Tàu sân bay Mỹ đến gần Senkaku/Điếu Ngư
(TNO) Mỹ đang lặng lẽ điều các đội tàu hùng mạnh đến Tây Thái Bình Dương giữa lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật tăng cao vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo tờ Time, hai nhóm tàu sân bay và một đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đã bắt đầu hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, tại những khu vực có thể nhanh chóng tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi các tàu Trung Quốc và Nhật đang vờn nhau trong vài tuần qua.
Các tàu công vụ Trung Quốc đã liên tục tiến vào vùng biển được Nhật xem là lãnh hải xung quanh quần đảo và các tàu tuần duyên Nhật và Đài Loan đã có màn đấu vòi rồng vào tuần trước.
Quần đảo tranh chấp hiện do Nhật kiểm soát song được cả Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Mỹ vốn tuyên bố không đứng về phía nào trong vụ tranh chấp. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã nói rõ rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và Washington có nghĩa vụ hỗ trợ Tokyo trong trường hợp quần đảo này bị tấn công.
Vào hôm 30.9, giới chức hải quân Mỹ xác nhận nhóm tàu sân bay USS George Washington đã bắt đầu hoạt động tại biển Hoa Đông, gần quần đảo tranh chấp.
Nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis, hiện có mặt tại biển Đông, cũng cách đó không xa.
Một nhóm tàu sân bay thông thường bao gồm các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm và tàu tiếp tế. Mỗi tàu sân bay được trang bị hơn 80 máy bay chiến đấu.
Tại vùng biển Philippines gần đó, khoảng 2.200 lính thủy đánh bộ đang có mặt trên tàu USS Bonhomme Richard và hai tàu hộ tống.
Các nhóm tàu sân bay và lực lượng lính thủy đánh bộ thường hoạt động độc lập vì thế việc hội tụ của ba nhóm này tại một khu vực tương đối nhỏ ở Thái Bình Dương biểu thị một sự tập trung bất thường về hỏa lực.
Cả ba nhóm vừa mới tiến hành các đợt tập trận xung quanh đảo Guam, bao gồm các cuộc tập trận bắn đạn thật và đổ bộ của lính thủy đánh bộ Mỹ cùng lính Nhật.
Một người phát ngôn thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói các sứ mệnh huấn luyện và triển khai tàu sân bay không nhất thiết liên quan đến căng thẳng tại Senkaku/Điếu Ngư.
Đại úy Darryn James phát biểu với tờ Time: “Các hoạt động đó không gắn với bất kỳ sự kiện cụ thể nào. Như một phần trong cam kết an ninh khu vực của Mỹ, hai trong số 11 nhóm tàu sân bay tấn công trên toàn cầu của hải quân đang hoạt động tại Tây Thái Bình Dương để giúp bảo vệ ổn định và hòa bình”.
Sơn Duân// Thanh Niên
--------------------
Sáu máy bay quân sự Mỹ đến Okinawa
(TNO) Sáu máy bay vận tải MV-22 Osprey của quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đã đến căn cứ không quân Futenma ở thành phố Ginowan thuộc tỉnh Okinawa (Nhật Bản) vào hôm nay 1.10.
Đây là nhóm đầu tiên thuộc 12 chiếc MV-22 Osprey mà quân đội Mỹ định triển khai ở Nhật, theo Đài truyền hình NHK.
Việc triển khai nói trên được tiến hành sau khi chính phủ Nhật ngày 19.9 tuyên bố MV-22 Osprey an toàn. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Okinawa và người dân địa phương vẫn còn quan ngại về an toàn, sau khi loại máy bay này đã gặp nạn ở Morocco và Mỹ hồi đầu năm nay.
Sáng nay, hơn 100 người, gồm các thị trưởng, nghị sĩ và người dân địa phương, tập hợp trước căn cứ Futenma để phản đối việc triển khai MV-22 Osprey.
Trong khi đó, chính phủ Nhật thông báo sẽ giải thích thêm cho người dân Okinawa về lý do MV-22 Osprey cần thiết đối với an ninh quốc gia, đồng thời sẽ cung cấp chi tiết về khả năng loại máy bay này giảm gánh nặng cho Okinawa.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định việc triển khai loại máy bay có thể cất/hạ cánh theo phương thẳng đứng nói trên đến Okinawa là cần thiết cho an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo hãng tin Jiji Press.
Văn Khoa// Thanh Niên
-------------
Hải quân Trung Quốc tập trận ở biển Hoa Đông
Hôm 30/9 vừa qua, hạm đội Hoa Đông đã tổ chức diễn tập bắn đạn thật tại một địa điểm bí mật trên Biển Hoa Đông, Chinanews đưa tin.
Hãng tin Chinanews của Trung Quốc mô tả hàng loạt chiến hạm loại mới cùng những máy bay chiến đấu hiện đại nhất của nước này “rầm rộ xuất kích với sự chỉ huy thông qua hệ thống máy tính đồng bộ hóa”.
Hàng chục chiến đấu cơ loại mới xuất phát từ một sân bay ở vùng ven biển, thực hiện ném bom rải thảm vào mục tiêu trong chiến dịch chiếm lại đảo.
