Hàn Quốc cảnh báo những khiêu khích từ Triều Tiên

Nguồn tin quốc phòng Hàn Quốc ngày 1/10 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Kwan-jin đã đề nghị quân đội cần chuẩn bị đối phó với các đợt khiêu khích mới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở các khu vực khác ngoài đường ranh giới trên biển (NLL).

Phát biểu với lực lượng hải quân ở căn cứ Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), ông Kim Kwan-jin nhấn mạnh: “Bên cạnh việc tập trung vào vùng biển đang tranh chấp trên Hoàng Hải, Triều Tiên sẽ có thêm các hành động khiêu khích mới mà chúng ta chưa từng nghĩ đến...

Tôi hiểu rằng Triều Tiên đang cố gắng khiến chúng ta tập trung vào đường NLL với mục đích biến nó thành công cụ để thương lượng".

Ông Kim Kwan-jin cũng bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên có thể sẽ gây ra những bất ổn chính trị ở Hàn Quốc, đặc biệt trong thời gian diễn ra bầu cử tổng thống sắp tới./.

(Vietnam+)
------------------
Triều Tiên đe dọa nguy cơ châm ngòi chiến tranh hạt nhân

Hôm qua, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Pak Kil-yon tuyên bố chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đang khiến chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Ngày nay, do Mỹ tiếp tục duy trì chính sách thù địch với Triều Tiên nên chu trình đối đầu và gia tăng căng thẳng đang là hiện tượng nổi cộm trên Bán đảo Triều Tiên, biến nơi đây trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới, khiến một tia lửa nhỏ cũng có thể làm bùng phát chiến tranh hạt nhân”, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Pak Kil-yon tuyên bố.

Đề cập tới khả năng răn đe hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông Pak cho rằng đó là “vũ khí lợi hại để bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Triều Tiên hiện đang bị Hội đồng bảo an LHQ cấm vận sau các vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009. Đầu năm nay, các quốc gia phương Tây từng bày tỏ lo ngại Bình Nhưỡng sẽ tiến hành thử hạt nhân lần 3 nhưng điều này đã không xảy ra.

Triều Tiên từ lâu vẫn lập luận rằng trước thái độ thù địch của Mỹ, nước hiện vẫn duy trì các căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cần phải có kho vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Các vòng đàm phán 6 bên về giải giáp vũ khí hạt nhân liên quan đến hai miền Triều Triên, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc đã bị hoãn lại từ 2008.

Là một trong những quốc gia phát biểu sau cùng tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên ở New York, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Pak Kil-yon cũng hết lời ca ngợi nhà lãnh đạo mới của nước này, Chủ tịch Kim Jong-un.

"Nhân dân chúng tôi nguyện một lòng đi theo nguyên soái đáng kính Kim Jong-un với tin tưởng tuyệt đối và quyết tâm theo đuổi chiến thắng cuối cùng trong niềm lạc quan về tương lai”.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng việc đe dọa chiến tranh hạt nhân của Triều Tiên từ lâu đã được sử dụng như công cụ “mặc cả ngoại giao” duy nhất đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.
( Theo Soha)
--------------
 Báo Nga: Trung Quốc gia tăng xuất khẩu các loại vũ khí cho Pakistan

 - Trung Quốc sẽ gia tăng chủng loại và số lượng vũ khí xuất khẩu cho Pakistan, đồng thời tăng cường hợp tác tình báo…

 Theo hãng tin Itar Tass của Nga, Pakistan và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận mới có liên quan đến mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng.

Văn kiện này được ký kết trong thời gian thăm Pakistan của Đoàn đại biểu quốc phòng Trung Quốc do Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên dẫn đầu.

Người phát ngôn Quân đội Pakistan cho biết, căn cứ vào thỏa thuận này, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi nhân viên, đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ gia tăng chủng loại và số lượng xuất khẩu vũ khí cho Pakistan.

Ngoài ra, hai nước cũng sẽ mở rộng hợp tác tình báo, tăng cường trao đổi về nội dung tấn công chủ nghĩa khủng bố tại khu vực và quốc tế.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác chính trị, kinh tế thương mại và quân sự chủ yếu nhất của Pakistan. Từ lâu, hai nước này luôn duy trì sự liên hệ chặt chẽ trong lĩnh vực quốc phòng, đồng thời, họ cũng giữ lập trường tương đồng trong một loạt vấn đề an ninh khu vực và quốc tế.

Trong hợp tác quốc phòng, Trung Quốc và Pakistan đã thực hiện thành công nhiều kế hoạch song phương, trong đó có liên kết nghiên cứu chế tạo và sản xuất máy bay chiến đấu đa dụng JF-17, Trung Quốc cung cấp tàu hộ vệ hạng nhẹ và công nghệ sản xuất cho Pakistan, hợp tác nghiên cứu phát triển xe tăng chiến đấu Al-Khaled.

