Thủ tướng Nhật: Không có tranh chấp chủ quyền ở Senkaku còn Dokdo thì có
Theo quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, vấn đề chủ quyền với quần đảo Senkaku và Dokdo là hai câu chuyện khác nhau.
Sau cuộc cải tổ nội các hôm thứ Hai (1/10), Thủ tướng Nhật tuyên bố đảo Dokdo (phía Nhật gọi là Takashima) là một phần gắn liền lãnh thổ Nhật Bản, nhưng bởi vì thực tế Hàn Quốc đang kiểm soát quần đảo này, cho nên ông có kế hoạch sẽ đơn phương đưa vấn đề chủ quyền với quần đảo này lên Tòa án Công lý Quốc tế.
Trong khi đó, đề cập đến quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông, ông Noda khẳng định không cần phải đưa vấn đề chủ quyền lên tòa án quốc tế khi mà chuỗi đảo này rõ ràng là một phần của lãnh thổ Nhật Bản xét trên cả phương diện lịch sử và pháp lý.
Thủ tướng Noda cho biết Tokyo giữ vững lập trường về vấn đề quần đảo Senkaku nhưng nội các của ông vẫn có kế hoạch dùng các kênh ngoại giao khác nhau để làm dịu tình hình và thu hẹp bất đồng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền.
Đảo Dokdo/Takeshima là nhóm đảo nhỏ nằm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, cách đảo Honshu của Nhật Bản và góc Đông nam bán đảo Triều Tiên thuộc Hàn Quốc khoảng 220km. Hàn Quốc kiểm soát nhóm các đảo này kể từ tháng 7 năm 1954. Từ cuối thế kỷ 20, đảo Dokdo/Takeshima trở thành một điểm nóng trong các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Trong khi đó, Nhật đã kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1895. Tranh chấp với Trung Quốc và Đài Loan xung quanh quần đảo có tên là Điếu Ngư (với Trung Quốc) và Tiaoyutai (với Đài Loan) này chỉ xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước sau khi những nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc cho thấy tiềm năng khí đốt ở gần khu vực này.
Linh Phương (Theo Ariang News, Petrotimes)
----------------
Syria tố cáo một số nước HĐBA hậu thuẫn khủng bố
Theo AFP/AP, ngày 1/10, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã tố cáo một số nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hậu thuẫn "chủ nghĩa khủng bố" tại nước này.
Đây rõ ràng là sự công kích nhằm vào Mỹ và các đồng minh đang ủng hộ phe đối lập tại quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Moallem cho rằng nền hòa bình không chỉ đòi hỏi Syria phải hành động mà còn cần cả Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút, Qatar, Libya và các nước khác ngừng cung cấp vũ khí và tài chính cho phe đối lập.
Theo ông Moallem, những lời kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức là "sự can thiệp trắng trợn" vào công việc nội bộ của Syria.
Ông Moallen cũng kêu gọi tiến tới giải pháp chính trị và đối thoại nhằm thống nhất lộ trình để hướng tới một quốc gia dân chủ hơn.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã có cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem, đang có mặt tại đây để tham dự phiên thảo luận toàn thể của Đại hội đồng khóa 67.
Tại cuộc gặp, ông Ban đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để bày tỏ bức xúc trước sự tàn sát, tàn phá và vi phạm nhân quyền ở Syria.
Ông Ban nói rằng đã 19 tháng trôi qua kể từ khi Syria xảy ra bạo loạn, tình hình của quốc gia Trung Đông này vẫn ngày một xấu hơn, số người vô tội thiệt mạng không hề giảm và số người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn ngày một tăng.
Ông lo ngại trước cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Syria, và sợ rằng nó sẽ lan sang các nước láng giềng do làn sóng người tị nạn đang đổ nhanh tới những quốc gia này.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng yêu cầu Chính phủ Syria phải có ngay các biện pháp để chấm dứt đổ máu, cho rằng chỉ có như vậy mới có thể hy vọng xúc tiến thành công một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Trong một diễn biến liên quan, cũng trong ngày 1/10, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla đã lên tiếng chỉ trích "cuộc xâm lược quân sự" của Mỹ tại Syria, đồng thời cáo buộc các chính phủ phương Tây tìm cách lật đổ chính quyền Damascus.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Parrilla cho rằng sự hậu thuẫn của Mỹ và các chính phủ châu Âu đối với các phiến quân không khác gì "cuộc ngoại xâm quân sự, điều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực Trung Đông."