Sau đó, các chiến hạm của Trung Quốc lần lượt bắn pháo vào hòn đảo được giả định là “địch đang chiếm đóng”, cùng lúc này, cano cao tốc chở binh lính lên chiếm đảo.
Phó Tổng tham mưu trưởng hạm đội Hoa Đông, ông Hàn Tiểu Hổ nói cuộc diễn tập này là "kết quả huấn luyện quan trọng trong hệ thống nhiệm vụ định kỳ hằng năm".
Hải quân và không quân Trung Quốc được giới thiệu là đã kết hợp tập luyện các bài tập quan trọng, trong đó chủ yếu là tập đổ bộ chiếm lại đảo.
Tuy nhiên, nguồn tin quân sự của Chinanews không tiết lộ về tên hòn đảo này. Trong khi đó, giới quan sát quân sự phương Tây nói Trung Quốc đang diễn tập với mục đích phô diễn sức mạnh hải quân với Nhật Bản.
Chỉ huy cuộc tập trận nói với Chinanews rằng quân đội của họ đã “không cho kẻ địch lấy một cơ hội phản kháng” trong khi những chuyên gia quân sự của Mỹ chưa bao giờ đánh giá cao năng lực tác chiến hiệp đồng của hải quân Trung Quốc.
Cuộc diễn tập bắn đạn thật của hạm đội Hoa Đông Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung – Nhật tiếp tục xấu đi vì tranh chấp liên quan quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
(Theo VTC)
-----------
Pakistan cấm máy bay không người lái của Mỹ hoạt động ở biên giới
Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố sẽ không chấp nhận kế hoạch của Mỹ về việc đưa bay không người lái – UAV vào hoạt động tự do ở vùng biên giới.
Đăng tải trên tờ Wall Street Journal, đại diện của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ không nhận được một thảo thuận nào về việc máy bay không người lái – UAV được hoạt động tự do ở không phận vùng biên giới của Pakistan”.
Theo tờ báo này, trong thời gian qua, cục tình báo trung ương Mỹ CIA thường xuyên gửi bản fax, trung bình mỗi tháng một bản, tới Cục tình báo liên cơ quan (ISI) của Pakistan với mong muốn máy bay không người lái của Mỹ được hoạt động ở khu vực trên. Tuy nhiên, một năm qua, ISI dường như đã “phớt lờ” những bản fax của CIA.
Người phát ngôn của chính phủ Pakistan cho biết, chính phủ nước này sẽ không cho phép máy bay không người lái của Mỹ hoạt động ở vùng không phận nước này.
Bản báo cáo khẳng định, Pakistan luôn khẳng định vị thế của mình ở vùng không phận và kế hoạch máy bay không người lái của Mỹ hoạt động ở nước này là hoạt động bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của Pakistan.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pakistan Hina Rabbani Khar cũng tuyên bố, những mong muốn của Mỹ về hoạt động của máy bay không người lái ở không phận của Pakistan sẽ không được chấp nhận. Bà Hina Rabbani Khar lo sợ về các phần tử khủng bố có thể xâm nhập vào địa phận Pakistan làm ảnh hưởng an ninh quốc gia.
Nguyễn Thủy
Theo Guardian// Tiền Phong
--------------
Nga giúp Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ?
Kênh truyền hình al-Arabia đã cho công chiếu hàng loạt đoạn phim dựa trên những tư liệu mật của Syria, hiện họ đang nắm trong tay.
Chương trình đầu tiên phát đi ngày 29/9. Trong đó, al-Arabia khẳng định, theo tài liệu mật mà họ có, máy bay của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng phòng không Syria bắn rơi, với sự góp sức của các chuyên gia Nga, những người đồn trú tại quân cảng Tartus.
Tuy nhiên, kênh truyền hình này không nói rõ là Nga đã tham gia như thế nào trong sự việc này.
Thông tin này được nhắc đến trong một tài liệu mật mà tổng thống Assad gửi Hasan Abdeliu Rahman, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Syria.
al-Arabia còn tiết lộ 2 phi công lái chiếc RF-4E không bị chết khi máy bay rơi mà bị bắt làm tù binh và sau đó mới bị giết. Thi thể của họ bị vứt lại gần khu vực máy bay rơi.
Cũng theo tài liệu mà kênh truyền hình này có được, những viên phi công đã bị hỏi cung về việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ quân nổi dậy thuộc lực lượng Quân đội Syria Tự do như thế nào?
Chiếc RF-4E của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn rơi trên vùng biển Địa Trung Hải hôm 22/6.
Theo Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay bị bắn rơi khi đang bay trên không phận quốc tế. Ngược lại, Syria tuyên bố, máy bay này đã xâm phạm không phận nước mình.
Thi thể của 2 viêc phi công được tìm thấy trong khoang máy bay, sau đó được tàu Nautilus của Mỹ trục vớt.
Vụ việc này đã khiến mối quan hệ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng.
al-Arabia hứa sẽ tiếp tục cho ra mắt phần tiếp theo của đoạn phim sau 2 tuần nữa. Tất cả những đoạn phim này sẽ có phụ đề tiếng Anh.
al-Arabia là kênh truyền hình của Qatar, quốc gia có thái độ thù địch với Syria trong khu vực.
