TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nga khó thực hiện hợp đồng vũ khí lớn

Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, nhưng điều lạ lùng là vũ khí của họ chưa bao giờ mạnh trong những cuộc đấu thầu.

Nhà xuất khẩu vũ khí số 1 cho các nước nghèo

Nhìn lại quá trình bán vũ khí của Nga từ những năm 1990 đến nay vũ khí Nga luôn là sự lựa chọn khởi đầu cho các quốc gia muốn tăng cường tiềm lực quân sự của mình, bắt đầu là chương trình mua sắm ồ ạt của Trung Quốc trong những năm 1990.

Tiếp đến là chương trình mua sắm quy mô lớn của Ấn Độ, Algeria, Venezuela, khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia Trung Đông, châu Phi khác.

Đối với Trung Quốc do lệnh cấm vận vũ khí nên họ không thể mua vũ khí từ các nước phương Tây.

Dù công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng họ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện từ bên ngoài, nhất là động cơ.

Sự lựa chọn duy nhất trong trường hợp này là Nga, ngoài ra họ không có sự lựa chọn nào khác. Nếu không, vũ khí Nga chắc chắn mất dần thị phần tại Trung Quốc.

Với Ấn Độ, những vũ khí mà họ đã mua từ Nga đã đưa tiềm lực quốc phòng của họ lên một tầm cao mới.

Tuy nhiên, một khi Ấn Độ thiết lập những tiêu chuẩn cao hơn để đưa tiềm lực quốc phòng của mình thành một thế lực lớn tại châu Á thậm chí cả thế giới, vũ khí Nga bắt đầu rớt hạng theo tiêu chí đánh giá mới của Ấn Độ.

 

 

MiG-35 - "Người kế tục" của MiG-29 - rớt ngay từ vòng sơ loại tại Ấn Độ.
MiG-35 - "Người kế tục" của MiG-29 - rớt ngay từ vòng sơ loại tại Ấn Độ.

Những bạn hàng lớn của vũ khí Nga đều là các nước đang phát triển, lợi thế của vũ khí Nga là đơn giá tương đối thấp so với các vũ khí cùng loại của phương Tây. Bên cạnh đó, các yêu cầu về cơ sở hạ tầng, thông tin cho các vũ khí này tương đối đơn giản và không cần phải đầu tư quá nhiều hệ thống hiện đại, phức tạp.

Với các quốc gia có ngân sách quốc phòng khiêm tốn thì đây quả là sự lựa chọn rất khả thi. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi số lượng vũ khí sử dụng khiêm tốn. Khi sử dụng số lượng lớn vũ khí Nga thì mặt trái của nó bắt đầu bộc lộ.

Các phương tiện chiến đấu và phục vụ chiến đấu của Nga ngốn rất nhiều nhiên liệu, chi phí bảo trì cao, linh kiện thay thế chậm và khan hiếm. Vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn đối với các quốc gia sử dụng nhiều vũ khí Nga, và Ấn Độ là một ví dụ điển hình.

 

Vô duyên với những cuộc đấu thầu

Vũ khí Nga có một hồ sơ khá buồn thảm trong các cuộc đấu thầu, Ấn Độ là nơi mà vũ khí Nga phải ôm nhiều mối hận nhất.

MiG-35 được đánh giá là sự hồi sinh của máy bay huyền thoại  MiG-29. Tuy nhiên, kỳ vọng mang tên MiG-35 thua ngay ở vòng sơ loại cho dù đơn giá của nó mềm hơn rất nhiều so với các đối thủ.

Trước đó, Mi-28N - được đánh giá là trực thăng tấn công hiện đại nhất nước Nga, người kế tục của trực thăng tấn công nổi tiếng Mi-24 - đa bị đại bại trước đối thủ hiện đại AH-64D Apache. 

 

 

Mi-28N dễ dàng gục ngã trước AH-64D Apache.
Vũ khí Nga chưa bao giờ mạnh trong những cuộc đấu thầu, Mi-28N dễ dàng gục ngã trước AH-64D Apache.

Gần đây nhất, ngựa thồ khổng lồ Mi-26, trực thăng vận tải lớn nhất thế giới, nó có thể cõng 22 tấn hàng hóa dễ như chơi dễ dàng bị đánh bại trước đối thủ nhẹ cân CH-47F Chinook.

Ngay sau đó, máy bay tiếp dầu trên không IL-78 tỏ ra lép vế trước đối thủ A-330 MRTT của Airbus. Kết quả này không có gì quá bất ngờ nhưng điều đáng nói là phía Nga hoàn toàn không được phía Ấn Độ thông báo về sự lựa chọn của họ.
Thất bại tại thị trường lớn như Ấn Độ đã đành, dường như ở các thị trường nhỏ như Indonesia vũ khí Nga cũng chật vật tìm chỗ đứng. Tàu ngầm Kilo mệnh danh “Hố đen” cũng bị loại trước đối thủ Chang Bogo đến từ Hàn Quốc. Thậm chí Không quân Indonesia còn nói “không, cảm ơn” với tiêm kích Su-30 .

Tất nhiên, phải tính đến các yếu tố chính trị trong các thương vụ vũ khí. Như ở Ấn Độ, nước này là thị trường vũ khí hàng đầ thế giới. Các thế lực phương Tây không đời nào để yên cho Nga chiễm chệ một mình một mâm. Họ sẽ tìm cách giành giật miếng bánh béo bở này bằng cả những thủ đoạn công khai lẫn bí mật. Nhưng suy cho cùng, công nghiệp quốc phòng Nga chưa thể hồi sinh sau sự sụp đổ của Liên Xô.


Không đủ khả năng thực hiện các hợp đồng lớn

Có thể nói công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay rất khó có khả năng để thực hiện các hợp đồng quân sự lớn. Dù MiG-35 có thể thắng thầu thì nhà sản xuất Milkoyan rất khó để hoàn thành tiến độ giao hàng cho khách hàng. Nhìn lại những hợp đồng lớn mà Nga đang thực hiện cho đối tác Ấn Độ đều bị chậm.

Chương trình cải tạo tàu sân bay Đô đốc Gorshkov mà Nga đang thực hiện cho Ấn Độ liên tục bì trì hoãn do rất nhiều vấn đề khác nhau. Thời hạn giao tàu một lần nữa lại bị hoãn sau sự cố gạch chịu nhiệt cho các nồi hơi.

Đáng nói là Nga phải nhập gạch chịu lửa từ Trung Quốc, điều đó nói lên rằng, công nghiệp phụ trợ của Nga không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu cho các nhà thầu quốc phòng.
 

 

Bên cạnh đó, việc sản xuất tiêm kích Su-30 dành cho xuất khẩu phải phụ thuộc vào nguồn cung linh kiện điện tử từ Pháp, Nam Phi và Israel.

Những cơ sở quốc phòng hiện tại thiếu công nghệ, yếu năng lực để cạnh tranh với các nhà thầu quốc phòng phương Tây. Đặc biệt, công nghệ điện tử của Nga còn nhiều hạn chế so với phương Tây, điều đó cũng làm giảm tính cạnh tranh của vũ khí Nga.

Quan liêu, tham nhũng góp phần làm thui chột nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh dưới thời Liên Xô. CNQP Nga còn nhiều việc phải làm để có thể khôi phục sức mạnh và tính cạnh tranh cao như thời Liên Xô. Để làm được điều này cần một quá trình cải tổ quy mô lớn với nhiều chính sách mang tính chiến lược.


Quốc Việt
Theo Đất Việt


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te