Vì muốn tranh giành thị trường điện hạt nhân với chính một tập đoàn khác của Pháp, Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) đã vi phạm các nguyên tắc “bí mật công nghiệp hạt nhân” khi quyết định rao bán cho Trung Quốc nhiều kỹ thuật công nghệ hạt nhân mũi nhọn. Hành động “cõng rắn cắn gà nhà” này đang bị truyền thông Pháp tố cáo.
Tài liệu mật mà Le Nouvel Observateur có trong tay để tố cáo mối quan hệ nguy hiểm giữa EDF và Trung Quốc
Tờ tuần san Le Nouvel Observateur (của Pháp số ra tuần từ ngày 27/9 đến 3/10) đã đăng tải nguyên 1/4 tờ báo loạt phóng sự điều tra đặc biệt với tiêu đề: “EDF – Trung Quốc: Mối quan hệ nguy hiểm”. Theo nội dung của bản tài liệu mật mà Le Nouvel Observateur đang nắm giữ trong tay, những khoản chuyển nhượng ký kết giữa tập đoàn điện lực quốc gia Pháp và Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông (CGNPC) có tầm quan trọng rất lớn.
Theo đó, CGNPC có khả năng trở thành nhà cung cấp các “linh kiện lớn”, cũng như là các thiết bị có tính chất chiến lược như lò hơi hay các hệ thống điều khiển, “bảo trì” hay thiết kế tổng hợp … cho EDF, những lĩnh vực chủ chốt của ngành công nghiệp Pháp.
Theo điều tra của tờ tuần báo này, sự việc bắt đầu vào năm 2007. Khi đó, Areva (Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Pháp) quyết đinh liên kết với tập đoàn hạt nhân Mitsubishi (Nhật) để thiết kế một lò phản ứng hạt nhân có công suất 1000 MW, tên gọi là Atmea. Trong dự án này, không có phần tham gia của EDF.
Bên cạnh đó, thị trường điện hạt nhân tại Trung Quốc lại đang nở rộ. Bắc Kinh dự tính trong tương lai cần đến 200 lò phản ứng hạt nhân cỡ trung trong vòng 15 năm. Mà mỗi lò hạt nhân như thế trị giá ít nhất hơn 3 tỷ euro. Do vậy, EDF không có dự định để Areva độc chiếm thị trường béo bở đến như thế.
Thế là, vào tháng 4/2010, EDF đã ký kết với CGNPC “một thỏa thuận hợp tác chung” nhằm thiết kế một mô hình mới dựa theo kiểu mẫu CPR 1000 của Trung Quốc để cạnh tranh với Atmea, kiểu lò hạt nhân do Areva và Mitsubishi cùng xây dựng. Đối với CGNPC, đây là một cơ hội tốt để độc chiếm quyền sở hữu trí tuệ cho kiểu lò hạt nhân này, vốn được CGNPC phát triển vào những năm 1980, từ công nghệ của Areva, nhưng lại không được quyền xuất khẩu công nghệ. Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông còn làm cho EDF hoa cả mắt, khi nói rằng có thể cùng nhau tham gia các đấu thầu ở nước ngoài, nhất là tại Nam Phi.
Điều đáng nói là sau khi có sự can thiệp của Tổng thống tiền nhiệm Pháp, ông Nicolas Sarkozy, vào tháng 2/2011, những tưởng là Ban thanh tra năng lượng hạt nhân đã có thể hòa hợp được EDF và Areva, để có thể cùng với CGNPC thiết kế lò hạt nhân 1000 MW. Nhưng trên thực tế, EDF vẫn ngầm thương lượng song phương với CGNPC mà không thông qua CEA (Cơ quan nghiên cứu năng lượng hạt nhân và năng lượng thay thế-một tổ chức công) cũng như là Areva.
Một lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng tại Trung Quốc tháng 4/2010
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, thì rõ ràng “đây là một sự phản bội”. “Một người Pháp - ở đây lại là Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp EDF – lại sẵn sàng giúp một tập đoàn quốc gia Trung Quốc – CGNPC – đến cạnh tranh với với một tập đoàn Pháp khác – Areva ngay trên chính thị trường nội địa của mình”.
Quả thật, theo nội dung bản “thỏa thuận khung” thứ hai, EDF và CGNPC sẽ hợp tác thiết kế một lò hạt nhân 1000 MW đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn tốt nhất. Điều kỳ lạ là EDF sẽ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ của tâm lò hạt nhân cho đối tác Trung Quốc. Bên cạnh đó, EDF còn cam kết mở cho CGNPC xem tài liệu và các cơ sở dữ liệu về cách khai thác các trung tâm hạt nhân của mình hiện nay. Cuối cùng là EDF tuyên bố sẵn sàng chia sẻ với Trung Quốc các nghiên cứu của mình trong lĩnh vực “các phần mềm tin học được phân loại”.
Giờ đây, chính Thủ tướng Pháp đang phải đích thân xử lý vụ việc cùng với sự tham gia của 8 vị Bộ trưởng (Năng lượng, Kinh tế, Công nghiệp, Ngoại giao, Quốc phòng…)
S.Phương (Tổng hợp)
Theo Petrotimes