Chiến lược Viễn Đông được đưa lên tầm cao quốc gia nhưng việc triển khai sẽ gặp vô số vấn đề.
Lãnh thổ Nga phần lớn nằm ở châu Á. Khu vực Viễn Đông của Nga gồm Trung và Đông Siberia, diện tích khoảng 6,2 triệu km2, dân số khoảng 10 triệu người. Nhưng về truyền thống văn hóa và lịch sử, Nga là một nước châu Âu.
Trong khoảng 10 năm lại nay, Nga đã chú trọng phát triển vùng Viễn Đông. Bốn năm Medvedev là thời kỳ hoạt động sôi nổi của đối ngoại giao Nga ở khu vực Thái Bình Dương với số lượng các sáng kiến không thua kém gì hướng châu Âu. Nhưng chính sách hướng Đông vẫn chưa bứt phá và nó căn bản vẫn là chính sách lấy Trung Quốc làm trọng tâm.
Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin, ngày 7/5/2012. Cùng ngày, Tổng thống Putin Ký sắc lệnh đối ngoại đặt trọng tâm phát triển vùng Viễn Đông Nga
Tới chính quyền Putin-II, chiến lược Viễn Đông được đưa lên tầm cao quốc gia. Một chỉ dấu là một bộ ngành mới được thành lập - “Bộ Phát triển Viễn Đông”. Bộ này có chức năng quản lý công việc phát triển của khu vực Viễn Đông, hoạch định phương châm chính trị lớn cho sự phát triển của khu vực này. Trong bối cảnh châu Á trở thành động lực của sự phát triển kinh tế toàn cầu, Trung Quốc được ví như một đầu tàu, Nga điều chỉnh chiến lược phát triển quốc gia theo hướng chú trọng hơn vào châu Á-Thái Bình Dương, nhằm thích ứng với xu thế phát triển mới.
Nhưng chủ trương đó sẽ được triển khai như thế nào, vẫn còn vô số vấn đề. Bên cạnh lập một bộ ngành chuyên trách, chính quyền cũng tạo ra một công ty nhà nước nhằm mục đích khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực này. Tuy nhiên, cách tiếp cận theo hướng do nhà nước lãnh đạo như vậy được nhìn nhận chưa hẳn là giải pháp tốt. Trong một nỗ lực khác, Moscow khuyến khích những người nhập cư từ các quốc gia thuộc Liên Xô cũ tới sinh sống, được bảo đảm việc làm và tiền trợ cấp. Chương trình này của chính phủ đã đưa 400 hộ gia đình nói tiếng Nga tới vùng Viễn Đông.
Hợp tác và tránh phụ thuộc kinh tế Trung Quốc
Đối với người Nga Viễn Đông, Moscow ở xa mà Trung Quốc ở gần. Sự gần gũi địa lý này vừa có mặt thuận, vừa nhiều mặt nghịch. Các quan hệ quốc tế hiện đại giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á cho thấy, nếu nước nào không có một cơ cấu kinh tế mạnh, không tránh khỏi rơi vào cái ô phụ thuộc Trung Quốc.
Diện tích vùng Viễn Đông lớn hơn nửa diện tích Trung Quốc, song dân số chỉ bằng bằng khoảng một nửa dân số Bắc Kinh hay Thượng Hải. Khu vực Viễn Đông có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là khí đốt. Từ thế kỷ 19, Nga xác lập quyền thống trị tại vùng Siberia, nơi về mặt lịch sử, rất nhiều địa phương từng có quan hệ về dân tộc với phương Bắc Trung Quốc cổ đại. Các cơ sở hạ tầng hiện đại của Trung Quốc đã áp sát biên giới Nga. Người Trung Quốc qua lại ngày càng đông. Moscow lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đang thách thức quyền lực của Nga trên chính lãnh thổ của họ. Dmitry Trenin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, nhận định: “Lãnh thổ phía Đông của Nga đang dần hướng tới quốc gia đầy sinh lực ngay bên cạnh. Nói cách khác, vùng lãnh thổ này của Nga đang ngày càng bị phụ thuộc vào ngành công nghiệp đang phát triển của Trung Quốc”.
