Sau khi cả Mỹ - Nhật Bản và Trung Quốc đều tổ chức các cuộc tập trận chiếm đảo riêng rẽ trong bối cảnh mâu thuẫn Tokyo-Bắc Kinh dâng cao xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Trung Quốc phải kiềm chế trong các vấn đề liên quan đến biển đảo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một hội thảo về vấn đề biển Đông cũng ngay lập tức được tổ chức ở thủ đô Paris (Pháp) với những cảnh báo, nhất là khi Trung Quốc đang hối thúc việc đặt tên, kiểm tra và xuất bản những bản đồ về lãnh thổ, lãnh hải mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Tin từ hãng AFP cho hay, trong cuộc gặp với người đồng cấp Pháp Laurent Fabius tại thủ đô Paris hôm 16/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã tìm được sự ủng hộ của chính phủ Pháp về việc xử lý một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đồng thời, để người dân Pháp nói riêng và châu Âu nói chung có thể hiểu được tình hình trên biển Hoa Đông hiện nay, ông Koichiro Gemba còn gửi tới tờ Le Figaro bài viết khẳng định chủ quyền của Tokyo đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một phần trong chiến dịch ngoại giao toàn cầu của Nhật Bản nhằm khẳng định “quần đảo Senkaku” là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản" và “việc cố gắng thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền bằng cách sử dụng bạo lực và coi thường luật pháp quốc tế là hoàn toàn phi lý”.
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang theo dõi tàu hải giám Trung Quốc ở gần vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP. |
Biện pháp này được coi là đòn trả đũa Trung Quốc bởi trước đó, nước này cũng đã cho đăng quảng cáo khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này trên các tờ báo lớn của Mỹ và Pakistan. Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã khẳng định, các hoạt động của tàu hải quân nước này xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hợp pháp, đồng thời lên án sự hiện diện của máy bay quân sự Nhật Bản tại vùng biển này.
Thực chất, đây là cách để Bắc Kinh bào chữa cho những cáo buộc từ phía Nhật Bản khi có sự xuất hiện của 7 tàu hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục, một tàu có khả năng mang tên lửa, cùng 2 tàu khu trục nhỏ, hai tàu cứu hộ tàu ngầm và một tàu tiếp tế xuất hiện ở vùng biển gần một đảo của Nhật sáng 16/10.
Điều đáng nói là trong khi những căng thẳng với Nhật Bản còn chưa được giải quyết, Trung Quốc lại tiếp tục có “đụng độ” mới với Hàn Quốc. Vụ việc bắt đầu sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc bắn chết ngư dân Trung Quốc khi rượt đuổi 30 tàu đánh cá của Trung Quốc trên biển Hoàng Hải.
Phía Hàn Quốc cho rằng ngư dân nói trên bị trúng đạn cao su vào ngực. Còn Bắc Kinh thì yêu cầu Seoul điều tra nghiêm túc và kỹ lưỡng vụ việc, bảo vệ quyền pháp lý của ngư dân Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng kêu gọi áp dụng luật dân sự để đảm bảo vụ việc tương tự không bao giờ xảy ra nữa.
Một số nhà phân tích cho rằng, những vụ việc này sẽ khó có thể xảy ra nếu như các tàu cá Trung Quốc không thường xuyên có mặt trên vùng biển thuộc sự kiểm soát của Hàn Quốc mặc dù trước đó chính quyền Seoul đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh về vấn đề này.
Hôm 16/10, tại hội thảo biển Đông diễn ra ở Paris, nhiều chuyên gia thuộc Học viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) đã bày tỏ những lo ngại về tình hình ở Biển Đông. Cùng lúc đó, sau chuyến thăm Indonesia và cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Purnomo Yusgiantoro, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony một lần nữa kêu gọi kiềm chế để giải quyết vấn đề ở Biển Đông, đồng thời hối thúc tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở khu vực này.
Ông A.K. Antony nói: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế, nhận được sự đồng thuận từ tất cả các bên”. Còn tại Thái Lan, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Samuel J.Locklear III khẳng định: “Mỹ cam kết giữ vai trò trung lập trong các cuộc xung đột ở Biển Đông và muốn những tranh chấp xảy ra trên vùng biển này sớm được giải quyết một cách hòa bình”.
Dự kiến, vào ngày 25/10 tới, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc để thảo luận về tranh chấp biển Đông, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia) vào tháng 11. Cuộc họp do Thái Lan tổ chức, với vai trò là thành viên điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, sẽ thảo luận về dự thảo Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và thúc giục Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán COC
Sông Thương
Công An Nhân Dân