Hiền Thảo (theo Lenta, ĐVO)
------------------
Philippines gửi thêm quân tới biển Đông
Một quan chức quân đội cấp cao của Philippines cho biết vào ngày 30/9, nước này điều động thêm 800 lính thủy đánh bộ ở biển Đông và mở một trụ sở mới ở Palawan.
Theo nguồn tin, Philippines điều động lính thủy đánh bộ tới biển Đông nhưng không rõ là đảo nào.
Trung tướng Juancho Sabban phát biểu rằng, Philippines chỉ muốn triển khai biện pháp bảo vệ chứ đây không phải là hành động khiêu khích.
Ông Sabban, người chỉ huy các đơn vị Philippines đồn trú quân sự ở biển Đông nói với AFP, có tất cả hai tiểu đoàn mới được đưa đến đây. “Đây là bảo vệ chứ không phải chiếm các đảo mà nước khác đã đóng quân”, ông này nói.
Ông Sabban cho biết, một trụ sở của lữ đoàn lính thủy đánh bộ cũng được thành lập ở tỉnh Palawan gần đó, nhìn về hướng Biển Đông, để “ra lệnh và giám sát” lực lượng này.
Đài Trang (theo AFP, ĐVO)
-------------
Mỹ mất 2.000 binh sĩ tại Afghanistan
Quân đội Mỹ vừa mất quân nhân thứ 2.000 trong cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ qua tại Afghanistan.
Binh sĩ Mỹ mới nhất thiệt mạng trong một cuộc đấu súng tại chốt gác ở miền đông của Afghanistan, BBC dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay. Vụ nổ súng xảy ra tại tỉnh Wardak hôm 29/9 còn khiến ba lính Afghanistan thiệt mạng, một số người khác bị thương.
Ảnh cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan
Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) ban đầu cho hay binh sĩ Mỹ bị chết dưới tay các lực lượng an ninh sở tại, nhưng sau đó lại thông báo nguyên nhân trường hợp tử vong này còn chưa rõ ràng. Một cuộc điều tra về cái chết này đang được tiến hành.
Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận binh sĩ mới nhất của nước này thiệt mạng là trung sĩ Riley Stephens của Tiểu đoàn 1, Nhóm Biệt kích Dù số 3. Binh sĩ 39 tuổi không qua khỏi vì những vết thương từ vũ khí cỡ nhỏ của đối phương.
Kể từ đầu năm, hơn 50 binh sĩ và sĩ quan nước ngoài đã thiệt mạng bởi các nhân viên cảnh sát hoặc quân nhân Afghanistan, trong những cuộc tấn công bất ngờ. ISAF đã mất hơn 330 binh sĩ trong năm 2012.
Các lực lượng nước ngoài dự kiến rút hoàn toàn khỏi Afghanistan cho tới cuối năm 2014. Liên minh quân sự do NATO dẫn đầu chịu trách nhiệm cho kế hoạch chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho các lãnh đạo Afghanistan tại thời điểm đó.
Ngoài 2.000 binh sĩ thiệt mạng tại Afghanistan, Mỹ còn mất 4.409 lính trong cuộc chiến ở Iraq. Mỹ đã rút hết lính khỏi Iraq và đang rút dần binh sĩ khỏi Afghanistan, trong nỗ lực chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình dương.
Hà Giang// VNex
------------
Mỹ bỏ ra 250 tỷ USD duy tu tên lửa Patriot-3 trong 20 năm
Chi phí duy trì vận hành và duy tu tên lửa Patriot-3 của Lục quân Mỹ là một con số khổng lồ đáng kinh ngạc.
Trang mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc cho biết, vừa qua, Ủy ban Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã công bố một bản báo cáo liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, cho rằng các nhà hoạch định chính sách cung cấp các thông tin có liên quan đến sự lựa chọn vốn. Báo cáo đã chỉ ra chi phí bảo đảm khổng lồ cho hệ thống tên lửa Patriot-3 (PAC-3) của Lục quân Mỹ.
Patriot là hệ thống radar và tên lửa đất đối không chính hiện có, nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Patriot-3 là phiên bản mới nhất của nó.
Hệ thống này là biện pháp phòng thủ chính của Mỹ để ứng phó với các mối đe dọa tên lửa đạn đạo chiến thuật tiềm tàng.
Nhưng, kết quả điều tra của Ủy ban nghiên cứu Mỹ chỉ ra, trong 20 năm qua, chi tiêu dùng để bảo đảm duy tu tên lửa Patriot-3 đã gần 250 tỷ USD. Là một hệ thống vũ khí, việc chi tiêu đến mức như vậy là rất đáng kinh ngạc.
Quá trình tính toán ra tổng chi phí. Đơn vị Patriot Mỹ gồm có 4 đại đội tên lửa và radar, mỗi năm lần lượt phải chi 184-202 triệu USD để duy trì vận hành và bảo vệ.
