Philippines đăng cai diễn đàn hàng hải quốc tế
Thủ đô Manila của Philippines sẽ là điểm đến của các đại biểu tới từ ASEAN, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và nhiều nước khác trong một diễn đàn mở rộng để bàn về các vấn đề hàng hải khu vực.
Phil Star dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng (EAMF) lần thứ nhất cùng với Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF) lần thứ ba tại Manila sẽ mang lại cơ hội để trao đổi về hợp tác đa phương trong các vấn đề hàng hải khu vực. AMF là diễn đàn chính để trao đổi về các vấn đề hàng hải chung tại khu vực ASEAN, tương ứng với mục tiêu thúc đẩy hợp tác hàng hải trong Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN.
Hai diễn đàn hàng hải sẽ diễn ra từ ngày 3 tới 5/10 theo các định hướng từ Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 6 tại Indonesia tháng 11/2011. Khi đó, các lãnh đạo Đông Á đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác hàng hải, bao gồm các vấn đề như chống cướp biển, tìm kiếm trên biển, môi trường hải dương, an ninh hàng hải, kết nối hàng hải, tự do hàng hải, nghề cá và các lĩnh vực hợp tác khác.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, đây sẽ là lần đầu tiên các vấn đề nói trên được đưa ra trao đổi giữa 18 thành viên của EAS, gồm 10 quốc gia ASEAN cùng Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
Mỹ bày tỏ kỳ vọng đối với các diễn đàn sắp diễn ra tại Philippines. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: "Tất cả các thành viên EAS đều được mời tới để có những cuộc trao đổi sâu về cách cải thiện an toàn cho các tuyến đường biển ở khu vực, chống cướp biển, bảo vệ môi trường. Chúng ta cũng được khích lệ bởi cuộc đối thoại không chính thức mới đây giữa ASEAN và Trung Quốc, khi tất cả cùng làm việc để hướng tới một bộ quy tắc ứng xử toàn diện cho Biển Đông, như một phương pháp để ngăn chặn căng thẳng tại khu vực này trong tương lai".
Nhật Nam// VNex
------------
Pháp: 50.000 người biểu tình phản đối Hiệp ước tài chính EU
Hãng AFP ngày 1-10 đưa tin, 50.000 người Pháp thuộc phe cánh tả đã xuống đường ở trung tâm thủ đô Paris biểu tình phản đối Hiệp ước tài chính của Liên minh châu Âu (EU) buộc chính phủ các nước thành viên thực hiện những biện pháp tài chính hà khắc để hạn chế thâm hụt ngân sách.
Các nhà tổ chức cho biết họ phát động cuộc biểu tình nhằm phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” do EU áp đặt, chứ không nhằm chỉ trích chính quyền của Tổng thống Francois Hollande.
Cuộc biểu tình diễn ra nhằm gây sức ép với Quốc hội Pháp trước thời điểm xem xét hiệp ước về ngân sách của châu Âu. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 10, hai viện Quốc hội Pháp sẽ phải thông qua hiệp ước nói trên. Hiệp ước này được các nhà lãnh đạo EU nhất trí hồi tháng 3-2012, yêu cầu các nước đã tham gia ký kết đưa vào Hiến pháp “quy tắc vàng”-cam kết giữ mức thâm hụt cơ cấu ngân sách không quá 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), coi đây là biện pháp cần thiết bắt buộc để tránh và khắc phục cuộc khủng hoảng nợ công đang có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu.
Trước đó, Chính phủ Pháp đã công bố gói biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ nhất từ trước tới nay trong ngân sách năm 2013 nhằm bù đắp khoản thâm hụt gần 37 tỷ euro.
P.NAM// SGGP
----------------
7.500 quan chức Mỹ bị tố 'làm tay sai' cho Israel
Luật sư quốc tế Franklin Lamb tiết lộ, trong khi Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) xem Israel là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích của Mỹ thì 7.500 quan chức nước này lại đang “phụng mệnh” Israel, đáp ứng các lợi ích cho Tel Aviv.
PressTV dẫn lời ông Franklin Lamb cho hay, một công trình nghiên cứu do Cộng đồng tình báo Mỹ (IC) chỉ đạo vào đầu năm nay kết luận, lợi ích quốc gia của cường quốc số 1 thế giới tỷ lệ nghịch với các lợi ích của Nhà nước Do Thái.
“Đó là một báo cáo dài 82 trang có tựa đề: "Các bước chuẩn bị cho Trung Đông thời hậu Israel, trong đó có kết luận Israel hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quốc gia của Mỹ”, ông Lamb nhấn mạnh.
Ngoài ra, báo cáo của IC còn chỉ rõ rằng, Israel đang can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ thông qua các gián điệp và hợp đồng chuyển giao vũ khí Mỹ bất hợp pháp. "Nó bao gồm việc hỗ trợ hơn 60 tổ chức và khoảng 7.500 quan chức Mỹ. Những quan chức này đang phụng sự Israel. Tel Aviv cũng đang tìm cách thống trị và hăm dọa các phương tiện truyền thông và các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ. Điều này không thể chấp nhận được nữa", ông Lamb cho biết thêm.