Các nhà quan sát dễ dàng nhận thấy ở các địa phương của Nga, đặc biệt ở những khu vực biên giới, hàng hóa của Trung Quốc chất đầy các kệ hàng tạp hóa địa phương. Người dân Nga đến Trung Quốc để mua hàng tiêu dùng và quần áo. Trung Quốc có quốc sách tích cực đưa người xâm nhập kiểm soát các nguồn tài nguyên ở khu vực thưa thớt dân cư Siberia. Điều này thúc đẩy Moscow đặt trọng tâm mới vào đầu tư kinh tế cũng như quân sự ở Viễn Đông.
Tìm kiếm, đa dạng hóa đối tác
Nga đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: Duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, đồng thời phải cân bằng ảnh hưởng của giới doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông. Nga đang tìm kiếm các mối quan hệ mới mà không gây ra sự phản ứng tiêu cực từ Bắc Kinh, không đe dọa hệ thống quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung.
Nhật Bản là một yếu tố không thể thiếu cho một sự phát triển toàn diện miền Viễn Đông Nga. Nhưng sự thay đổi liên tục các chính phủ tại Nhật Bản không tránh khỏi làm gián đoạn các ý tưởng hợp tác Nga-Nhật. Chính quyền Naoto Kan (2010-2011) đã đóng băng các cuộc đối thoại với Moscow với đề xuất phát triển quan hệ kinh tế tách riêng vấn đề tranh cãi về lãnh thổ của hai Thủ tướng Taro Aso (2008-2009) và Yukio Hatoyama (2009-2010). Đầu năm 2012, Thủ tướng Yosihika Noda đã phát tín hiệu sẵn sàng quay trở lại “đường lối của Thủ tướng Hatoyama”. Sự kiên nhẫn của ban lãnh đạo Bắc Kinh và cách tiếp cận thực dụng của ông Noda đã tạo ra một tiền lệ gác tranh chấp cùng thúc đẩy liên kết kinh tế mà Moscow có thể vận dụng trong quan hệ mới với Tokyo. Ngay sau khi đắc cử nhiệm kỳ ba, ông Putin đã khẳng định ưu tiên giải quyết quan hệ với Nhật Bản. Chương trình nghị sự cho cuộc gặp cấp cao Nga-Nhật đang được chuẩn bị.
Ngoài ra, theo giới quan sát, tầm nhìn Viễn Đông của Nga ở chừng mực nào đó có thể nói là chiến lược “trở lại châu Á” phiên bản của Nga. Trong cục diện tương tranh của nhiều thế lực, các quốc gia phải thành thạo cuộc chơi địa-chính trị truyền thống - lợi dụng mâu thuẫn và cân bằng lợi ích. Vì vậy, theo một số chuyên gia, an ninh của Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào sự cân bằng trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và Trung Quốc, chứ không phải nghiêng về một bên nào. Làm được việc ấy là một thách thức.
Nga có một số hành động cụ thể trở lại Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn. Sự tham gia của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam là dự án thương mại trọng điểm. Nga cũng tiếp tục một số dự án khai thác dầu khí ngoài khơi và tăng cường hợp tác nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Việt Nam.
Trong một sắc lệnh tổng thống mang tên “Phương hướng thực thi đường lối đối ngoại”, ban hành hôm 7/5 sau lễ nhậm chức, Tổng thống Putin xác định xây dựng các mối quan hệ gần gũi hơn và cùng có lợi với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng điều này cần thiết để phát triển vùng Viễn Đông và Đông Siberi của Nga. Tổng thống Putin mong muốn củng cố quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand...
Chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Nga đang đứng trước nhiều vấn đề mới. Việc tham gia vào hệ thống quan hệ quốc tế và hội nhập liên kết kinh tế khu vực đã trở nên cấp thiết để góp phần thực hiện cam kết của Tổng thống Putin khôi phục vị trí cường quốc của nước Nga và đến năm 2020, đưa tổng GDP của Nga vào hàng ngũ 5 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới./.