Liệu các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc có thảo luận về bản dự thảo của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) tại cuộc gặp do Thái Lan tổ chức hôm 25/10 (chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 11/2012) và Trung Quốc có quay lại bàn đàm phán COC là chủ đề đang được dư luận quan tâm. Bởi với những động thái đang diễn ra tại Biển Đông thực sự khiến dư luận quan ngại.
Bên cạnh đó là những căng thẳng đang gia tăng tại Hoàng Hải sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắn chết 1 ngư dân Trung Quốc và hiện đang bắt giữ 23 ngư dân khác của nước này để thẩm vấn sau sự kiện kể trên. Ngoài ra, ngày 18/10, hai Bộ trưởng Nhật Bản đã tham gia cùng nhóm nghị sĩ nước này tới thăm ngôi đền chiến tranh gây tranh cãi ở Tokyo, chỉ một ngày sau chuyến thăm đền của lãnh đạo đảng đối lập, cựu Thủ tướng Abe và việc này khiến Trung - Hàn nổi giận.
Từ những “chấn chỉnh” của Trung Quốc
Ngày 17/10, tờ China Daily trích nội dung thông báo của Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý quốc gia (NASMG) của Trung Quốc cho biết, sẽ kiểm tra nghiêm ngặt việc xuất bản bản đồ về lãnh thổ, lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nhằm ngăn chặn phân phát những bản đồ trái với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Theo NASMG, những bản đồ được đưa lên mạng “mô tả sai lãnh thổ Trung Quốc sẽ bị cấm và các website đăng những bản đồ kiểu này sẽ bị đóng cửa”. Ngoài ra, Hải quan Trung Quốc sẽ tịch thu bất kỳ sản phẩm nào "có bản đồ không chính xác” và kiểm tra kỹ bất kỳ thiết bị và sách có bản đồ, như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), bản đồ chỉ đường hay cẩm nang du lịch, trước khi chúng được xuất nhập khẩu. Giới chuyên môn coi đây là bước đi đáng quan ngại mới nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những khu vực tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba (trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius
Trước đó (16/10), Tân Hoa Xã đưa tin, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) cho biết, Bắc Kinh đã lên kế hoạch đặt tên cho các đảo vô danh của nước này, bao gồm cả các đảo tranh chấp với các nước láng giềng. Được biết, SOA cũng đã chỉ thị cho chính quyền các tỉnh thành trong cả nước nhanh chóng hoàn tất bản điều tra thống kê đảo và thu thập thông tin về địa danh của các hòn đảo vào cuối tháng 4/2013. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã chính thức đặt tên cho 1.660 hòn đảo và đặt cọc đá xác lập mốc chủ quyền tại phần lớn trong số này và dự kiến sẽ hoàn tất việc đặt tên và cắm mốc đối với 1.664 hòn đảo chậm nhất vào tháng 8/2013. Tính đến nay, Trung Quốc tuyên bố có hơn 7.300 đảo, trong đó có cả các đảo đang tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Nhật Bản.
Theo hãng tin AP, Trung Quốc đã bắt đầu huấn luyện bay trên tàu sân bay Liêu Ninh. Thông tin này xuất hiện sau khi một số trang web ngày 15/10 đăng các bức ảnh cho thấy phi công của Hải quân Trung Quốc đang thực hiện các bài tập hạ cánh có độ khó cao. Trước đó (14/10), tờ Want Daily của Đài Loan đưa tin, Trung Quốc vừa bất ngờ hé lộ về loại tên lửa liên lục địa tầm trung có thể bao trùm toàn châu Á, kể cả căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam, đó là DF-25 với tầm bắn 3.200km. Ngày 17/10, Shanghaiist đưa tin, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc lại vừa tung một đoạn băng giới thiệu cuộc tập trận bắn đạn thật đổ bộ chiếm đảo do Bộ Tư lệnh Đại quân khu Nam Kinh tổ chức với sự tham gia của lực lượng lục quân, pháo binh và không quân. Trong cuộc tập trận này, lực lượng trinh sát của Trung Quốc sử dụng các thiết bị quan sát phát hiện vị trí đối phương từ xa, gửi thông tin về sở chỉ huy để pháo binh và không quân tấn công. Máy bay trực thăng trinh sát vũ trang quần thảo phát hiện các ổ đề kháng của đối phương, dọn đường cho lực lượng đặc nhiệm đổ bộ bằng trực thăng xuống đảo. Sau đó các lực lượng đổ bộ bằng tàu lên đảo, dàn thế trận và tấn công. Khi đối phương chống trả, pháo hạm từ 4 tàu chiến Trung Quốc khai hỏa áp chế. Được biết, các quân khu khác như Tế Nam, Thành Đô và Quảng Châu cũng thường xuyên ra quân phô diễn lực lượng trong mấy ngày qua và hầu hết các cuộc diễn tập đều xoay quanh chủ đề đổ bộ lên bờ biển, giành vị trí then chốt và lấy đảo.