Vì vậy, chi phí mỗi năm của cả một đơn vị là 735-809 triệu USD. Lục quân Mỹ có 15 đơn vị như vậy, vì vậy chi phí cần thiết hàng năm cho toàn bộ hệ thống trong và ngoài nước là 11-12 tỷ USD.
Tổng chi phí của 20 năm là 220-240 tỷ USD. Đồng thời, trong đó còn chưa có chi phí vận tải đường không được đưa vào ngân sách không quân.
(GDVN)
----------------
Ấn Độ sẽ trang bị radar AESA tự chế cho máy bay chiến đấu LCA
Đây là một bước tiếp theo trong nỗ lực nội địa hóa ngành hàng không của Ấn Độ, đảm bảo tính tự chủ cho Không quân nước này.
Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc dẫn nguồn tin từ Không quân Ấn Độ cho biết, Ấn Độ sẽ trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động AESA tự chế cho máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Mark-2.
Nhưng, tiến độ nghiên cứu phát triển LCA gần 15 năm qua chậm chạp, dự kiến nguyên mẫu Mark-2 phải đến năm 2013 mới có thể cất cánh.
Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang nghiên cứu chế tạo radar AESA cho LCA-Mark-2, mặc dù chưa tiết lộ mức độ tiến triển, nhưng cho biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để hoàn thành phát triển radar.
Căn cứ vào lời nói của một nhà khoa học phụ trách phát triển LCA của Cục Phát triển Hàng không DRDO (ADA), mức độ nội địa hóa LCA Mark-2 của Ấn Độ sẽ chiếm khoảng 70%.
LCA Mark-1 sẽ không dùng cho tác chiến, bởi vì nó không có động lực cần thiết. Trong khi đó LCA Mark-2 sẽ được công ty General Electric cung cấp động cơ F414.
Do công nghệ động cơ Kaveri trong nước của Ấn Độ gặp trở ngại, ADA buộc phải tìm kiếm động cơ thích hợp với Mark-2 ở nước ngoài. Không quân Ấn Độ đã đặt mua 20 máy bay LCA Mark-1; một khi máy bay LCA Mark-2 đi vào hoạt động, Không quân Ấn Độ rất có thể sẽ đặt mua hơn 200 chiếc.
Máy bay LCA một chỗ ngồi, một động cơ là một loại máy bay chiến đấu siêu âm, đa dụng, tiên tiến, có ưu thế trên không dùng cho tác chiến không đối không, không đối đất và hải đối không.
LCA do Công ty TNHH Hàng không Hindustan (HAL) chịu trách nhiệm sản xuất, năm 1983 đưa ra đề nghị phát triển, năm 1993 bắt đầu phát triển quy mô lớn.
(GDVN)
--------
Tướng Mỹ “nổi đóa” trước làn sóng tấn công nội bộ ở Afghanistan
Tư lệnh cao cấp nhất của quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan, Ðại tướng John Allen, đã “nổi đóa” sau khi tại nước này lại vừa xảy ra thêm một vụ tấn công nội bộ nhằm vào các binh sĩ phương Tây.
Trong cuộc phỏng vấn với Chương trình 60’ của đài truyền hình CBS-TV phát sóng tối qua, Ðại tướng John Allen nói rằng ông “gần như phát điên” trước việc các binh sĩ và cảnh sát Afghanistan tấn công binh sĩ phương Tây, những người đang giúp họ bình ổn đất nước sau một thập kỷ chiến tranh với Taliban.
“Chúng tôi sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho chiến dịch bình ổn đất nước Afghanistan, nhưng chúng tôi không sẵn sàng để bị ám sát như thế này”, Đại Tướng Allen nói.
Theo ông, các cuộc tấn công nội bộ ở Afghanistan không khác gì những quả bom tự chế, thứ đã trở thành “vũ khí đặc sản” trong cuộc chiến tranh Iraq trước đây.
“Các cuộc tấn công nội bộ mà chúng ta đang chứng kiến sẽ trở thành những cuộc tấn công đặc trưng của cuộc chiến tại Afghanistan”, ông so sánh.
Trong vụ tấn công nội bộ mới đây nhất xảy ra tối 29/9 ở tỉnh Wardak, một binh sĩ Mỹ, một nhà thầu dân sự người nước ngoài và ít nhất 2 binh sĩ Afghanistan đã bị giết hại bởi chính các “đồng đội địa phương”.
Vụ tấn công nâng số binh sĩ NATO thiệt mạng trong các vụ tấn công nội bộ ở Afghanistan từ đầu năm đến nay lên 52 người. Trong số này có khoảng 80% bị giết hại do khác biệt về văn hóa và thù oán cá nhân, 20% còn lại mất mạng do phiến quân Taliban thực hiện.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công vẫn đang gây quan ngại lớn cho chính phủ các nước gửi quân tham chiến tại Afghanistan, đặc biệt là chính quyền Mỹ, khi một thủ lĩnh Taliban xác nhận với đài truyền hình CBS rằng “tấn công nội bộ là một phần trong chiến dịch quân sự mới” của lực lượng này. Ông này cũng cho biết Taliban đã cài người vào lực lượng cảnh sát và quân đội chính phủ.
