TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nga-Trung: Cạnh tranh và kiềm chế

Quan hệ Nga-Trung có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ đối với hai nước lớn này mà với địa-chính trị/kinh tế quốc tế, với 3 thuận, 3 nghịch, con đường không ít chông gai ảm đạm.

Nga và Trung Quốc là  hai nền văn hóa khác nhau, vì vậy trên con đường hợp tác không thể tránh khỏi những thời điểm không tìm được tiếng nói chung. Tại Nga, từ những nhà tài phiệt cho đến những sinh viên đại học, trong nhu cầu vật chất hay tinh thần của họ, nếu có  thể lựa chọn thì đa phần đều hướng về  phương Tây hơn là về Trung Quốc. Ở Trung Quốc cũng vậy, những người có học vấn thường không đam mê đối với nước Nga mà hướng về phương Tây, nơi có công nghệ, hàng hóa, những thành tựu khoa học và nguồn văn hóa đại chúng phong phú.

Cạnh tranh ảnh hưởng địa-chính trị/kinh tế

Trên đây là những ý kiến mà nhà phương Đông học người Nga, ông Evgheni Bazhanov, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, muốn chia sẻ cùng bạn đọc Trung Quốc. Quan điểm về những vấn đề hiện tại và tương lai trong quan hệ giữa hai nước và con đường giải quyết chúng được ông đề cập trong cuốn sách “Quan hệ hợp tác chiến lược Nga-Trung: chặng đường chông gai”, xuất bản tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà xuất bản Trung Quốc lại bỏ qua chương viết về các vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước như một sự lảng tránh những chủ đề được cho là “góc cạnh”.

Theo giáo sư Bazhanov, không nên dùng những yếu tố tích cực trong quan hệ  chung để che lấp đi những vấn đề có thể  trở thành nguyên nhân làm quan hệ hai bên trở  nên ảm đạm. Sự gia tăng tiềm lực kinh tế  và quân sự của Trung Quốc làm thay đổi cán cân lực lượng, thậm chí khiến nhiều nhà chính trị  và quân sự Nga bắt đầu nảy sinh tư tưởng hoang mang. Đơn cử, hiện Trung Quốc đang có xu hướng thu hẹp tầm ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xôviết. Còn trong tương lai, rất có thể quan hệ  cạnh tranh này sẽ lại nóng lên ở các khu vực khác như Trung Á, Mông Cổ hay bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Bazhanov cho rằng, “tiên đoán tương lai là điều không thể. Vào đầu thế kỷ XX, một số nhà khoa học và chính trị gia khẳng định rằng mối đe dọa chủ yếu đối với nước Nga bắt nguồn từ phía Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, kẻ thù lại đến từ phía Tây. Chúng ta cần nhớ lại rằng, hai cuộc đại chiến thế giới bắt nguồn từ đâu. Những lời tiên đoán sẽ không mang lại lợi ích gì”.

Sau 10 năm thành lập SCO, bản đồ quyền lực của Nga và Trung Quốc  ở Trung Á đã có nhiều thay đổi. Sau khủng hoảng tài chính, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Trung Quốc  đã đầu tư các khoản tiền lớn vào các nước giàu tài nguyên như Kazakhstan và Turkmenistan, xúc tiến chiến lược đảm bảo nguồn năng lượng và  củng cố các cơ sở địa-chính trị/kinh tế  ở Trung Á. Tại hội nghị năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố cung cấp khoản vốn lãi suất thấp 12 tỷ USD cho các nước thành viên SCO, thể hiện phương châm chú trọng hỗ  trợ (và cạnh tranh ảnh hưởng) kinh tế Trung Á.

Về phía Nga, Tổng thống Dmitry Medvedev cho rằng SCO là một tổ chức mở, không phải là “một câu lạc bộ của nhà  giàu”, qua đó thể hiện rõ ý định muốn tăng số thành viên của SCO. Thành viên dự khuyết  Ấn Độ, một đối thủ của Trung Quốc  ở khu vực, đã yêu cầu được chính thức gia nhập SCO. Mục đích của Nga trong việc mời Ấn  Độ gia nhập SCO là nhằm hạ thấp ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á, nơi vốn được coi là “sân sau” của Nga. Trong cuộc cạnh tranh quyền bá chủ lục địa Á-Âu, Ấ Độ  đang tích cực có mặt tại Trung Á và Đông Nam Á nhằm bao vây và chống bao vây của Trung Quốc.

