TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Xung quanh bê bối tài chính đang chấn động nước Úc

Ngày 4/10 vừa qua, cựu Chủ tịch nghiệp đoàn Dịch vụ y tế Úc (HSU) Michael Williamson đã bị Cảnh sát tiểu bang New South Wales (NSW) bắt giữ. Ông bị nghi ngờ liên quan tới nghi án nhận tiền hối lộ từ các nhà cung cấp dịch vụ lớn khi còn là giám đốc chi nhánh HSU miền Đông NSW. Hơn 20 triệu đôla trong các khoản thanh toán có vấn đề được trả cho các nhà cung cấp HSU mà không có đấu thầu hoặc hợp đồng. Năm công ty cùng một số liên kết với Williamson đã nhận hơn 17 triệu đôla trong khoảng thời gian 4 năm.

 Bê bối này manh nha từ cách đây vài năm với quy mô gây chấn động nước Úc. Williamson, với danh nghĩa "liên kết bằng hữu", đã lôi kéo người thân và nhiều quan chức chính phủ cùng hưởng lợi từ quỹ HSU. Công đảng gồm nhiều chính khách quyền lực dưới trướng của Thủ tướng Julia Gillard đã bao che trắng trợn cho Williamson và dường như đang chơi nước bài chối bỏ trách nhiệm. Như một con đà điểu khi hoảng hốt, lại chúi đầu vào bụi rậm né tránh, giờ đây dư luận bắt đầu quan ngại về sức mạnh thực sự của chính quyền Úc và gọi kiểu làm việc “bịt mắt bưng tai” của Thủ tướng Julia Gillard là "chính trị con đà điểu"…


Bê bối "lại quả" chấn động nước Úc

HSU là cơ quan chuyên trách y tế với 60.000 nhân viên làm việc tại các chi nhánh y tế trên khắp nước Úc. Chi nhánh NSW được hợp nhất từ hai chi nhánh ở Victoria và NSW với 15.000 nhân viên và doanh thu hàng năm trên 8 triệu đôla. Micheal Williamson lên nhậm chức chủ tịch HSU cuối năm 1997, thu vén nhiều tài sản và trở thành nhân vật quyền lực nhất HSU.

Quá trình điều tra tham nhũng tại HSU thực chất bắt đầu từ tháng 9/2011. Báo chí Úc đồng loạt đăng tải những cáo buộc Williamson sử dụng các thẻ bí mật của Hãng American Express để nhận tiền "lại quả". Ông lạm dụng thẻ đen Centurion, thông qua tài khoản của bạn thân, chi tiêu tới 30.000 đôla hàng tháng cho ăn uống và sinh hoạt với lệ phí hàng năm cho đặc quyền này không dưới 4.300 đôla. Một nhà cung cấp đồ dùng cá nhân cho HSU tiết lộ đã "thổi phồng" các hóa đơn của HSU và sau đó có "lại quả trở lại". Công ty của người này nằm trong hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc cho thấy đã nhận hàng trăm nghìn đôla từ HSU.

Tháng 5/2012, Cảnh sát NSW tiến hành chiến dịch Carnarvon, thu thập tài liệu và dữ liệu máy tính về những hoạt động bất chính của Williamson. Họ bắt quả tang ông ta cùng con trai Christopher đang cố phi tang một túi chứa tài liệu ở bãi đỗ xe của HSU. Báo cáo điều tra kết luận Williamson rất có thể sử dụng chính con trai làm người hướng dẫn những vi phạm hình sự. Theo lệnh ông bố, Christopher tiếp cận các nhân viên mục tiêu và yêu cầu họ xóa sạch dữ liệu từ hệ thống máy tính của HSU. Anh này được quyền chỉ định nhân viên dưới quyền tiêu hủy các tài liệu in có liên quan tới tài chính, dùng tiền thanh toán và đuổi nhân viên sau từng phi vụ.

