TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tờ WSJ của Mỹ: Trung Quốc thiếu cơ sở đòi chủ quyền ở biển Đông

Tờ Wall Street Journal của Mỹ hôm 10.8 đã viết: hồi cuối tuần trước, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng chỉ trích quyết định gần đây của Bắc Kinh trong việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” có phạm vi quản lý bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đồng thời đưa quân đến đồn trú ở đây.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã kích động giới lãnh đạo Trung Quốc. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, những hành động này của Trung Quốc “đi ngược lại với nỗ lực ngoại giao tập thể của các nước trong việc giải quyết bất đồng và giảm nguy cơ làm leo thang căng thẳng”.

Phát biểu trên của quan chức Mỹ lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích đầy tức giận của giới lãnh đạo Trung Quốc cũng như báo chí nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ đến để bày tỏ sự phản đối trong khi báo chí Trung Quốc “góp lời” bằng những ngôn từ hết sức nặng nề như bảo Mỹ “câm miệng” lại hoặc ngừng ngay các hành động “kích động” xung đột trong khu vực.

Tại sao Trung Quốc lại thể hiện sự tức giận mạnh mẽ đến như vậy. Theo tờ Nhật Báo Phố Wall, một phần nguyên nhân là do các nhóm khác nhau ở Bắc Kinh đang cần phải chứng tỏ sự cứng rắn trong các vấn đề chủ quyền trước thềm Đại hội Đảng sắp tới. Quốc hội sẽ chọn ra thế hệ lãnh đạo mới của Đảng.

Một lý do khác khiến Trung Quốc phải thể hiện thái độ quyết liệt là vì những hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đang vấp phải sự phản ứng của các nước láng giềng và làm tăng thêm quyết tâm của những nước này trong việc chống lại sự dọa dẫm, bắt nạt của Trung Quốc. Thay vì thừa nhận lỗi lầm, Bắc Kinh muốn coi Mỹ như là “bàn tay đen” đầu độc mối quan hệ của họ với các nước Đông Nam Á. Đây có thể chỉ đơn thuần là một chiến dịch tuyên truyền nhưng nguy cơ của nó là Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sẽ gắn Mỹ là kẻ thù khu vực của họ.

Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý khi đòi chủ quyền ở Biển Đông

Trong Sách Trắng năm 2000, Bắc Kinh cho rằng, nguồn gốc “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ đối với quần đảo Trường Sa là những ghi chép lịch sử từ thời phong kiến. Theo đó, Trung Quốc nhận mình là “nước đầu tiên phát hiện ra, đặt tên và thực hiện quyền chủ quyền” ở quần đảo Trường Sa”.

Lập luận trên của Trung Quốc đã bị phản bác. Trung Quốc có thể có một số bản đồ cổ nhất về vùng lãnh thổ đó nhưng những thổ dân Malay, Ấn Độ và Ả-rập đã thực hiện các cuộc giao dịch ở đây từ trước khi người Hán bắt đầu khám phá nơi này. Và các bản đồ do người Trung Quốc vẽ ra từ thời xa xưa đến suốt thế kỷ 20 cũng vẫn không coi quần đảo Trường Sa nằm trong chủ quyền của họ.

 

Bản đồ 11 đoạn trên biển Đông được Trung Quốc tưởng tượng ra năm 1947. 

Có một điều nực cười là, trong bản đồ năm 1947, Trung Quốc đã vẽ ra đường 11 đoạn để đòi chủ quyền đối với hơn 90% Biển Đông. Sau đó, chính quyền của Chủ tịch Mao Trạch Đông lại vẽ lại thành đường 9 đoạn. Như vậy, ngay trong nội bộ Trung Quốc cũng không thống nhất về vấn đề đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Bắc Kinh tiếp tục sử dụng bản đồ này để đòi chủ quyền ở Biển Đông với lập luận lúc thì là họ đòi chủ quyền dựa trên Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Trung Quốc ký và thông qua năm 1996, lúc lại nói rằng họ dựa vào những quyền có từ trước khi Công ước ra đời. Dù thế nào, Bắc Kinh cũng đang cư xử như thể họ sở hữu toàn bộ Biển Đông. Nước này năm ngoái còn lên án Việt Nam khai thác ở những khu vực nằm hoàn toàn trong lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Làm rõ sự mập mờ trong việc Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông không phải chỉ là vấn đề lý lẽ. Đối với Mỹ, nó cần thiết bởi vì 1/3 giao dịch thương mại của thế giới đi qua đây và tự do hàng hải nằm trong lợi ích then chốt của Mỹ. Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng quan tâm bởi họ đang phải đối mặt với “sự lấn chiếm chủ quyền” từ phía Bắc Kinh.

Điều đáng nói nữa là, Trung Quốc chỉ bắt đầu đòi chủ quyền trên phần lớn ở Biển Đông vào những năm 1970 khi người ta khám phá được trữ lượng dầu khí lớn ở đây. Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu áp dụng chính sách dọa dẫm để thể hiện chủ quyền ở Biển Đông. Năm 1974, nước này đã bất ngờ tấn công Việt Nam để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, quân đội Trung Quốc lại tấn công Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Ai khiêu khích?

Hiện giờ, Bắc Kinh cáo buộc các nước láng giềng đang khuấy động căng thẳng ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong tháng 6, nước này chính là nước gây ra hành động khiêu khích lớn nhất kể từ năm 1994 đến giờ. Đó là, Trung Quốc đã mời thầu trên các lô dầu khí hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn sử dụng hải quân và lực lượng dân quân để làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Trong cuộc đụng độ với Manila hồi tháng 4 và 5 ở bãi cạn Scarborough, gần 100 tàu cá Trung Quốc đã cùng lúc dồn về khu vực để gây áp lực với Philippines. Trước đó hồi năm ngoái, tàu của Trung Quốc còn ngang nhiên cắt cáp thăm dò của hai tàu Việt Nam. Và mới đây, hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn trắng trợn thông báo, nước này đã bắt đầu các chuyến tuần tra “sẵn sàng chiến đấu” ở những vùng lãnh hải của Việt Nam.

Trong ý nghĩ của Bắc Kinh, việc đòi chủ quyền ở những vùng xa xôi và vi phạm luật quốc tế là đặc quyền của một cường quốc lớn. Đó chắc chắn là thông điệp mà Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đưa ra trong Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội hồi tháng 7 năm ngoái. Ông này miêu tả Biển Đông là “lợi ích cốt lỏi” của Trung Quốc và sau đó nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế”.

Theo tờ Nhật báo Phố Wall, cơ hội tốt nhất để tránh một cuộc xung đột ở Biển Đông là phản ứng mạnh của Mỹ. Washington đã duy trì sự mập mờ trong vấn đề Biển Đông bằng cách tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề Biển Đông theo con đường hòa bình.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thể hiện rằng, nước này không quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp trên bàn đàm phán và sẽ sử dụng vũ lực nếu cần. Washington cần phải khẳng định đường 9 đoạn của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế và tuyên bố rõ Mỹ sẽ chiến đấu để duy trì sự tự do giao thương ở Biển Đông.

theo vnmedia//Sài Gòn Tiếp Thị

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te