Tham vọng thâu tóm vùng đệm của Nga
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và bà Catherine Ashton, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) vừa có chuyến công du đến 5 nước vùng Balkan, gồm Bosina và Herzegovina, Serbia, Kosovo và Croatia và Albani (từ ngày 29-10 đến 2-11). Là khu vực chất chứa nguy cơ bất ổn khi xung đột giữa các nhóm sắc tộc chưa bao giờ lắng xuống, Balkan đã trở thành đối tác được Mỹ và EU lựa chọn nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Vì thế, ngoài mục đích thúc đẩy "tiến trình dân chủ”, chuyến thăm này còn được cho là để lôi kéo Balkan hội nhập sâu hơn vào EU và Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện, trong số 6 nước thuộc Cộng hòa Nam Tư cũ, mới chỉ có Slovenia là thành viên của EU (từ năm 2004) và Croatia sẽ gia nhập Khối này vào tháng 7 năm sau.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (bên trái),
Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton
và Thủ tướng Serbia Ivica Dacic tại cuộc họp báo ở Belgrade
Ảnh: Reuters
Tại Bosina và Herzegovina, điểm dừng chân đầu tiên, mục đích của chuyến đi đã được bộc lộ trọn vẹn khi quan chức ngoại giao cao cấp nhất của Mỹ và châu Âu gửi tới Sarajevo thông điệp phải đẩy nhanh quá trình hàn gắn mâu thuẫn sắc tộc kéo dài suốt 17 năm qua. Theo đó, chỉ khi Sarajevo đạt được một bước tiến đột phá trong quá trình hòa giải thì cánh cửa của EU, NATO mới mở ra và trở thành tiền đề để quốc gia này có một chỗ dựa vững chắc hơn về chính trị, kinh tế.
Mỹ tin rằng việc Bosnia & Herzegovina gia nhập NATO và EU là con đường tốt nhất giúp nước này có được sự ổn định bền vững và thịnh vượng. Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh rằng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Bosnia và Herzegovina là không phải bàn cãi, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Bosnia và Herzegovina tìm kiếm lập trường chung và hành động vì lợi ích của người dân của quốc gia vùng Balkan này.
Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ và Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU đã tới Cộng hòa Serbia để hội đàm với các nhà lãnh đạo nước này. Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic và Thủ tướng Ivica Dacic, Ngoại trưởng Clinton và bà Ashton hối thúc Cộng hòa Serbia bình thường hóa quan hệ với Kosovo để bảo đảm một nền hòa bình ở khu vực Balkan, dù không công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ ly khai này. Theo bà Clinton, đối thoại giữa Belgrade và Pristina "không đòi hỏi Serbia phải công nhận Kosovo” và các bên cần phải nghiêm túc thực hiện thỏa thuận đã đạt được với sự trung gian của EU, tập trung vào các biện pháp giúp bình thường hóa quan hệ để người dân nơi đây được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và EU đều khẳng định tương lai của Serbia là ở trong EU.
Tối 30-10, Ngoại trưởng Clinton cùng bà Ashton đã tới thủ phủ Pristina của Kosovo nhằm hối thúc lãnh đạo vùng lãnh thổ ly khai này nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng gia nhập NATO và EU.
Ngày 1-11, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nhận được sự tiếp đón nồng ấm của các nhà lãnh đạo ở Albania, chặng dừng chân cuối cùng trong khuôn khổ chuyến công du khu vực Balkan. Tại Tirana, bà Clinton đã có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Sali Berisha. Nhà lãnh đạo Albania đã cảm ơn bà Clinton về sự hỗ trợ của Mỹ đối với Albania trong quá trình đi đến độc lập của đất nước này. Thủ tướng Albania Sali Berisha mô tả chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ là một chuyến thăm lịch sử. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết: "Rất nhiều sự việc đã diễn ra trong 100 năm qua nhưng có một điều không bao giờ thay đổi: đó là việc nước Mỹ luôn là bạn và là đối tác của Albania và chúng tôi rất tự hào về điều này”.
Trong cuộc gặp các nhà làm luật của Albania, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Albania đẩy mạnh quá trình gia nhập EU bằng cách tăng cường nỗ lực thi hành luật pháp và chống tham nhũng. "Để nền dân chủ của Albania trở nên thịnh vượng, các nhà lãnh đạo Albania sẽ cần phải xây dựng một nền văn hóa hợp tác nhằm vượt qua những khác biệt về chính trị”.
Chuyến công du khu vực Balkan 5 ngày của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton đã khép lại mang theo thành công nhất định trong việc thâu tóm "vùng đệm” của Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, điều đó chỉ làm cho việc tái khởi động quan hệ Moscow và Washington trở nên khó khăn hơn.
Châu Giang
Theo Đại Đoàn Kết