Chi nhánh miền Đông bị cáo buộc thực hiện những hành vi tài chính thiếu minh bạch, bỏ qua hợp đồng với những gói dịch vụ vượt quá 200.000 đôla dưới sự chỉ đạo của "tướng" Micheal Williamson. Williamson được HSU trả gần lương 400.000 đôla cùng 150.000 đôla từ những hoạt động khác của nghiệp đoàn. Theo báo cáo điều tra, "6 con số" trên đã tăng thêm 25% cứ mỗi khi một cố vấn tài chính được Williamson bổ nhiệm làm công tác tài chính riêng cho ông ta. Michael Williamson đã bổ nhiệm những nhân vật thân tín vào các vị trí quan trọng của HSU nhằm tạo "kênh chuyển tiền" trong mọi hoạt động giao dịch. Tinh thần hết mình vì bằng hữu này được báo giới ngợi ca bằng cụm từ "con sói lừa đảo" khi mà cả gia đình Williamson và mạng lưới bạn bè đã thu về hàng trăm triệu đôla từ hoạt động ngầm phía sau HSU trong suốt 15 năm giữ cương vị chủ tịch.

Tờ Người Úc cho biết, Cảnh sát NSW thu thập bằng chứng từ dữ liệu American Express tại Mỹ khi chúng được lưu trữ lâu hơn thông qua cơ sở dữ liệu của các định chế tài chính. Theo đó, Williamson bị buộc tội biển thủ công quỹ, chống đối người thi hành công vụ và có nguy cơ phải đối mặt mức án tối thiểu 7 năm tù giam. Cảnh sát tiết lộ Williamson đã mua chuộc 5 thành viên HSU nhằm gây rắc rối cho cơ quan điều tra, đồng thời đưa ra danh sách 20 tội trạng liên quan tới việc dụ dỗ nhân viên HSU và tạo dựng các tài liệu giả mạo. Ngoài ra, ông còn tìm cách tiêu hủy các bản kê tài khoản thẻ tín dụng American Express - vốn có thể trở thành bằng chứng buộc tội tham nhũng.

Vụ bê bối ở HSU giáng một đòn nặng nề vào uy tín của toàn bộ mạng lưới công đoàn quốc gia. Hội đồng Các nghiệp đoàn Úc gây áp lực buộc HSU phải "làm cho ra nhẽ" sự việc, đồng thời tuyên bố không tha thứ cho các hành vi tham nhũng hay lạm dụng công quỹ của các thành viên. HSU bị loại khỏi ban chấp hành cho tới khi giải quyết được các "lỗ hổng" trầm trọng về quản trị và quản lý tài chính, đồng thời Williamson chính thức đệ đơn từ chức.

Liên kết bằng hữu và lộng quyền gia đình

Các nhà chức trách có lẽ phải cảm ơn thư ký riêng Dennis Robertson khi anh này vô tình nắm giữ những báo cáo tài chính buộc tội Williamson. Cựu Chủ tịch HSU bị phát hiện chi trả trên 20 triệu đôla cho các bên cung cấp dịch vụ của HSU nhưng không hề có hóa đơn hay hợp đồng do các bên tham gia ký xác nhận. Điều kỳ lạ ở chỗ, chuỗi các công ty do ông ta và vợ bà Julieanne quản lý được tài trợ 5 triệu đôla "từ trên trời rơi xuống".

 

Quỹ của Nghiệp đoàn Dịch vụ Y tế Úc (HSU) bị cắt xén và "lại quả".