Ngoài ra, ông Parrilla cũng hoan nghênh việc Nga và Trung Quốc ngăn chặn các biện pháp chống chính quyền Assad tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.
(Vietnam+)
----------------
Mỹ đã biến bán đảo Triều Tiên thành nơi nguy hiểm nhất hành tinh
Chính sách của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên đã biến bán đảo Triều Tiền trở thành một nơi nguy hiểm nhất trên hành tinh này bởi chỉ cần một “tia lửa” có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân ở đây.
Đó là tuyên bố vừa được một quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên đưa ra hôm qua (1/10) tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nằm trong số những người phát biểu cuối cùng trong một cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên vừa được tổ chức tại New York, ông Pak Kil-yon – Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã lên tiếng ngợi ca nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Ông Pak còn cho biết, người dân Triều Tiên đang rất đoàn kết và thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đại tướng trẻ tài ba Kim Jong-un, một người luôn muốn mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc và sự thay đổi cho nhân dân Triều Tiên.
Bên cạnh đó, ông còn phát biểu: “Giờ đây, do chính sách thù đích tiếp diễn của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, sự đối đầu và căng thẳng vẫn đang bao trùm bán đảo Triều Tiên, nơi đã trở thành một điểm nóng nguy hiểm nhất thế giới khi chỉ cần một tia lửa có thể châm ngòi cho một cuộc chiến hạt nhân”.
Nói về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, ông Pak cho biết, nó là một vũ khí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
CHDCND Triều Tiên từ lâu đã biện luận rằng để đối phó với chính sách thù địch của Mỹ, một quốc gia có nhiều căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản, Bình Nhưỡng cần phải có kho vũ khí hạt nhân của riêng mình để phòng vệ.
Hiện CHDCND Triều Tiên đang phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau hai vụ thử hạt nhân vào năm 2006 và năm 2009.
Đan Khanh - (theo AP, VNmedia)
----------------
Đại sứ TQ đòi Nhật từ bỏ quốc hữu hoá đảo Senkaku
Theo mạng tin Yomiuri của Nhật Bản, phát biểu tại buổi lễ mừng quốc khách Trung Quốc do "Tổng hội Hoa kiều Yokohama" tổ chức ngày 1/10, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa tuyên bố Tokyo cần rút lại việc quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Vị đại sứ này khẳng định: "Nhật Bản cần chấm dứt hành vi gây tổn hại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, sửa sai và nỗ lực đưa quan hệ hai nước trở lại quỹ đạo phát triển ổn định và vững chắc".
Trong khi đó, theo mạng tin Sankei, tại cuộc họp đầu tiên của Nội các mới diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ra nghị quyết chỉ rõ phương châm cơ bản của Nội các Nhật Bản là "có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của đất nước trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Tuyên bố trên của ông Noda ám chỉ đến căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và Takeshima/Dokdo trên biển Nhật Bản.
Liên quan đến căng thẳng Nhật-Trung, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Ishige Hiroyuki trong cuộc họp báo cùng ngày cho biết phong trào tẩy chay hàng hoá Nhật ở Trung Quốc đã “gây ảnh hưởng to lớn” đến kinh tế Nhật Bản.
Ông Hiroyuki cũng so sánh phong trào hiện nay với các hành động chống Nhật từng xảy ra trước đây như sự kiện Thủ tướng Junichiro Koizumi thăm đền Yasukuni hồi năm 2005 và vụ va chạm tàu cá Trung Quốc năm 2010./.
(Vietnam+)
--------------
Cựu "Thủ tướng" Đài Loan bất ngờ sang thăm Trung Quốc
Nếu Quốc dân đảng cầm quyền bắt tay với đảng Cộng sản Trung Quốc đối phó với DPP thì e rằng việc DPP trở lại cầm quyền ở Đài Loan sẽ chỉ là chuyện viển vông.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 01/10 đưa tin, cựu "Thủ tướng" Đài Loan Tạ Trường Đình thuộc đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP) đối lập nói rằng ông sẽ thực hiện bước đi đầu tiên trong chính sách của đảng này hướng tới Trung Quốc và xác nhận rằng ông sẽ có chuyến thăm 5 ngày tới Trung Quốc bắt đầu vào hôm thứ Năm tuần này.