Có tin cho biết, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp 40 máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa dụng J-10 kiểu mới nhất cho Pakistan.
(GDVN)
-----------------
 Mỹ hỗ trợ Philippines nâng cao khả năng phòng thủ lãnh thổ

 - Mỹ đang giúp Philippines cải thiện khả năng phòng thủ lãnh thổ, đúng vào lúc xảy ra tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc-Philippines.

 Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, từ sau khi xảy ra tranh chấp bãi cạn Scarborough vào tháng 4/2012, Philippines không ngừng tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, trong khi đó, với việc một mực từ chối, Mỹ cũng không quên luôn “ra hiệu ngầm” cho Philippines, để Philippines cảm thấy mình dường như “đã tìm được chỗ dựa”.

Ngày 28/9, tờ “Philippines Star” cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang giúp Philippines cải thiện khả năng phòng thủ lãnh thổ của họ, nâng cao ý thức về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bài báo còn nhấn mạnh, việc “xây dựng khả năng” lần này đúng vào thời điểm tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc-Philippines.

Ngày 28/9, Sứ quán Mỹ tại Philippines ra tuyên bố cho biết, Cục Hạ thấp Mối đe dọa-Bộ Quốc phòng Mỹ (Defense Threat Reduction Agency) đã tiến hành đào tạo ý thức về “quyền hải” và vũ khí hủy diệt hàng loạt cho các nhân viên quản lý cấp cao Philippines.

Thành viên của hệ thống Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cũng đã tham gia lớp đào tạo 4 ngày này. Tuyên bố còn cho biết, việc đào tạo lần này chủ yếu tập trung vào xây dựng và cải thiện sự hợp tác tập thể giữa các ban ngành khác nhau của Chính phủ Philippines khi ứng phó với các mối đe dọa.

Báo Philippines tiếp tục nhấn mạnh, việc huấn luyện lần này đã tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài giữa Mỹ và Philippines về an ninh biển.
Từ khi tranh chấp bãi cạn Scarborough xảy ra đến nay, Philippines đã có nhiều hành động đáp trả lại Trung Quốc. Một số quan chức và chính khách Philippines cũng không ngừng “bày mưu tính kế” cho Chính phủ Philippines, không ngừng tìm cách lôi kéo Mỹ can thiệp biển Đông.

Đối với vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhiều lần ra tuyên bố phản đối.
(GDVN)
-----------------
 Nhật Bản phát hiện tàu Hải giám, tàu CSB Đài Loan cùng ở Senkaku

(GDVN) - Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện cả tàu Hải giám Trung Quốc lẫn tàu Cảnh sát biển Đài Loan xuất hiện gần như đồng thời tại Senkaku.

Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 1/10 dẫn nguồn tin báo Yomiuri Nhật Bản cho hay, vào lúc 12 giờ 35 phút trưa 1/10 Cảnh sát biển Nhật Bản phát hiện 4 chiếc tàu Hải giám Trung Quốc kéo vào sát khu vực đảo Kubajima thuộc nhóm Senkaku trên biển Hoa Đông.

Đến 14 giờ 30 phút chiều cùng ngày, 4 tàu Hải giám Trung Quốc vẫn tiếp tục lượn lờ quanh đảo Kubajima bất chấp mọi cảnh báo và yêu cầu rời khỏi vùng biển này từ tàu Cảnh sát biển Nhật Bản.

Trước đó, vào lúc 8 giờ sáng 1/10 Cảnh sát biển Nhật Bản cũng phát hiện 1 tàu Cảnh sát biển Đài Loan số hiệu Liên Giang 125 loại 500 tấn đang hoạt động cách đảo Senkaku 40 km về phía Tây Nam. Tuy nhiên lần này hai phía chỉ dùng loa lời qua tiếng lại cùng khẳng định chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku chứ không xảy ra đụng độ.

Ngày 25/9 đã từng xảy ra sự cố tàu Cảnh sát biển Nhật Bản và Đài Loan nã vòi rồng vào nhau trên biển Hoa Đông.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản phát hiện cả tàu Hải giám Trung Quốc lẫn tàu Cảnh sát biển Đài Loan xuất hiện gần như đồng thời tại Senkaku. Các tàu công vụ Trung Quốc và Đài Loan đã quay trở lại vùng biển này sau khi tạm đi tránh bão hôm 26/9 khi cơn bão Jelawat tràn qua. ( GDVN)
-----------------------
Tàu sân bay Trung Quốc dùng vũ khí nội 100%

Các quan chức Trung Quốc cho hay, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được trang bị toàn vũ khí nội.

