Liêu Ninh - Tàu sân bay không… máy bay của Trung Quốc
Việc chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc được triển khai đã đánh dấu một cột mốc mang tính biểu trưng đối với một cường quốc về quân sự nhưng giới chuyên gia lại cho rằng, chiếc tàu đã qua sử dụng này khó có đủ khả năng trở thành nhân tố thay đổi cán cân quyền lực.
Tàu sân bay Liêu Ninh vắng bóng máy bay
Phô diễn sức mạnh
Hôm thứ ba đầu tuần, Trung Quốc chính thức đưa tàu sân bay này vào hoạt động, phô trương sức mạnh hải quân của mình giữa lúc tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa ba bên: Trung - Đài - Nhật trên biển Hoa Đông. Giới lãnh đạo và quan chức hải quân nước này đã mô tả tàu Liêu Ninh dài 300m, trọng tải 60.000 tấn, sức chứa 50 máy bay là một bước nhảy vọt trong sức mạnh hải quân, đối trọng với chiến lược tập trung cho châu Á của Washington.
Tuy nhiên, thiếu đi các nhóm tác chiến và máy phi cơ chiến đấu chiếc tàu "second-hand” chỉ mang tính biểu tượng nhằm phô trương thanh thế chứ không thể nâng cao khả năng chiến đấu của hải quân nước này. Trong buổi ra mắt tàu Liêu Ninh ở cảng Đại Liên, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã gọi sự kiện này như một "cột mốc” trong lịch sử quân đội và quá trình phát triển vũ khí của nước nhà. Giới quan chức quốc phòng Trung Quốc cũng phát biểu rầm rộ trên các hãng truyền thông rằng, tàu sân bay đã giúp quốc gia tiến gần hơn tới vận mệnh của quốc gia: "Không chỉ là một thế lực trên đất liền mà cả trên biển”.
Căng thẳng trên biển Hoa Đông ngày càng trở nên nóng bỏng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với tàu sân bay mới, "Trung Quốc sẽ có nhiều lựa chọn, cả cứng rắn và mềm mỏng trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, báo chí Trung Quốc dẫn lời Thiếu tướng không quân Kiều Lương. Nhưng theo giới chuyên gia phân tích, hiện Trung Quốc vẫn còn thiếu các phi cơ chiến đấu phù hợp cho tàu sân bay và chiếc tàu "second-hand” vốn được cải biến lại sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận hướng phát triển tàu sân bay nội địa trong tương lai.
Tàu sân bay không có máy bay
Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho biết, "Tàu sân bay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc”. Thế nhưng, đi ngược những gì người ta tưởng tượng về hình ảnh lớn lao của con tàu, Liêu Ninh sẽ chỉ được mang ra để…phục vụ huấn luyện, bởi hải quân Trung Quốc chưa từng vận hành một tàu sân bay. Hơn nữa, lớp máy bay MiG-23s có tuổi đời 25 năm của họ cũng không phù hợp với các đường bay trên tàu Liêu Ninh. Trong khi trỗi dậy như một niềm tự hào của quốc gia, thực tế tàu Liêu Ninh vẫn chưa xác định được mục đích hoạt động trong tương lai của mình. Và để vận hành được trên vùng biển xa bờ, Liêu Ninh cần có kích thước lớn hơn cùng với số lượng lớn các tàu chiến loại nhỏ để hình thành hạm đội tác chiến.
Cho đến nay, các phi công Trung Quốc mới chỉ được huấn luyện hạ cánh trên tàu sân bay mô phỏng bằng các dải bê tông với mẫu máy bay J-8 - một phiên bản được sản xuất dựa trên nguyên mẫu MIG-23 ra đời cách đây 25 năm của Nga. Những phi công cũng không thể thực hiện được những cú hạ cánh khó khăn, phức tạp trên một chiếc tàu sân bay đang di chuyển. Giới chuyên gia còn cho rằng, nếu phải vận hành trên Biển Đông, Liêu Ninh sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu "ngon ăn” cho các phi cơ triển khai từ đất liền.
