Chiến lược quân sự của Nga được xây dựng trên cơ sở “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đến năm 2020” và Học thuyết quân sự Nga. Theo đó, Nga tập trung cải cách Lực lượng vũ trang Liên bang nhằm nâng cao khả năng chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Máy bay Su-30SM của Nga.
Chiến lược quân sự
Chiến lược an ninh và học thuyết quân sự vẫn được tiếp tục khẳng định những mối đe doạ và thách thức đối với nước Nga đồng thời đề ra những giải pháp khôi phục sức mạnh quân sự để tăng khả năng răn đe, phòng ngừa và đánh bại các âm mưu xâm phạm lợi ích của Nga.
Đáng chú ý là Nga tiếp tục công khai tuyên bố dành cho mình quyền sử dụng lực lượng hạt nhân để chống lại các đòn hạt nhân nhằm vào Nga và đồng minh. Các chiến lược được đưa ra nhằm đảm bảo kiềm chế các nguy cơ quân sự đe doạ lợi ích của Nga, đảm bảo lợi ích về chính trị và kinh tế của quốc gia, thực hiện các chiến dịch quân sự trong thời bình và bảo vệ an ninh quốc gia.
Mục tiêu dài hạn (2020) đã được Tổng thống Nga ký sắc lệnh ban hành “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đến năm 2020”, và Học thuyết Quân sự Nga, theo đó Nga tiếp tục kiện toàn Lực lượng vũ trang Liên bang, các quân binh chủng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong mọi diễn biến của cục diện chính trị, quân sự.
Trong trung hạn (2015), tích cực tạo diện mạo mới về chất cho Lực lượng vũ trang Liên bang Nga (cải cách quân đội) và duy trì tiềm lực hạt nhân chiến lược, hoàn thiện cơ cấu biên chế, tổ chức và bố trí các đơn vị của các quân binh chủng ở từng khu vực, tăng số lượng các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác huấn luyện tác chiến, phối hợp giữa các quân, binh chủng.
Chiến lược quân sự của Liên bang Nga tập trung ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang, răn đe và phòng ngừa các cuộc xung đột quân sự, cải tiến tổ chức quân sự, hình thức và phương pháp hoạt động của các Lực lượng vũ trang, đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật cho quốc phòng và an ninh của Liên bang Nga, đồng thời đảm bảo lợi ích của các đồng minh.
Nga xác định những mối đe dọa bên ngoài và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Ngoài ra, trước nguy cơ sự hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của một số nước và tình hình phức tạp tại phía Đông dãy núi Ural. Nga cũng lên kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của mình sang phía Đông, cụ thể Nga đang gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng Viễn Đông với mục tiêu nhằm khôi phục khả năng chiến đấu vốn bị suy giảm sau khi Liên Xô tan rã, cân bằng sức mạnh quân sự với các liên minh khác và sự gia tăng tiềm lực quân sự của một số nước lớn.
Gần đây, Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “bảo vệ các lợi ích quốc gia” trong khu vực Bắc Cực. Nga đã có kế hoạch bố trí hai lữ đoàn tại đây. Ngoài ra, việc tăng cường sức mạnh quân sự từ Thái Bình Dương tới Bắc Cực nhiều khả năng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong thời kỳ mới.
Trong dài hạn của chiến lược quân sự là xây dựng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga gọn nhẹ, cơ động, trang bị hiện đại đủ khả năng đảm bảo an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong mọi tình huống.
Phát triển quân đội
Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đang triển khai kế hoạch, tiếp tục cải cách và hiện đại hoá quân đội với mục tiêu xây dựng quân đội tinh gọn, tăng cường tính cơ động và khả năng tác chiến.
Quân số, theo dự kiến năm 2012 tổng quân số chỉ còn một triệu quân. Số lượng sĩ quan sẽ giảm từ 355.000 xuống còn 220.000 người. Số lượng tướng lĩnh giảm từ 1.107 xuống còn 886. (Đây là một tiến trình rất khó khăn).
Cơ cấu chỉ huy từ bốn cấp (quân khu, tập đoàn quân, sư đoàn, trung đoàn) chuyển thành ba cấp (Bộ tư lệnh tác chiến chiến lược, Bộ tư lệnh binh đoàn binh chủng hợp thành, Bộ tư lệnh tác chiến lữ đoàn). Năm 2011, thông qua các cuộc diễn tập quân đội Nga đã hoàn thiện hơn về cơ cấu chỉ huy ba cấp.
Tái trang bị toàn diện cho quân đội Nga đã bắt đầu từ năm 2011 và sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, đây là một kế hoạch nhằm đối phó với việc mở rộng của NATO về phía biên giới nước Nga. Năm 2012, Nga tiếp tục khởi động “Chương trình hiện đại hóa tổ hợp quốc phòng” với nguồn vốn ngân sách lớn nhất từ trước đến nay.
Ngoài ra, chương trình tái trang bị toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đến năm 2020 sẽ trở thành một chương trình quan trọng bậc nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga.
Tính đến năm 2011, Nga đã chi gần 140 tỷ USD cho việc mua vũ khí. Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự chi phí quân sự của Nga trong năm 2011 và 2012 sẽ đạt khoảng 53 và 61 tỷ USD.
Quá trình hiện đại hoá vũ khí trang bị quy mô lớn đã khởi động. Đến năm 2020, theo kế hoạch quân đội Nga sẽ tiếp nhận: 600 máy bay chiến đấu hiện đại Su-34 và Su-35, trên 1.000 trực thăng mới chủ yếu là trực thăng vận tải Mi-26, máy bay đa dụng Mi-8 và Mi-35M; quân đội Nga sẽ bố trí hàng trăm hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 và S-500 tại các khu vực “nhạy cảm”.
Hải quân Nga sẽ được trang bị 20 tàu ngầm, 100 tàu chiến các loại bao gồm: 35 tàu hộ tống và 15 tàu khu trục, tám tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo Bulava, hai tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral.
Xe tăng thế hệ thứ 4 và thứ 5 cũng được trang bị cho Lục quân. Về vũ khí bộ binh, Nga đang hoàn thiện súng tiểu liên AK đời mới (AK-200) để thay cho các loại AK hiện có (AK-100) .
Nga cũng sẽ nghiên cứu thử nghiệm và đưa vào trang bị các loại vũ khí mới như bom chân không sử dụng công nghệ nano, tàu chiến vũ trụ và vũ khí lazer. Tổng chi phí cho kế hoạch này vào khoảng 650 tỷ USD (đến năm 2020).
NGUYỄN NHÂM