Quan hệ Nga-Trung có ý nghĩa chiến lược quan trọng không chỉ đối với hai nước lớn này mà với địa-chính trị/kinh tế quốc tế, với 3 thuận, 3 nghịch, vừa hợp tác và đồng thuận, vừa cạnh tranh và kiềm chế.
Hơn một thập kỷ qua, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã không ngừng phát triển, tăng cường chất lượng, tác động đến bàn cờ địa-chính trị thế giới, trước hết là lục địa Á-Âu. Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Nga giữa tháng 6 vừa qua cho thấy những mặt thuận và nghịch của quan hệ hai nước.
Ngày 10/6, trước khi lên đường thăm chính thức Nga và dự Hội nghị thượng đỉnh SCO (12-20/6), Diễn đàn kinh tế quốc tế tại Nga, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã trả lời phỏng vấn bằng văn bản của giới truyền thông Nga. Chủ tịch nói rằng 10 năm kể từ khi “Hiệp ước Láng giềng thân thiện” ký kết đến nay, quan hệ hợp tác hữu nghị Trung-Nga luôn giữ đà phát triển nhanh chóng, lành mạnh toàn diện, đã đạt trình độ cao chưa từng có. Trung Quốc đánh giá cao hợp tác năng lượng Trung-Nga, đây vừa là nội dung quan trọng trong hợp tác thương mại Trung-Nga, cũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Nga. Tiềm năng thị trường năng lượng Trung Quốc rất lớn, mong muốn cùng với Nga và các nước sản xuất và tiêu thụ năng lượng khác tăng cường hợp tác, cùng bảo vệ ổn định thị trường năng lượng quốc tế, thực hiện cùng có lợi, cùng thắng.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Nga ký một loạt thoả thuận nhưng không có thoả thuận khí đốt, 16/6/2011
Đối tác chiến lược địa-chính trị hàng đầu
Năm 2009-2010, quan hệ Trung-Nga xuất hiện tình thế phát triển tích cực hơn bao giờ hết, đã thể hiện trình độ cao về chất lượng và khối lượng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ hai nước gặp nhau dồn dập, đã quy hoạch sâu hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hợp tác trong các hạng mục lớn đã đạt được tiến triển đột phá, đưa quan hệ đối tác Nga-Trung lên trình độ cao chưa từng có. Hợp tác giữa quốc hội hai nước cũng phát triển nhanh ở trình độ cao.
Qua các văn kiện chính trị, hai bên nhiều lần khẳng định ủng hộ các lợi ích cơ bản của mỗi bên. Nga ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Đáp lại, Trung Quốc ủng hộ “các nỗ lực của Nga trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Cápcadơ cũng như Cộng đồng các quốc gia độc lập”.
Moscow và Bắc Kinh phối hợp với nhau nhằm đối phó với ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Trung Á thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Cuộc diễn tập quân sự chung kéo dài 16 ngày “Sứ mệnh Hòa bình 2010” tại Kazakhstan, kịch bản chính thức là chống khủng bố, nhưng quy mô của cuộc diễn tập gồm 5.000 binh sĩ, nhiều xe tăng và máy bay chiến đấu, cho thấy đây là một đợt huấn luyện chung trong cuộc chiến tranh thông thường.
Tuy vậy, quan hệ hòa hoãn Nga-Mỹ được cải thiện đáng kể dưới thời chính quyền Medvedev-Obama đã trung lập hóa nhiều quan điểm quốc tế của Nga có lợi cho Mỹ, trong một số trường hợp buộc Trung Quốc phải đi theo. Hòa hoãn Nga-Mỹ-NATO ở phía Tây nước Nga cũng tạo mầm mống chiến lược để kiềm chế Trung Quốc ở phía Đông.
Theo mạng Văn hối, con bài quan trọng nhất đối với Bắc Kinh trong cục diện nhạy cảm tại Đông Nam Á/Biển Đông hiện nay là Nga. Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa qua, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định lập trường đồng nhất trên một loạt vấn đề quốc tế quan trọng như cải cách Liên hợp quốc, chống khủng bố, chống tên lửa đạn đạo, hạt nhân Triều Tiên, hạt nhân Iran, Libya, Afghanistan, xử lý khủng hoạt hạt nhân Nhật Bản…. Trung Quốc bày tỏ ủng hộ một loạt vấn đề liên quan đến lợi ích của Nga như gia nhập WTO, Nam Caucasus, CIS...