Cũng theo kết quả của cuộc nghiên cứu, IC tin rằng, giới lãnh đạo Israel, với việc ủng hộ ngày càng mạnh mẽ khoảng 70.000 người định cư bất hợp ở Bờ Tây “đang ngày càng thách thức các thực tế chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Đông”. Báo cáo của IC còn lập luận, chính sách hiếu chiến, chiếm đóng cực đoan hiện thời của Tel Aviv là "không khác gì chính sách phân biệt chủng tộc”.
Tư vấn cho Chính phủ Mỹ để tránh “mắc bẫy đồng minh xa lánh với phần lớn cộng đồng thế giới”, báo cáo của IC nhấn mạnh, thay vì bị lôi kéo vào các vấn đề chính trị, quân sự phức tạp ở Trung Đông, với tư cách đại diện cho Israel và vì lợi ích của quốc gia này, Mỹ nên tìm cách “hàn gắn các quan hệ với các quốc gia Hồi giáo và Arab”.
"Công luận Mỹ không còn ủng hộ cho các cuộc chiến tranh bất hợp pháp mà ở đó, Mỹ đại diện cho Israel và vì lợi ích của quốc gia này. Quan điểm này ngày càng được châu Âu, châu Á và của cộng đồng quốc tế ủng hộ", báo cáo của IC viết.
Phương Đăng
Theo Infonet
---------------
Kinh tế Iran trên bờ vực sụp đổ?
Bộ trưởng Tài chính Israel Yuvan Steinitz bình luận hôm 30/9 nói rằng, kinh tế Iran sắp sụp đổ do tác động của lệnh cấm vận quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran.
“Lệnh cấm vận với Iran trong năm qua đã tăng lên một bậc,” ông Steinitz nói. Ông nhấn mạnh rằng, là Bộ trưởng Tài chính, ông theo dõi rất chặt diễn biến kinh tế của Iran. “Nền kinh tế ấy chưa sụp đổ, nhưng đang trên bờ vực sụp đổ. Thất thu từ dầu lửa sẽ lên tới 45 đến 50 tỷ tính đến cuối năm nay.”
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Israel rò rỉ tuần qua cho biết, lệnh cấm vận đã gây thiệt hại cho kinh tế Iran nhiều hơn tính toán ban đầu, và người dân Iran cũng đang phải chịu hậu quả do lạm phát tăng vọt. Tuy nhiên Iran vẫn có vẻ không thay đổi chính sách.
Hôm 29/9, đồng tiền Iran giảm giá thấp xuống mức lịch sử, với tỷ giá khoảng 28.400 rial mới đổi được 1USD, giảm 57% kể từ tháng 6/2011, có nghĩa là giá nhập khẩu tăng vọt. Phe đối lập trong quốc hội Iran cho rằng, cấm vận không phải lý do duy nhất gây khủng hoảng kinh tế ở Iran, và cáo buộc Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad điều hành kinh tế kém cỏi.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Avigdor Lieberman phát biểu trên tờ Haaretz hôm 29/9 nói thẳng thừng rằng, ông tin hệ thống chính trị thần quyền ở Iran sẽ bị lật đổ bởi một cuộc nổi dậy, giống cuộc nổi dậy đã lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak năm ngoái. “Thế hệ trẻ đã chán ngấy việc bị coi là con tin và phải hy sinh tương lai của họ,” ông Lieberman nói.
Mỹ, đồng minh chính của Israel, đã nói rằng họ không cho phép Tehran sản xuất bom hạt nhân, nhưng cần thêm thời gian để lệnh cấm vận có hiệu quả, trước khi cân nhắc dùng vũ lực với nước này. Các nhà bình luận Mỹ và Israel cho rằng, tấn công quân sự để phá hủy các nhà máy hạt nhân của Iran có thể dẫn tới một cuộc chiến khu vực với hậu quả không lường trước được. ( Khám phá)
--------------------
Bạo loạn ở Bangladesh, hàng chục ngôi chùa bị đốt phá
Hàng ngàn người nổi loạn đã điên cuồng đốt phá hàng chục ngôi chùa và hàng trăm ngôi nhà ở đông nam Bangladesh.
Nguyên do của vụ bạo loạn nói trên xuất phát từ một bức ảnh được đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook được cho là xúc phạm đến Hồi giáo.
Giới chức cho biết đám đông gồm khoảng 25.000 người đã đốt cháy ít nhất 5 ngôi chùa và hàng chục ngôi nhà ở thị trấn Ramu và ngôi làng bên cạnh, cách thủ đô Dhaka khoảng 350km.
Những người nổi loạn cho hay bức ảnh nhạo báng kinh Koran được một người theo đạo Phật trong khu vực đăng tải lên Facebook.