Hồi đầu tháng 9, Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF)đã quyết định tạm đình chỉ chương trình huấn luyện cho các tân binh Afghanistan sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công của binh sĩ và cảnh sát địa phương nhằm vào binh sĩ liên quân. Những vụ tấn công này cũng đang đe dọa làm hỏng lịch trình huấn luyện cho các lực lượng an ninh Afghanistan trong bối cảnh lực lượng này sẽ phải tiếp quản nhiệm vụ đảm bảo an ninh sau khi ISAF rút đi vào cuối năm 2014.
Việt Giang
Theo AFP// Dân Trí
-----------------
Tướng NATO: 80% lãnh thổ Ápganixtan không còn bạo lực
Ngày 30-9, Tham mưu trưởng Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế tại Ápganixtan của NATO (ISAF), Trung tướng Olivier de Bavinchove cho biết 80% lãnh thổ Ápganixtan không còn bạo lực, song cảnh báo rằng tình trạng nổi dậy vẫn diễn ra ác liệt tại miền Nam và miền Đông quốc gia Nam Á này do các tay súng đến từ nước láng giềng Pakixtan.
ng Olivier de Bavinchove cho biết: "Khoảng 80% lãnh thổ và dân số Ápganixtan không còn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề an ninh hay bạo lực. Tuy vậy, có một sự tương phản lớn khi so sánh tình trạng an ninh giữa các vùng miền với các quận huyện". Cũng theo người đứng đầu quân đội Pháp tại đây, miền Bắc và miền Tây Ápganixtan hiện đang yên bình với những tín hiệu phát triển và năng lực quản lý được cải thiện, còn miền Trung ít dân sinh sống thì gần như hoàn toàn yên ổn. Tuy nhiên theo ông, các vụ tấn công của lực lượng Ápganixtan vào quân đồng minh NATO "đã thực sự gây phức tạp cho ISAF, phá hoại niềm tin vốn phải có giữa các lực lượng Ápganixtan và quân đồng minh".
Những tuyên bố trên của Trung tướng Olivier de Bavinchove hoàn toàn trái ngược với số liệu của LHQ cho thấy tháng 8-2012 là tháng đẫm máu thứ hai trong 5 năm qua đối với người dân Ápganixtan, trong đó có 374 người thiệt mạng và 581 người bị thương.
Theo TTXVN
--------------
Venezuela: 2 chính trị gia bị bắn chết khi vận động tranh cử
(Dân trí) - Hai chính trị gia đối lập đã bị bắn chết trong một cuộc vận động tranh cử chỉ một tuần trước khi cuộc bầu cử Tổng thống ở Venezuela bắt đầu.
Hai nạn nhân là Geison Valero, thuộc đảng đối lập Công lý thứ nhất và Omar Fernandez, chính trị gia độc lập.
Đảng Công lý thứ nhất cho biết khi hai chính trị gia trên đã bị các tay súng bắn chết khi đang vận động tranh cử cho lãnh đạo đối lập Henrique Capriles ở bang Barinas. Các nhân chứng cho biết xe chở những tay súng thuộc công ty dầu khí nhà nước PDVSA. Tuy nhiên, thông tin này chưa được giới chức Venezuela xác nhận.
Đảng Công lý thứ nhất ra tuyên bố cho biết họ dự kiến tiến hành một cuộc vận động tranh cử ở Barinas, bang quê nhà của Tổng thống đương nhiệm Hugo Chavez, nhưng tuyến đường dẫn vào bang đã bị những người ủng hộ chính phủ chặn. Khi hai chính trị gia trên rời xe để tiến lên, thì họ bị những người mang súng bên trong một chiếc xe tải bắn.
Vụ việc xảy ra khi ông Chavez và ông Capriles đang chuẩn bị kết thúc chiến dịch tranh cử trong vòng vài ngày nữa, trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 7/10.
Đã có những vụ bạo lực xảy ra trong quá trình tranh cử. Người ủng hộ của hai ứng cử viên đã từng ném đá vào nhau trong một sự kiện khác vào đầu tháng này, khi ông Capriles cố gắng tuần hành qua thành phố Puerto Cabello. 4 người đã bị thương trong một vụ bắn súng nổ ra tại một cuộc diễn tập bỏ phiếu hồi đầu tháng 9 này.
Với tội phạm bạo lực là một mối quan tâm lớn đối với các cử tri, giới chuyên gia lo ngại có thể có bạo lực trong cuộc bầu cử được coi là sít sao nhất tại Venezuela trong 1 thập niên qua.
Vũ Quý
Theo BBC// Dân Trí
------------------
Triều Tiên tố Hàn Quốc 'xâm phạm lãnh thổ'
Triều Tiên hôm qua cáo buộc Hàn Quốc xâm phạm lãnh thổ và "kích động" đụng độ quanh biên giới tranh chấp trên biển, nhằm thu hút sự ủng hộ cho đảng cầm quyền trước bầu cử tổng thống.
Phát ngôn viên của Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên tuyên bố "những kẻ hiếu chiến" từ Hàn Quốc đang "đưa tàu chiến tiến sâu vào vùng lãnh hải" của Triều Tiên hàng ngày.