 Ông Du Wenlong, quan chức thuộc Học viện Quốc phòng Trung Quốc cho biết, những thiết bị được lắp trên tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ toàn là hàng “nội địa”. Tuy vậy, nó vẫn đảm bảo yêu cầu bền và “chín muồi”.

Giám đốc Học viện Thông tin Hải quân Yin Zhou thì cho hay, những thiết bị trên tàu sân bay, trong đó có hệ thống radar, hệ thống thông tin liêc lạc và định vị hoàn toàn là “hàng Trung Quốc”.

Tiêm kích J-15 phục vụ trên Liêu Ninh cũng là máy bay “made in China”. Đây được cho là loại tiêm kích phát triển dựa trên tiêm kích J-11B, theo thiết kế của Su-33 của Nga.

Theo truyền thông Mỹ, những chiếc máy bay này sẽ được trang bị động cơ WS-10A Taihang của Trung Quốc.

J-15 khác J-11B ở chỗ được chế tạo được bởi vật liệu chống ăn mòn, đuôi giữ thăng bằng ở phía trước, cánh có thể gấp lại khi hạ cánh trên tàu sân bay.

Trước đây, từng có tin đồn là tiêm kích tàng hình J-31 sẽ được biên chế cho tàu sân bay Liêu Ninh.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng loại máy bay chưa đủ độ “chín” về công nghệ và sẽ được biên chế cho tàu sân bay thế hệ mới, phát triển dựa trên tàu Liêu Ninh.

Tàu khu trục Type 052D, được trang bị hệ thống tương tự AEGIS, được dùng để bảo vệ tàu sân bay thế hệ mới trước trực thăng và tên lửa đối phương.

Hiền Thảo (theo Military Paritet, ĐVO)
------------------
 Afghanistan mở chiến dịch lớn tiêu diệt Taliban

 Cuộc truy quét diễn ra trong 24 giờ qua dưới sự phối hợp của lực lượng cảnh sát, quân đội Afghanistan và NATO.

Cảnh sát Afghanistan vừa tiêu diệt ít nhất 38 tay súng Taliban trong chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố tại nước này trong suốt 24 giờ qua.

Lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan phối hợp cùng lực lượng quân đội nước này và lực lượng liên quân do NATO cầm đầu đã phát động 9 chiến dịch truy quét chung tại các tỉnh: Faryab, Sar-e-Pul, Kandahar, Uruzgan, Wardak, Logar, Paktika và Paktiya.

Trong chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố lần này, 10 phần tử Taliban đã bị bắt giữ, 23 phần tử khác bị thương. Tuy nhiên hiện con số thương vong về phía lực lượng an ninh Afghanistan chưa được tiết lộ.

Phía Taliban vẫn chưa có bình luận gì về vụ việc này./.

Phương Anh/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
----------------
Đánh bom đoàn tuần tra chung NATO-Aghanistan

Theo AFP, ngày 1/10, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra nhằm vào đoàn tuần tra chung của NATO và Afghanistan ở thành phố Khost miền Đông Afghanistan, làm ít nhất 13 người (trong đó có ba lính NATO, bốn lính Afghanistan, sáu dân thường) thiệt mạng và 40 người bị thương.

Các quan chức thuộc Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) và Afghanistan cho biết kẻ đánh bom liều chết đi môtô đã tấn công đoàn tuần tra chung này tại một khu vực đông người.

Các nguồn tin bệnh viện xác nhận vụ tấn công tàn bạo trên đã làm 10 người chết và hơn 60 người bị thương.

Kể từ đầu năm nay, đã có ít nhất 347 binh sỹ NATO thiệt mạng ở Afghanistan. NATO hiện triển khai hơn 100.000 binh sỹ chiến đấu chống tàn quân Taliban tại Afghanistan. Dự kiến số binh sỹ này sẽ được rút hết vào cuối năm 2014.

Trong một diễn biến khác, một thủ lĩnh Taliban đã bị tiêu diệt trong chiến dịch của lực lượng liên quân NATO-Afghanistan truy quét phiến quân ở tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan ngày 30/9.

Theo tuyên bố của lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ngày 1/10, tên Nawab, nhân vật số một của Taliban ở Sherzad, đã bị tiêu diệt cùng với tên Nil, một thủ lĩnh Taliban trong cuộc oanh kích ở Nangaha.

Phiến quân Taliban chưa khẳng định về cái chết của hai nhân vật trên.

Trong chiến dịch truy quét phiến quân ở các tỉnh Faryap, Sar-e-Pul, Kandahar, Uruzgan, Wardak, Logar, Paktika và Paktiya trong 24 giờ qua, cũng só 38 tay súng bị tiêu diệt, 23 tên bị thương và 10 tên bị bắt giữ./.

