Bốn mươi năm sau chuyến thăm đặc biệt của Nixon tới Trung Quốc, một cuộc xung đột hệ thống chính trị đang tồn tại mà ngay cả những lợi ích về kinh tế cũng không thể che lấp được.
Chỉ một vài sự kiện địa chính trị trong thế kỷ 20 có thể sánh được với chuyến thăm lịch sử của Richard Nixon tới Trung Quốc cách đây 40 năm. Ngày nay. "tuần lễ làm thay đổi thế giới" đó được nhớ tới chủ yếu như một trò chơi táo bạo trong cuộc cách mạng ngoại giao rất thành công đối với Tổng thống Mỹ và nước này. Ông biết rằng, chương trình cải cách kinh tế và mở cửa của Trung Quốc không thể thành công nếu không có đầu tư và công nghệ từ Mỹ. Mô hình dẫn dắt sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - đầu tư tăng cao, mở cửa đón thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phân quyền - sẽ sinh ra những kết quả kém ấn tượng hơn nhiều nếu như thị trường Mỹ đóng cửa đối với hàng hóa Trung Quốc và các công ty Mỹ bị cấm đầu tư vào Trung Quốc (như thời trước chuyến thăm của Nixon). Vì vậy, trong tuần qua, 40 năm sau chuyến thăm của Nixon, phán quyết đã rõ: Trung Quốc là nước chiến thắng trọn vẹn. Thật may mắn là Mỹ không thua. Đó là một cuộc chơi đôi bên cùng thắng hiếm hoi về địa chính trị. Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống cùng thắng này, Trung Quốc rõ ràng đã giành được nhiều hơn Mỹ. Đối chiếu những lợi ích tương đối như vậy khiến một người phải tự hỏi lẽ gì mà ngày nay có quá nhiều nhân vật chóp bu Trung Quốc nuôi dưỡng những oán giận chống Mỹ như vậy. Do niềm tin chiến lược thực sự là không thể giữa một nước Mỹ với các giá trị dân chủ tự do và một Trung Quốc do nhà nước độc đảng lãnh đạo, sự cạnh tranh an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ ngày càng dữ dội hơn mà thôi. Các lãnh đạo Trung Quốc không tiếc cho cái gọi là "thiếu hụt lòng tin" bởi họ biết rất rõ tại sao nó tồn tại. Bên cạnh đó, các hệ thống kinh tế chính trị của một nền dân chủ tự do (ủng hộ cạnh tranh tự do) và một chế độ độc đoán (thiên về kiểm soát nhà nước) về cơ bản là trái ngược nhau. Những khác biệt thể chế như vậy chính là nguyên nhân dẫn tới các chính sách kinh tế ắt sẽ xung đột với nhau. Cho nên, những rủi ro mà ngay cả các lợi ích kinh tế chung giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể xói mòn như là một hậu quả của xung đột giữa các hệ thống chính trị của họ là có thật.
Tuy nhiên, ngày nay càng rõ ràng hơn rằng chuyến thăm của Nixon đã khởi đầu một tiến trình mà rốt cuộc đã chấm dứt sự cô lập của Trung Quốc và dọn đường cho Vương quốc Trung tâm tái sinh như một một cường quốc lớn. Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã hưởng lợi nhiều hơn so với Mỹ từ việc nối lại quan hệ hữu nghị chiến lược Trung - Mỹ.
Về mặt an ninh, quan hệ bán-liên minh được thiết lập giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp sau chuyến thăm kể trên đã giúp Bắc Kinh tăng cường mạnh mẽ năng lực đối đầu với Liên Xô, nước đã huy động 30-40 sư đoàn chống lại Trung Quốc và đang trù tính một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ngay trước chuyến công du của ông Nixon. Tất nhiên, thêm Trung Quốc vào như một con lắc chống lại Liên Xô đã giúp Mỹ tiến hành Chiến tranh Lạnh. Nhưng Mỹ rốt cuộc đã đánh bại Liên Xô trong cuộc cạnh tranh này mà không cần phải có sự đóng góp của Trung Quốc mà vốn rất chừng mực ở những phạm vi nhất định.
