TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Thách thức gì đang đón chờ ông Tập Cận Bình?

Rất nhiều trí thức vẫn cho rằng Trung Quốc cần phải đẩy mạnh cải cách chính trị. Và dường như, áp lực về vấn đề này đối với ông Tập Cận Bình là lớn hơn nhiều so với ông Hồ Cẩm Đào.

Tập Cận Bình
 

Kể từ cuối năm 1980, chưa bao giờ Đảng Cộng sản Trung Quốc lại phải đối mặt với nhiều scandal trước thềm chuyển giao quyền lực như bây giờ. 370 đại biểu đại biểu cấp cao của Trung Quốc đang tụ họp tại Bắc Kinh để đưa ra những quyết định cuối cùng chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 8/11 tới. 
 
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 có sự tham gia của 2.200 đại biểu và sẽ xướng tên những người nằm trong ban lãnh đạo mới. Ông Ôn Gia Bảo sẽ bắt đầu nghỉ hưu trước khi chính thức thôi chức Thủ tướng vào tháng 3 năm tới. 
 
Hôm 25/10, một bài báo được đăng tải trên tờ New York Times khiến dư luận xôn xao khi đưa ra những bằng chứng cho rằng các thành viên trong gia đình ông Ôn có tài sản lên tới 2,7 tỷ USD. Bài báo đi ngược với danh tiếng của Thủ tướng Trung Quốc, người được cho là con người của nhân dân và có tiểu sử khá bình dị. 
 
Sự kiện này xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa trải qua vụ bê bối chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị phế truất với 1 loạt tội doanh, trong đó có bao che cho vụ giết người của người vợ Cốc Khai Lai và tham nhũng qui mô lớn. 
 
Xa hơn nữa, hồi tháng 6, hãng tin tài chính nổi tiếng của nước Mỹ - Bloomberg – cũng bị khóa ở Trung Quốc sau khi công bố tính toán về tài sản của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ông Tập là người được dự đoán sẽ thay thế Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Theo đó, gia đình ông Tập cũng có khối tài sản khổng lồ. 
 
Thực ra, đây không phải là điều xa lạ. Lâu nay, ở Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều đồn đoán cho rằng các lãnh đạo cấp cao là những người giàu có, thậm chí là siêu giàu. Kết hợp với lời buộc tội Bạc Hy Lai – người cho đến đầu năm nay vẫn được coi là ứng viên nặng ký cho chiếc ghế thành viên Ủy ban thường vụ Bộ chính trị - mối liên hệ giữa quyền lực và sự giàu có ngày càng được củng cố. 
 
Cả New York Times và Bloomberg đều không buộc tội các lãnh đạo này làm sai để tạo thuận lợi cho công việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, trong 1 đất nước mà sự chênh lệch giàu nghèo đang ngày càng gia tăng như ở Trung Quốc, những phát hiện luôn luôn khiến dư luận xôn xao và hoài nghi. 
 
Hậu quả là, Bloomberg bị khóa ngay trong tháng 6 và điều tương tự cũng xảy đến cả với phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung của New York Times. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các trang này đưa ra thông tin vô căn cứ, có mục đích gây nên sự bất mãn trong nhân dân Trung Quốc. 
 
Chắc chắn là, mạng internet đang trở thành yếu tố cản trở nỗ lực ổn định dư luận xã hội của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên công cuộc chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc diễn ra trong thời đại các phương tiện thông tin đại chúng lên ngôi. Người Trung Quốc không thể truy cập Twitter, nhưng 1 tiểu blog tương tự như Twitter được chính người Trung Quốc xây dựng đang được sử dụng rộng rãi và cũng khó kiểm soát hơn.
 
Từ khóa tìm kiếm bao gồm chữ Ôn kết hợp với các chữ khác, điển hình như chữ “tài sản” hiện đang bị khóa. Điều tương tự cũng xảy ra với các tìm kiếm có chữ “thủ tướng” và “bè phái”. 
 
Theo trang web China Digital Times, các phương tiện thông tin đại chúng cũng không được bàn luận về sự nghiệp chính trị của Liang Wen’gen, Chủ tịch tập đoàn Sany. Ngoài việc nằm trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc, ông cũng là 1 đại biểu Quốc hội. Trước đó, báo chí Trung Quốc đưa tin ông Liang là doanh nhân đầu tiên được bầu vào quốc hội. 
 
Cuộc chuyển giao quyền lực cách đây 1 thập kỷ vấp phải các cuộc biểu tình của hàng triệu công nhân bị các doanh nghiệp nhà nước sa thải. Ngày nay, tầng lớp trung lưu ở thành thị biểu tình trước vấn đề ô nhiễm môi trường, buộc Chính phủ phải ngừng các dự án xây dựng nhà máy công nghiệp. Trong các trường hợp này, chính phủ phải đáp ứng nhu cầu của những người biểu tình. 
 
Ngoài ra, những vấn đề ngoại giao như tranh chấp đảo trên biển Hoa Đông với Nhật Bản cũng làm phức tạp thêm những áp lực mà các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc phải đối mặt. 
 
Hiện nay, vẫn chưa rõ liệu ông Hồ Cẩm Đào có tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung Ương hay không. Nếu muốn có được quyền lực thêm 1 vài năm nữa như những người tiền nhiệm đã làm, ông Hồ có thể sử dụng những lo lắng về tính ổn định cả trong và ngoài nước để điều chỉnh sự kiểm soát quân đội. 
 
Tuy nhiên, quá trình giữ gìn quyền lực của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân lại hoàn toàn khác. Mới tái xuất gần đây, Giang Trạch Dân đang muốn chứng tỏ ông vẫn có đủ quyền lực để không bị phớt lờ. Tập Cận Bình được cho là người thân cận hơn so với Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, kể cả khi lên nắm quyền, ông Tập vẫn phải chịu sức ép từ cả 2 người: Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. 
 
Rất nhiều trí thức vẫn cho rằng Trung Quốc cần phải đẩy mạnh cải cách chính trị. Và dường như, áp lực về vấn đề này đối với ông Tập Cận Bình là lớn hơn nhiều so với ông Hồ Cẩm Đào. 
 
Thu Hương

Theo TTVN/Economist

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te