(TTXVN)
--------------
Trung Quốc, Đài Loan lại xua tàu tới gần Senkaku

 Một tàu tuần tra Đài Loan di chuyển trong vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sáng 1-10. Tiếp đó là 4 tàu Trung Quốc.
Thông tin này được Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản có trụ sở tại thành phố Naha, tỉnh Okinawa, cung cấp.
 
Tàu Đài Loan bị phát hiện khi ở vị trí cách Uotsuri, đảo lớn nhất trong 5 hòn đảo chính của Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 40 km về phía Tây lúc 9 giờ 5 phút.
 
Cảnh sát biển Nhật Bản đã cảnh báo tàu Đài Loan qua sóng điện đàm, yêu cầu không xâm nhập lãnh hải. Tàu Đài Loan đáp lại rằng họ đang bảo vệ ngư dân Đài Loan trong vùng kinh tế độc quyền của Đài Loan. Tàu tuần tra Nhật Bản đang theo dõi tàu Đài Loan khi nó đi về hướng Đông - Đông Nam trong vùng tiếp giáp bên ngoài lãnh hải Nhật Bản.
 
Trong khi đó, 4 tàu hải giám Trung Quốc cũng di chuyển vào khu vực trên lúc 12 giờ 30 phút và ở lại đó chừng 40 phút thì rời đi.
  
Trước đó, các tàu Đài Loan đã tiếp cận khu vực biển này lần đầu tiên vào hôm 25-9. Khi ấy, khoảng 40 tàu đánh cá Đài Loan được 12 tàu tuần tra hộ tống xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản ngoài khơi Senkaku/Điếu Ngư nhằm phản đối Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo này.
 
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp báo ngày 1-10, Thủ tướng Yoshihiko Noda cho biết Nhật Bản không có ý “cầu viện” Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc ở biển Hoa Đông. "Nhật Bản khẳng định không tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước bởi quần đảo Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản, xét trên phương diện lịch sử và luật pháp quốc tế” – ông Noda nói.

Những tháng gần đây, chính phủ của ông Noda bị bủa vây bởi những căng thẳng lãnh thổ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Vào tháng 8, Nhật Bản đã đề nghị đưa tranh chấp quần đảo nằm giữa vùng biển hai nước ra ICJ song Hàn Quốc bác bỏ.
H.Bình (Theo Kyodo, NLĐ)
--------------
Tranh cãi về súng mới cho đặc nhiệm Nga

Lực lượng đặc nhiệm thuộc An ninh liên bang Nga đã nhận được mẫu thử nghiệm súng máy Pecheneg, loại bố trí cò súng nằm phía trước băng đạn.

 Súng máy cho quân đội Pecheneg (súng máy Kalashnikov PK được hãng Zenit ở Moscow cải tiến) trở thành vũ khí của đặc nhiệm nhờ thiết kế theo kiểu bullpup (cơ cấu kim hoả và băng đạn bố trí phía sau cò súng).

Giám đốc Zenit Nikolai Gorbunov cho hay, khẩu súng máy được hiệu chỉnh lắp ghép thêm, được một đơn vị của ngành an ninh dùng thử và ngay lập tức nhận được nhiều đánh giá tích cực.

Các chiến sĩ đặc nhiệm rất thích khẩu súng này bởi hoả lực được nâng lên và có độ chụm khi bắn trong điều kiện tác chiến đường phố.

Gorbunov nói: “Thiết kế bullpup làm thay đổi góc nghiêng của hộp đạn, tay nắm kiểu súng ngắn phía sau dịch chuyển đi và xuất hiện lực kéo bổ sung, lực này được gắn lên cò súng. Để cung cấp hàng loạt cho đơn vị phải thoả thuận với nhà sản xuất Pecheneg – nhà máy mang tên Dyegtyarev, nhưng chỉ có thể bắt đầu bàn bạc sau một tháng nữa, khi kết thúc các thử nghiệm sản xuất”.  

Ông này nói thêm, thiết kế này có thể được áp dụng cho mọi loại vũ khí bộ binh bắn thẳng. Đối với thiết kế bullpup sẽ không cần đến báng súng, bởi vì vai trò của nó do băng đạn và cơ cấu kim hoả đảm nhiệm.

Tại Zenit, thiết kế tương tự đã được áp dụng cho súng tự động Kalashnikov trong khuôn khổ đặt hàng quốc phòng nhà nước. Nhà sản xuất súng tự động – nhà máy chế tạo máy Izhevsk không phản đối sự hiệu chỉnh lắp ghép thêm này, Gorbunov nói.