Tại Kazakhstan, Trung Quốc hiện có cổ phần tại 14 công ty khai thác khí  đốt của nước này, trong đó 7 công ty có 100% vốn của Trung Quốc. Lần này, hai bên đã thỏa thuận  được việc Trung Quốc đầu tư với số lượng lớn vào lĩnh vực này của Kazakhstan.  Trong chuyến thăm Astana của Chủ tịch Trung Quốc vừa rồi các bên  đã thúc đẩy thực hiện đặt đường ống dẫn khí đốt tuyến Turkmenistan - Uzbekistan - Kazakhstan –  Trung Quốc, có công suất vận chuyển mỗi năm khoảng 25 tỷ m3.

SCO lập ra theo sáng kiến của Trung Quốc là để phối hợp ngăn chặn Mỹ  và NATO tiến vào Trung Á - không gian hậu Xôviết. Nhưng Trung Quốc với “ngoại giao tiền bạc”  thông qua những khoản đầu tư khổng lồ và  hối lộ các quan chức cầm quyền tại các nước Trung Á, đang từng bước mở rộng ảnh hưởng, làm suy yếu dần sự hiện diện của Nga, tiến tới thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là  dầu khí. Cho nên, vừa qua, báo chí Nga gọi những thỏa thuận mới đây giữa Trung Quốc và Kazakhstan là  “Phát triển mối quan hệ láng giềng tốt với hối lộ và tham nhũng”. Theo báo chí Nga, những người Trung Quốc có truyền thống đãi “viện trợ không hoàn lại” với một số lượng cụ thể mỗi khi đầu tư vào Kazakhstan.

Các nước Trung Á, trong khi tìm cách khai thác các lợi thế quan hệ với ba nước lớn Trung, Nga và cả Mỹ trong trò chơi cần bằng quyền lực đầy phức tạp và mong manh tại khu vực này, ngày càng lo ngại Trung Quốc di dân sang định cư lâu dài. Thông qua các cuộc hôn nhân với người bản địa, Trung Quốc đang từng bước biến đổi nguồn gen của các dân tộc Trung Á. Dư luận đã bày tỏ lo ngại sâu sắc nhưng các quốc gia phần lớn nhỏ yếu khó kháng cự được những bước thâm nhập mạnh mẽ, bài bản, kết hợp sức mạnh kinh tế, chính trị với mua chuộc hối lộ tiền tài. Trong quá trình này, Nga chỉ là một đối trọng yếu ớt. 

“Xâm lược mềm”: Nga lo ngại người Trung Quốc chiếm Viễn Đông

Một bộ phận người Nga đang tỏ ra e ngại trước sự di dân của người Trung Quốc sang khu vực Viễn Đông của nước Nga. Mối lo ngại này bắt nguồn từ những nghiên cứu khoa học đã được công bố ở Trung Quốc, trong đó cho rằng những phần lãnh thổ Nga cho đến tận hồ Baikan trước kia từng là lãnh thổ của Trung Quốc, bị lấn chiếm sau những cuộc bành chướng và xâm lăng của Nga hoàng. Hàng hóa Trung Quốc bắt đầu xâm nhập vào thị trường Nga từ những năm 1990 và hiện nay đã thu hút được số đông người tiêu dùng Nga. 

Khu vực Viễn Đông của Nga dân cư thưa thớt nhưng nhiều dầu mỏ, khí đốt

Dư luận Nga cho đây là cuộc “xâm lược mềm” của Trung Quốc vào vùng Viễn Đông và Siberia, là các khu vực dân cư Nga thưa thớt, khó phòng thủ, rất xa trung tâm nước Nga... Miền Viễn Đông Nga còn nổi tiếng là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, như dầu, khí đốt, gỗ... rất cần cho sự phát triển nhanh về kinh tế của Trung Quốc. Việc chuyên chở nguồn tài nguyên này sang TQ còn thuận tiện hơn là đưa về Moscow, cách xa hơn 3.000 dặm.

Dân số Trung Quốc nhiều gấp 8 lần của Nga, ở toàn bộ khu vực Viễn Đông, Nga chỉ có 7,4 triệu dân, còn  ở phía Đông Bắc Trung Quốc lại có hơn 70 triệu dân. Sự hiện diện đông đảo của người Trung Quốc tất yếu dẫn đến câu hỏi liệu Trung Quốc có đòi lại một số vùng lãnh thổ gần biên giới chung hay không, những nơi bị Nga chiếm theo thỏa  ước Aigun năm 1858 và thỏa ước Bắc Kinh năm 1860. Mặc dù hai nước đã ký hiệp định về  biên giới năm 1999, nhưng chưa bao giờ Trung Quốc thừa nhận hai thỏa thuận thế kỷ 19. Giới nghiên cứu, trong đó có Nga, cho rằng với sự già hóa dân số của Nga, miền Viễn Đông sớm muộn cũng rơi vào tay TQ. Phụ nữ Nga  ở Viễn Đông thích đàn ông Trung Quốc vì đức tính cần cù chăm chỉ, biết chăm sóc gia đình, trong khi đàn ông Nga phần nhiều ham rượu chè…

Trung tâm Carnegie Moscow, cơ quan nghiên cứu độc lập, cho biết năm 1997, chỉ có khoảng 250 nghìn người Trung Quốc sinh sống tại miền Viễn Đông. Hiện nay, theo Bộ Nội vụ  Nga, có khoảng 2 triệu người Trung Quốc ở  đây. Một số nguồn tin khác thậm chí nêu ra con số 5-10 triệu người. Do chính quyền Nga không làm thống kê dân số nên khó biết con số chính xác, nhưng theo ước tính của cơ quan phụ trách nhập cư Liên bang Nga, mỗi năm có khoảng 200-300 nghìn người Trung Quốc sang sinh sống và với nhịp độ di dân này thì chỉ trong vòng 20-30 năm tới, người Trung Quốc sẽ là cộng đồng chiếm đa số  ở miền Viễn Đông.

Một số nhà phân tích cho rằng miền Viễn Đông của Nga đã trở  thành một cái van an toàn làm giảm áp lực về  dân số của Trung Quốc, giống như chính quyền Mêhicô nhắm mắt làm ngơ để cho người dân của mình chạy sang Mỹ. Nhưng giới quan sát nhấn mạnh không có lý do gì mà Nga lại buông lỏng sự  kiểm soát miền Viễn Đông. Mọi lối thoát ra Thái Bình Dương của Nga đều qua miền này. Hơn nữa, Vladivostok là cảng nước ấm duy nhất của Nga tại Thái Bình Dương. Cuộc đấu tranh giành giật giữa hai bên diễn ra ngấm ngầm nhưng không phải không quyết liệt.

Để đối phó với lo ngại dư luận Nga, năm ngoái, Thủ tướng Putin nói rằng việc phát triển Đông Siberia và miền Viễn Đông là một ưu tiên của Nga. Với lối nói đầy tự tin nhưng hàm ý chặn trước, thậm chí răn đe Trung Quốc, Thủ tướng Putin nói: “Trung Quốc không di dân sang miền Viễn Đông để có được những thứ mà họ cần như tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta cung cấp dầu khí cho họ. Có những trữ lượng lớn về than gần biên giới Trung Quốc. Trung Quốc không muốn làm cho tình hình thêm trầm trọng trong quan hệ với chúng ta”.