Ông cũng nhắc lại vụ việc các tàu chiến Hàn Quốc gần đây nã súng cảnh cáo các tàu cá ở gần Đường Giới hạn Phía bắc, biên giới tranh chấp giữa hai nước trên biển Hoàng Hải, mà không có cảnh báo trước.
Triều Tiên khẳng định các tàu cá trên đến từ Trung Quốc. Theo đó, nước này cáo buộc bà Park Geun-Hye, ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền Thế giới mới, và những chính trị gia khác đang lợi dụng vụ việc trên để đẩy mạnh chiến dịch tranh cử. Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 19/12 tới.
Bình Nhưỡng không công nhận Đường Giới hạn Phía bắc, vốn được Liên Hợp Quốc định ra sau chiến tranh liên Triều 1950-1953 nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ trên biển giữa hai nước. Trong những tuần gần đây, các tàu cá Bình Nhưỡng nhiều lần bị Seoul tố cáo xâm phạm biên giới hàng hải này, khiến hải quân Hàn Quốc phải bắn cảnh cáo để buộc các tàu rút lui.
Tổng thống Lee Myung-bak đã lên tiếng cảnh báo về những lo ngại "an ninh hàng hải" sau vụ việc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng lên án vụ nã súng trên là "hành động hung hăng" và đe dọa "đáp trả bằng một cuộc tấn công mạnh mẽ".
Anh Ngọc// VNex
-------------
Mỹ tìm cách cạnh tranh với Nga trong việc bán vũ khí cho Iraq
(GDVN) - Mỹ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc chuyển giao vũ khí cho Iraq, đặc biệt là các hệ thống phòng không nhằm ngăn chặn Baghdad tìm kiếm vũ khí từ các quốc gia khác, trong đó có Nga.
Press TV ngày 29/9 đưa tin, gần đây quân đội Mỹ đã tái triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Iraq trong một nỗ lực nhằm tăng cường cố vấn chống khủng bố và trợ giúp tình báo cho lực lượng an ninh Iraq.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, Trung tướng Robert L. Caslen phụ trách nhiệm vụ này cho hay Mỹ lại một lần nữa đạt được thỏa thuận với chính phủ Iraq để tái triển khai các đơn vị quân đội quy mô nhỏ tới Iraq thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân sự, đồng thời thúc đẩy các thương vụ bán vũ khí nhằm đảm bảo an ninh cho nước này.
Theo tướng Caslen, Mỹ đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc chuyển giao vũ khí cho Iraq, đặc biệt là các hệ thống phòng không nhằm ngăn chặn Baghdad tìm kiếm vũ khí từ các quốc gia khác, trong đó có Nga.
Tướng Caslen cho hay Iraq đang đàm phán với Nga để mua các hệ thống phòng không có thể được chuyển giao nhanh hơn các hệ thống phòng không của Mỹ.
Trong khi đó, lô pháo phòng không tân trang mà Washington hứa cung cấp cho Baghdad thì phải đến tháng 6 năm sau mới chuyển giao được.
Sau khi thất bại trong việc thuyết phục chính phủ Iraq tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đất nước này, quân đội Mỹ đã phải rút toàn bộ lực lượng khỏi Iraq hồi cuối năm 2011.
Bảo Thành (Nguồn: Press TV)
--------------------
Tai nạn máy bay tại Triển lãm Hàng không
Ngày 29/9, một vụ tai nạn máy bay đã xảy ra tại Hội chợ Triển lãm Hàng không ở Indonesia (Inđônêxia), làm 2 phi công thiệt mạng.
Phóng viên TTXVN tại Indonesia cho biết nạn nhân là hai phi công không quân đã nghỉ hưu và là thành viên của Liên đoàn Thể thao Hàng không Indonesia.
Đại tá Umar Sugeng, Chỉ huy trưởng căn cứ không quân tại Bandung cho biết chiếc máy bay AS Bravo 202 bị rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh thực hiện một số động tác nhào lộn. Theo lời các nhân chứng, họ thấy một luồng khói phát ra từ máy bay và sau đó máy bay rơi xuống đâm vào toà nhà gần đó.
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên đã xảy ra tại hội chợ triển lãm hàng không Bandung. Năm 2010, một phi công cũng bị thương nặng sau khi chiếc Super Decathlon bị rơi khi đang biểu diễn nhào lộn.
Ông Sugeng cho rằng tất cả các pha biểu diễn nhào lộn nguy hiểm trên không sẽ được đình lại. Liên đoàn Thể thao Hàng không Indonesia sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân tai nạn.
TTXVN/ Tin Tức
---------------
Iran 'khoe' vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại
Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 29/9 đưa tin Iran đã cho ra mắt một loại súng bắn tỉa tầm xa và xe vận tải chiến thuật hạng nặng do các chuyên gia quân sự nước này tự chế tạo.
Loại vũ khí và thiết bị quân sự trên được chính thức giới thiệu tại một buổi lễ ở thủ đô Tehran (Têhêran) với sự tham dự của Tư lệnh các lực lượng bộ binh thuộc Lục quân Iran, Tướng Ahmad-Reza Pourdastan.