Bullpup là cái cơ bản, nhưng không phải là điều mới mẻ duy nhất của Pecheneg. Ví dụ, má súng cho phép đặt tay nắm phái trước nghiêng góc bất kỳ, tấm pikatini phía trên mở kính ngắm cơ khí ra, còn báng súng của súng máy bây giờ gấp lại được.

Nhờ hiệu chỉnh lắp ghép thêm mà chiến sĩ có thể tạo ra những thay đổi phù hợp với nhiệm vụ bất kỳ trong vòng hai phút, không hề vi phạm luật về vũ khí, không phải khoan, phải hàn gì thêm vào.

Giám đốc Zenit cho biết thêm, với các thiết bị được ghép thêm vào, khẩu súng tự động kiểu cũ không thua kém gì bất cứ khẩu súng ngoại nhập mới nào.

Ông này gọi Pecheneg là khẩu súng máy tuyệt diệu và không có ý trách cứ nhà sản xuất vì nó cần được hiệu chỉnh lắp ghép thêm. Những đồ lắp thêm vào như vậy chưa bao giờ được làm. Đồ lắp thêm của Mỹ có giá trung bình 1.500 USD, còn của Nga rẻ hơn hàng chục lần.

Tuy nhiên, nhà thiết kế chính của nhà máy mang tên Dyegtyarev Vladimia Gromov gọi công trình của Zenit là bất hợp pháp, bởi vì nhà sản xuất đã không ký các thoả thuận tương ứng.

Ông Gromov giải thích: “Chúng tôi cũng cải tiến Pecheneg, nhưng trong khuôn khổ các công trình thiết kế thử nghiệm quốc gia dành cho Bộ Quốc phòng. Cách bố trí của khẩu súng vẫn được giữ như truyền thống, nghĩa là cò súng nằm sau cơ cấu kim hoả. Một khẩu súng máy khác do cải tiến cũng ứng dụng bullpup, nhưng đó đã không phải là Pecheneg. Tôi sẽ không nói tên nó ra cho anh đâu, vì công trình này là bí mật”.

Một viên sĩ quan tiết lộ thêm những điểm mạnh của khẩu súng mới: “Trong trận chiến ở các điểm dân cư cần hoả lực mạnh mẽ và sức huỷ diệt trong một không gian hạn hẹp. Và súng máy có cấu hình như vậy với báng gấp thuận tiện hơn rất nhiều”.

Chuyên viên về súng bộ binh Maksim Popenker nói, việc cải tiến Pecheneg là sáng kiến cá nhân chứ không phải là sáng kiến của tập thể.

Vị chuyên viên này nói: “Đơn giản là Zenit đã ủng hộ sáng kiến của đặc nhiệm. Tạm thời chưa rõ, là bullpup Pecheneg có sẽ được sản xuất hàng loạt hay không. Khẩu súng này cần cho đặc nhiệm của cảnh sát và quân đội hơn, chứ không phải cần cho các đơn vị thông thường, chủ yếu là ở Bắc Kavkaz trước hết, tại các điểm dân cư.

Bởi vì có được tính gọn nhẹ mà không bị mất các đặc tính thuật phóng – chiều dài nòng được giữ nguyên nhờ trọng tâm của cả khẩu súng chuyển dịch về phía sau. Dễ giữ khẩu súng này trong tay, tì súng vào đùi khi bắn hơn. Nhưng hiện khó có thể nói là thiết kế bullpup sẽ được hoan nghênh ở đơn vị thông thường”.

Ông này ghi nhận đây là một khuynh hướng tích cực trong sản xuất vũ khí bộ binh bắn thẳng. Sự đa dạng của các mô hình và tính chuyên biệt của chúng là con đường ở phương Tây. Quân đội Mỹ luôn có sự lựa chọn từ một số hệ thống vũ khí bộ binh bắn thẳng. Truyền thống Liên Xô lại khác hẳn, đó là “rẻ, dữ dội và đơn điệu”, các phương án là tối thiểu để nhanh chóng sản xuất hàng triệu khẩu trong thời gian ngắn. Theo chuyên viên này, công nghiệp Mỹ luôn linh hoạt và hướng về người sử dụng, còn quy trình thủ tục đưa các mô hình vào trang bị thì ít phức tạp hơn.

Nguyễn Vũ// TheoĐVO
------------------
Banglades: 25.000 tín đồ Hồi giáo đốt chùa Phật giáo

  25.000 người Hồi giáo đã đốt trụi các đền thờ Phật giáo tại thị trấn Ramu, Banglades do một bức ảnh xúc phạm Hồi giáo bị đăng trên Facebook.