Ông Joinul Bari, trong ban quản lý huyện cho hay: “Họ trở nên khó kiểm soát, điên cuồng tấn công những ngôi nhà của những người theo đạo Phật, đốt và phá nhiều chùa từ đêm thứ 7 đến sáng chủ nhật”.
“Ít nhất 100 ngôi nhà bị hư hại nặng nề. Chúng tôi đã phải viện đến quân đội và lính tuần tra biên giới để dẹp loạn”, ông cho biết. Ông nói thêm rằng chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm tụ tập trong khu vực nhằm tránh các vụ bạo loạn tiếp tục nổ ra. Hiện vẫn chưa có thông tin về con số thương vong trong vụ bạo động.
Đạo Phật rất phổ biến ở các huyện phía đông nam Bangladesh, giáp biên giới với Myanmar.
Phan Yến
Theo Thenews// Tiền Phong
--------------
Mỹ kêu gọi Trung Quốc - ASEAN thảo luận về COC
Trung Quốc và các nước ASEAN cần hướng đến việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) làm cơ sở để thúc đẩy sự ổn định tại khu vực.
Lời kêu gọi này được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra mới đây trong cuộc họp bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc giữa bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Mỹ. Bà Hillary khẳng định Washington ủng hộ Tuyên bố năm nguyên tắc về biển Đông của ASEAN, xem đây là biện pháp hiệu quả để giúp giảm căng thẳng và mở đường cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình mà không sử dụng vũ lực.
Tờ Jakarta Post cho biết Indonesia đã chuyển bản dự thảo COC đến ngoại trưởng các nước ASEAN. Bản dự thảo gồm các yếu tố ngăn chặn xung đột để giải quyết tranh chấp lãnh hải. Theo Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, đây là lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN nhận được bản dự thảo COC.
HOÀNG NGỌC // Tuổi Trẻ
---------------
Quy hoạch phát triển kinh tế biển
Ngày 30.9, tại TP.Huế diễn ra hội nghị khoa học địa lý toàn quốc lần thứ 6 với chủ đề “Khoa học địa lý với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam” do Hội Địa lý Việt Nam, Hội Địa lý và Tài nguyên môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế) phối hợp tổ chức.
Có tất cả 187 báo cáo trên 4 lĩnh vực chính: Địa lý biển và hải đảo Việt Nam; Địa lý tự nhiên, tài nguyên và môi trường; Địa lý kinh tế xã hội, Địa lý chính trị và quân sự; Đào tạo địa lý, phương pháp và công nghệ nghiên cứu địa lý.
PGS-TSKH Nguyễn Văn Cư, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT), nhấn mạnh: “Trong tình hình biển Đông đang nóng bỏng, chúng ta cần hướng nhiều hơn đến việc tư vấn, thẩm định, phản biện xã hội ở các dự án lớn về biển đảo đất nước; phối hợp với Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam xây dựng quy hoạch không gian biển, chiến lược công nghệ biển nhằm tạo cơ sở khoa học để quy hoạch, phát triển bảo vệ kinh tế biển”.
Tuyết Khoa// Thanh Niên
--------------
Nga chi gần 20 tỷ USD chuẩn bị World Cup
Dân Việt – Mới đây, Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko tiết lộ, nước Nga đã quyết định chi gần 20 tỷ USD để chuẩn bị cho vòng chung kết chung kết World Cup 2018.
Sau khi FIFA thông qua danh sách các địa điểm tổ chức Word Cup 2018 của Nga, giải đấu sẽ diễn ra ở 11 thành phố trên khắp đất nước lớn nhất thế giới, từ thành phố cảng Baltic miền Kaliningrad ở cực Tây cho đến tận Yekaterinburg, vùng đất nằm dưới chân núi Ural, giáp danh biên giới Á – Âu.
Vitaly Mutko, kiêm Trưởng Ban Tổ chức World Cup 2018 (LOC) cho biết, chi phí dự kiến để chuẩn bị cho World Cup 2018 là 600 tỷ rúp (hơn 19 tỷ USD), cao gần gấp đôi so với tổng chi phí ban đầu đã được cựu Thủ tướng Nga Vladimir Putin phê duyệt vào tháng 12-2010.
Trong một cuộc họp báo, Vitaly Mutko phát biểu: “Đây chưa phải là con số cuối cùng vì chúng tôi mới chỉ ước tính sơ bộ. Chính phủ liên bang sẽ chi trả hơn một nửa số tiền đó”. Ông cũng thừa nhận, hiện 5 SVĐ ở Moscow, St Petersburg, Kazan, Sochi và Saransk đang được xây mới và 4 sân khác đã hoàn tất thiết kế và chuẩn bị được khởi công.