Tạ Trường Đình, "Thủ tướng" Đài Loan từ tháng 2/2005 tới tháng 1/2006 dưới thời Trần Thủy Biển và là đối thủ thất bại trước Mã Anh Cửu trong cuộc chạy đua vào vị trí đứng đầu đảo Đài Loan năm 2008 sẽ là thành viên cấp cao nhất của chính quyền DPP trước đây tới thăm Trung Quốc.
Tạ Trường Đình mô tả chuyến thăm sắp tới là một hành trình “tiên phong” và nói rằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường quốc tế, DPP không thể bị gạt ra rìa trong các vấn đề về hai bờ eo biển Đài Loan.
Thời Trần Thủy Biển, DPP theo đuổi chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan khiến quan hệ hai bờ eo biển liên tục căng thẳng. Tuy nhiên, sau khi Mã Anh Cửu thuộc Quốc dân đảng lên nắm quyền, quan hệ hai bờ đã chuyển từ đối đầu sang đối thoại với chính sách thắt chặt hợp tác kinh tế - thương mại hai bờ.
Tạ Trường Đình phát biểu: “Là một đảng phái chính trị, chúng tôi có nghĩa vụ đại diện cho Đài Loan và nói lên quyền của mình. Chúng tôi cũng có trách nhiệm bảo vệ các doanh nhân Đài Loan ở đó. Nếu Quốc dân đảng cầm quyền bắt tay với đảng Cộng sản Trung Quốc đối phó với DPP thì e rằng việc DPP trở lại cầm quyền ở Đài Loan sẽ chỉ là chuyện viển vông.”
Đảng DPP đối lập ở Đài Loan đang xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc sau thất bại trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan hồi tháng 1/2012.
Trong chuyến thăm đến Trung Quốc lần này theo lời mời của Hiệp hội Pha chế rượu Quốc tế, Tạ Trường Đình cho rằng ông sẽ có một “độ trễ” nhất định vì hiện ông không nắm giữ chức vụ nào trong bộ máy chính quyền.
Thứ Năm tuần này ông Tạ Trường Đình sẽ tới Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến tế tổ và sau đó sẽ tới Bắc Kinh vào hôm thứ Sáu.
Trước thông tin về chuyến đi Trung Quốc của ông Tạ Trường Đình, Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền ở Đài Loan đã công khai yêu cầu Chủ tịch DPP Tô Trinh Xương nói rõ quan điểm về chuyến đi này. Đại diện KMT còn yêu cầu ông Xương nói rõ quan điểm của ông về khái niệm “một Trung Quốc lập hiến” của Tạ Trường Đình đối với quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Sau năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy sang đảo Đài Loan và vẫn duy trì chính thể Trung Hoa dân quốc, tồn tại song song với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở đại lục, tên tiếng Anh của cả hai bên đều là China. Sau này, hai bờ eo biển Đài Loan đã đạt được nhận thức chung về nguyên tắc "một Trung Quốc" năm 1992.
Tuy nhiên mỗi bên lý giải nguyên tắc này một kiểu, phía Đài Loan cho rằng "một nước Trung Quốc" chỉ Trung Hoa dân quốc, tức chính thể tại Đài Loan trong khi Bắc Kinh khẳng định, "một nước Trung Quốc" chỉ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tức Trung Quốc đại lục.
Về phần mình, đại diện DPP cho rằng chính sách đối với Trung Quốc của đảng này rất rõ ràng. Đó là chính sách ủng hộ chủ quyền và nhân nhượng lẫn nhau đồng thời duy trì quan hệ thương mại đôi bờ eo biển Đài Loan, không để Đài Loan quá tách biệt với thị trường Trung Quốc.
Bảo Thành (Nguồn: CNA, GDVN)
-----------------
ASEAN-Trung Quốc họp về Biển Đông tại Thái Lan
Truyền thông Thái Lan ngày 1/10 đưa tin nước này sẽ chủ trì một phiên họp hẹp của các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc trong tháng này.
Dự kiến vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại phiên họp.
Việc tổ chức cuộc gặp trên đã được các ngoại trưởng ASEAN nhất trí tại Hội nghị không chính thức cấp bộ trưởng ASEAN bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc bởi Thái Lan hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể của phiên họp này vẫn đang được các bên thương lượng.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, nước này còn dự kiến tổ chức một Hội nghị quốc tế về quản lý nguồn nước, trong đó sẽ mời các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng như Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Trung Quốc.