Do sự hỗn loạn chính trị của Cách mạng Văn hóa (1966-1976), những lợi ích về kinh tế của việc nối lại quan hệ hữu nghị Trung - Mỹ phải đợi vài năm sau nữa mới xuất hiện. Mãi cho đến khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền - và cuộc cách mạng kinh tế mà những cải cách của ông khởi đầu - thì Trung Quốc mới bắt đầu tăng cường tầm quan trọng kinh tế của các mối quan hệ giữa nước này với Mỹ. Rõ ràng, chính Đặng Tiểu Bình khôn ngoan đã hiểu rõ tầm quan trọng này. Đó là lý do chuyến công du nước ngoài đầu tiên mà ông thực hiện sau khi giành được ưu thế chính trị hồi tháng 12/1978 (tháng mà một cách ngẫu nhiên, Bắc Kinh và Washington chính thức bình thường hóa quan hệ) là tới Mỹ.Ảnh minh họa: english.chosun.com
Một lý do cơ bản để các mối quan hệ Trung - Mỹ đôi bên cùng có lợi kể từ sau chuyến thăm của Nixon khá rõ ràng. Hai nước có chung các lợi ích quan trọng: an ninh chống lại mối đe dọa Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh và các lợi ích kinh tế ngày càng lớn từ thương mại và đầu tư sau Chiến tranh Lạnh. Thông thường, sợ hãi và tham lam là đủ để tăng cường các mối quan hệ song phương giữa hầu hết các quốc gia - nhưng không phải giữa các cường quốc lớn. Duy trì sự tin tưởng chiến lược, dựa trên các giá trị chung và các thể chế chính trị tương đồng, là cực kỳ quan trọng trong việc quyết định bản chất mối quan hệ giữa các cường quốc. Có thể có những ngoại lệ, chẳng hạn như trong trường hợp chuyến thăm của Nixon, sự kiện diễn ra khi cả Trung Quốc và Mỹ đang đối mặt với một mối đe dọa an ninh rất lớn - Liên Xô. Đó là lý do Nixon và Henry Kissinger, đều là những người thực hành chính sách thực dụng tài giỏi, không lo ngại về bản chất của chế độ Trung Quốc vào thời điểm đó. Bản năng sinh tồn, chứ không phải niềm tin chiến lược lâu dài, đã thúc ép hai nước tìm kiếm sự hợp tác.
Nhưng ngày nay, cấu trúc của các mối quan hệ Trung - Mỹ đã thay đổi vượt ra ngoài sự công nhận. Về an ninh, họ đã trở thành các bán-đối-thủ, thay vì là các bán-đồng-minh, bên này coi bên kia như một mối đe dọa tiềm ẩn và trù tính các chiến lược quốc phòng tương xứng. Các mối quan hệ kinh tế của họ phát triển phụ thuộc lẫn nhau và hình thành một nền tảng vững chắc nhất để tiếp tục hợp tác. Nhưng ngay cả như thế, căng thẳng vẫn xuất hiện, đặc biệt là dưới dạng các thâm hụt lớn về thương mại song phương mà một phần là do đồng tiền được định giá thấp và những hạn chế của Trung Quốc đối với sự tiếp cận thị trường của các công ty Mỹ.
Xung đột ý thức hệ - giữa nền dân chủ tự do Mỹ và nhà nước độc đảng của Trung Quốc - trở nên gay gắt hơn trong những năm gần đây. Những người ủng hộ sự ràng buộc với Trung Quốc đưa ra lập luận dựa trên giả định rằng sự hiện đại hóa kinh tế và hội nhập của Trung Quốc với phương Tây sẽ thúc đẩy sự thay đổi chính trị và làm cho nhà nước độc đảng trở nên dân chủ hơn. Giả thuyết "cách mạng tự do" này đáng tiếc đã không mang lại kết quả. Thay vì theo đuổi sự mở rộng tự do chính trị, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại ngày càng chống lại dân chủ hóa, hoang tưởng về phương Tây và ngày càng căm ghét các giá trị tự do.