Phát biểu của ông Mutko khiến tất cả mọi người không khỏi bất ngờ khi tới thời điểm này, vẫn chưa có SVĐ nào của Nga sẵn sàng cho World Cup 2018. Ngay tại thủ đô Moscow có 2 địa điểm thi đấu nhưng sân Luzhniki với sức chứa dự kiến 90 ngàn chỗ ngồi vẫn đang xây dựng, còn 1 sân khác 45 ngàn ghế đã được CLB Spartak thầu trọn gói.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người ủng hộ tuyệt đối Nga đăng cai World Cup 2018, tỏ ra vô cùng tự hào: “Mọi thứ sẽ hoàn thành 1 năm trước thời hạn. Chúng tôi sẽ chuẩn bị thật tốt trong 6 năm tới trước khi giải đấu khởi tranh”.
Hữu Tuấn (tổng hợp)// Dân Việt
---------------
38 người Trung Quốc bị đuổi khỏi Ghana
(TNO) Trung Quốc ngày 30.9 xác nhận 38 công dân nước này đã bị bắt giữ và trục xuất sau khi bị phát hiện khai thác vàng trái phép ở Ghana, quốc gia ở miền tây châu Phi, theo AP.
Một thông báo được đăng trên website của đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Accra nói rằng 40 công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ gần đây tại huyện Obuasi ở miền nam Ghana, theo hãng tin AP.
Thông báo cho biết các cuộc điều tra của cơ quan an ninh Ghana cho thấy 1 người không phạm tội, còn 1 người khác được phóng thích sau khi nộp tiền bảo lãnh.
38 người còn lại bị trục xuất do không có giấy phép cư trú, giấy phép làm việc, hoặc giấy phép khai thác mỏ.
Hiện chưa rõ họ có bị truy tố hay không.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết 38 người nói trên đã trở về nước hôm 28.9, theo AP.
Lan Chi// Thanh Niên
------------
Bão Jelawat đổ bộ vào Nhật, 96 người bị thương
Ngày 29/9, bão Jelawat đã đổ bộ vào tỉnh Okinawa và Kogoshima, miền Nam Nhật Bản, làm ít nhất 96 người bị thương, gây mất điện trên diện rộng và làm giao thông hỗn loạn với các tuyến đường sắt, đường bộ và hệ thống xe buýt phải ngừng hoạt động, 280 chuyến bay bị hủy bỏ.
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết ngày 30/9, bão Jelawat di chuyển đến vùng ven biển miền Tây Nhật Bản với sức gió 216 km/giờ và dự kiến đổ bộ vào đảo Honshu.
Cơ quan khí tượng cảnh báo sẽ có mưa to, sấm sét và sóng biển dâng cao, gây lở đất và lụt lội.
Dự kiến, ở khu vực Tokai sẽ có mưa to với lượng mưa 500 mm, ở Kanto 400 mm và Kinki 350 mm cho đến sáng 1/10.
Các hãng hàng không Nhật Bản cho biết hơn 270 chuyến bay ở khu vực miền Tây Nhật Bản có thể bị hủy trong ngày 30/9.
TTXVN/ Tin Tức
-----------------
15 nhà báo Somalia bị sát hại
Hai nhà báo Somalia, một người bị bắn chết, người thứ hai bị chặt đầu và ném thi thể ra đường hôm 29/9 – đây là hai vụ tấn công mới nhất nhắm vào các phóng viên Somalia, nâng số người làm báo nước này bị giết trong năm nay lên đến 15 người.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm vụ giết hai nhà báo vừa xảy ra, nhưng những cái chết phản ánh đúng tình trạng các cuộc tấn công có chủ đích chống lại các nhà báo Somalia diễn ra suốt một năm qua.
Các phóng viên giờ phải đề phòng các cuộc tấn công từ phía các chiến binh lẫn bọn tội phạm và biết rằng những cái chết đó là hậu quả của hệ thống tư pháp đình đốn ngay tại thủ đô với các hệ thống chính phủ bị tê liệt.
Người dân khu vực phía bắc Mogadishu đã phát hiện ra thi thể không đầu của Abdirahman Mohamed Ali, một phóng viên thể thao 26 tuổi, với hai tay bị trói quặt sau lưng. Trước đó, tại Somalia chưa có vụ chặt đầu phóng viên nào và phương pháp giết người này có thể là một chỉ báo cho thấy nhóm phiến quân al-Shabab có liên hệ với al-Qaeda là thủ phạm vụ này.
Ở vụ thứ hai, một tay súng lạ mắt đã bắn chết phóng viên Ahmed Abdulahi Fanah, 32 tuổi, khi nạn nhân đang trên đường đi làm. Hội nhà báo Somalia cho biết, Fanah là phóng viên Thông tấn xã Yemen tại Somalia.
Các vụ giết người đã khiến việc tiếp tục hành nghề trở thành một quyết định sinh tử đối với các nhà báo Somalia. Một nữ phóng viên truyền hình nói rằng cô sẽ không mạo hiểm mạng sống của mình nữa. "Tôi quyết định rời khỏi đất nước vì thời gian chúng tôi mong đợi sẽ mang lại hòa bình và tự do đã trở thành khoảng thời gian tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy", Sahra Abdulahi Isse. "Các mối đe dọa chết người đã tăng lên, tôi sẽ sang Uganda vì sự an toàn của mình", nữ nhà báo cho biết.
