Hội thảo quốc tế quy mô lớn có chủ đề “Biển Đông: Phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?” vừa diễn ra tại Pháp.
“Đường lưỡi bò” là đòi hỏi phi lý
Hội thảo thu hút khoảng 300 người tham dự, gồm các học giả Pháp và quốc tế về Châu Á; quan chức nước chủ nhà cùng một số quốc gia có liên quan; đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn, báo chí Pháp và quốc tế…
Đa số ý kiến tại hội thảo phản bác mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là luận điệu về đường Lưỡi bò.
Đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Diễn ra trong 1 ngày, Hội thảo do Học viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức, được chia thành 3 cuộc thảo luận về 3 chủ đề: “Luật pháp quốc tế”; “Thách thức chính trị, chiến lược và kinh tế” tại Biển Đông và “Ngõ cụt quân sự hay giải pháp chính trị?”.
Tại mỗi cuộc thảo luận, sau phần trình bày của các chuyên gia là phần hỏi đáp, giải thích thắc mắc của những người tham gia hội thảo về nhiều vấn đề như: vai trò của ASEAN, khả năng đưa vấn đề ra trước Tòa án Quốc tế hay tính xác thực của một số chứng cứ lịch sử mà Trung Quốc đưa ra.
Trong cuộc thảo luận đầu tiên, nhiều học giả quốc tế uy tín như: giáo sư Monique Chemillier Gendreau (Đại học Paris 7), giáo sư Erik Franckx (khoa Luật pháp Quốc tế và Châu Âu thuộc trường Đại học Vrije Brussels, Vương quốc Bỉ), giáo sư David Scott, Đại học Brunel (Anh Quốc) đã phân tích kỹ lưỡng tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc và chứng minh tấm bản đồ đó không phù hợp với luật pháp cũng như án lệ quốc tế.
Giáo sư Monique Chemillier Gendreau nói: “Luật pháp quốc tế ngày nay quy định một quốc gia chỉ có thể tuyên bố chủ quyền trên một hòn đảo nếu họ tìm ra hòn đảo đó, có mặt thường trực và lâu dài, đồng thời có một hệ thống quản lý hành chính tại đó. Căn cứ vào đó những luận cứ của Trung Quốc dựa vào nguồn tài liệu lịch sử hay văn chương không có tính pháp lý; luật pháp quốc tế đòi hỏi những chứng cứ xác thực. Trong khi đó, phía Việt Nam có được những bằng chứng cho thấy: dưới thời An Nam, từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19 khi Pháp đô hộ, chính quyền thời đó ở Việt Nam đã có những đơn vị quản lý của chính quyền với vai trò quản lý hành chính đối với Hoàng Sa. Chính quyền ở Việt Nam đã có sự quản lý, khai thác tài nguyên, có đánh cá, và cả nghề thu thập tài sản từ xác các con tàu bị đắm. Quan trọng là sự quản lý đó của thời An Nam không gặp phải sự phản đối nào của các quốc gia trong khu vực. Sau đó là Pháp tiếp quản chủ quyền từ An Nam và sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền miền Nam Việt Nam tiếp quản chủ quyền đó một cách hợp pháp.
Về Trường Sa, có những tài liệu của Pháp cho thấy, vào những năm 1930, chính quyền Trung Quốc còn nhầm lẫn về quần đảo này và không nêu trong bản đồ quốc gia”.
Các chuyên gia còn phân tích cặn kẽ các cụm từ do Trung Quốc đưa ra như “vùng nước liền kề” hay “vùng nước lịch sử”, khẳng định những cụm từ đó không xuất hiện trong các Hiệp định quốc tế (trong đó có cả Tuyên bố Vịnh Montego năm 1982 mà Trung Quốc có tham gia ký kết), do đó những cụm từ này không có tính pháp lý.
Về khía cạnh chính trị, chiến lược và kinh tế, các chuyên gia Pháp và quốc tế một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng biển Đông trong địa chính trị cũng như thương mại toàn cầu, đặc biệt là đang nổi bật về tiềm năng dầu khí. Do đó, dễ hiểu vì sao nơi đây ngày càng trở thành nơi cạnh tranh gay gắt quyền lực và ảnh hưởng giữa các quốc gia cả trong và ngoài khu vực.
Giải pháp hòa bình theo Luật Quốc tế
Trong phần 3 của hội thảo có chủ đề “Ngõ cụt quân sự hay giải pháp chính trị?”, các chuyên gia uy tín của Pháp và quốc tế về Châu Á cùng các chuyên gia về hải quân và cả đại diện quan chức chính phủ như ông Christian Lechervy, cố vấn của Tổng thống Pháp Francois Hollande về Châu Á và các vấn đề chiến lược… đã khẳng định tình hình trên biển Đông rất phức tạp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự kiểu truyền thống là ít, khi mà tất cả các quốc gia trong khu vực đều sở hữu các loại vũ khí hiện đại và không ai mong muốn một cuộc đối đầu mà họ không chắc phần thắng. Do đó, con đường duy nhất vẫn phải là thương lượng, tìm giải pháp đồng thuận chung.
Ông Lechervy, cố vấn của Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: “Từ năm 2008, liên tiếp xảy ra những sự cố va chạm trên biển Đông giữa Trung Quốc với một số quốc gia trong khu vực. Nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Tôi tin tưởng sẽ không có sự bế tắc về ngoại giao, mà luôn có những con đường đa phương để tìm ra giải pháp chung, nhất là hiện nay chúng ta có những diễn đàn, thể chế đa phương đầy hứa hẹn để giải quyết hòa bình các xung đột”.
Kết thúc hội thảo, các chuyên gia nêu ra một số gợi ý rất đáng chú ý, đó là: phải dựa trên Công ước LHQ về Luật biển làm cơ sở pháp lý để xác định các đường ranh giới; hình thành những vùng đánh cá chung và tiến hành các cuộc tuần tra quân sự chung trên biển. Đồng thời, các bên phải cam kết không xây dựng thêm các cơ sở quân sự, tiến tới phi quân sự và thay vào đó, các lực lượng dân sự và cảnh sát sẽ giữ nhiệm vụ đảm bảo an ninh.
Ý kiến chung của các học giả Pháp và quốc tế là các bên liên quan cũng như các nước lớn bên ngoài như Mỹ, Pháp đều phải có thái độ xây dựng và đóng góp tích cực vào quá trình thương lượng để tìm giải pháp cho căng thẳng trên biển Đông – một vấn đề quốc tế chung chứ không chỉ của riêng các nước trong khu vực.
Đặc biệt, giáo sư Monique Chemillier Gendreau nhắc đến gợi ý về khả năng đưa biển Đông thành vùng biển quốc tế, tuân thủ các quy định hợp pháp mà các bên cùng nhất trí, đem lại lợi ích chung cho các quốc gia và đảm bảo hòa bình cho cả khu vực./.
Thùy Vân - Đào Dũng/VOV-Paris