TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Giải pháp nào cho quần đảo Senkaku/Điếu Ngư?

Vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng trở nên căng thẳng.

Liên tiếp trong những ngày qua, Nhật và Trung Quốc (TQ) chĩa mũi dùi vào nhau tại hội nghị thường niên Đại hội đồng LHQ đang diễn ra ở New York (Mỹ).

Báo chí quốc tế nhận định vấn đề cấp bách bây giờ là hai nước phải kiềm chế và tìm giải pháp khả dĩ duy trì ổn định và hòa bình ở quần đảo tranh chấp, tránh đẩy hai bên lún sâu vào tranh chấp hay gia tăng các biện pháp trả đũa thương mại, đe dọa đến kinh tế châu Á.

Trả lời đài truyền hình CNBC (Mỹ) ngày 28-9 (giờ địa phương), nguyên Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã gợi ý trước mắt TQ và Nhật có thể hợp tác thăm dò và chia sẻ tài nguyên ở quần đảo tranh chấp. Ông giải thích đây là giải pháp “câu giờ” vào thời điểm này và vấn đề chủ quyền ở quần đảo có thể để lại cho các thế hệ lãnh đạo sau này của hai nước giải quyết.

Trang tin Japanupdate.com dẫn lời thị trưởng TP Osaka (Nhật) Toru Hashimoto tuyên bố ông phản đối phái bảo thủ ở Nhật kêu gọi đưa quân đội trú đóng ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông cho rằng Nhật và TQ nên giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao và luật pháp quốc tế.

Báo Asahi Shimbun (Nhật) ngày 28-9 đã đăng bài xã luận đề xuất Nhật và TQ nên đưa vấn đề tranh chấp ra giải quyết ở Tòa án Công lý Quốc tế.

Bài viết nhận định phát biểu của thủ tướng Nhật tại Đại hội đồng LHQ hôm 26-9 hàm chứa ẩn ý rằng dù tồn tại những vấn đề khó nhượng bộ do chủ nghĩa dân tộc của mỗi nước, Nhật vẫn sẵn sàng tìm giải pháp dựa trên luật pháp quốc tế nếu TQ đồng ý ra phân xử ở Tòa án Công lý Quốc tế. Do biện pháp giải quyết ở tòa án trên mất nhiều năm và có thể không dàn xếp được, bài viết đã đề nghị hai nước nên nỗ lực đàm phán ngoại giao trước đã.

Cũng trên báo Asahi Shimbun, nhà văn Nhật Haruki Murakami (tác giả tiểu thuyết Rừng Na Uy) đã lên tiếng kêu gọi các nhà chính trị Nhật và TQ tránh kích động chủ nghĩa dân tộc bởi như vậy chỉ làm cho tình hình trở nên bế tắc.

Ông ghi nhận: “Vấn đề tranh chấp lãnh thổ xen vào tình cảm dân tộc sẽ tạo ra tình thế nguy hiểm không lối thoát. Nó giống như thứ rượu rẻ tiền sẽ làm bạn say chỉ sau vài ngụm và khiến bạn kích động. Nó sẽ khiến bạn nói lớn tiếng hơn và hành động cục cằn. Tuy nhiên, sau cơn say cuồng loạn, bạn sẽ chẳng còn gì ngoài cơn đau đầu khủng khiếp vào hôm sau”.

THẠCH ANH

Theo PLTPHCM

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te