TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh chấp trên biển Hoa Đông và hiểm họa

Giữa lúc căng thẳng Trung-Nhật xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông vẫn chưa hạ nhiệt, nguy cơ về một cuộc chiến kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á lại gia tăng.

 

 

Quan hệ phức tạp giữa hai nước khổng lồ châu Á.
Tranh minh họa: japanfocus.com


“Những vùng biển nguy hiểm”

Trong báo cáo nhan đề “Những vùng biển nguy hiểm” được công bố tuần trước, International Crisis Group (ICG) nhận định: “Các cuộc tuần tra thường xuyên hơn của Trung Quốc cùng với việc lực lượng tuần duyên Nhật Bản cũng tiếp tục tuần tra ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hơn bao giờ hết, làm tăng nguy cơ đụng độ trên biển ».

Theo ICG, làn sóng bài Nhật tại Trung Quốc trong những ngày qua làm lu mờ đi một động thái tiềm ẩn nguy hiểm có thể dẫn đến xung đột trên quy mô lớn giữa hai nước. Đó là việc Trung Quốc xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho phép nước này trục xuất các tàu bè nước ngoài ra khỏi khu vực đang có tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông.

Ngày 10/9/2012, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo lập chính thức hoạch định đường ranh giới khu vực đang có tranh chấp ở biển Hoa Đông và đặt quần đảo Điếu Ngư/Senkaku dưới sự quản lý của Trung Quốc.

ICG nhận định đây là một thách thức trực tiếp đối với Nhật Bản, nước hiện đang kiểm soát quần đảo này. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã từ bỏ chính sách vốn được áp dụng cho đến nay là “thông qua đối thoại, tìm kiếm khả năng khai thác chung với Nhật Bản các nguồn tài nguyên trong vùng biển này”.

Việc Bắc Kinh “luật hóa” đòi hỏi chủ quyền đối với các lãnh thổ đang có tranh chấp, buộc Trung Quốc phải khẳng định quyền tài phán đối với vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trong bài phân tích đăng nhật báo Le Monde, tác giả Valérie Niquet - chuyên gia quan hệ quốc tế và quan hệ chiến lược ở châu Á, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược của Pháp -  nhận định những động thái mới đây nhằm xác định chủ quyền của Trung Quốc nằm trong chiến lược “chiến tranh không giới hạn” của Trung Quốc: khai thác các phương tiện dân sự để phục vụ mục đích quân sự.

Theo bà Valerie Niquet, những diễn biến ở Đông Á hiện nay đang gần giống những gì diễn ra trong thời Chiến tranh lạnh hay châu Âu  thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ 2. 

 “Đôi bên cùng thiệt hại”

Vào lúc kinh tế Trung Quốc đang bị chững lại, đọ sức với Nhật Bản trên phương diện thương mại là một tính toán đầy rủi ro “đôi bên cùng thiệt hại”.

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu “hạ cánh”: GDP tăng dưới 8 % và hai thị trường lớn nhập hàng “Made in China” là Liên minh châu Âu, Mỹ đều trì trệ. Trung Quốc cần bảo đảm ổn định xã hội trong giai đoạn chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới.

Kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc đang hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng châu Âu. Tháng 8/2012 xuất khẩu của Nhật giảm 5,8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đối với Trung Quốc, chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm trong 11 tháng liên tiếp do xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị chững lại.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đe dọa trừng phạt kinh tế Nhật Bản. Làn sóng bài Nhật của người Trung Quốc đã gây nhiều thiệt hại tài chính cho nền kinh tế thứ 3 thế giới. Hàng hóa bị tẩy chay và các cơ sở bị tấn công… khiến giới doanh nhân Nhật Bản tính chuyện di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Hậu quả nhãn tiền của làn sóng biểu tình chống Nhật là thị trường chứng khoán Thượng Hải tụt dốc nhanh chóng. Ở Trung Quốc, người ta đang nghi ngại chiến lược làm căng của chính quyền có thể gây hệ lụy đến tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tờ Wall Street Journal cho rằng trong trường hợp hai cường quốc số 2 và số 3 kinh tế thế giới lao vào một cuộc chiến thương mại, thiệt hại sẽ là rất to lớn không chỉ cho cả đôi bên.

Trung Quốc lệ thuộc vào đầu tư và công nghệ của Nhật Bản và Nhật là thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc lớn thứ ba, sau Liên minh châu Âu và Mỹ. Liệu Trung Quốc có đủ can đảm quay lưng lại với thị trường Nhật Bản, khi biết rằng nếu Nhật Bản ngưng mua hàng “Made in China”, hàng triệu lao động Trung Quốc sẽ mất việc. Đó là chưa kể phần lớn hàng Nhật từ xe hơi đến hàng điện tử…. được bán ra ở Trung Quốc được sản xuất tại chỗ và do  người lao động Trung Quốc tạo ra.

Cho đến nay, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế một phần nhờ đầu tư quốc tế (FDI). Trung Quốc vừa cần vốn của nước ngoài để phát triển kinh tế và tạo công việc làm cho người dân, vừa cần tiếp thu công nghệ. Năm 2011, tổng đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng gần 10 %, đạt mức kỷ lục 116 tỷ USD. Tổng đầu tư trực tiếp của Nhật vào Trung Quốc năm 2011 lên tới 6,3 tỷ USD. Trong giai đoạn từ 1996 tới nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư hơn 80 tỷ USD vào Trung Quốc. Nhật Bản là một trong những nước đầu tư chính vào Trung Quốc, còn xếp trên cả Mỹ và Liên minh châu Âu.

Hai siêu cường kinh tế châu Á này quá lệ thuộc lẫn nhau và có quan hệ hữu cơ về kinh tế. Nếu Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản, thì “xứ sở mặt trời mọc” lại nắm giữ những công nghệ sống còn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Có lẽ lo sợ hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông”, Bắc Kinh đã ngầm chỉ thị ngưng biểu tình. Mặc khác, tuy vẫn tỏ thái độ “thiên triều” đơn phương hủy bỏ lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa bang giao với Nhật, ban lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã lắng nghe lời cảnh báo của Thủ tướng Nhật Bản: Cuộc tranh chấp chủ quyền sẽ gây tổn hại cho hai bên và cho cả thế giới./.


Minh Bích (tổng hợp)
Theo Báo Đất Việt

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te