Dự kiến các vấn đề liên quan tới hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh lương thực và an ninh đường thủy trên sông Mekong sẽ là chủ đề thảo luận./.
(Vietnam+)
-----------------
Thủ tướng Nhật Bản: "Không có thỏa hiệp về Senkaku"
(VOV) - Thủ tướng Noda cho rằng quần đảo Senkaku là một phần không thể thiếu của lãnh thổ Nhật Bản cả về mặt quốc tế và lịch sử.
Phát biểu tại buổi họp báo vào ngày 1/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết, Nhật Bản không có ý định sử dụng Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) để giải quyết căng thẳng với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên biển Hoa Đông.
Thủ tướng Noda cho biết: "Quần đảo Senkaku là một phần không thể thiếu của lãnh thổ Nhật Bản cả về mặt quốc tế và lịch sử. Điều này rất rõ ràng, không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào ở đây. Tuy nhiên, trong quan hệ song phương với Trung Quốc, chúng tôi sẽ không để vấn đề này làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên. Do vậy chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề một cách bình tĩnh”.
Quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) vào tháng trước./.
Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
-----------
Đảng đối lập Đài Loan cải thiện quan hệ với Bắc Kinh
PNO – Cựu thủ tướng Đài Loan (TQ) Frank Hsieh hôm 1/10 công bố kế hoạch thăm Bắc Kinh, chuyến đi này sẽ khiến ông trở thành chính trị gia cao cấp nhất từ đảng đối lập đến thăm TQ đại lục.
Chuyến thăm được truyền thông địa phương mô tả là "làm ấm quan hệ" diễn ra trong bối cảnh nội bộ đảng tranh cãi về việc thay đổi chính sách đối với TQ.
Ông Hsieh, nguyên Thủ tướng Đài Loan giai đoạn từ năm 2005 đến 2006 và vẫn giữ ảnh hưởng lớn trong Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), nói với báo giới rằng ông sẽ bắt đầu chuyến công du vào ngày 4/10 sắp tới.
"Mục đích của chuyến đi là nhằm xây dựng sự tin cậy lẫn nhau", ông Hsieh nói nhưng không cho biết liệu ông có gặp các quan chức chính phủ TQ trong chuyến thăm kéo dài năm ngày này hay không.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Hsieh sẽ là thành phố Hạ Môn duyên hải đông nam TQ, tiếp theo là một chuyến thăm đảo Đông Sơn gần đó, nơi tổ tiên của ông Hsieh sống trước khi di cư sang Đài Loan. Sau đó, ông đến Bắc Kinh, nơi ông có kế hoạch thăm sân vận động Olympic và tham dự một cuộc thi cocktail quốc tế với tư cách khách mời của Hiệp hội bartender quốc tế.
Tháng 1/2012, cử tri Đài Loan đã bầu lại ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng làm tổng thống, thể hiện sự ủng hộ các chính sách thân thiện với Bắc Kinh ông Mã theo đuổi kể từ khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ nhất năm 2008.
Kể từ đó, các thành viên hàng đầu DPP đã tranh luận về sự cần thiết phải thay đổi chính sách đối với TQ của đảng – một động thái phản ánh sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với khu vực và thế giới. "DPP phải đối mặt với thực tế về sự trỗi dậy của TQ. Nếu DPP không chịu thay đổi lập trường của mình và để cho Quốc Dân Đảng có cơ hội hợp tác sâu rộng với TQ đại lục, tôi lo ngại rằng DPP sẽ không bao giờ có thể nắm quyền trở lại", ông Hsieh nói.
Ông Hsu Yung-ming, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Soochow Đài Bắc, nói với AFP rằng "mặc dù các quan chức trong đảng DPP lúc này chưa quyết định điều chỉnh chính sách với TQ, thì kết quả của chuyến thăm đại lục của ông Hsieh có thể được sử dụng như một tham khảo quan trọng trong tương lai".
Trước năm 2008, quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh luôn trong tình trạng căng thẳng do Tổng thống Trần Thủy Biển của DPP liên tục công kích Bắc Kinh.
THANH HIỀN (Theo AFP, PNO)
---------------
Bộ trưởng tài chính G-8 họp bàn về Mùa Xuân Arập
Theo Kyodo, các nguồn thạo tin ngày 1/10 cho hay các bộ trưởng tài chính Nhóm tám nền kinh tế phát triển (G-8) sẽ nhóm họp tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 12/10 để bàn biện pháp hỗ trợ các phong trào dân chủ Mùa Xuân Arập ở Trung Đông.
