"Thần biển" US-2 của Hải quân Nhật Bản. |
Cuộc đụng độ “nảy lửa” giữa các tàu tuần tra của Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông mới đây nhất đã khiến nhiều người liên tưởng đến một cuộc xung đột có thể xảy ra giữa hai nước khi Trung Quốc từng cảnh báo Nhật Bản “đừng đùa với lửa”.
Tranh chấp lãnh hải vốn đã căng thẳng giữa hai nước bỗng bị châm ngòi trở lại hôm 12/7 sau khi 3 tàu tuần tra của Trung Quốc có cuộc đối đầu gay gắt với tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản ở khu vực gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc đụng độ đang có nguy cơ đẩy mối quan hệ căng thẳng Trung-Nhật vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn, thậm chí nhiều người còn lo ngại nó sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang.
CụcPhòng vệ Nhật Bản hiện đang sở hữu những loại vũ khí bí ẩn gì và sức mạnh của chúng đến đâu trước những đe dọa từ bên ngoài?
Công nghệ quân sự hiện đại
Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc năm 1945, lực lượng lục quân đế quốc Nhật Bản và hải quân đế quốc Nhật Bản bị giải thể hoàn toàn, thay vào đó người ta thành lập Cục phòng vệ Nhật Bản (Japan Self – Defense Forces).
Cục phòng vệ Nhật Bản (JSDF) gồm ba thành phần hợp thành: Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF), Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (JMSDF) và Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF).
Về trang bị vũ khí, Nhật Bản sau năm 1945 hầu hết sử dụng thiết bị quân sự được viện trợ hoặc nhập khẩu từ Mỹ. Tuy nhiên, theo thời gian, nền kinh tế Nhật Bản phát triển mạnh mẽ cùng với sức mạnh khoa học – công nghệ đỉnh cao, họ bắt đầu tự sản xuất các loại vũ khí cho riêng mình dựa theo thiết kế nổi tiếng của nước ngoài hoặc chính người Nhật “tự chế”.
Nói đến sức mạnh quân đội Nhật Bản, không thể không nói đến lực lượng hải quân hay còn gọi chính xác là Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.
Hải quân Nhật Bản được đánh giá là một trong những lực lượng tác chiến trên biển mạnh nhất trong khu vực châu Á. Hải quân Nhật được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, sức cơ động lớn đồng thời tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc chiến lớn nhất thế giới qua nhiều thời đại cai trị, cầm quyền tại Tokyo.
Quân số thường trực của quân phòng vệ khoảng 46.000 người với 110 tàu các loại.
Nhiều loại vũ khí hải quân hiện đại
Hải quân Nhật Bản được Cục phòng vệ nước này rất chú trọng bởi vậy lực lượng này được trang bị rất nhiều loại tàu chiến, tàu ngầm cũng như các loại vũ khí hải quân hùng hậu và hiện đại.
Hải quân Nhật Bản hiện đang biên chế 2 tàu chở trực thăng loại 18.000 tấn lớp Hyuga. Nó có thể chở 11 trực thăng cùng đơn vị đổ bộ.
Bên cạnh đó, lực lượng này còn được trang bị 2 tàu lớp Atago, 2 tàu lớp Kongo (chuẩn bị lắp hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3), 2 tàu lớp Hatakaze, 1 tàu lớp Tachikaze, 2 tàu lớp Shirane (tương lai sẽ thay thế bởi loại 22DDH), 2 tàu lớp Haruna, 5 tàu lớp Takanami, 6 tàu lớp Murasame, 7 tàu lớp Asagiri, 9 tàu lớp Hatsuyuki.
Nhật Bản là một trong những quốc gia sở hữu số lượng tàu ngầm tương đối lớn trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới. Các tàu ngầm lớp Soryu, Harushio và Oyashio của Nhật Bản sở hữu những đặc điểm kỹ - chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện Hải quân Nhật đang sở hữu 3 tàu ngầm tấn công lớp Soryu, 11 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ.
Ngoài ra, Hải quân Nhật Bản còn được trang bị loại tàu quét mìn, bao gồm: 2 tàu lớp Uraga, 3 tàu lớp Yaeyama, 7 tàu lớp Uwajima, 3 tàu lớp Hirashima và 12 tàu lớp Sugashima. Tàu đổ bộ hiện đại như 3 tàu đổ bộ lớp Osumi, 2 tàu đổ bộ phục vụ lớp I-Go, 2 tàu đổ bộ lớp Yura cũng đang thuộc biên chế của lực lượng này. Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm từ 16 lên 20-22 chiếc và nâng số khu trục lên 47-48 chiếc.
Đặc biệt, nhắc đến các loại vũ khí “khủng” của Hải quân Nhật Bản thì không thể không nhắc tới chiếc thủy phi cơ US-2, được mệnh danh là “Thần biển”, loại vũ khí mà nhiều quốc gia Đông Nam Á đang vướng vào các cuộc tranh chấp lãnh hải rất “để mắt”.
Để tăng cường sức mạnh cũng như bảo vệ vùng biển thì tàu chiến và tàu tuần tra đóng vai trò rất quan trọng trong lực lượng hải quân các nước, nhưng nếu có sự hỗ trợ từ trên không thì hiệu quả của việc tuần tra tầm xa sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Và loại thủy phi cơ US-2 đã làm được điều đó.
Trong biên chế của lực lượng phòng vệ Nhật Bản thì thủy phi cơ US-2 ngoài công tác tìm kiếm còn đảm trách nhiệm vụ vận tải trên biển, đồng thời còn là một máy bay phát hiện tầm xa hiệu quả.
US-2 có khả năng hạ cánh ở khu vực biển có sóng cao 3m, và loại máy bay này ngoài khả năng áp dụng trong công tác tìm kiếm cứu nạn còn có thể được cải tiến thành thứ vũ khí đáng sợ đến từ trên không.
Đây là loại thủy phi cơ do Nhật Bản tự nghiên cứu và chế tạo. Sau khi nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản cũng bày tỏ sự sẵn lòng cung cấp vũ khí ra nước ngoài, đặc biệt là các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Bởi Nhật cũng đồng quan điểm với Mỹ khi nhận định rằng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nếu sở hữu một sức mạnh “đảm bảo” thì sẽ duy trì được sự ổn định lâu dài tại khu vực này.
Việt Nguyễn - (tổng hợp)
(Vnmedia)