RT cho biết, 25.000 tín đồ Hồi giáo đã tụ tập đốt cháy ít nhất 5 đền thờ Phật giáo và hàng chục ngôi nhà ở thị trấn Ramu sau khi nhìn thấy bức ảnh xúc phạm đạo Hồi mà họ cho là Uttam Barua, một tín đồ Phật giáo trong thị trấn đăng lên.

Báo địa phương Sunil Barua mô tả: "Đã có khoảng 11 ngôi chùa bằng gỗ mà 2 trong số đó đã hơn 300 năm tuổi bị đám đông châm lửa đốt và cướp bóc các đồ đạc quý giá bên trong. Hàng chục cửa hàng của các tín đồ Phật giáo cũng bị đập phá.

Đại diện chính quyền địa phương, ông Joinul Bari cho biết: "Ít nhất 100 ngôi nhà đã bị hư hỏng, chúng tôi đã kêu gọi quân đội và lực lượng an ninh biên giới vào cuộc để ổn định tình hình".

Hiện tại, chưa có thương vong nào được báo cáo và chính quyền địa phương chưa có xác nhận nào về việc cơ quan an ninh bắt giữ những người tham gia vụ đốt chùa.

Trong khi đó, để đáp trả lại vụ nổi loạn này, các tín đồ Phật giáo tại thủ đô Dhaka đã tổ chức biểu tình phản đối.

Bộ trưởng Nội vụ Banglades, ông Mohiuddin Khan Alamgir cho biết cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ trước và khẳng định sẽ đưa những kẻ chủ mưu ra trước pháp luật.

"Cuộc tấn công đã được tiến hành đồng bộ với nhau, đền chùa và nhà cửa đã bị mồi lửa bằng thuốc súng. Điều đó sẽ không thể xảy ra nếu không có kế hoạch được chuẩn bị từ trước", ông Mohiuddin Khan Alamgir nói.

Ông nói thêm rằng chính phủ sẽ hỗ trợ tài chính để xây dựng và sửa chữa lại những đền chùa và nhà cửa của các tín đồ Phật giáo bị hư hại trong vụ tấn công này.

Trước khi bắt đầu vụ tấn công, các tín đồ Hồi giáo đã tập hợp biểu tình và kêu gọi bắt giữ Barua vì hành động của mình.

Tuy nhiên, một số người dân có sử dụng Facebook trong khu vực cho hay, Barua không phải là người đăng bức ảnh mà bị một nhóm phản đối đạo Hồi tag vào.

Theo RT, căng thẳng giữa Hồi giáo và Phật giáo ở Banglades là cực kì hiếm xảy ra bởi vì cộng đồng Phật giáo chiếm chưa đến 1% dân số luôn cố gắng sống hòa bình với những người theo đạo Hồi chiếm đa số ở đây.
( Theo VTC)
--------------
Bốn phương án cải tiến AK-74

Theo Liên hiệp Khoa học sản xuất Izhmash, hãng này đưa ra bốn phương án cải tiến AK-74 tại phiên họp của nhóm công tác liên ngành thuộc Ủy ban Công nghiệp Quân sự.

 Nhà thiết kế trưởng của Izhmash Vladimir Zlobin thực hiện cuộc trình diễn. Chi phí cải tiến vũ khí này phụ thuộc vào phương án được lựa chọn và thay đổi từ 2.000 - 10.000 rub/khẩu súng.

Theo đại diện Izhmash, phương án cải tiến đơn giản nhất có thể được thực hiện tại các xưởng sửa chữa ở đơn vị.

Với phương án này, các kỹ sư sẽ gắn lên AK-74 các tấm picatinny để ngắm bắn. Nhờ việc này có thể lắp lên súng các kính ngắm kolimator, quang học và quang điện tử, các chỉ thị mục tiêu laser và các “phụ kiện” khác.

Súng cũng có thêm tấm bên cạnh để lắp phụ kiện được gá lên theo kiểu mộng “đuôi én”.

Phương án cải tiến phức tạp nhất chỉ có thể thực hiện được ở nhà máy. Theo đó, các kỹ sư sẽ lắp nòng có tấm picatinny, tay nắm phía trước gấp lại được, báng súng gấp giảm giật, tay cầm kiểu súng ngắn thuận tiện và băng đạn cho phép kiểm tra số đạn đã bắn bằng mắt thường...

Theo ghi nhận của Izhmash, cuộc họp của nhóm công tác đã quyết định thử nghiệm phương án cải tiến AK-74 tối đa.

Trước đó, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đề xuất với Bộ Quốc phòng Nga hai phương án cải tiến thành phần của AK-74.

Các phương  án được đề nghị chủ yếu dự kiến lắp các tấm picatinny và những chỗ gia cường để lắp thêm “phụ kiện”.