Phát biểu với báo giới, ông Pourdastan cho biết súng trường Shaaher cỡ nòng 14,5 ly, có tầm bắn 3 km, thân súng dài 185 cm, nặng 22 kg và cần tới 3 người để sử dụng hiệu quả.
Trong khi đó, xe vận tải chiến thuật Neinava có trọng tải 2,5 tấn, dùng để chở quân và trang thiết bị. Xe dài 7 m, rộng 2,5 m và cao 2,8 m, được trang bị động cơ 240 mã lực, có thể chở 5 tấn trong điều kiện địa hình bình thường và 2,5 tấn trên mọi loại địa hình.
Trước đó, ngày 25/9, Press TV cũng cho hay Không quân Iran sẽ được trang bị những máy bay chiến đấu Saeqeh (Sấm sét) thế hệ mới do nước này tự chế tạo vào trước cuối năm nay.
Theo Phó Tư lệnh Không quân Iran Aziz Nasirzadeh, loại máy bay này hiện đại hơn so với các chiến đấu cơ hiện nay và đã được các chuyên gia Iran tối ưu hóa.
Máy bay Saeqeh có thể được trang bị đạn tăng cường, bom thông minh và các hệ thống điện tử hiện đại.
TTXVN/ Tin Tức
--------------------
Nga thử nghiệm “đồng phục tương lai” cho quân đội
(TNO) Một quan chức cấp cao của quân đội Nga ngày 29.9 cho biết “đồng phục binh sĩ tương lai” mang tên Ratnik đã được thử nghiệm thành công, mở đường cho việc đưa vào ứng dụng trong quân đội, theo RIA Novosti.
Ratnik (có nghĩa là “Chiến binh”), gồm hơn 40 bộ phận cấu thành, trong đó có vũ khí (súng ngắn), áo giáp, thiết bị liên lạc, thiết bị điều hướng, hệ thống cung cấp điện và hỗ trợ, thậm chí có cả miếng đệm đầu gối và khuỷu tay, chỉ huy Lục quân Nga tướng Vladimir Chirkin cho biết.
Đài phát thanh Ekho Moskvy đưa tin đồng phục này có thể được trang bị cho bộ binh, các nhà điều hành phóng tên lửa, xạ thủ súng máy, lính lái xe và lính trinh sát. Ngoài ra, đồng phục này được thiết kế khá nhẹ dù có chút biến đổi giữa đồng phục đông và hè.
Ratnik đã được thử nghiệm trong cuộc tập trận Caucasus 2012 vừa qua. Các cuộc thử nghiệm sẽ vẫn được tiếp tục tại bãi thử nghiệm Alabino ở ngoại ô Moscow.
Tướng Chirkin cũng tuyên bố bộ đồng phục này sẽ sớm được đưa vào ứng dụng trong quân đội nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Trong cuộc tập trận Caucasus, Nga cũng thử nghiệm hệ thống chỉ huy quân đoàn mang tên Zarya (“Hừng Đông”). Hệ thống này cần được cải tiến nhiều hơn và dự kiến sẽ hoàn thành trong vài năm tới.
Trương Y Vân// Thanh Niên
----------------
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu Syria vẫn bắn rocket
Hãng Reuters dẫn nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/9 cho biết nước này sẽ hành động nếu tái diễn một vụ tấn công bằng rocket từ bên trong Syria sang lãnh thổ nước này.
Hãng thông tấn tư nhân Dogan đưa tin một quả rocket bắn từ Syria hôm 28/9 đã rơi trúng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, làm hư hại nhiều ngôi nhà và nơi làm việc tại khu vực biên giới Akcakale.
Phát biểu với báo giới ở New York, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tuyên bố đã báo cáo vụ việc này lên Liên hợp quốc và NATO.
Ông nhấn mạnh: "Nếu những vụ xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ như thế còn tái diễn, chúng tôi sẽ bảo vệ các quyền của mình", song không nói thêm chi tiết.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người tị nạn và một số nhân vật đối lập Syria.
Hồi tháng Tư, ít nhất năm người, trong đó có hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị thương trong vụ nổ súng qua biên giới nhằm vào một trại tị nạn của người Syria ở Kilis.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng quân và củng cố phòng không dọc đường biên giới chung dài 900km sau vụ Syria bắn rơi một máy bay do thám của nước này hồi tháng Sáu./.
(Vietnam+)
-------------
Mỹ giục các nước vùng Vịnh đẩy mạnh phòng thủ tên lửa
(TNO) Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia vùng Vịnh phát triển những kế hoạch phòng thủ tên lửa cấp khu vực có tính tương tác cao hơn giữa lúc tồn tại điều mà các nước này cho là mối đe dọa đang gia tăng từ Iran, theo hãng tin AFP.
“Đó là mục tiêu của Mỹ, nhằm khuyến khích các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) phát triển cơ cấu phòng thủ tên lửa, bởi vì để thực sự bảo vệ khu vực bằng hệ thống phòng thủ tên lửa thì cần một cách tiếp cận cấp khu vực”, một quan chức cao cấp Mỹ phát biểu ngày 28.9, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán với GCC.
