TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Wikileaks về Biển Đông: Điện mật từ Viện Mỹ tại Đài Loan: Đảo Đông Sa - Đường chiến lược yếu nhất của Đài Loan

Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) đánh giá, Đài Bắc đã ngủ quên trước những ảnh hưởng chiến lược của đảo Đông Sa mà họ đang nắm giữ. Sự quan liêu, thiếu nhất quán trong việc hoạch định và thực thi chính sách sẽ khiến Đài loan khó lòng hạn chế được những hành động tăng cường lấn chiếm của Trung Quốc tại thực địa. 

 

 

Xuất xứ: Viện Mỹ tại Đài Bắc (Đài Loan)

Thời gian phát điện; Thứ năm, ngày 16/06/2005; 09.36 UTC

Thời gian công bố : Thứ năm, ngày 01/09/2011; 23.24 UTC

Phân loại: Điện mật

 

1.Tóm tắt: Cuộc đụng độ ngày 27 tháng 5 giữa tàu của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan và một tàu nghiên cứu nghi ngờ là của Trung Quốc ngoài khơi đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát đã thu hút sự chú ý của chính phủ Đài Loan về những nguy cơ chiến lược liên quan đến hòn đảo tranh chấp tại Biển Đông này. Vị trí của hòn đảo nằm giữa Hồng Kông, Đài Loan và Philippines, và các quan chức Đài Loan nghi ngờ rằn những vụ xâm phạm gần đây của các tàu nghiên cứu và tàu đánh cá của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực nhằm muốn giành quyền kiểm soát hòn đảo cũng như các cơ sở vật chất tại đây nhằm trình diễn sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực eo biển Luzon và eo biển Đài Loan. Quân đội Đài Loan đã hoàn tất việc bàn giao quyền kiểm soát trên đảo Đông Sa cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan từ năm 2002, tuy nhiên, ngay từ năm 1999 đã có những lo ngại cho rằng hòn đảo này không có khả năng tự vệ được trước một cuộc tấn công quy mô của Trung Quốc. Kể từ đó, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan đã kiểm soát hòn đảo mà ít nhận được những định hướng chính sách từ cấp trên. Nhưng sự kiện ngày 27 tháng 5 đã làm Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan, ông Chiou I-jen phải đánh giá lại chính sách về cách giải quyết vấn đề đảo Đông Sa ở cấp cao hơn. Đài Bắc không sẵn lòng nhường hòn đảo này cho Bắc Kinh vì sợ rằng nó sẽ được sử dụng như một căn cứ cho các hoạt động của Hải quân Trung Quốc (PLA) trong tương lai, đồng thời họ cũng hiểu rõ về những nguy cơ của một vụ va chạm có khả năng xảy ra giữa các tàu của Trung Quốc và Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan được đứng đầu bởi ông Syu Huei-you, một người vốn bài Trung Quốc một cách cứng rắn, điều này có thể khơi mào cho một cuộc khủng hoảng ngoài ý muốn giữa hai bờ. Hết tóm tắt.

 

Hòn đảo ngày đó, và Đài Loan, Lãng quên.

 

2.Nằm ở bờ phía đông của Biển Đông, cách Hồng Kông 200 hải lý về phía đông nam, đảo Đông Sa từ lâu đã là một vấn đề khó xử lý cho các nhà hoạch định chính sách quân sự của Đài Loan. Vị trí địa lý xa xôi, cấu tạo địa hình tự nhiên phức tạp, đây được xem là những lý do để năm 1999 Bộ Quốc Phòng Đài Loan đã tiến hành rút đơn vị đặc nhiệm của Hải quân vốn từng chịu trách nhiệm phòng ngự khu vực lãnh thổ mà Đài Loan nêu yêu sách này. Thậm chí trước khi chuyển giao, những cựu quan chức và cả người đang tại vị đã nói rằng, Bộ Quốc phòng Đài Loan dành quá ít tài nguyên cho việc phòng thủ hòn đảo, họ chỉ cung cấp cho lực lượng quân đồn trú với 1000 người trước đây bằng những trang thiết bị lỗi thời và một cơ sở vật chất kỹ thuật vốn rất cũ kỹ, tồi tàn. Vào năm 2002, Quân đội Đài Loan đã hoàn thành việc chuyển giao sân bay và những cơ sở vật chất cảng biển của hòn đảo cho lực lượng phòng vệ bờ biển, họ đã có nâng cấp chút ít khả năng phòng thủ của hòn đảo này. Bộ nội vụ Đài Loan (MOI) năm 2003 cũng có đưa ra hứa hẹn nâng cấp về cơ sở vật chất, và cảng biển tại hòn đảo nhằm củng cố sự kiểm soát trên đảo và vùng biển xung quanh, tuy nhiên, giới chức lãnh đạo chính trị vẫn tiếp tục thờ ơ với vấn đề này. Một quan chức của Ủy ban An ninh Quốc gia Đài Loan nhấn mạnh rằng, “Nhóm Công tác Nam Hải” của Viện Hành chính (Executive Yuan) có trách nhiệm điều phối chính sách của chính phủ về đảo Đông Sa thậm chí còn không tổ chức một cuộc họp nào kể từ năm 2002.