Đến cuối năm 2012, Bộ Quốc phòng Nga phải đưa ra lựa chọn phương án cải tiến cuối cùng.

Nguyễn Vũ (theo Lenta, ĐVO)
-------------
Iraq là nước đầu tiên nhập khẩu Mi-28NE

Theo báo Shafaq News, chính quyền Iraq có thể ký hợp đồng với tổng trị giá gần 5 tỷ USD mua vũ khí của Nga.

Trong tháng 10/2012, Thủ tướng Iraq Nuri al Maliki sẽ dẫn đầu phái đoàn chính phủ tới thăm Nga. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Malik có thể sẽ ký các hợp đồng vũ khí với "bạn hàng truyền thống" bị bỏ quên này.

Shafaq dẫn nguồn quan chức cấp cao cho biết, hợp đồng này có giá trị đến 5 tỷ USD. Nếu thành công thì đây là hợp đồng mua bán vũ khí đầu tiên giữa Nga và Iraq sau sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein.

“Bộ trưởng Quốc phòng Saadoun al Dulaimi thăm Nga vào tháng 10/2012 để xem xét hợp đồng quân sự với giá trị 5 tỷ USD. Hợp đồng quân sự gồm vệc cung cấp các máy bay Sukhoi, MiG và trực thăng Mi cũng như các loại vũ khí khác", nguồn tin cho biết.

Nguồn tin xác nhận các nguồn tin từ Nga rằng, kế hoạch ký hợp đồng vũ khí lô hàng đầu tiên với Rosoboronexport có giá trị 4,3 tỷ USD.

Theo đó, lô đầu tiên Nga sẽ cung cấp cho phía Iraq các tiêm kích đánh chặn MiG-29M/M2, xe bọc thép, 42 tổ hợp phòng không Pantsir-S1và 30  trực thăng chiến đấu Mi-28NE. Khi đó, Iraq là quốc gia đầu tiên nhập khẩu trực thăng Mi-28NE trên thế giới.

Trong đó, 2 tỷ USD để mua 30 trực thăng chiến đấu Mi-28NE và 2,3 tỷ dành cho việc tậu các tổ hợp phòng không Shell-S1E. Sau đó sẽ ký hợp đồng lô thứ hai về việc cung cấp cho Iraq các máy bay MiG-29M/M2 và xe bọc thép.

Đã có thông tin cho rằng Mỹ sẽ cung cấp cho phía Iraq lô máy bay chiến đấu đầu tiên F-16IQ Fighting Falcon, số máy bay trong lô đầu tiên không được thông báo.

Theo hợp đồng, Iraq sẽ nhận 36 máy bay chiến đấu của Mỹ với giá trị hợp đồng lên đến 5,3 tỷ USD.

Đến nay, Iraq đã mua trang thiết bị quân sự của Mỹ với tổng giá trị lên đến 12 tỷ USD, chủ yếu là xe tăng, xe bọc thép và máy bay chiến đấu, bao gồm cả việc đào tạo, huấn luyện. Ngoài ra, Quân đội Iraq có kế hoạch mua radar và hệ thống phòng không của Mỹ.

Dưới thời của Tổng thống Saddam Hussein, Iraq là một trong những khách hàng lớn của thị trường vũ khí Liên Xô. Kể từ sau năm 2003, Mỹ lại là nhà cung cấp vũ khí và trang bị quân sự hàng đầu cho đất nước này.

Nga trở lại thị trường vũ khí Iraq đã được mở ra nhờ vào các cuộc đấu tranh của các phe phái trong Chính phủ Iraq.

Theo các chuyên gia, dù việc xây dựng quân đội và trang bị vũ khí của Iraq theo mô hình Mỹ, nhưng các vũ khí, trang bị thời Liên Xô vẫn còn lượng lớn với tuổi thọ sử dụng lâu dài.

“Quân đội Iraq đã quen sử dụng các vũ khí Nga, các hợp đồng giữa Iraq và Ukraine về sản xuất hàng loạt các loại vũ khí từ thời Liên Xô đã minh chứng cho điều đó”, Giám đốc TSAMTO Igor Korotchenko cho biết.

Cũng theo ông Korotchenko, động lực chính để ký hợp đồng mua vũ khí của Nga là Iraq mong muốn quân đội sẽ quản lý, xử dụng dễ ràng các vũ khí với độ tin cậy cao.

“Quân đội Iraq là yếu nhất trong khu vực, do đó họ rất cần vũ khí”. Mặt khác, theo các chuyên gia thì Mỹ bán vũ khí cho Iraq ở mức “hết sức hạn chế”, Phó Giám đốc Viện phân tích Chính trị và Quân sự Alexander Karamchikhin nói.