Hoạt động ngoại giao của Nhật - Mỹ
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và người đồng cấp Pháp Laurent Fabius vừa nhất trí (16/10) về việc cần xử lý một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Koichiro Gemba cũng cho biết, đã nhắc lại quan điểm của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (trong bài viết đăng trên tờ Le Figaro của Pháp số ra ngày 16/10). Đây là một trong những thành quả đầu tiên nhân chuyến công du châu Âu (từ 15 đến 20/10) của Ngoại trưởng Nhật Bản bởi ông Koichiro Gemba sẽ giải thích lập trường của Tokyo với các đối tác quốc tế xung quanh tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Nhật Bản đang cố gắng giành sự ủng hộ của quốc tế với quan điểm của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, chuyến công du của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tới châu Âu (Pháp, Anh và Đức) trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trong tranh chấp biển đảo sẽ không mang lại kết quả như Tokyo mong đợi.
Bà Erlinda F. Basilio - Thứ trưởng Ngoại giao Philippines phụ trách chính sách
Được biết, Nhật Bản đã cử 3 quan chức cấp cao, trong đó có Ngoại trưởng Koichiro Gemba đến nhiều nước để giải thích về tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 15/10, trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã tìm kiếm sự thông cảm của Mỹ về quan điểm của nước này đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bộ Ngoại giao Nhật Bản dự kiến thành lập sứ quán tại 5 quốc gia, trong đó có Nam Sudan và Bhutan trong năm 2013 và đây là động thái nhằm góp phần quảng bá tốt hơn vị thế của đất nước mặt trời mọc đối với cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Ngày 16/10, khi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Nhật Bản, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Cecil Haney cho rằng, tàu hải quân Trung Quốc có quyền hoạt động trong vùng biển quốc tế nhưng cần minh bạch những hoạt động như vậy - ám chỉ tới việc 7 tàu Hải quân Trung Quốc đi ngang qua bên ngoài lãnh hải Nhật Bản ở phía tây Okinawa sáng 16/10. Ông Cecil Haney không ngạc nhiên khi Trung Quốc muốn phát triển tiềm lực hải quân, nhưng hy vọng Bắc Kinh sẽ minh bạch trong những dự định phù hợp với sức mạnh hải quân của nước này. Ngày 16/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, khoảng 7 giờ sáng 16/10, máy bay trinh sát của nước này phát hiện 7 tàu Hải quân Trung Quốc đến khu vực tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản cách đảo Yonaguni của tỉnh Okinawa 49km.
Tại cuộc họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản đã báo động và tăng cường giám sát khu vực bằng tàu và máy bay, đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động của các tàu Trung Quốc. Trong 3 tuần qua, đây là lần đầu tiên Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản phát hiện tàu chiến Trung Quốc trong vùng biển của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngay trong ngày 16/10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, các hoạt động của tàu hải quân nước này xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hợp pháp, đồng thời lên án sự hiện diện của máy bay quân sự Nhật Bản tại vùng biển này. Trung Quốc cũng cho biết, nước này đang theo dõi sát và bảo lưu quyền phản ứng tiếp theo đối với cuộc tập trận chung Nhật - Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tại Irisuna, một đảo ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Trước đó (tối 4/10), Bộ Quốc phòng Nhật Bản từng đưa tin, 7 tàu hải quân của Trung Quốc đã đi qua vùng biển cách Miyako, tỉnh Okinawa 110km về phía đông bắc, hướng về Thái Bình Dương. Sau khi Nhật Bản tuyên bố mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đây là lần đầu tiên tàu Hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển này.