 

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh thức Đài Loan

 

3.Ngày 27 tháng 05, vấn đề đảo Đông Sa lại được hâm nóng lên khi một chiếc tàu của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan tuyên bố sẽ khống chế tàu nghiên cứu Feng-Dow số 4 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nếu nó không lập tức rời khỏi vùng biển ngoài khơi đảo Đông Sa. Sự kiện ngày 27 tháng 5 là tiếp nối của một loạt các cuộc va chạm giữa Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan tại đảo Đông Sa với các tàu nghiên cứu và tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trong khu vực. Ngay từ đầu tháng hai, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan đã xô xát với những ngư dân Trung Quốc đang tìm cách dựng một lều tạm trên hòn đảo. Theo sau tình tiết trên, họ đã thông báo với Viện Mỹ tại Đài Bắc (American Institute in Taiwan AIT) rằng có tới khoảng 200 tàu cá của Trung Quốc đã cố gắng phong tỏa những cơ sở của lực lượng này, viện cớ từ việc để phản đối hành động Đài Loan không cho phép các ngư dân Trung Quốc neo lại trên đảo giữa khi thời tiết xấu. Cuộc va chạm với những tàu đánh cá của Trung Quốc lại vẫn tiếp diễn trong tháng 4 và tháng 5 bằng một loạt hoạt động của 2 tàu nghiên cứu Tan-Baw và Feng-Daw số 4 được sự hộ tống bởi những tàu đánh cá khác của Trung Quốc.

 

4.Trong các ngày từ 03 tháng 05 cho đến lần đụng độ cuối cùng là ngày 27 tháng 05, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan đã nhiều lần cố gắng trục xuất các tàu nghiên cứu của Trung Quốc. Tuy nhiên, quan chức của Uỷ ban An ninh Quốc gia Đài Loan nói họ không nhận được thông báo về vấn đề này cho tới ngay trước khi lực lượng phòng vệ bờ biển đe dọa sẽ tiến hành khống chế chiếc tàu Feng-Dow số 4 của Trung Quốc vào ngày 27 tháng 05. Cố vấn cao cấp của Ủy ban An ninh Quốc gia về các vấn đề châu Á, ông Lin Cheng-wei cho AIT biết, Cục trưởng Cục Phòng vệ Bờ biển Syu Huei-you chỉ báo cáo vấn đề trên vớiTổng Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia Chiou I-jen khi ông ta cần sự giúp đỡ từ Chiou nhằm gây sức ép buộc Hải Quân Đài Loan phải gửi quân tới khu vực (có điện riêng tiếp theo). Lin cho biết, ông Chiou đã từ chối yêu cầu cho gửi thêm tàu hải quân và khuyến cáo Syu đừng để xẩy ra một cuộc đụng độ vũ lực với các tàu Trung Quốc.