Theo các nguồn tin trên, cuộc họp sẽ được tổ chức bên lề các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra tại Tokyo từ ngày 9-14/10.
Tại hội nghị Tokyo, các bộ trưởng tài chính G-8 cũng sẽ thảo luận các bước gây quỹ cần thiết ủng hộ tiến trình dân chủ hóa của khu vực trên và Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch cung cấp tài chính.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Deauville (Pháp) hồi tháng 5/2011, các nước G-8 đã bày tỏ ủng hộ các phong trào dân chủ ở Trung Đông và cam kết tạo ra khuôn khổ hỗ trợ kinh tế.
Họ cũng cam kết phối hợp với WB và các thể chế tài chính khác để hỗ trợ về tài chính./.
(Vietnam+)
-------------------
Trung Quốc định lập mạng viễn thông ở Hoàng Sa, Trường Sa
Báo chí Đài Loan vừa qua đã đồng loạt đưa tin Trung Quốc chuẩn bị xây dựng mạng lưới viễn thông trên các hòn đảo ở biển Đông, trong đó có những đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các trang báo của Đài Loan như Taiwan News, Focustaiwan cho biết mạng lưới viễn thông này sẽ do cơ quan viễn thông của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đảm nhận. Nó sẽ bao gồm 51 trạm thu phát sóng di động (BTS) trên các đảo, 104 trạm BTS trên các thuyền và 8 cáp ngầm dưới biển.
Nếu hoàn thành, mạng lưới này sẽ bao phủ tất cả các hòn đảo ở vùng biển Đông, bao gồm cả các đảo thuộc Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) của Việt Nam, và cả hòn đảo Scarborough Shoal – một lãnh thổ đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines. Việc Trung Quốc xây dựng mạng viễn thông ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này.
Liên quan đến vấn đề này, trang Gmanetwork của Philippine đưa tin Tổng thống Philippine Benigno Aquino III đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch này của Trung Quốc, và ký một sắc lệnh hành chính tuyên bố một số hòn đảo ở đây là thuộc chủ quyền của Philippines.
Hiện nay, 3 công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China United Telecom đang quản lý mạng lưới viễn thông bao phủ toàn bộ 70 km đường bờ biển của tỉnh Hải Nam và một số hòn đảo khác.
Nguồn: ICTnews/Tổng hợp
---------------------
Nhật Bản muốn đối thoại với Trung Quốc về tranh chấp đảo
(VOV) - Thủ tướng Nhật cho rằng, điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để làm dịu căng thẳng giữa hai nước.
Ngày 1/10, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã công bố danh sách nội các mới trong đợt cải tổ mạnh mẽ.
Phát biểu nhân đợt cải tổ lần này, Thủ tướng Noda bày tỏ Nhật Bản và Trung Quốc sẽ triển khai các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề tranh chấp đối với chủ quyền quần đảo Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ông Noda nêu rõ: “Trung Quốc có lý lẽ của riêng họ trong vấn đề này. Nhưng điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để làm dịu căng thẳng hiện nay giữa hai nước thông qua kênh đối thoại”.
Trong đợt cải tổ nội các lần này trong Chính phủ Nhật Bản có 10 vị trí thay đổi và 8 vị trí trong nội các cũ được giữ tại nhiệm. Đây là lần thứ ba Thủ tướng Noda cải tổ nội các kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 9/2011.
Trong số các gương mặt tiếp tục lưu nhiệm có Ngoại trưởng Koichiro Gemba và Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto... Những vị trí được giữ lại trong nội các mới trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa có dấu hiệu lắng dịu liên quan tranh chấp chủ quyền đảo./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
------------------
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông
Theo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-Moon đã nhắc lại lời kêu gọi giải quyết tranh chấp hòa bình ở Biển Đông với các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á.
Các quan chức Ngoại giao hàng đầu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại Khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc – nơi chính phủ Philippines dự định đưa tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lên bàn nghị thảo.
Trong cuộc họp tại trụ sở LHQ ở New York, ông Ban Ki-moon đã bày tỏ hy vọng các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ trong khu vực “sẽ được giải quyết một cách hòa bình”, ông del Rosario cho biết.