GCC gồm 6 quốc gia thành viên là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
“Để có thể phòng thủ trước một vụ tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ của các bạn, cần có radar và các loại phương tiện khác bên ngoài lãnh thổ”, quan chức trên nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta lẽ ra theo kế hoạch đã tham dự các cuộc thảo luận tại New York cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, vốn được tổ chức bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhưng thời tiết xấu đã buộc ông hủy bỏ các kế hoạch đi lại.
Quan chức Mỹ nói rằng Washington đã nhận được những tuyên bố bày tỏ sự quan tâm của một số nước vùng Vịnh đối với việc phát triển khả năng phòng thủ tên lửa.
Các cuộc thảo luận đang diễn ra trong khuôn khổ một diễn đàn hợp tác chiến lược mới được thành lập hồi tháng 3.2012, vốn cũng đã dẫn đến cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của 12 lực lượng hải quân và khoảng 30 nước.
“Tôi nghĩ điều quan trọng cần biết là nếu họ mua các thiết bị phòng thủ tên lửa Mỹ, chúng sẽ dễ gắn kết lại với nhau hơn, bởi vì về bản chất chúng có tính tương tác cao hơn”, quan chức Mỹ nói.
“Mục tiêu của chúng tôi là giúp các nước đối tác vùng Vịnh về những nhu cầu phòng thủ của họ. Cũng có một mối đe dọa tên lửa mà họ phải đối mặt. Chúng tôi muốn giúp họ đối mặt với mối đe dọa đó một cách tốt nhất”, quan chức Mỹ này khẳng định sau khi được hỏi liệu kế hoạch cũng sẽ bảo vệ trước bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ Iran.
Một quan chức Mỹ thứ hai cũng nói thêm rằng trọng tâm là “đảm bảo dòng chảy giao thương tự do ở các eo biển nói chung, vốn là điều quan tâm của tất cả các nước”
“Rõ ràng, các nước GCC có lo lắng về những phát biểu của Iran, vốn thường đe dọa giao thương tự do trong khu vực”, ông này nói.
Quan chức này cũng cho biết Mỹ “lo ngại về sự gián đoạn hoạt động vận tải biển trong khu vực do Iran gây ra”.
Lan Chi// Thanh Niên
------------
Kofi Annan: Blair lẽ ra đã ngăn được chiến tranh Iraq
Cựu thủ tướng Anh Tony Blair là người duy nhất có thể thuyết phục George Bush không tiến hành cuộc xâm lược Iraq năm 2003, theo lời cựu tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan trong một cuộc phỏng vấn đăng tải ngày thứ Bảy.
Ông Annan nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên báo Times rằng ông Blair có thể đã khiến ông Bush đổi ý vì mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia và hai nhà lãnh đạo.
Annan nói ông thường tự vấn rằng điều gì đã xảy ra nếu như “Blair đã nói rằng: George, chúng ta chia tay ở đây. Ông phải tự lo lấy phần của mình” sau khi thất bại trong việc thông qua nghị quyết thứ hai của Liên Hợp Quốc về Iraq.
“Tôi thực sự tin rằng điều đó có thể ngăn cuộc chiến,” ông Annan, từng được trao giải Nobel hòa bình, nói. Ông cũng là tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng Iraq.
Nghị quyết thứ nhất của Hội đồng bảo an đã cho Iraq cơ hội cuối cùng chấp nhận các quy định về giải giáp được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối vào tháng 11/2002.
Nhưng nghị quyết thứ hai do Anh, Mỹ và Tây Ban Nha đề xuất năm 2003 kêu gọi có hành động chống lại chế độ của Saddam Hussein bị rút lại sau khi tình hình trở nên rõ ràng là nó sẽ bị phủ quyết.
Mỹ do đó quyết định họ không cần một nghị quyết và vẫn đơn phương có hành động quân sự, nổ súng vào ngày 20/3/2003.
Cuộc xâm lược kéo theo tám năm chia rẽ và xung độ đẫm máu ở Iraq, khiến hơn 100.000 thường dân thiệt mạng.
Annan phản đối ý kiến cho rằng nếu ông, hoặc bộ trưởng ngoại giao Mỹ khi đó Colin Powell, chấp nhận từ chức, mọi việc đã có thể thay đổi. Ông cũng bác bỏ lời kêu gọi của giám mục Desmond Tutu yêu cầu đưa Bush và Blair ra xét xử trước Tòa án hình sự quốc tế. Cả hai người đều được bầu lên một cách dân chủ và hành động vì lợi ích quốc gia của họ, ông Annan nói.
Ông Annan mới đây giữ cương vị đặc sứ của Liên Hiợp Quốc và Liên đoàn A-rập tại Syria, từ tháng 2 tới tháng 8, nhưng đã từ nhiệm sau khi kế hoạch hòa bình của ông thất bại.
Cuộc phỏng vấn của ông với tờ Times là một sự kiện chuẩn bị cho việc ra mắt cuốn hồi ký Interventions - a Life in War and Peace (Những sự can thiệp - Một cuộc đời trong chiến tranh và hòa bình)./.
Trần Trọng (Vietnam+)