Williamson tiếp tục biển thủ ít nhất 1,5 triệu đôla quỹ HSU để mua và sửa tư gia, sau đó cung cấp tiền cho cậu quý tử Christoper ăn chơi. Có một sự thật ấy là Christopher lại đang làm việc tại HSU, vì thế người ta nghi ngờ cậu chàng lắm chiêu này hợp sức với ông bố để tư lợi nhiều hơn những gì báo cáo đưa ra. Quỹ HSU bị Williamson xé nhỏ thành hàng loạt các khoản đầu tư, xây dựng trường quay cho các buổi ghi hình quảng cáo…

Sự thiên vị này, hay chăng là tư lợi, trở thành chủ đề sôi nổi về hoạt động của ngành y tế vốn có tiếng trong sạch ở Úc. Williamson rất khôn ngoan khi lấy "tiền chung đầu tư của riêng", đặc biệt là các công ty gia đình mà ông ta cho rằng "nắm vị trí quan trọng ở nền kinh tế quốc dân". United Edge được rót 4,7 triệu đôla trong vòng bốn năm, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho HSU mà chẳng hề có lấy một hợp đồng hay giấy ủy quyền bảo đảm. Chi nhánh miền Đông của HSU trở thành "mồi" để United Edge càn quét và gia tăng lợi nhuận khi Williamson cho phép công ty đặt văn phòng tại đây hoàn toàn miễn phí!?

Williamson rất hào phóng trích quỹ HSU xấp xỉ 400.000 đôla trao tặng bà vợ vì công tác quản lý tốt và những đóng góp cho sự phát triển của HSU từ năm 2005 tới 2009. Thật nực cười khi vợ của một chủ tịch lại được trả lương hậu hĩnh hơn cả thủ tướng. Bà Julieanne nhận 34 đôla mỗi giờ, chưa kể phụ cấp và thưởng khác, vượt xa mức lương trung bình của một cán bộ hành chính. Công việc của vợ chủ tịch chẳng có gì ngoài thu thập hồ sơ, phân loại và lưu trữ văn thư, nhưng Julieanne tuyên bố trên báo rằng lẽ ra bà ta phải nhận được 200 đô la một giờ vì "công việc giấy tờ quả thực rất kinh khủng và bốc mùi".

Câu chuyện Williamson trả lương cho vợ có nhiều phiên bản khác nhau chỉ vỏn vẹn trong có vài ngày. Tuần trước, thư ký chi nhánh HSU miền Đông, Mylan, cho rằng quả thực Julieanne làm việc rất chăm chỉ, lên tới 37 giờ mỗi tuần. Đến khi phụ trách văn thư hỏi: "Cái người anh nói ấy là ai?" thì Mylan quát tháo nặng nề và chỉ đáp lại một câu: "Hãy biết mình là ai ở HSU này. Tôi được sếp Williamson giao toàn quyền quản lý ở đây!". Báo cáo điều tra lại phản biện những gì Mylan từng nói. Anh ta vội vàng chữa cháy rằng đó chỉ mang tính chất phỏng đoán và chưa hề nhìn thấy Julieanne làm ở văn phòng, nhưng luôn khẳng định tin tưởng vào vợ của chủ tịch HSU.

Việc Williamson lộng quyền ở HSU vốn rất hiển nhiên. Anh trai Darren, chị dâu Irvine và bạn thân Cheryl luôn thuộc danh sách nhận lương cao nhất trong khi thời gian làm việc gần như ngắn nhất. Canme, công ty riêng của vợ, cũng được Williamson hào phóng đầu tư mỗi năm 100.000 đôla. Cứ hai tháng đều đặn từ năm 2000, Canme nhận trung bình 15.000 đôla và con số này hứa hẹn tăng gấp bội nếu ông chồng "làm ăn được".

 

Christopher Williamson bị nghi ngờ tham nhũng khi còn làm việc tại HSU.

Chả thế mà giới điều tra tin Williamson đã tạo ra cả một hệ thống chìm nổi trong HSU chỉ để kiếm tiền. Những khoản hoa hồng lớn, thường xuyên "chạy" vào túi bà vợ, bị Mylan ngầm phát giác nên Williamson phải mua chuộc anh này. Thực tế Mylan chỉ là con rối che chắn cho bà vợ, hoàn toàn không biết gì về hoạt động của gia đình Williamson.

