Izvestia dẫn nguồn BTL Hải quân Nga cho biết, Bộ trưởng Anatoly Serdyukov giao nhiệm vụgiảm số sĩ quan Bộ Tư lệnh Hạm đội biển Bắc từ 200 xuống 70 sĩ quan.
Tối ưu hóa biên chế Bộ chỉ huy Hạm đội
Theo đại diện Bộ tư lệnh Hải quân, nguyên nhân cắt giảm là nỗ lực của lãnh đạo Bộ Quốc phòng nhằm “tối ưu hoá biên chế quân số chỉ huy hạm đội”, cũng như chuyển giao nhiều chức năng từ cấp Bộ Tư lệnh Hạm đội sang cấp Bộ Tư lệnh Quân khu.
Nếu cuộc thí điểm diễn ra thành công, quân số của ba hạm đội còn lại (Baltic, Thái Bình dương và Biển Đen) cũng sẽ bị cắt giảm.
"Từ ngày 1/1/2013, chúng tôi sẽ giải thể một số phòng ở Bộ Tư lệnh Hạm đội biển Bắc, ví dụ, phòng xét xử, phòng pháp chế, còn các cục (tác chiến, thông tin liên lạc…) sẽ giảm quân số đi mấy lần và đổi tên thành phòng. Đồng thời sẽ thành lập các cục tương tự trong Bộ Tư lệnh quân khu miền Tây," đại diện hải quân giải thích.
Cục Hải quân thuộc Bộ tư lệnh quân khu miền Tây sẽ có những chức danh mới liên quan đến chỉ huy và hiệp đồng hoạt động hàng ngày của hạm đội.
Trong lúc đó, nếu Bộ tư lệnh Hạm đội biển Bắc đóng quân ở Severomorsk thì Bộ tư lệnh Quân khu miền Tây ở St. Petersburg.
Theo các sĩ quan, điều này sẽ gây nên rắc rối trong chỉ huy tác chiến và giải quyết các vấn đề xảy ra hàng ngày.
“Việc chỉ huy ở St. Petersburg sẽ không chỉ là lập kế hoạch và lãnh đạo những vấn đề chung, toàn cục, mà cả những vấn đề hoạt động hàng ngày. Vì vậy việc giải quyết những chuyện lặt vặt nhỏ nhặt hàng ngày cũng vấn sẽ phải xin ý kiến chỉ huy từ St. Petersburg, rồi còn phải chờ trên xem xét, chờ đợi trả lời sẽ mất nhiều thời gian”, sĩ quan Bộ Tham mưu Hải quân Nga giải thích.
Bộ Tư lệnh Hạm đội biển Bắc sẽ cải tổ toàn diện, nếu thành công kế hoạch sẽ áp dụng ra 3 hạm đội còn lại. |
Ngoài điều đó, Bộ Quốc phòng Nga dự định sẽ giải thể ban chỉ huy một số lữ đoàn tàu. Cụ thể, lữ đoàn tàu đổ bộ số 121, lữ đoàn tàu bảo vệ vùng nước số 7, cũng như lữ đoàn tàu quét mìn số 5. Thay cho các lữ đoàn, các tàu chiến được biên chế về đội tàu (cấp tiểu đoàn).
Theo đại diện của Bộ tư lệnh Hạm đội biển Bắc, điều này sẽ dẫn đến giảm chức danh cả ở cấp binh đoàn tàu chiến.
“Cơ quan chỉ huy lữ đoàn tàu đổ bộ có hơn 20 người, còn ở đội tàu chỉ hơn 10 người. Hiện trần quân hàm lữ trưởng là Đại tá hải quân, trần chỉ huy đội thấp hơn - Trung tá hải quân. Tương ứng trần quân hàm các chức danh khác cũng hạ xuống, bảng hệ số chức vụ để tính thu nhập cũng sẽ thay đổi”, viên sĩ quan cấp cao Hải quân Nga cho biết.
Năm 2013, cuộc cải cách tổ chức tương tự cũng sẽ diễn ra tại Hạm đội Baltic. Kết quả, thực chất cục Hải quân của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây sẽ thay thế Bộ Tư lệnh các Hạm đội biển Bắc và Baltic.
Quyết định cải cách sai lầm?
Theo Phó Đô đốc Vladimir Zakharov, quyết định cải cách hệ thống chỉ huy các hạm đội là sai lầm. Vì không thể chỉ huy hạm đội khi ở cách xa nó tới 1.500km”.
“Ở St. Petersburg mà chỉ huy Hạm đội biển Bắc thì rất phức tạp. Các mệnh lệnh và chỉ thị chiến đấu đi đến Serveromorsk rất lâu. Trong tình huống chiến tranh sẽ không còn tính linh hoạt gì trong chỉ huy nữa”, tướng Zakharov nói.
Về phần mình, Phó Chủ tịch thứ nhất Học viện các vấn đề địa chính trị Đại tá Konstantin Sivkov cho rằng, việc hạ thấp trần quân hàm chỉ huy hạm đội sẽ dẫn đến những vấn đề về công tác cán bộ.
“Do hạ trần quân hàm các chức danh nên những người muốn được lên cấp sẽ không về Bộ Tư lệnh Hạm đội, mà cố gắng chuyển về cục Hải quân của quân khu. Vì vậy những nhân sự tốt hơn thực tế sẽ rời khỏi hạm đội, vì chức năng của cục hải quân quân khu là hiệp đồng hoạt động của hạm đội với hoạt động của bộ tham mưu quân khu. Từ St. Petersburg không thể thực hiện việc chỉ huy đầy đủ hạm đội có sở chỉ huy ở Serveromorsk được”, ông Sivkov nói.
Nguyên tư lệnh Hạm đội biển Đen Vladimir Komoyedov tuyên bố, hạm đội phải là tổ chức độc lập với chỉ huy quân khu, với hệ thống chỉ huy của mình.
“Với số lượng sĩ quan như vậy trong bộ tham mưu hạm đội thì không thể nói gì đến tổ chức chỉ huy. Họ không thể kham nổi. Đặt hạm đội dưới quyền chỉ huy giả thì nó không còn là hạm đội nữa”, ông Komoyedov nói.
Trong khi đó nhà lịch sử quân sự Dmitry Boltenkov cho rằng, thời Xô Viết lữ đoàn tàu chiến gồm ít nhất 10 tàu, hai đội tàu mỗi đội 5 chiếc, còn ở Hạm đội biển Bắc hiện chúng không quá 4 chiếc.
“Thực tế thành phần chỉ huy hạm đội và tham mưu lữ đoàn đang được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Điều đó có thể làm cho ai đó không ưa, nhưng đó đúng là như vậy”, Boltenkov nhận định.
Nguyễn Vũ (theo Izvestia, ĐVO)