Theo Ngoại trưởng del Rosario, cuộc họp giữa các nhà ngoại giao cấp cao ASEAN và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã “những mối quan tâm trọng điểm nổi bật toàn cầu và khu vực về giải quyết hòa bình các tranh chấp và tầm quan trọng của các tổ chức khu vực và ngoại giao đa phương mà Philippines đề cao”.
Trước đó, trong cuộc họp riêng với Ngoại trưởng Philippines, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Vuk Jeremic đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới “các sáng kiến của Philippines tại LHQ trong giải quyết hòa bình các tranh chấp.”
Ngoại trưởng del Rosario đã hoan nghênh tuyên bố của ông Jeremic và nói rằng “điều này sẽ thu hút sự quan tâm hơn nữa tới trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường hòa bình được quy định trong Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.”
Ông del Rosario coi chủ đề “Điều chỉnh hoặc giải quyết tranh chấp và xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình” của ông Jeremic trong phiên họp thứ 67 Đại hội đồng LHQ phản ánh “ý thức nhạy bén về các vấn đề trọng yếu của thế giới ngày nay” và tạo cơ hội để các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình tại LHQ.
Linh Phương (Theo GMA News, Petrotimes)
--------------------
Ngày 6/11/2012 là ngày rất quan trọng đối với kinh tế thế giới
(VEN) - Ở Mỹ sắp đến ngày bầu cử - và không chỉ chính sách tài chính của Mỹ phụ thuộc vào cuộc bầu cử của người Mỹ mà còn cả nền kinh tế thế giới nói chung. Trong trường hợp ông Barack Obama tái đắc cử, theo báo Die Presse của Áo đăng bài của Michael Boskin, Mỹ có thể lựa chọn mô hình phát triển nhà nước xã hội kiểu châu Âu. Ứng cử viên Romney của đảng Cộng hòa, người dường như trong tay có cả Thượng viện, sẽ bằng mọi giá chống lại sự lựa chọn đó.
Kế hoạch chi tiêu của chính phủ của ông Obama đánh bại kế hoạch của Romney, người chủ trương giảm chi tiêu cho các dự án xã hội từ 24 xuống 20%. Ông Obama dự định sẽ chi tiêu ngân sách nhiều hơn trong thời gian bắt đầu nhiệm kỳ mới cho các chương trình như giáo dục và hạ tầng. Khác với Romney chủ trương giữ mức chi tiêu cho quốc phòng là 4% GDP, ông Obama cắt giảm mạnh ngân sách dành cho quốc phòng.
Chính sách thuế của ông Obama tiếp tục đánh vào túi của những công dân và doanh nghiệp giàu có: “Nếu thắng cử, ông Obama sẽ tăng thuế thu nhập, thuế lợi tức, lãi cổ phiếu, cổ tức và bất động sản. Romney sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 25%, như thế sẽ làm cho các công ty Mỹ có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới.
Tác giả bài báo cho rằng, chính sách thuế của Obama sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách nhiều hơn, tương lai sẽ tác động tiêu cực tới mức đóng thuế của công dân và doanh nghiệp . Nếu Romney trở thành tổng thống, nợ công của Mỹ dự doán không tăng đáng kể.
Chính sách của ông Obama sẽ làm thâm hụt nhiều lên và hạn mức nợ sẽ vượt GDP hơn 100%, như vậy sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 30%. Khi đó, Mỹ buộc phải đối mặt với khủng hoảng tài chính trong nước. Điều này cũng được nhiều nghiên cứu dự đoán.
Theo Michael Boskin, thâm hụt ngân sách cao dưới thời Obama có nghĩa là Mỹ phải cần đến dòng vốn từ châu Âu, Mỹ Latinh và châu Á. Ông lo ngại rằng, thuế cao và nợ nhiều sẽ làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, và trên thực tế, Obama sẽ hướng kinh tế Mỹ theo mô hình nhà nước xã hội của châu Âu.
Michael Boskin kết luận, dù kết quả bầu cử thế nào đi nữa, thì cuối năm 2012 “vách đá tài chính” cũng sẽ chờ đợi nước Mỹ. Nếu những đạo luật đó không được sửa đổi, thì người Mỹ sẽ được mục kích tình trạng thuế tăng mạnh và chi tiêu chính phủ giảm đi. Trong bối cảnh bất ổn trên thị trường tài chính châu Âu và tăng trưởng kinh tế giảm ở Trung Quốc, thì nền kinh tế Mỹ trì trệ hay suy thoái sẽ là cú đấm cuối cùng. Chỉ có năng lực quản lí mạnh của tổng thống tương lai của nước Mỹ, mới trở thành yếu tố ngăn chặn sự phát triển các vấn đề./.
