Philippine tiếp tục nêu yêu sách chủ quyền đối với Quần đảo Trường Sa, tuy nhiên bằng một giải pháp mang tính thỏa hiệp hơn, đó là đưa Trường Sa ra khỏi đường cơ sở lãnh thổ quốc gia và dùng “chế độ quần đảo” theo Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) để xác định khu vực này, bất chấp những phản ứng ngoại giao của phía Trung Quốc.
Xuất xứ: Đại sứ quán Mỹ tại Manila
Thời gian điện: Thứ năm, ngày 26 tháng 02 năm 2009: giờ 09:47 UTC
Thời gian công bố: thứ tư, ngày 01/09/2010: giờ 23:24 UTC
Phân loại: Điện mật
1.Tóm tắt: Gần đây, cả Thượng và Hạ viện Philippines đã thống nhất đặt khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp ra khỏi đường cơ sở của nước này, thay vào đó, dùng “chế độ quần đảo” theo Công ước Luật biển LHQ để xác định – mặc dù vẫn nằm trong những yêu sách chủ quyền của Philippines. Tổng thống Arroyo đã khẳng định rằng bà sẽ sớm ký dự luật này. Bất chấp những phản đối ngoại giao của Trung Quốc đối với tuyên bố yêu sách chủ quyền của Philippines đối với quần đảo Trường Sa, sự điều tiết này của Quốc hội Philippines có vẻ sẽ mang lại nhiều hi vọng xoa dịu những căng thẳng ở Đông Nam Á về các đảo tranh chấp, trong khi xóa bỏ những lời buộc tội trong Quốc hội Philippines và giới truyền thông rằng chính phủ của bà Arroyo chưa hành động hết mình để bảo vệ chủ quyền của Philippines ở những hòn đảo này. Theo thông tin từ Điện Malacanang, Tổng thống Arroyo đã lên kế hoạch thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp tới tại Thái lan. Hết tóm tắt
Bối cảnh
1.Quần đảo Trường Sa với gồm khoảng từ 100 đến 230 hòn đảo nhỏ, các đảo san hô, rặng san hô và các mỏm đá ngầm trải rộng trên một diện tích hơn 250,000 kilometers vuông tại Biển Đông, đây cũng là khu vực mà cả Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố có chủ quyền. Mặc dù Trường Sa chỉ chiếm chưa đầy 5 kilomet vuông diện tích đất, tuy nhiên, lượng dự trữ tiềm năng về dầu mỏ, khí gas và các tài nguyên khoáng sản khác đã khiến hòn đảo trở thành đầu mối cho những hiềm khích trong khu vực. Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 cũng đã phần nào xoa dịu bớt những căng thẳng trong khu vực, và trong năm 2005, thỏa thuận thăm dò địa chấn chung (JMSU) giữa Trung Quốc, Việt Nam và Phillipines đã kết hợp thêm việc “tiền thăm dò” các nguồn carbonhydrate tiềm năng. Tiếp sau những cáo buộc về hối lộ và tham nhũng (điện riêng B), chính phủ của bà Arroyo gần như chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc để mặc cho thỏa thuận JMSU mất hiệu lực khi nó hết hạn vào cuối hồi tháng 6 năm 2008.
2.Là một quốc gia tham gia vào Công ước Luật biển của LHQ (UNCLOS), Philippines phải xác định đường cơ sở để xác định lãnh hải trước thời hạn cuối cùng là ngày 13 tháng 5, nếu họ muốn tuyên bố chủ quyền ở vùng thềm lục địa mở rộng (ECS) vào sau đó. Bắt đầu từ năm 2007, giữa Thượng viện và Hạ viện của Philippines đã có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định biên giới quốc gia theo quy chế UNCLOS. Vào tháng 8 năm 2007, một dự luật được trình lên Thượng viện để xác định ranh giới biển của Phillipines giống như đường quy định trong Hiệp ước Paris ký năm 1898, khi Tây Ban Nha trao Phillipines cho Mỹ, để lại việc Trường Sa được xác định như “chế độ quần đảo” bên ngoài đường cơ sở. Tuy nhiên, Hạ viện Philippines trước đó đã nhanh chóng thông qua một dự luật riêng về đường cơ sở trong đó diễn giải bao gồm cả Đảo Hoàng Nham (bãi bạn Scarborough) và Quần đảo Trường Sa trong đường cơ sở lãnh hải của nước này.
3. Khi các nhà lập pháp ngày càng nhận thức việc thời hạn chót của UNCLOS đang đến gần, Thượng viện và Hạ viện Philippines đã lần lượt thông qua hai dự luật riêng biệt về đường cơ sở vào các ngày 28 tháng 1 và ngày 2 tháng 2. Sau các cuộc tranh luận căng thẳng mở tại cả Quốc hội và giới truyền thông, ngày 9 tháng 2, một nhóm chuyên gia của cả hai viện đã thảo luận về một giải pháp thỏa hiệp gần giống với phương án của Thượng viện, trong khi cho phép những người ủng hộ dự luật của Hạ viện thêm cụm từ “nằm dưới quyền kiểm soát của Cộng hòa Philippines” vào cụm từ “quy chế đảo” trong phần mô tả của Thượng viện về Quần đảo Trường Sa. Vào ngày 17 tháng 2, Quốc hội Philippine đã nhất trí thông qua dự luật thỏa hiệp này.
Bình luận:
4.Chính phủ của bà Arroyo từ lâu đã ủng hộ quan điểm của Thượng viện về việc không đưa quần đảo Trường Sa vào đường cơ sở, một phần là nỗ lực nhằm tránh khơi mào những căng thẳng trong khu vực, và phần khác là do nhận thức được rằng Philippines không có đủ khả năng quân sự để bảo vệ quần đảo Trường Sa, nếu nước này có thể giành được nó. Nó cũng không vượt ra ngoài tầm nhận thức của chính phủ của bà Arroyo rằng, mặc dù không thể sử dụng UNCLOS để giải quyết các tranh chấp về biên giới thì phần lớn quần đảo Trường Sa đều nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Philippines theo như quy định của UNCLOS, trong khi đó không có hòn đảo nào của quần đảo này nằm trong vùng EEZ hoặc vùng thềm lục địa mở rộng (ECSs) của Trung Quốc hay Đài Loan. Tổng thống Arroyo đã thể hiện ý định ký đưa dự luật được thỏa thuận này thành điều luật, bất chấp sự phản đối ngoại giao mạnh mẽ của Trung Quốc vào tháng hai vừa qua.
5.Bà Arroyo có lẽ sẽ hài lòng khi việc làm này vừa phù hợp với nghĩa vụ của Philippines theo UNCLOS, trong khi vẫn xoa dịu được những nghị sĩ cứng rắn, và bà cũng chắc chắn là hi vọng rằng – bất chấp thái độ hằm hè– Trung Quốc rồi cũng sẽ dịu giọng. Tổng thống Arroyo sẽ có cơ hội trực tiếp đánh giá phản xạ của Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức từ ngày 28 tháng Hai đến ngày 1 tháng Ba tại Thái Lan, nơi nguyên thủ của các quốc gia sẽ hội kiến.
Nguồn trích dẫn: Wikileaks
(Theo Nghiên Cứu Biển Đông)