Mạng News của MC từng đăng bài phỏng vấn Nhà TQ học Alegsandr Aladin (người Nga), dưới nhan đề “Người TQ muốn chiến tranh chăng?”, cho biết: Nhiều tuyến đường bộ đang được thi công từ lãnh thổ Trung Quốc hướng về phía biên giới Nga, được đổ bằng bê tông, có khả năng vận chuyển các trang thiết bị và vũ khí quân sự. Khi các tuyến đường này được đưa vào sử dụng, ngoài việc vận chuyển lực lượng, trang thiết bị, vũ khí đến dọc biên giới Nga, Trung Quốc sẽ không có trở ngại nào khi thực hiện tập kích tấn công chiến lược. Năm 2004, Tổng thống Putin và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ký Hiệp định bổ sung về biên giới của hai nước, theo đó, Nga trao trả cho TQ 337 km2. Vùng đất mà Nga trao trả cho TQ đang đe dọa đến an ninh chiến lược của thành phố Khabarovsk và vùng Viễn Đông của Nga. Nếu chiến tranh xảy ra, chỉ trong vòng 2 - 3 giờ, quân đội TQ có thể chiếm lĩnh được thành phố Khabarovsk. Khi thành phố này bị chiếm thì con đường sắt trên sông Amur cũng bị chiếm, các tuyến đường bộ, đường sắt khác trên con sông này cũng bị chiếm giữ. Như vậy, khu vực Viễn Đông sẽ hoàn toàn bị chia cắt. Trên thực tế, Nga không có năng lực để giúp đỡ khu vực này. Phần lớn trang thiết bị quân sự, vũ khí ở khu vực Viễn Đông rất lạc hậu, lực lượng lại mỏng; vì vậy lá chắn bảo vệ vùng Đông Sibiry và khu vực Viễn Đông hầu như bị bỏ rơi.

Nga đề phòng chiến lược

Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Nga đang phải xem xét lại chiến lược quốc phòng được hoạch định từ  kỷ nguyên Xôviết, chuyển trọng tâm từ tranh giành đất đai ở châu Âu và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân với Mỹ sang chú trọng khu vực phía  đông nước Nga.

Trong số những vũ  khí đầu tiên sẽ được triển khai tới phía  đông có hai tàu sân bay Mistral mà Moscow đã ký  kết mua của Pháp cuối năm ngoái và dự kiến sẽ  được chuyển giao cho Nga vào cuối năm 2013. Một đơn vị thuộc hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga (loại tiên tiến nhất của Nga), có thể đánh chặn tên lửa và máy bay đối phương, cũng được triển khai tại Viễn Đông. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Ekho Moskvy hồi tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Nikolai Pankov cho biết quân đội Nga coi Viễn Đông là khu vực “quan tâm số một”.

Trong khi Nga cân nhắc bán máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư  cho Trung Quốc, Thủ tướng Putin tuyên bố sẽ  giúp Ấn Độ “trở thành nước có  nền quốc phòng mạnh nhất châu Á”. Đây là cách để đối trọng lại sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu thế hệ 5 tiên tiến của Nga bán cho Ấn Độ

Tổng thống Nga Medvedev thăm chính thức Ấn Độ cuối năm 2010. Hai bên ký kết nhiều thỏa thuận, trong đó đáng chú ý có thỏa thuận cùng phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 (FGFA), theo đó không quân Ấn Độ sẽ được trang bị ít nhất 250 chiếc máy bay hiện đại. Ấn Độ sẽ chi trên 25 tỷ USD cho dự án chế tạo máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ 5 này. Đây là dự án hợp tác quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. Dự kiến các máy bay sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2017 với chi phí khoảng 100 triệu USD/chiếc

Nga từng bước tái can dự và tăng cường trở lại sự hiện diện quân sự của Nga ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Tuy bước đi của Nga tương đối thận trọng, tính tới nhân tố Trung Quốc, cũng như cho phù hợp với tiềm lực phần nào còn hạn chế của Nga.

Tuy vậy, theo giáo sư Bazhanov, tiền đề để Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn trong tương lai gần chính là sự bổ sung lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Trung Quốc có nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng và công nghệ Nga, đặc biệt là công nghệ quân sự. Ngược lại, phía Nga dành quan tâm không nhỏ tới thị trường Trung Quốc và hy vọng vào các nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc thực thi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn sẽ là nguồn hỗ trợ giúp tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước, tiến đến điều hòa lợi ích kinh tế của hai bên. Vấn đề kinh tế dần được gắn chặt trong những thành tựu đạt được trong quan hệ liên nhà nước giữa Nga và Trung Quốc. Đây là một nhân tố giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác này trong tương lai./.

Nguyễn Nguyên
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te