Williamson tiếp tục bị một kiến trúc sư tố tham nhũng. Bốn năm trở lại đây, Williamson đã bí mật ký một "giao kèo" trả gần 90.000 đôla mỗi năm cho Mah-Chut, chuyên viên lên kế hoạch nghỉ dưỡng cho gia đình cựu Chủ tịch HSU. Các khoản tiền thưởng từ quỹ HSU lần lượt ra đi, cho tới khi bị điều tra, Mah-Chut thừa nhận đã bỏ túi 3,4 triệu đôla. Nếu như Williamson tuyên bố đã chi tiền mua lại các khu đất để HSU xây dựng hệ thống du lịch nghỉ dưỡng hay khu vui chơi, thì kết quả điều tra lại cho thấy điều ngược lại. Williamson để Mah-Chut hưởng 2% hoa hồng từ mỗi vụ bán chác thành công, giúp ông này "moi" từ quỹ thêm 255.000 đôla.

Dư luận dậy sóng

Vụ bê bối Williamson đã dẫn tới hệ quả là nhân viên nghiệp đoàn bắt đầu đình công và rời bỏ HSU. "Ông ta khiến chúng tôi khiếp sợ và căm phẫn. Chúng tôi là những nhân viên nhận mức lương rất thấp, làm việc quần quật cho HSU nhưng cuối cùng biết mình đã bị lừa. Chúng tôi giờ thực sự trắng tay. Tại sao ở một quốc gia đề cao dân chủ, chính quyền lại để một lũ sâu bọ lộng hành, cướp tài sản từ những lao động chân chính khác?", một nhân viên HSU buồn bã chia sẻ.

Vài ngày trước, Thủ tướng Julia Gillard còn tự tin nói bà rất tin tưởng vào sự trong sạch của Williamson. Ngay cả trong một bức điện gửi tới Williamson thông báo về phiên họp chính phủ, bà vẫn ủng hộ ông ta một phiếu vào nghị viện. Đơn giản bởi lẽ Michael Williamson từng là Chủ tịch Công đảng giai đoạn 2009-2010, được bà Gillard hậu thuẫn rất lớn. Bản thân Williamson cũng chưa bao giờ nhận tội, hay cho rằng cảnh sát đã cáo buộc đúng tội trạng của ông ta cùng gia đình.

Người dân Úc tỏ ra kinh ngạc khi một nhân vật từng là thành viên Công đảng lại vướng phải vòng lao lý khi xuất hiện những dấu hiệu hình sự liên quan tới tham nhũng. Những khoản tiền chi trả cho các thành viên HSU, tuy không lớn, nhưng được Williamson tận dụng triệt để. Ngay cả chính phủ cũng bị che mắt, hoàn toàn không biết gì về hoạt động của Nghiệp đoàn Y tế quốc gia, khiến dư luận nghi ngờ về sức mạnh pháp quyền của chính nước Úc. Thủ tướng Julia Gillard không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khi biết chắc chắn vụ bê bối Williamson sẽ dính líu đến kiện tụng ở tòa án các cấp.

Trong bối cảnh này, phe đối lập ngay lập tức lên tiếng chỉ trích Công đảng cầm quyền bao che cho các sai phạm của HSU, đặc biệt là với những hành vi của Williamson. Khi mà bà Gillard từ chối bình luận về hoạt động điều tra của cảnh sát thì đương kim Chủ tịch HSU Chris Brown đã lên tiếng hoan nghênh quyết định khởi tố người tiền nhiệm Williamson. Brown vui mừng cho biết cảnh sát đang tiếp tục mở rộng điều tra tham nhũng tại HSU và có thể bắt giữ thêm một số nhân vật, không loại trừ bất cứ nhóm lợi ích nào…

  Trần Quân - Anh Doãn
Theo An Ninh Thế Giới

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te