“Rõ ràng, người Mỹ không bao giờ bán vũ khí hiện đại nhất cũng như vũ khí công nghệ cao cho Iraq, vì vậy họ cần mọi thứ”, ông Konstantin Makiyenko cho biết.

Tuy nhiên, ông Igor Korotchenko cho rằng, con số 5 tỷ USD là quá cao, thế nhưng “trong bất kỳ trường hợp nào, ngay với cả một hợp đồng có giá trị 500 triệu USD đã là một thành công lớn” trong bối cảnh chính trị hiện tại.

Hiện nay, Nga là đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ trên thị trường vũ khí thế giới, năm 2011 kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga là 13,2 tỷ USD. Dự tính năm 2012, Nga sẽ thu về 13,6 tỷ USD từ xuất khẩu vũ khí.

Thu Hoài (theo Vz, ĐVO)
--------------
 Quân đội Mỹ đặt mua thêm súng phóng lựu M3

Hãng chế tạo Saab vừa ký hợp đồng với lực lượng lục quân Mỹ cung cấp thêm súng phóng lựu cỡ 84mm M3 Carl Gustav.

Hợp đồng trị giá 31 triệu USD trên là hợp đồng mua súng phóng lựu M3 thứ 2 được lục quân Mỹ ký trong thời gian gần đây.

Tháng 11-2011, lục quân Mỹ và hãng Saab đã ký thỏa thuận cung cấp súng phóng lựu M3 đầu tiên. Trước đó, trong giai đoạn những năm 1980, dòng súng phóng lựu này thường được lực lượng đặc nhiệm Mỹ sử dụng.

Theo nguồn tin từ quân đội Mỹ, M3 Carl Gustav được thiết kế là dòng súng phóng lựu diệt tăng và bộ binh đa nhiệm (MAAWS).

Dòng vũ khí này cần có trong trang bị binh sĩ Mỹ ở Afghanistan để cung cấp hỏa lực chống bộ binh, xe thiết giáp hạng nhẹ bắn thẳng tương tự như tổ hợp súng phóng lựu vác vai RPG-7.

Với tổng trọng lượng súng khoảng 10kg (bao gồm cả kính ngắm hồng ngoại), M3 dài 106 cm. Tốc độ bắn của M3 với kíp xả thủ chuyên nghiệp có thể đạt 4 phát/phút.

Tầm bắn hiệu dụng của M3 đạt 1,7km. Trang bị đạn nổ lõm, M3 rất hiệu quả trong việc tiêu diệt sinh lực hoặc phá hủy xe thiết giáp hạng nhẹ của đối phương (kể cả loại được trang bị giáp phản ứng nổ - ERA). Đạn phản lực tiêu chuẩn của M3 có thể xuyên thủng 500mm thép cán tiêu chuẩn.

Dòng súng phóng lựu M2 (tiền thân của súng M3) được quân đội Thụy Điển phát triển từ những năm 1950 và được trang bị đại trà trong quân đội nhiều nước, trong đó có Đạn Mạch, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.

Hiện tại, hãng Saab vẫn tiếp tục phát triển và nâng cấp súng phóng lựu M3 theo các tiêu chí, yêu cầu của quốc gia khách hàng.
( GDVN)
------------
Trực thăng MV-22 Osprey của Mỹ đã có mặt tại Futenma bất chấp phản đối

 Quân đội Mỹ đã chính thức triển khai máy bay trực thăng vận tải đa năng MV-22 Osprey tại căn cứ quân sự Futenma ở phía nam Okinawa bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của người dân sở tại - hãng Kyodo của Nhật Bản cho hay.

Theo truyền thông Nhật Bản, 6 chiếc trực thăng MV-22 Osprey của Lính thủy đánh bộ Mỹ đã được điều động, cất cánh  từ căn cứ không quân Iwakuni ở Yamaguchi vào sáng nay 1/10.

 Điểm đến của chúng là căn cứ không quân của quân đội Mỹ đóng trên đất Nhật Futenma.

Trước đó, cảnh sát Nhật Bản đã phải điều lực lượng đến giải tán nhiều ô tô của thường dân được huy động để xếp hàng chắn các con đường dẫn đến Futenma để phán đối kế hoạch của chính phủ Nhật Bản khi cho phép quân đội Mỹ triển khai 12 chiếc MV-22 Osprey tại khu vực này.

Một số người dân địa phương của Nhật Bản cho rằng việc quân đội Mỹ đưa máy bay trực thăng đến Futenma sẽ làm đảo lộn cuộc sống của họ do những cỗ máy này có thể tạo tiếng ồn, gây nguy hiểm cho người dân. ( GDVN)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te