 

Đánh giá lại chính sách sau vụ việc

 

5.Kể từ vụ đụng độ ngày 27 tháng 5, không hề có thêm báo cáo gì về va chạm giữa các tàu của Đài Loan và tàu Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên phía Đài Bắc cho biết, sự việc đã khơi mào cho đề xuất cần xem xét lại một cách cơ bản về chính sách đối với những nguy cơ gia tăng tại đảo Đông Sa tới chiến lược của Đài Loan và những lợi ích giữa hai bờ. Theo ông Lin thuộc Uỷ ban An ninh Quốc gia (NSC), Thủ tướng Tạ Trường Đình đã đồng ý giải tán nhóm công tác Nam Hải của Viện Hành Chính và chuyển trách nhiệm của nhóm này sang cho NSC. Lin cũng nhấn mạnh rằng, cá nhân ông Chiou nắm bắt được vấn đề Đông Sa và sẽ chỉ đạo các quy trình phối hợp giữa các cơ quan, trong đó, ông Lin sẽ hoạt động như một giám đốc điều hành. Lin nói, Uỷ ban An ninh Quốc gia sẽ tìm cách trao đổi các đánh giá về những hành động của Trung Quốc trong khu vực với Mỹ, Nhật Bản và các bên có quan tâm khác. Ông ta bổ sung thêm, trong các cuộc đàm phán với những người đồng cấp tại Hà nội hồi đầu tháng Sáu, các quan chức của Việt Nam nói với ông ta, rằng họ cũng nếm trải sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở trong khu vực có tranh chấp tại Biển Đông. Bao gồm cả một vụ việc xẩy ra gần đây và không được công khai khi các tàu của Trung Quốc nổ đã súng vào ngư dân của Việt Nam làm vài người thiệt mạng.

 

6.Các quan chức (Đài Loan) cho biết, thách thức đầu tiên khi xây dựng chính sách mới đối với Đông Sa là việc tranh thủ được sự đồng thuận giữa các cơ quan về phạm vi của vấn đề. Phó Tổng thư ký của Uỷ ban An ninh Quốc gia, ông Henry Ko cho AIT biết, Đài Loan (ông này còn khẳng định là cả Nhật Bản) cho rằng, có lẽ Trung Quốc đang dùng các biện pháp cứng rắn, nhưng bất bạo lực, nhằm dần đẩy nhân viên Đài Loan ra khỏi đảo Đông Sa để cho PLA có thể sử dụng hòn đảo này như một căn cứ cho những hoạt động ở trong khu vực. ông Lin (người của NSC) cũng nhấn mạnh rằng, đảo Đông Sa nằm ở vị trí thuận lợi để kiểm soát tuyến đường hàng hải đi vào khu vực eo biển Đài Loan, và quan trọng hơn, là cả eo biển Luzon, nơi mà phần lớn các tàu thuyền thương mại của Nhật Bản để tới Đông Nam Á và Trung Đông sẽ phải đi qua. Cựu Phó tổng thư ký của Uỷ ban An ninh Quốc gia Chang Jung-feng nhấn mạnh, có lẽ Bắc Kinh mong muốn kiểm soát được các cơ sở của Đông Sa nhằm đem lại cho Hạm đội Nam Hải (Southern Fleet), và đặc biệt là cho hạm đội tàu ngầm của họ, một không gian rộng lớn hơn để tiến hành những hoạt động bí mật. Sau vụ việc được ghi nhận hồi đầu tháng 6 có liên quan đến một tàu ngầm lớp Minh của Trung Quốc gần khu vực Đông Sa, các quan chức Bộ Quốc Phòng Đài Loan công khai tuyên bố về tiềm năng của hòn đảo này trong việc giám sát những động thái của Hải quân Trung Quốc, và như một phần trong các hoạt động nhằm vận động công chúng đồng ý với ngân quỹ dùng cho việc mua các máy bay chống hạm P-3C.

 