Hầu hết trong số 15 trường hợp giết hại nhà báo ở Somalia dường như đều có chủ đích từ trước, mặc dù có ba nhà báo thiệt mạng tuần trước khi một kẻ đánh bom tự sát kích nổ trong một quán cà phê nổi tiếng của giới báo chí và chính trị gia.
Các vụ giết nhà báo phần lớn xảy ra tại thủ đô Mogadishu, nơi về danh nghĩa nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Somalia. Mặc dù chính phủ cam kết sẽ truy tố các vụ này, nhưng không có vụ bắt giữ nào được thực hiện đối với các vụ giết người trong năm 2012.
"Vụ giết hại dã man hai nhà báo vừa qua khiến việc xử lý những kẻ giết người này càng trở nên cấp bách", ông Leslie Lefkow, Phó giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW) cho biết. "Tân Tổng thống nên coi việc điều tra các vụ giết người là một ưu tiên hàng đầu của minh”.
Theo Hoàng Diệu (AP/Phụ nữ TPHCM)
------------
Thủ tướng Nhật cải tổ nội các
(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Noda dự kiến sẽ cải tổ nội các vào ngày 1-10, trong động thái được cho là nhằm giảm nhiệt căng thẳng biển đảo với Trung Quốc, báo chí nước này đưa tin.
Giới bình luận cho rằng ngoài giúp xoa dịu căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc, động thái cải tổ nội các của ông Noda cũng nhằm sốc lại danh tiếng đang giảm dần của ông và củng cố chính phủ trước cuộc chiến “khốc liệt” nhằm thông qua một dự luật thuế sắp tới.
Ông Noda có thể bổ nhiệm nhân vật thân thiện với Bắc Kinh Makiko Tanaka, 68 tuổi, vào nội các mới, nhật báo Asahi Shimbun hôm nay đưa tin.
Tanaka là người có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và là con gái của cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka, người đã bình thường hóa mối quan hệ với Bắc Kinh 40 năm trước.
Theo Asahi, ông Noda đang xem xét bổ nhiệm Tanaka vào vị trí bộ trưởng trong thông điệp chuyển tới Bắc Kinh ý định hàn gắn mối quan hệ đổ vỡ giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo Asahi và Jiji Press, Thủ tướng Noda chắc chắn sẽ giữ lại ông Koichiro Gemba làm ngoại trưởng, nhằm tiếp tục những vấn đề còn dang dở trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Căng thẳng với Trung Quốc về quần đảo Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Hoa Đông đã gây ra phản ứng giận dữ ở Bắc Kinh và châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố của Trung Quốc.
Hàn Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật đối với quần đảo mà Seoul gọi là Dokdo trong khi Tokyo gọi là Takeshima. Tranh chấp nổ ra khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bất ngờ thăm quần đảo vào tháng trước.
Một điểm được quan tâm nữa trong cuộc cải tổ này là ai sẽ thay Bộ trưởng tài chính Jun Azumi, người đang được bổ nhiệm vào vị trí cấp cao trong đảng cầm quyền.
Mặc dù ông Azumi không phải là nhân vật được tiếng trong giới tài chính, nhưng vẫn có lo ngại về khoảng trống chính trị ông để lại, mặc dù vị bộ trưởng này khẳng định sẽ không có “khoảng trống” đó.
Thủ tướng Noda đang hứng chịu áp lực phải tổ chức tổng tuyển cử sớm vào năm nay sau khi ông đưa ra cam kết không rõ ràng với đối thủ của mình là sẽ “sớm” giải tán quốc hội để đổi lại sự ủng hộ của họ trong một dự án vật nuôi nhằm tăng thuế bán.
Tuy nhiên, những con số thăm dò dư luận không mấy tốt đẹp khiến nhiều người trong đảng cầm quyền vốn đã bị chia rẽ nay càng lo ngại cho chiếc ghế của họ, và nhiều khả năng Đảng dân chủ tự do (LDP) đối lập sẽ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.
Đảng đối lập chính của Nhật cũng đã chọn cựu Thủ tướng Shinzo Abe làm tân lãnh đạo vào tuần trước, trong cuộc bỏ phiếu có thể đưa ông trở lại vị trí thủ tướng.
Vũ Quý
Theo AFP// Dân Trí
-------------------
Thúc đẩy đàm phán chính thức ASEAN -Trung Quốc về biển Đông
Nhân dịp khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong các ngày 27-28.9, tại New York (Mỹ) diễn ra Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (IAMM), Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ, Hội nghị giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, các hội nghị giữa ASEAN với đại diện Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và với Tổ chức Hợp tác kinh tế (ECO). Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh đã dẫn đầu đoàn VN tham dự các hội nghị nói trên.