Kết quả là, trong số 3 trục của quan hệ Trung - Mỹ gồm an ninh, kinh tế và hệ tư tưởng thì chỉ một - các lợi ích kinh tế chung - là vẫn tồn tại. Trong lĩnh vực an ninh và ý thức hệ, các mối quan hệ Trung - Mỹ phát triển ngày càng cạnh tranh và đối lập. Nếu thế thì nhiều khả năng nhất là sự cạnh tranh chiến lược sẽ trở thành một đặc điểm chính của các mối quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai gần - chừng nào nhà nước độc đảng của Trung Quốc tiếp tục nắm quyền. Không khó để xác định nguyên nhân cơ bản.
Một dự đoán bi quan như thế về tương lai các mối quan hệ Trung - Mỹ có thể là không thích hợp để kỷ niệm 40 năm ngày Nixon công du Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu một người đồng ý với giả thuyết rằng sự tồn tại của chế độ độc đảng ở Trung Quốc, chứ không phải khát vọng của Mỹ nhằm ngăn chặn một cường quốc đang lên, là trở ngại cơ bản cho một mối quan hệ Trung - Mỹ hữu nghị và hợp tác lâu dài trong tương lai gần, thì tự chúng ta sẽ giúp cho chính mình bằng cách thừa nhận hiện thực này và cố gắng thay đổi nó.
----
Tác giả: Thanh Hảo dịch từ The Diplomat // Nguồn: Tuần Việt Nam
---------------------------------------------------------
Nếu bị thách thức, Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ an ninh của mình. Nhưng nước này sẽ không chọn đối đầu như một chiến lược cần lựa chọn. Với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải đối đầu với một kẻ thù có nhiều thế kỷ kinh nghiệm trong việc sử dụng xung đột kéo dài như một chiến lược và có học thuyết nhấn mạnh sự kiệt quệ tâm lý của đối phương.
Vào ngày 19/1/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ra một tuyên bố chung vào cuối chuyến công du của ông Hồ Cẩm Đào tới Washington. Tuyên bố chỉ ra cam kết chung của hai bên về một "mối quan hệ Trung - Mỹ tích cực, hợp tác và toàn diện". Mỗi bên tái đảm bảo với bên còn lại về mối quan ngại chủ yếu của mình, nêu rõ: "Mỹ nhắc lại rằng nước này hoan nghênh một Trung Quốc mạnh mẽ, thịnh vượng và thành công mà có thể đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề thế giới. Phía Trung Quốc hoan nghênh Mỹ như một nước châu Á - Thái Bình Dương đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực". Kể từ đó, hai chính phủ đã bắt tay vào thực thi các mục tiêu đã đề ra. Các quan chức cấp cao của hai nước đã có những chuyến thăm lẫn nhau, và thể chế hóa những trao đổi của họ về các vấn đề kinh tế và chiến lược quan trọng. Các tiếp xúc quân sự giữa hai bên được bắt đầu lại, mở ra một kênh liên lạc quan trọng. Và ở cấp độ không chính thức, các nhóm được gọi là kênh-2 đã thăm dò các hướng phát triển có thể của mối quan hệ Trung - Mỹ. Tuy nhiên, khi hợp tác được đẩy mạnh thì tranh cãi cũng gia tăng. Các nhóm quan trọng ở cả hai bên tuyên bố rằng một cuộc cạnh tranh giành uy thế giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể tránh khỏi, và có lẽ đã đang diễn ra. Trong viễn cảnh này, những kêu gọi về hợp tác Trung - Mỹ dường như lỗi thời và thậm chí là ngây thơ. Những lời buộc tội lẫn nhau nổi lên từ những phân tích khác biệt ở mỗi nước. Một số nhà tư duy chiến lược Mỹ lập luận rằng, chính sách của Trung Quốc theo đuổi hai mục tiêu dài hạn: thay thế nước Mỹ như một cường quốc vượt trội ở tây Thái Bình