Được biết, Mỹ đã triển khai các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tại Nhật Bản (12 máy bay vận tải Osprey, 8 máy bay chiến đấu F-22 Raptor cùng máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay chiến đấu F-35, máy bay trinh sát chống tàu ngầm P-8A Poseidon) nhằm thực hiện chiến lược mới đối với châu Á -Thái Bình Dương. Trước đó (15/10), Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel J.Locklear III cho biết, Mỹ cam kết giữ vai trò trung lập trong các cuộc xung đột ở Biển Đông và muốn những tranh chấp xảy ra trên vùng biển này sớm được giải quyết một cách hòa bình.
Tới căng thẳng Trung Quốc - Hàn Quốc
Ngày 17/10, Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã phản đối và bày tỏ bất bình kịch liệt đối với Hàn Quốc sau khi một ngư dân Trung Quốc bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn bắn chết vào ngày 16/10. Đại sứ quán Trung Quốc đã yêu cầu Hàn Quốc điều tra nghiêm túc, kỹ lưỡng vụ việc và bảo vệ quyền pháp lý của ngư dân Trung Quốc, cũng như áp dụng luật dân sự để đảm bảo vụ việc tương tự không bao giờ xảy ra nữa. Hàn Quốc cho biết, ngư dân này đã chết vì các vết thương (bị trúng đạn cao su) sau khi được chuyển tới một bệnh viện gần đó. Cũng trong ngày 17/10, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết, đang bắt giữ 23 ngư dân Trung Quốc để thẩm vấn sau vụ đụng độ bạo lực trên Hoàng Hải khiến một ngư dân Trung Quốc thiệt mạng hôm 16/10.
Ngày 16/10, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc đã bắt giữ 2 tàu và đưa về cảng Mokpo sau cuộc truy quét khoảng 30 tàu Trung Quốc mà Hàn Quốc cho biết là đang đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này. Vụ bắt giữ 30 tàu cá Trung Quốc xâm nhập và hoạt động trái phép trên vùng biển Hàn Quốc xảy ra lúc 15 giờ 10 phút ngày 16/10 cách đảo Hong tỉnh Nam Jeolla 90km về phía tây nam. Khi Cảnh sát biển Hàn Quốc ra lệnh ngừng đánh bắt và kiểm tra, số ngư dân Trung Quốc trên 30 tàu cá này đã chống trả quyết liệt bằng dao và cưa tay. Theo Đài KBS của Hàn Quốc, xung quanh tàu cá Trung Quốc cắm đầy các thanh sắt nhọn chĩa ra ngoài, còn trên mép tàu được gắn các tấm tôn dựng đứng để ngăn cản lực lượng thi hành công vụ kiểm tra. Theo thống kê, tàu Trung Quốc thường xuyên đánh bắt trong vùng biển của Hàn Quốc và từ đầu năm tới nay đã có hơn 130 tàu bị bắt giữ.
Những động thái kể trên diễn ra đúng thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Ho-young và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William J.Burns có cuộc thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có mối quan hệ liên minh song phương hôm 16/10 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Chuyến thăm Seoul lần này của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William J.Burns nằm trong chuyến công du tới 5 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar và Ấn Độ của ông.
Ngày 17/10, tờ The Economic Times đăng phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Indonesia Purnomo Yusgiantoro hôm 16/10 của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony khi ông kêu gọi kiềm chế để giải quyết vấn đề ở Biển Đông, đồng thời hối thúc tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở khu vực này. Theo ông A.K. Antony, cần giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế.
Ngày 17/10, tờ ABS-CBN News của Philippines đưa tin, ngày 16/10 Bộ Ngoại giao Philippines thông báo: Các quan chức ngoại giao nước này và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Manila vào ngày 19/10. Đoàn đại biểu Philippines do Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách chính sách Erlinda F. Basilio dẫn đầu, còn Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh là người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc. Dự kiến Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng sẽ có một cuộc gặp riêng với đoàn đại biểu Trung Quốc. Đây là cuộc hội đàm lần đầu tiên sau căng thẳng tại khu vực Scarborough/Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines. |
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo Petrotimes