Xét về tổng thể, nếu như Liêu Ninh không thể có các khả năng như một chiếc tàu sân bay thông thường có thể làm là vận chuyển, phóng, rút lui và không có nhiệm vụ rõ ràng; nó chỉ giúp Trung Quốc có được một "tấm vé” gia nhập vào câu lạc bộ các nước sở hữu tàu sân bay trên thế giới (9 quốc gia).
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong buổi ra mắt tàu sân bay Liêu Ninh
Giới chuyên gia hoài nghi
"Chiếc tàu sân bay này chỉ đóng vai trò cột mốc trong phát triển loại tàu này trong tương lai”, ông Arthur Ding - chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Đại Loan nhận định. Theo ông, tàu Liêu Ninh sẽ mang lại "tác động tâm lý” trong khu vực nhờ tính biểu tượng của nó, nhưng "không thể thay đổi cán cân quyền lực” khi chỉ đóng vai trò chính là phục vụ luyện tập quân sự. Chiếc tàu thuộc lớp Varyag được Ukraine sản xuất cho lực lượng hải quân của mình trong thập kỷ 80 đã được Trung Quốc mua về năm 1998, sau đó được lắp đặt thêm động cơ và nhiều hệ thống hàng hải khác. Tuy nhiên, việc xây dựng dàn máy bay đặc dụng cho tàu sân bay và huấn luyện hoa tiêu lại là vấn đề khác, ông Ralph Cossa – chuyên gia phân tích quân sự tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Honolulu nhận định.
"Vận hành tàu sân bay không hề đơn giản. Cải biến con tàu là một chuyện, phát triển hạm đội máy bay trên tàu lại là chuyện khác”, ông Cossa cho biết. Hiện, Trung Quốc đang phát triển máy bay chiến đấu lớp J-15 để trang bị cho tàu Liêu Ninh. Nhiều bức hình giả lập được truyền thông Trung Quốc tung lên gần đây cho thấy lớp máy bay J-15 đậu trên tàu Liêu Ninh nhưng thực tế khả năng thích ứng của J-15 vẫn chưa được chứng minh. Không thể gọi một chiếc tàu là "hàng không mẫu hạm” nếu như không có chiếc phi cơ nào trên đó, nhiều quan chức của Trung Quốc cũng phải thú nhận điều này. Cũng theo giới chức Trung Quốc, tàu Liêu Ninh được đặt tên theo một tỉnh đông bắc Trung Quốc chưa thể đi vào vận hành hoàn toàn ít nhất trong vòng 3 năm tới. Vì vậy, Trung Quốc thậm chí sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn để đạt được tham vọng phát triển tàu sân bay nội địa của mình.
Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong các tuyên bố về chủ quyền của mình, khi nền kinh tế và sức mạnh quân sự của họ đang bùng nổ đã gây quan ngại cho nhiều nước trong khu vực. Ngay cả khi tàu Liêu Ninh vận hành, Trung Quốc cũng có ít khả năng đối đầu với lực lượng hải quân hiện đại trong khu vực như Mỹ đã trang bị cho hải quân Nhật Bản. Chưa kể, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ không dọa được ai trong khi còn chưa được trang thiết bị khí tài đầy đủ. Nhưng ít nhất, "lá bài gió” của Trung Quốc sẽ tiếp tục được đưa ra tập dượt để phô trương thanh thế sức mạnh hải quân trong khu vực.
Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho biết, "Tàu sân bay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc”. Thế nhưng, đi ngược những gì người ta tưởng tượng về hình ảnh lớn lao của con tàu, Liêu Ninh sẽ chỉ được mang ra để…phục vụ huấn luyện, bởi hải quân Trung Quốc chưa từng vận hành một tàu sân bay. |
Khánh Duy
Theo Đại Đoàn Kết