Dương và hợp nhất châu Á thành một khối thuận theo các lợi ích kinh tế và chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Theo quan niệm này, ngay cả khi các năng lực quân sự thực chất của Trung Quốc không sánh được với các năng lực quân sự của Mỹ, Bắc Kinh vẫn có khả năng tạo ra những rủi ro không thể chấp nhận được trong một cuộc xung đột với Washington và đang phát triển các phương tiện ngày càng tinh vi để loại bỏ các lợi thế truyền thống của Mỹ. Năng lực hạt nhân dự bị không thể bị tấn công của nước này rút cục sẽ được gắn kết với tầm bắn ngày càng mở rộng của các tên lửa đạn đạo chống hạm và các năng lực bất đối xứng trong các lĩnh vực mới như mạng và không gian vũ trụ. Một số người lo ngại Trung Quốc có thể đạt được một vị thế hải quân vượt trội thông qua một loạt các chuỗi đảo ở ngoại biên nước này, và một khi một viễn cảnh đó tồn tại, các nước láng giềng của Trung Quốc, do lệ thuộc vào thương mại Trung Quốc và không chắc chắn về khả năng Mỹ sẽ phản ứng, có thể phải điều chỉnh các chính sách của mình thiên về Trung Quốc. Rốt cuộc, điều này có thể dẫn tới việc tạo ra một khối châu Á dĩ Hoa vi trung thống trị tây Thái Bình Dương. Báo cáo chiến lược quốc phòng mới đây nhất của Mỹ đã phản ánh một số e ngại này. Không một quan chức chính phủ Trung Quốc nào công bố một chiến lược như vậy là chính sách thật của nước này. Thực tế, họ nhấn mạnh điều đối lập. Tuy nhiên, có đủ các tài liệu trên báo chí gần như chính thống của nước này và của các viện nghiên cứu để hỗ trợ cho giả thuyết rằng các mối quan hệ đang tiến tới đối đầu thay vì hợp tác. Các quan ngại chiến lược của Mỹ đã bị thổi phồng quá mức bởi các khuynh hướng ý thức hệ nhằm chiến đấu với toàn bộ thế giới phi dân chủ. Một số cho rằng, các chế độ độc đoán vốn dĩ đã dễ đổ vỡ, đành phải huy động sự ủng hộ trong nước bằng thực tiễn cũng như giọng điệu chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bành trướng. Theo những giả thuyết này - các cách giải thích được nhiều bộ phận thuộc cả cánh tả lẫn cánh hữu Mỹ hoan nghênh - căng thẳng và xung đột với Trung Quốc đã vượt quá cấu trúc nội tại của Trung Quốc. Hòa bình chung sẽ tới, nó được xác nhận, từ chiến thắng của dân chủ trên toàn cầu chứ không phải từ những kêu gọi hợp tác. Chẳng hạn, nhà khoa học chính trị Aaron Friedberg viết rằng "một Trung Quốc tự do dân chủ sẽ chẳng có mấy lý do để sợ hãi các đối tác dân chủ của nước này, nói gì đến sử dụng vũ lực chống lại họ". Bởi vậy, "nếu lột bỏ những chi tiết tinh vi về ngoại giao, mục đích sau cùng của chiến lược Mỹ [sẽ là) đẩy nhanh một cuộc cách mạng, dù là một cuộc cách mạng hòa bình, mà sẽ quét sạch một nhà nước độc tài độc đảng của Trung Quốc và đặt một nền dân chủ tự do vào đúng vị trí của nó". Về phía Trung Quốc, các diễn giải mang tính đối đầu đi theo một logic nghịch đảo. Họ coi Mỹ là một siêu cường bị thương quyết cản trở sự trỗi dậy của bất kỳ một đối thủ nào, trong đó Trung Quốc là đáng tin nhất. Một số người Trung Quốc cho rằng, cho dù Bắc Kinh theo đuổi sự hợp tác mạnh mẽ đến mức nào thì mục tiêu bất biến của Washington vẫn sẽ là bao vây một Trung Quốc đang phát triển bằng cách triển khai quân sự và các cam kết hiệp ước, theo cách đó, ngăn không cho nước này đóng vai trò lịch sử của mình như