ML (inopressa.ru, VEN)
----------------
Tháng 9 đẫm máu tại Iraq trong hai năm qua
Các số liệu chính thức công bố ngày 1/10 cho thấy tháng 9 vừa qua là tháng đẫm máu nhất ở Iraq (Irắc) trong vòng hai năm trở lại đây, với 365 người bị thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra trên toàn quốc.
Theo giới chức Iraq, lực lượng nổi dậy hiện nay được cho là yếu thế hơn so với thời kỳ bạo lực tồi tệ 2006-2007, nhưng chúng vẫn đủ khả năng thực hiện các vụ tấn công gây nhiều thương vong trên khắp đất nước. Số liệu tổng hợp từ các bộ y tế, nội vụ và quốc phòng cho thấy 182 dân thường, 88 cảnh sát và 95 binh sĩ quân đội đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra trong tháng 9. Bên cạnh đó là 683 người bị thương - bao gồm 453 dân thường, 110 cảnh sát và 120 binh sĩ quân đội. Đây là con số thương vong cao nhất kể từ tháng 8/2010, khi các vụ bạo lực xảy ra trong thời gian đó làm 426 người chết và 838 người bị thương.
Làn sóng bạo lực đẫm máu nhất trong tháng 9 xảy ra trong hai ngày 8 và 9 với hơn 30 vụ tấn công trên toàn quốc, cướp đi sinh mạng 88 người và làm bị thương hơn 400 người. Ngày 30 là ngày đẫm máu thứ hai trong tháng 9 với ít nhất 33 người thiệt mạng và 106 người bị thương trong các vụ tấn công xảy ra ở cả thủ đô Bátđa và các khu vực lân cận như Taji, Madain và Tarmiyah. Các vụ tấn công còn xảy ra ở cả Kut, Mosul, Kirkuk và Baquba.
Tháng 9 cũng là tháng xảy ra vụ cướp ngục táo tợn tại thành phố Tikrit, trong đó 102 tù nhân, bao gồm cả 47 phần tử khủng bố Al-Qaeda bị kết án tử hình, đã trốn thoát.
TTXVN/Tin tức
-------------
Công ty Trung Quốc kiện Tổng thống Obama
Công ty năng lượng gió Ralls ở Mỹ, do hai người Trung Quốc làm chủ, cho biết sẽ kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama vì ông đã cấm công ty này xây dựng cánh đồng tuốcbin gió gần một khu vực thử nghiệm của hải quân Mỹ tại Oregon.
Theo công ty Ralls, lệnh cấm của ông Obama là vi hiến về quyền sở hữu tài sản và quy trình pháp lý.
Công ty đang tìm cách lật ngược lại lệnh cấm trên hoặc đòi bồi thường thiệt hại. Công ty cho rằng ông Obama đã lạm quyền khi ngăn cản dự án mà không đưa ra lời giải thích cụ thể.
Một người biết rõ vụ việc nói: “Tổng thống không thể ở trên luật pháp ngay cả khi vì an ninh quốc gia”.
Vụ việc là dấu hiệu mới nhất cho thấy những vấn đề căng thẳng xung quanh việc Mỹ mở cửa cho Trung Quốc đầu tư.
Trước đó, chưa ai từng kiện tổng thống Mỹ về những vấn đề tương tự. Đây cũng là lần đầu tổng thống Mỹ cấm một dự án đầu tư kể từ năm 1990.
Chiều ngày 28/9, ông Obama đã ra lệnh buộc công ty Ralls phải bán 4 khu vực cánh đồng tuốcbin gió ở Oregon trong vòng 90 ngày và dọn toàn bộ trang thiết bị cùng cơ sở vật chất khỏi khu vực trong vòng 14 ngày.
Tổng thống Obama cũng đòi quyền thẩm vấn nhân viên, cố vấn của công ty Ralls để kiểm tra tài liệu và dữ liệu máy tính của công ty ở Mỹ nhằm đảm bảo lệnh trên được thi hành đầy đủ.