Vấn đề Biển Đông đã không được đề cập đến trong bất kỳ văn kiện nào. Điều này, theo mạng Văn hối,cho thấy Nga sẽ không dễ dàng từ bỏ Việt Nam vì có nhiều lợi ích quan trọng: Thứ nhất, Việt Nam là bạn hàng quan trọng trong mua bán vũ khí của Nga; thứ hai là Nga-Việt có khai thác chung dầu mỏ ở Biển Đông. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn có con bài để tranh thủ sự ủng hộ hoặc duy trì thái độ trung lập của Nga bởi vì lợi ích của Nga với Trung Quốc còn lớn hơn nhiều: Kim ngạch thương mại hai nước trong 10 năm tới đạt 200 tỷ USD “là tiền vốn Bắc Kinh bỏ ra mua Moscow”. Mặt khác, Nga vẫn còn món nợ với Trung Quốc khi mà ngay trong ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008, Nga đã tấn công Nam Ossetia đi ngược tinh thần ngừng chiến trong kỳ Olympic song Bắc Kinh vẫn ngầm bày tỏ ủng hộ Putin.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga
Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung dựa trên những lợi ích kinh tế to lớn bổ sung cho nhau. Nga xem thị trường Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Thương mại Nga-Trung năm 2010 trị giá 59 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2009. Năm 2011, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Nhân dịp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Nga vừa rồi, hai bên đã ký văn kiện ghi nhớ nhằm đưa kim ngạch thương mại song phương 59,3 tỷ hiện nay lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu hàng chế tạo máy của Nga tiếp tục tăng 9,6% và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đã đạt 481 triệu USD. Diễn đàn doanh nghiệp Nga - Trung trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Ôn Gia Bảo năm 2010 tập trung thảo luận vấn đề mở rộng cung cấp sản phẩm chế tạo máy và hàng công nghệ cao của Nga sang Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường hàng đầu của Nga về năng lượng, nguyên liệu thô
Năm 2010, Tổng thống Medvedev thăm Trung Quốc đánh dấu việc hai nước hoàn thành một đường ống dẫn dầu chạy từ phía Đông Siberia đến thành phố Đại Khánh dài 1000km, mỗi năm có thể cung cấp 15 triệu tấn dầu cho Trung Quốc, liên tục trong 20 năm. Đường ống dẫn dầu này là một phần của thỏa thuận vay 25 tỷ USD đổi dầu mà Trung Quốc ký với Nga năm 2009. Đường ống dẫn dầu trên đất liền giúp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào các tuyến đường biển đến Trung Đông và châu Phi hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Hải quân Mỹ. Nga cũng qua đó giảm bớt sự lệ thuộc vào các thị trường năng lượng châu Âu bằng cách xây dựng các đường ống dẫn dầu không những để cung cấp cho Trung Quốc mà cả Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác.
Nga xuất khẩu sang Trung Quốc không dưới 12 triệu tấn than trong năm 2010 và trong vòng 5 năm tới sẽ tăng khối lượng than xuất khẩu lên tối thiểu 15 triệu tấn/năm. Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Shmatko dự đoán trong những năm tiếp sau đó, khối lượng xuất khẩu than của Nga sang Trung Quốc sẽ đạt không dưới 20 triệu tấn/năm, con số đủ để đưa Trung Quốc thành một trong những đối tác hấp dẫn và mang tầm chiến lược của Nga trên thị trường năng lượng thế giới.
Phía Bắc Kinh hy vọng trong thời gian chuyến thăm Nga lần này, hai bên sẽ ký Thỏa thuận có tính lịch sử về việc Nga cung cấp khí đốt dài hạn cho Trung Quốc. Giá trị của dự án này sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Theo thỏa thuận đang được thương lượng, dự kiến Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc khí đốt trong 30 năm với khối lượng hàng năm 30 tỷ m3 theo tuyến đường ống phía Đông và 38 tỷ m3 theo tuyến đường ống phía Tây. Nhưng hai bên đã không ký được Hiệp định mang tính lịch sử như vậy, điều mà phía Trung Quốc rất cần để Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người sắp mãn nhiệm trong vòng hai năm tới, lưu danh trong lịch sử. Nguyên nhân không thành có lẽ chủ yếu là vấn đề giá cả: Nga muốn bán cho Trung Quốc ngang mức giá đã bán cho khách hàng châu Âu, Nhật Bản, chứ không thể thấp hơn. Trung Quốc cho rằng giá vận chuyển dầu được định một cách không hợp lý, yêu cầu được triết khấu, nhưng phía Nga không đồng ý.
Bốn ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc thăm Nga, A. Miller, Giám đốc Gazprom đã hội đàm với Zian Zemin, đại diện của Công ty dầu khí của phía Trung Quốc. A. Miller đã buột miệng nói: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để ký Hiệp định và hiểu được những vấn đề gì cần phải thúc đẩy nhanh”. Phó Thủ tướng Nga I. Sechin cũng lặp lại lời nói của A. Miller và giải thích rằng “Việc kết nối (đặt đường ống) phương Tây với phương Đông là công việc khổng lồ, vì nó cũng là vấn đề chiến lược, là công việc thường xuyên, tiếp tục nhiều năm cũng là vấn đề của 10, 20, 30 và 40 năm”. Nghĩa là cần có thêm thời gian để tiếp tục thương lượng.
Mua bán vũ khí và cạnh tranh thị trường vũ khí
Nga thường xuyên là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng những năm gần đây, Moscow không muốn trao cho Bắc Kinh những sản phẩm vũ khí hiện đại của mình do thực tế, sau khi mua hàng loạt máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga, Trung Quốc nhanh chóng “sao chép” để sản xuất chúng và bán lại cho các bên thứ ba với giá rẻ hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh với việc Nga xuất khẩu các mặt hàng này.
Cuộc tập trận của tổ chức Hợp tác Thượng Hải mang tên Tianshan-II (2011) diễn ra tại Trung Quốc, tháng 5/2011
Tuy nhiên, sau thời gian lưỡng lự, năm ngoái, Moscow bất ngờ tuyên bố ý định bán 48 máy bay Sukhoi-35 cho Trung Quốc. Đây là thế hệ máy bay thứ tư có khả năng làm lệch cân bằng chiến lược ở châu Á nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.
Hãng thông tấn Ria Novosti dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga nói rằng Trung Quốc cạnh tranh ngày càng lớn với Nga trên thị trường vũ khí quốc tế chính là vấn đề lớn nhất mà ngành công nghiệp chế tạo vũ khí Nga đang phải đối mặt. Vì hai nước cùng tập trung vào một thị trường là các quốc gia đang phát triển theo đường lối chính trị-quân sự tương đối độc lập với phương Tây. Trung Quốc có lợi thế hơn vì giá thành rẻ và các mối quan hệ chặt chẽ về chính trị-kinh tế với các quốc gia có tiềm năng nhập khẩu vũ khí nói trên./.
Nguyễn Nguyên
Theo Tổ Quốc