Vương triều Trung tâm. Theo viễn cảnh đó, bất kỳ sự hợp tác nào được duy trì với Mỹ đều là tự chuốc lấy thất bại, vì nó sẽ chỉ phục vụ một mục tiêu quan trọng hơn cả của Mỹ là vô hiệu hóa Trung Quốc. Sự thù địch mang tính hệ thống có lúc còn bị coi là vốn có trong những ảnh hưởng về văn hóa và công nghệ của Mỹ, mà đôi khi bị xem là một dạng áp lực cố ý được đưa ra để bào mòn các giá trị truyền thống và sự đồng thuận trong nước của Trung Quốc. Những ý kiến quyết đoán nhất cho rằng Trung Quốc thụ động quá mức khi đối đầu với những xu hướng thù địch, và rằng (chẳng hạn như trong trường hợp các vấn đề lãnh thổ ở Biển Đông) Trung Quốc nên đương đầu với những nước láng giềng mà nước này có các tuyên bố chủ quyền tranh cãi, và khi đó, theo cách nói của nhà phân tích chiến lược Long Tao, "tranh luận, nghĩ trước và tấn công trước khi mọi thứ dần vuột khỏi tầm tay... tiến hành một số trận chiến quy mô nhỏ mà có thể ngăn không cho những kẻ quấy phá tiến xa hơn". Quá khứ không cần là khởi đầu Vậy thì liệu có ích hay không trong nỗ lực tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác Trung - Mỹ và trong những chính sách được lập ra để đạt được mối quan hệ đó? Chắc chắn, sự trỗi dậy của các cường quốc, về mặt lịch sử, thường dẫn tới xung đột với những nước đã định. Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi. Không chắc các nhà lãnh đạo đã vô tình lao vào một cuộc chiến thế giới năm 1914 đã làm thế nếu như họ biết thế giới sẽ như thế nào khi kết thúc cuộc chiến đó. Các nhà lãnh đạo ngày nay có thể không có những tầm nhìn như vậy. Một cuộc chiến lớn giữa các quốc gia phát triển hạt nhân chắc chắn sẽ gây thương vong và những biến động quá đáng gắn với những mục tiêu có thể tính được. Tấn công phủ đầu gần như bị loại trừ, đặc biệt là đối với một nền dân chủ đa nguyên như Mỹ. Nếu bị thách thức, Mỹ sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ an ninh của mình. Nhưng nước này sẽ không chọn đối đầu như một chiến lược cần lựa chọn. Với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải đối đầu với một kẻ thù có nhiều thế kỷ kinh nghiệm trong việc sử dụng xung đột kéo dài như một chiến lược và có học thuyết nhấn mạnh sự kiệt quệ tâm lý của đối phương. Trong một cuộc xung đột thực sự, cả hai bên đều có những khả năng và sự khôn khéo để gây ra thiệt hại thê thảm cho nhau. Đến khi mà bất kỳ một cuộc xung đột nào mang tính giả thuyết như vậy đi đến hồi kết, tất cả các bên đều sẽ kiệt quệ và mất sức. Họ sẽ lại buộc phải đối mặt với chính nhiệm vụ mà họ phải đương đầu ngày nay: xây dựng một trật tự thế giới, trong đó cả hai nước đều là thành phần quan trọng. Các kế hoạch ngăn chặn rút ra từ các chiến lược thời Chiến tranh Lạnh mà cả hai bên sử dụng để chống lại một Liên Xô bành trướng không còn phù hợp với các điều kiện hiện nay. Kinh tế Liên Xô yếu (ngoại trừ sản phẩm quân sự) và không ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Ngay khi Trung Quốc phá vỡ các mối quan hệ và trục xuất các cố vấn Xô Viết, chỉ một vài nước ngoại trừ những quốc gia bị buộc phải tham gia vào quỹ đạo Xô Viết có lợi ích đáng kể trong quan hệ kinh tế với Moscow. Ngược lại, Trung Quốc ngày nay là một nhân tố năng động trong nền kinh tế thế giới. Đó là một đối tác thương mại chủ chốt của tất cả các quốc gia láng giềng và gần như của tất cả các cường quốc công nghiệp phương Tây, trong đó có Mỹ. Một sự đối đầu kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm biến đổi kinh tế thế giới với những hậu quả tai hại đối với tất cả. Trung Quốc cũng không thấy rằng chiến lược mà nước này theo đuổi trong cuộc xung đột với Liên Xô dùng được cho một cuộc đối đầu với Mỹ. Chỉ vài nước - và không có nước châu Á nào - sẽ coi một sự hiện diện của Mỹ ở châu Á là "những ngón tay" cần phải bị "cắt bỏ" (trong lối nói ví von của Đặng Tiểu Bình về các quan điểm tự phụ của Liên Xô). Ngay cả những nước châu Á không phải là thành viên của các liên minh với Mỹ cũng tìm kiếm một sự tái đảm bảo về sự hiện diện chính trị của Mỹ trong khu vực và về các lực lượng Mỹ ở các vùng biển gần kề như một nước bảo lãnh của thế giới mà họ đã trở nên quen thuộc. Cách tiếp cận của họ được nhấn mạnh bởi một quan chức cấp cao Indonesia với một người đồng nhiệm Mỹ: "Đừng bỏ chúng tôi, nhưng cũng đừng bắt chúng tôi phải lựa chọn". Việc Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng quân sự gần đây không phải là một hiện tượng ngoại lệ: kết quả lạ thường hơn sẽ là nếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước nhập khẩu các nguồn lực tự nhiên lớn nhất thế giới không chuyển sức mạnh kinh tế của mình sang một năng lực quân sự gia tăng nào đó. Vấn đề là việc xây dựng đó có kết thúc công khai hay không và các mục đích của nó là gì. Nếu Mỹ coi mọi sự tiến bộ về năng lực quân sự của Trung Quốc là một hành động thù địch, nước này sẽ nhanh chóng thấy mình sa vào một loạt những tranh cãi bất tận nhân danh các mục đích bí truyền. Nhưng Trung Quốc hẳn phải ý thức rõ, từ chính lịch sử của nước này, về ranh giới mong manh giữa các năng lực phòng thủ và tấn công, và về những hậu quả của một cuộc chạy đua vũ trang vô độ. Các lãnh đạo Trung Quốc có nhiều lý do mạnh mẽ để từ chối những lời kêu gọi trong nước về một lối tiếp cận thù địch - như họ vẫn công khai tuyên bố trên thực tế. Sự bành trướng đế quốc của Trung Quốc, về lịch sử, được thực hiện bởi sự thẩm thấu chứ không phải chinh phạt, hoặc bằng sự chuyển đổi sang văn hóa Trung Hoa của những người đi xâm chiếm, những người đã gộp lãnh thổ của chính mình vào lãnh thổ Trung Quốc. Chi phối châu Á về quân sự sẽ là một quyết tâm dữ dội. Liên Xô, vào thời chiến tranh Lạnh, nằm tiếp giáp với một loạt các nước yếu đã kiệt quệ bởi chiến tranh và sự chiếm đóng và phải dựa vào các cam kết của quân đội Mỹ để bảo vệ mình. Trung Quốc ngày nay đối mặt với Nga ở phía bắc; Nhật Bản và Hàn Quốc - các liên minh quân sự của Mỹ, ở đông; Việt Nam và Ấn Độ ở phía nam, và Indonesia và Malaysia nằm cách không xa. Đây không phải là một chòm sao để xâm chiếm. Nhiều khả năng nó còn làm dấy lên lo ngại về sự bao vây. Mỗi nước trong số này đều có truyền thống quân sự lâu đời và sẽ tạo ra một trở ngại lớn nếu như lãnh thổ hoặc khả năng thực hiện một chính sách độc lập của họ bị đe dọa. Một chính sách ngoại giao mang tính chiến đấu của Trung Quốc sẽ làm tăng sự hợp tác giữa tất cả hoặc ít nhất một vài nước trong số này, gợi lên cơn ác mộng lịch sử của Trung Quốc như đã xảy ra trong thời kỳ 2009-2010.
Thanh Hảo dịch theo Foreign Affairs // Nguồn: Tuần Việt Nam