Tại Hội nghị IAMM, các ngoại trưởng ASEAN nhất trí ra Nghị quyết Đại hội đồng LHQ về tăng cường hợp tác giữa ASEAN và LHQ; các nước ASEAN khẳng định ủng hộ VN ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Các ngoại trưởng ASEAN đã thông qua danh mục các kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 45 và khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các kết quả này, trong đó có việc thực hiện Tuyên bố 6 nguyên tắc về biển Đông, thúc đẩy đàm phán chính thức ASEAN - Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC)... Các ngoại trưởng ASEAN nhất trí đề cao tầm quan trọng Tuyên bố 6 nguyên tắc về biển Đông và Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, kêu gọi các bên giải quyết mọi khác biệt bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc đã cam kết và luật pháp quốc tế.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định chính sách của Mỹ đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng và đóng vai trò trung tâm ở khu vực...
Theo TTXVN
-----------
Châu Âu trước nguy cơ suy thoái và khủng hoảng chính trị
(VOV) -Nợ công đang khiến tình trạng thất nghiệp tại châu Âu gia tăng mạnh mẽ và khiến cuộc sống của người dân "lao đao".
Cuộc khủng hoảng nợ công tại nhiều nước châu Âu có nguy cơ đẩy khu vực này rơi vào suy thoái và bất ổn xã hội khi mà nhiều nước trong khu vực đã phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, những biện pháp này lại gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của những người lao động với hàng loạt cuộc biểu tình tại các quốc gia là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…
Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ngày 29/9, hàng nghìn người tập trung tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối kế hoạch ngân sách năm 2013, trong đó nhiều khoản chi tiêu bị cắt giảm mạnh. Nhiều người biểu tình đã thể hiện thái độ giận dữ khi ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn thứ 3 trong tuần qua nhằm phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu.
Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha cao gấp đôi so với mức trung bình của các nước trong Liên minh châu Âu với một nửa số người lao động ở độ tuổi dưới 26 không thể tìm được việc làm. Để thực hiện cắt giảm chi tiêu, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thực hiện cắt giảm chi tiêu của các bộ và cơ quan chính phủ 8,9%, ngừng tăng lương trong khu vực công cộng, tiếp tục cải cách thị trường lao động, tinh giản bộ máy hành chính và nghiên cứu thực hiện các biện pháp nhằm tự do hóa một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông.
Trong một phát biểu ngày 29/9, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết, nước này cần thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm khôi phục sự ổn định của hệ thống tài chính: “Chúng tôi biết rằng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ủy ban châu Âu và các nhà đầu tư tư nhân đã nỗ lực giúp đỡ Tây Ban Nha thông qua các khoản vay và chúng tôi có nghĩa vụ sẽ hoàn trả. Điều quan trọng hiện nay là Tây Ban Nha phải khôi phục sự ổn định của hệ thống tài chính nhằm lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư”.
Cùng ngày, tại Bồ Đào Nha cũng đã diễn ra biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người nhằm phản đối việc chính phủ nước này thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để đổi lấy gói cựu trợ 78 tỷ euro. Các cuộc biểu tình hòa bình do Liên đoàn công nhân Bồ Đào Nha tổ chức.
Tại thủ đô Lisbon, những người biểu tình tuần hành qua các tuyến phố mang theo các biểu ngữ như “Hẵy nói không với nhóm Troika (đại diện cho Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu) và những chính sách của họ”.
Chủ tịch Liên đoàn Công nhân Bồ Đào Nha Armenio Carlos cho biết, người lao động hy vọng chính phủ sẽ thay đổi chính sách hiện nay: “Vào thời điểm này, bất kỳ hành động bạo lực nào cũng không thể khiến chính phủ thay đổi các mục tiêu của họ. Chúng tôi đến đây không phải để phá hoại, mà để yêu cầu chính phủ thay đổi những chính sách hiện nay”.
Cũng giống như Tây Ban Nha, hiện tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha đã tăng lên mức kỷ lục 15% trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1970.
Trong khi đó, Fitch - một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới - vừa cảnh báo có thể hạ mức tín nhiệm AAA của nền kinh tế Anh do nợ công gia tăng, trong khi tăng trưởng giảm sút khiến nước này đang mất dần vị thế là một trong những điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Trong một báo cáo, Fitch cho rằng, nguy cơ Anh bị tụt hạng tín nhiệm đã tăng lên sau khi nền kinh tế nước này cho thấy kết quả nghèo nàn trong năm qua và đặc biệt là sau khi nền kinh tế của "xứ sở sương mù" rơi trở lại suy thoái. Theo tính toán của Fitch, tổng nợ công quốc gia của Anh cho đến nay tương đương 97% GDP của nước này và nếu lên tới 100% GDP thì nguy cơ nền kinh tế Anh bị hạ mức tín nhiệm là rất cao./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
---------------
"Nếu dân Myanmar chọn bà Suu Kyi, tôi sẽ chấp nhận"
TTO - Nhà lãnh đạo Myanmar Thein Sein trong phần trả lời phỏng vấn của BBC ngày 29-9 cho biết ông sẽ chấp nhận nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi là tổng thống nếu người dân nước này chọn bà.
