TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Báo Mỹ: Đã đến lúc phải khiến Trung Quốc lo sợ

Trong lúc Mỹ - Trung “lời qua tiếng lại” về Biển Đông sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” và đơn vị đồn trú trên vùng biển này, tác giả Benny Avni trên tờ New York Post cho rằng đã đến lúc Mỹ cần phải “răn đe” Trung Quốc.
 

Báo Mỹ: Đã đến lúc phải khiến Trung Quốc lo sợ

Theo tác giả Benny Avni, đã đến lúc Mỹ phải “răn đe” Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Dưới đây là bài viết đăng trên tờ The Washington Post:

Cuối tuần trước, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Robert Wang, phó đại sứ của chúng ta ở Bắc Kinh để phản đối tuyên bố vừa qua của Washington về tình hình Biển Đông. Nếu Bắc Kinh lo lắng về việc Hoa Kỳ điều động đến quanh nước này thì đó là điều tốt. Hoa Kỳ sẽ còn khiến Trung Quốc, quốc gia hiện đang chuyển sang bắt nạt các quốc gia láng giềng mình, lo sợ nhiều hơn nữa.

Sự việc bắt đầu khi Bắc Kinh thông báo về các kế hoạch xây dựng cơ sở quân sự và một thành phố mới, Tam Sa, trên quần đảo Hoàng Sa – mà phớt lờ thực tế rằng các quốc gia khác trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền trên các hòn đảo này.

Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng phản đối, chỉ rõ rằng những động thái trên của Trung Quốc “đi ngược lại các nỗ lực giải quyết khác biệt bằng con đường ngoại giao và làm gia tăng nguy cơ căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Ngay ngày hôm sau, Bắc Kinh triệu tập ông Wang đến để phản đối. Báo chí Trung Quốc còn phụ họa bằng các tít bài đòi "Mỹ phải câm miệng” và cáo buộc Washington “thổi bùng ngọn lửa” trong khu vực.

Các cuộc tranh chấp chủ quyền đối với các hòn đảo nhỏ và hầu như không có người ở trên Biển Đông đã diễn ra trong nhiều năm nhưng khi Trung Quốc ngày càng “khát” tài nguyên, các cuộc đụng độ nhỏ trong vùng biển này có thể bùng lên thành đối đầu quân sự. Một số khu vực trên Biển Đông giàu về hải sản còn các khu vực khác có tiềm năng lớn về dầu và khí tự nhiên.

Chính quyền Obama đã thực hiện chính sách trung lập trong các cuộc tranh chấp đó, vẫn bỏ ngoài tai ngay cả khi Bắc Kinh điều tàu quân sự (đôi khi các tàu này giả danh tàu cá) để xua đuổi tàu của các quốc gia khác.

Các quốc gia láng giềng của Trung Quốc gồm: Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn từ lâu dựa vào sự bảo vệ của Mỹ, vì thế theo lẽ tự nhiên, họ sẽ cảm thấy bối rối: Phải chăng lập trường trung lập có nghĩa là Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc nếu các cuộc đụng độ nhỏ biến thành một cuộc chiến tổng lực?

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.

Đầu năm nay, tại Lầu Năm Góc, Tổng thống Obama tuyên bố chính sách “tái cân bằng” mới của mình, theo đó Mỹ sẽ dịch chuyển các lực lượng quân sự quan trọng từ châu Âu và Trung Đông đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà theo thứ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại tổ chức Xã hội châu Á tuần trước, đây là nơi “chưa có các tổ chức đa quốc gia như NATO có mặt để duy trì hòa bình”

Cũng trong cuộc gặp mặt tại Xã hội châu Á, một phóng viên của tờ Nhật báo Trung Quốc đã chất vấn ông Carter, với quan điểm của Bắc Kinh rằng hoạt động tăng cường quân sự tại Thái Bình Dương của Mỹ là mối đe dọa đối với Trung Quốc: “Chẳng phải cái “tái cân bằng” này thực ra là một động thái kiềm chế Trung Quốc vươn lên sao?”

Đáp lại, ông Carter cũng “trả miếng” : “Vấn đề không phải là Trung Quốc. Chúng tôi không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp ở qui mô khu vực. Chúng tôi có mặt ở đó để đảm bảo tự do thương mại hàng hải cho tất cả mọi người”.

Nhưng vụ triệu tập phó đại sứ để phản đối và các cuộc tấn công của truyền thông Trung Quốc cho thấy nước này vẫn nghi ngờ tuyên bố trên của Mỹ. Ngoài ra, các đồng minh lâu năm của Mỹ cũng có vẻ băn khoăn: Nếu lúc này Mỹ “không đứng về bên nào” thì điều gì sẽ xảy ra nếu họ cần cầu viện đến các hiệp ước quân sự song phương mà chúng ta đã kí kết với họ?

Hiện nay nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau quá lớn nên hai nước không thể đối đầu quân sự. Chính sách tốt nhất mà chúng ta nên theo đuổi là phải đảm bảo rằng những cái đầu lạnh sẽ thắng thế khi thế hệ mới nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong Đảng cộng sản Trung Quốc.

Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải “chiều chuộng” Trung Quốc với quan điểm “trung lập” giả tạo.

Việc phản đối Trung Quốc thành lập cơ sở hành chính và quân sự tại các hòn đảo đang tranh chấp trên Biển Đông là sự khởi đầu tốt. Lúc này, Mỹ cần phải thể hiện rõ với tất cả rằng một hành động hiếu chiến sẽ được đáp trả bằng hành động hiếu chiến, và trấn an các đồng minh rằng chúng ta sẽ giúp đỡ họ nếu họ bị tấn công.

Nhân thể, cái được gọi là “tái cân bằng” chỉ là một mưu mẹo của Mỹ mà thôi. Mặc dù Tổng thống Obama nói với các cử tri đi bầu rằng “ngọn lửa chiến tranh đang rút dần” ở Trung Đông và đâu đó nữa, thì chúng ta sẽ vẫn phải duy trì lực lượng quân đội đủ lớn ở khu vực đó trong thời gian dài.

Nhưng ông Obama nói đúng khi khẳng định tâm điểm lợi ích của chúng ta là tập trung vào Thái Bình Dương.

Việc Mỹ phô trương sức mạnh ở khu vực này là động thái đúng đắn. Lúc này, Mỹ cần phải làm rõ với tất cả rằng nếu cần thiết, chúng ta sẽ dùng đến quyền lực của mình – và không chỉ nhằm mục đích đảm bảo tự do thương mại hàng hải.

Đó là cách tốt nhất để làm giảm bớt căng thẳng và đảm bảo rằng tất cả các khẩu súng sẽ nằm yên trong vỏ của chúng.

Lê Dung (InfoNet)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te