7.Mặc dù cố gắng gắn vấn đề đảo Đông Sa với những nỗ lực của Trung Quốc để hỗ trợ cho việc thông qua ngân quỹ phòng thủ đặc biệt, cả Bộ Quốc Phòng và các nhà hoạch định chính sách cấp cao trong chính phủ của ông Trần Thủy Biển lại có vẻ sẵn sàng cân nhắc việc mở rộng vai trò quân sự của các cơ sở vật chất trên đảo Đông Sa. Ông Lin nhấn mạnh rằng, Đài Loan đang tìm kiếm một phương thức nhằm chống lại sự kiểm soát quân sự của Trung Quốc với các cơ sở trên đảo mà không làm gia tăng nguy cơ xẩy ra xung đột hàng hải ngoài ý muốn. Ông cũng đánh giá, Bắc Kinh có những nỗ lực đáng ngờ trong việc sử dụng các tàu đánh cá và tàu nghiên cứu để nhằm thay đổi hiện trạng trên bề mặt đảo, một sự việc được hỗ trợ bởi yếu tố là cả Đài Loan và các phương tiện truyền thông quốc tế gần như cùng không cho là nó có tồn tại. Để giải quyết vấn đề này, Lin nói rằng, Đài Loan đang cân nhắc các biện pháp để hướng sự tập trung chú ý của dân chúng Đài Loan và quốc tế vào khu vực Đông Sa như một khu phi quân sự, có thể bằng cách phát triển nó thành khu bảo vệ môi trường sinh thái, hay một hình mẫu về phát triển kinh tế vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, Lin cũng nói, bất cứ kế hoạch nào như vậy cũng khó có thể thực hiện được trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, điều này khiến cho khả năng xung đột với các tàu của Trung Quốc vẫn sẽ còn tiếp diễn.

 

Nguy cơ thiếu sự phối hợp trong hiện tại và cả với tương lai gần

  

8.Các quan chức NSC thừa nhận về những nguy hiểm khi để quyền quyết định hành động cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan, họ đang tìm kiếm khả năng gia tăng sự phối hợp, giám sát trong nội bộ. Một thách thức hiện thời đối với giới hoạch định chính sách của Đài Loan, đó là vai trò khó xử lý của lực lượng phòng vệ bờ biển, tệ quan liêu của Đài Loan và cả tính cách cố chấp của Syu, người chỉ huy cơ quan này. Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Đài Loan chỉ mới được thành lập năm 1999, hoạt động bên cạnh các đơn vị như Cảnh sát, Quân đội, Hải Quân và Cục Hải quan. Sự bất hòa giữa những đơn vị này từ nguyên nhận bị tước mất quân số và nhiệm vụ đã tạo ra một rào cản lớn cho việc hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Bờ biển và các cơ quan quân sự, tình báo và tư pháp khác của Đài loan. Hoạt động hợp tác quốc tế cũng bị xáo trộn tương tự, lực lượng phòng vệ bờ biển đã duy trì hợp tác chặt chẽ với AIT và Cộng đồng Tư pháp Mỹ trên các vấn đề như vận chuyển ma túy trái phép, tệ buôn bán người. Gần đây, AIT cũng tái thiết lập những trao đổi với các đơn vị tình báo và hành quân của lực lượng này. Đài Loan và Nhật Bản đã xây dựng một chương trình trao đổi tình báo thường xuyên ở cấp độ thực thi công việc, nhưng Nhật Bản lại không hưởng ứng những nỗ lực của Đài Loan nhằm thiết lập các trao đổi hoạt động giữa hai bên ( điện tiếp riêng ).

 

Bình luận: Vấn đề của kẻ ngủ quên với những ảnh hưởng chiến lược.

 

9.Sự việc ngày 27 tháng 5 là một nhắc nhở hữu dụng cho giới hoạch định chính sách của Đài Loan đối với những nguy cơ tồn tại trong chính sách Biển Đông của họ. Sự can thiệp của Uỷ ban An ninh Quốc gia Đài Loan (NSC) vào vấn đề có thể làm giảm nguy cơ của việc, một lãnh đạo quá khích của lực lượng phòng vệ bờ biển có thể dẫn Đài Loan tới một cuộc xung đột hàng hải ngoài ý muốn với Đại Lục. Tuy nhiên, trong trung hạn, Đông Sa cùng với các đảo mà Đài Loan kiểm soát ngoài khơi Trung Quốc Đại Lục sẽ vẫn là một điểm yếu chiến lược đối với Đài Loan. Cho đến hiện nay, Đài Bắc có vẻ quyết tâm giữ lập trường trung gian, không phó mặc Đông Sa cho các chiến thuật gây áp lực của Trung Quốc trong khi lại giảm dần việc kiểm soát hòn đảo bằng lực lượng quân sự. Nếu đánh giá của Đài Loan về việc Trung Quốc đang khôi phục những nỗ lực nhằm thực thi các yêu sách chủ quyền trong khu vực là đúng, hành động cân bằng này có thể sẽ ngày càng khó thực hiện hơn.

 

Nguồn trích dẫn gốc:Wikileaks  (Theo Nghiên Cứu Biển Đông)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te