Trong cuộc phỏng vấn của BBC, khi được hỏi về khả năng bà Suu Kyi trở thành tổng thống Myanmar, ông Thein Sein nói: "Điều đó phụ thuộc vào ý chí của người dân. Nếu người dân chấp nhận bà ấy, tôi sẽ chấp nhận. Hiện giữa tôi và bà ấy không có vấn đề gì. Chúng tôi đang hợp tác với nhau”.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh quân đội - lực lượng đang nắm giữ nhiều ghế ở quốc hội - sẽ tiếp tục có vai trò trung tâm trong chính trường Myanmar.
Tổng thống Thein Sein khẳng định sẽ tôn trọng ý chí của người dân, dù họ chọn ai đi nữa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2015.
Ông cũng cam kết sẽ thực thi chương trình cải cách đất nước đã đề ra và cho biết ông cùng bà Suu Kyi đang hợp tác cùng nhau trên nhiều lĩnh vực.
Tổng thống Thein Sein từng nằm trong danh sách “những người không được hoan nghênh ở Mỹ”, nhưng vừa có chuyến thăm tới New York, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ở đây và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo quốc tế.
Ông cũng đã chúc mừng bà Suu Kyi khi bà được tặng thưởng Huân chương Quốc hội Mỹ nhân dịp bà đến thăm Mỹ chỉ vài ngày trước khi ông có mặt tại Washington.
Bà Suu Kyi bị quản thúc tại nhà trong 15 năm. Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy hối tiếc vì những gì đã xảy ra với bà Suu Kyi không, ông Thein Sein trả lời: “Chúng tôi đều vì đất nước. Bà ấy hành động theo niềm tin của mình và chúng tôi hành động theo niềm tin của chúng tôi”.
H.N. (Theo BBC, Tuổi Trẻ)
-------------
Lào sẽ sớm gia nhập WTO
Hy vọng Chính phủ Lào sẽ được công nhận là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang dần trở thành hiện thực sau phiên họp lần thứ 10 của Nhóm làm việc về vấn đề gia nhập WTO của Lào vừa kết thúc cuối tuần qua tại Geneva (Giơnevơ).
Trưởng đoàn đàm phán Lào, Bộ trưởng Bộ Công thương Lào Nam Viyaketh, cho biết phiên họp lần thứ 10 này thành công tốt đẹp và hiện đã trải qua mọi cuộc thương lượng cần thiết.
Các nước thành viên WTO đã thông qua gói quy chế thành viên dự kiến sẽ được xem xét và chính thức thông qua tại Đại hội đồng được tổ chức ở Geneva vào ngày 26/10/2012.
Để có được sự phê duyệt cuối cùng tại hội đồng chung trong cuộc họp tới, Lào cần phải được sự đồng ý thông qua của 2/3 số thành viên WTO.
Sau đó, Lào vẫn cần phải phê chuẩn thỏa thuận và thông báo lên WTO mà tổ chức này cũng có những bước tương tự và khoảng 30 ngày sau đó Lào sẽ chính thức gia nhập WTO.
Như vậy, Lào sẽ có thể chính thức là thành viên của tổ chức thương mại toàn cầu trong quý I hoặc đầu quý II năm tới.
Đại sứ Lào tại Geneva, ông Yong Chanthalangsy, cho biết Lào đã gần kết thúc quá trình đàm phán gia nhập WTO được bắt đầu từ cuối năm 1996.
Đây là một quãng thời gian dài, đầy khó khăn và Lào đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, các nước bạn bè trong ASEAN và đặc biệt là Việt Nam.
Lào cũng đã học được nhiều từ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc đàm phán gia nhập WTO, việc tuân thủ toàn bộ luật lệ và các quy định của WTO.
Việc trở thành thành viên của WTO là một bước phát triển quan trọng cho Lào cũng như quan hệ kinh tế và thương mại giữa Lào và Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có 435 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5,2 tỷ USD, đứng ở tốp đầu trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Lào.
Các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào có ý thức trách nhiệm thực hiện đầy đủ pháp luật của cả Lào và Việt Nam về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cũng như các công ước quốc tế liên quan mà hai nước đã ký kết.
Những vấn đề môi trường của hai nước là những vấn đề chung mà các nhà đầu tư phải nắm bắt tương tự như những vấn đề kinh tế trong quá trình hoạt động của mình.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào trong những năm qua liên tục tăng và riêng 6 tháng đầu năm 2012, đạt 465,7 triệu USD, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD năm 2015.