Thông báo của tổng thống có đoạn: “Có bằng chứng đáng tin rằng công ty Ralls có thể có hành động đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ”.
Trước đó, Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ, một cơ quan liên bộ do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner làm chủ tịch, đã đề nghị công ty Ralls ngừng dự án và ngăn công ty này bán khu vực dự án mà không được Mỹ chấp thuận.
Các luật sư cho rằng công ty Ralls sẽ đối mặt với một vụ kiện khó khăn vì tòa án thường ngần ngại đưa ra phán quyến về quyết định liên quan đến an ninh quốc gia của tổng thống
Thùy Dương// Tin Tức
---------------
Tổng thống Obama sẽ đến Campuchia tháng sau
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Tổng thống Barack Obama sẽ có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở thủ đô Phnôm Pênh vào tháng tới.
Theo một thông cáo báo chí trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ, một quan chức nói tại New York vào ngày 27/9 đã xác nhận kế hoạch của ông Obama tham dự cuộc họp thượng đỉnh ở Phnôm Pênh. Đề cập đến cuộc họp của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào ngày 27/9 với các ngoại trưởng ASEAN, quan chức trên nói rằng sự kiện này là một trong những cơ hội “chuẩn bị cho chuyến thăm Campuchia của tổng thống đến Campuchia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á”.
Diễn đàn Đông Á thường niên, gồm tất cả các lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước trong khu vực, gồm cả Mỹ và Trung Quốc, dự định được tổ chức từ ngày 18-20/11/2012.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Phnôm Pênh cho đến cuối tuần qua vẫn chưa khẳng định sự có mặt của ông Obama tại Phnôm Pênh vào tháng tới. Đại sứ quán họ chưa “chờ đợi” Tổng thống Mỹ sẽ có mặt tại cuộc họp thượng định Đông Á.
TTXVN/Tin tức
-------------
Nhật Bản sắp xếp lại Nội các nhằm giảm căng thẳng Hoa Đông
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ sắp xếp lại nhân sự Nội các với mục đích làm hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp biển đảo đang leo thang với Trung Quốc.
Tờ Bangkok Post xuất bản tại Thái Lan ngày 01/10 đưa tin, hôm nay Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ sắp xếp lại nhân sự Nội các với mục đích làm hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp biển đảo đang leo thang với Trung Quốc.
Các nhà bình luận chính trị cho rằng ngoài mục đích xoa dịu căng thẳng ngoại giao, động thái tái sắp xếp nhân sự này của ông Noda còn nhằm cứu vãn uy tín cá nhân và củng cố lại chính phủ sau cuộc đấu tranh nhằm thông qua luật thuế.
Theo Nhật báo Asahi Shimbun, Thủ tướng Noda có thể sẽ bổ nhiệm một nhân vật thân Bắc Kinh là bà Makiko Tanaka giữ một vị trí mới trong Nội các.
Bà Tanaka, con gái của cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka, người đã thực hiện bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc 40 năm trước đây là người có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, quốc gia vốn đang hiềm khích với Nhật Bản về vấn đề chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku.
Theo báo Asahi, việc ông Noda xem xét bổ nhiệm bà Tanaka vào một ghế Bộ trưởng là tín hiệu cho Bắc Kinh thấy rằng Tokyo đang mong muốn vãn hồi quan hệ giữa hai nước.
Có khả năng ông Noda vẫn sẽ giữ nguyên vị trí của Ngoại trưởng Koichiro Gemba và người đứng đầu lực lượng vũ trang Satoshi Morimoto để đảm bảo tính liên tục trong vấn đề tranh chấp nhóm đảo Senkaku với Trung Quốc.
Ông Noda hiện đang chịu sức ép tổ chức một cuộc bầu cử trong năm nay sau khi ông đưa ra lời hứa với đảng đối lập rằng sẽ giải tán nghị viện “trong thời gian sớm” để đổi lấy sự ủng hộ cho đề xuất tăng thuế.
Số liệu thăm dò cho thấy đảng của ông Noda hiện đang lép vế trước đảng Dân chủ Tự do đối lập trong cuộc bầu cử quốc gia tới đây. Đảng đối lập Dân chủ Tự do đã lựa chọn cựu Thủ tướng Shinzo Abe làm Chủ tịch đảng tham gia tranh cử để có thể giành được chiếc ghế Thủ tướng một lần nữa.
Bảo Thành (Nguồn: Bangkok Post, GDVN)