TTXVN/ Tin Tức
----------------
Bà Suu Kyi có thể làm tổng thống Myanmar
(NLĐO) – Trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 29-9, Tổng thống Myanmar Thein Sein cho biết ông sẽ chấp thuận cho thủ lĩnh dân chủ Aung San Suu Kyi làm tổng thống nếu người dân bỏ phiếu cho bà.
Tổng thống Myanmar khẳng định ý chí của người dân sẽ được tôn trọng dù người mà họ chọn trong cuộc bầu cử năm 2015 là ai. Ông cũng tái bảo đảm quá trình cải cách của Myanmar và cho hay ông đang hợp tác với bà Suu Kyi.
“Việc bà ấy có trở thành lãnh đạo quốc gia hay không nằm ở nguyện vọng của người dân. Nếu người dân chấp nhận bà, tôi cũng sẽ chấp nhận. Giữa tôi và bà Suu Kyi không có vấn đề gì cả” – ông Thein Sein nói với BBC.
Hai ngày trước, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Thein Sein đã chúc mừng bà Suu Kyi nhận được Mề đay vàng của Quốc hội Mỹ. Bà từng bị giam giữ tại nhà trong suốt 15 năm.
Từng làm tổng thống chính quyền quân sự vốn thống trị Myanmar nhiều thập kỉ, ông Thein Sein đang giám sát đất nước chuyển mình ấn tượng sang chính quyền dân sự từ tháng 3-2011. Tuy vậy, ông không quên nhắc rằng quân đội Myanmar vẫn nắm giữ nhiều ghế trong quốc hội và sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trên chính trường nước này.
Hiện nay, Myanmar còn đối mặt với nhiều vấn đề, nổi cộm nhất là xung đột tôn giáo giữa người theo đạo Hồi và đạo Phật ở bang Rakhine.
Bằng Vy (Theo BBC, NLĐ)
-------------
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng trái phép ở Hoàng Sa
Ngày 29.9, giới chức Trung Quốc bắt đầu phác thảo kế hoạch phát triển cho 4 dự án cơ sở hạ tầng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo Tân Hoa xã.
Các dự án trên bao gồm tu sửa và xây mới 7 con đường với tổng chiều dài 5 km, xây dựng cơ sở tách muối để lọc nước biển có công suất 1.000 m3 mỗi ngày và hệ thống cấp thoát nước cùng bến tàu, mạng lưới vận tải trên đảo Phú Lâm.
Giới chức Trung Quốc hôm qua còn ngang nhiên thông báo bắt đầu đầu tư chương trình nhà ở, với tổng vốn đầu tư 18,7 triệu nhân dân tệ (gần 3 triệu USD), cũng tại Phú Lâm. Đồng thời, nước này còn tiến hành nâng cấp hạ tầng tại đảo Cây nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đây cũng là diễn biến mới nhất trong hàng loạt hành động phi pháp của Bắc Kinh kể từ khi thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” hồi tháng 7, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Văn Khoa// Thanh Niên
---------------
Đức sẽ truy tố cặp vợ chồng đứng đầu mạng lưới tình báo tư nhân Nga
Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông nước này, vụ việc là một hệ quả của bê bối đào tẩu năm 2010 khi FBI phá đường dây gồm 10 điệp viên Nga, trong đó có nữ điệp viên xinh đẹp Anna Chapman.
Andreas Anschalag, 46 tuổi, kĩ sư cơ khí và bạn đời của mình, Heidrun, 52 tuổi, nội trợ, đã bị bắt trong một vụ đột kích của cảnh sát. Theo thông tin từ cảnh sát, ngay trước khi bị bắt, Heidrun đang liên lạc với cấp trên của mình ở Nga thông qua một máy thu radio sóng ngắn.
Cặp đôi này tới Đức khoảng năm 1988 - 1990. Cả hai người đều nói giọng Đông Âu và khẳng định họ sinh ra ở Nam Mỹ, lớn lên ở Bỉ.
Tuy nhiên, theo tờ Der Spiegel, trên thực tế, họ làm việc cho Cơ quan Tình báo Nước Ngoài của Nga.
Họ cũng đã cung cấp cho Moscow những thông tin nhạy cảm về các kế hoạch của NATO và EU do những điệp viên của họ thu thập được.
Nhà ngoại giao Hà Lan Raymond Poeteray được cho là một trong những mắt xích cao cấp nhất của họ. Ông Poeteray đã bị bắt hồi tháng Tư, song phủ nhận cáo buộc nhận 90.000 euro để cung cấp thông tin mật cho Nga.
Phát ngôn viên cơ quan tình báo nước ngoài Nga từ chối bình luận về vấn đề này.
Hoạt động ngầm của mạng lưới tình báo của Anschalag bị ông Alexander Poteyev tố cáo. Ông này là cựu tình báo Nga làm việc cho CIA từ những năm 1990 và đã bỏ trốn sang Mỹ năm 2010. Poteyev bị Nga kết tội phản quốc năm ngoái. Cũng chính ông này là người đã khiến cho đường dây tình báo Nga bị lộ năm 2010. ( Soha)