Những tuyên bố và nhận định của Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan mấy ngày qua khiến dư luận cho rằng, việc ký Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN dự kiến diễn ra tại Campuchia trong tháng 11 sẽ khó xảy ra. Vấn đề này bao giờ được giải quyết và ai đang cản trở việc thỏa thuận và ký COC được dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm. Bởi vấn đề này diễn ra trong bối cảnh những tranh chấp biển đảo giữa các nước hữu quan tại Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Phải 2 năm nữa mới ký COC?
Ngày 30/10, phát biểu tại Malaysia, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết, trọng tâm chương trình nghị sự tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Campuchia trong tháng 11 sẽ thảo luận về những tranh chấp lãnh hải giữa một số nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổng thư ký Surin Pitsuwan cũng cho rằng, các nước Đông Nam Á có thể chưa hoàn thành COC trong tháng 11 cho dù cơ bản đã nhất trí tạo thêm động lực cho các cuộc thảo luận thẳng thắn về vấn đề này. Ông Surin Pitsuwan cũng tuyên bố, những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông luôn có nguy cơ bùng phát thành bạo lực, nhưng Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đang thể hiện một thái độ muốn nhanh chóng hạ nhiệt căng thẳng.
Tờ Bangkok Post dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Thái Lan tại Hội nghị hẹp không chính thức giữa ASEAN - Trung Quốc vừa diễn ra tại Pattaya, Thái Lan, theo đó có thể phải mất 2 năm nữa mới thỏa thuận xong và ký COC. Cũng trong ngày 30/10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 sẽ thúc đẩy tiến trình hội nhập của ASEAN, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của tổ chức này trong kết cấu xã hội và kinh tế khu vực. Dự kiến, ngoài các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này còn có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nhật Bản Yosihiko Noda.
Mỹ và Nhật diễn tập đổ bộ lên đảo hồi tháng 9 vừa qua
Trong khi đó, giới truyền thông và giới chuyên môn đã và đang đưa ra những nhận định của họ. Giáo sư Carlyle Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia nhận định, lập trường của Bắc Kinh về vấn đề kể trên sẽ không thay đổi cho tới khi Trung Quốc có lãnh đạo mới sau Đại hội 18. Nhiều người còn cho rằng, Trung Quốc chống lại các đề nghị về COC vì muốn thảo luận tay đôi với từng quốc gia có tranh chấp để dễ “lấy thịt đè người”. Điều đáng nói là nhiều quốc gia hiện vẫn chưa nhìn thấy “vấn nạn” này.
Giới chuyên môn khá quan tâm tới nhận định của tướng về hưu Daniel Schaeffer (từng là Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và hiện là chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông và châu Á) khi ông gọi chiến lược mà Trung Quốc đang áp dụng là “lãnh địa hóa” Biển Đông, tức là độc chiếm khu vực này bất chấp chủ quyền của các nước khác. Vấn đề này được ông Daniel Schaeffer đề cập tại cuộc hội thảo với chủ đề “Biển Đông phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?” do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Peri đồng tổ chức vừa diễn ra tại Pháp. Ông Daniel Schaeffer cho rằng, Việt Nam cần quốc tế hóa mạnh mẽ hơn hồ sơ về vấn đề này để đối phó với chiến lược của Trung Quốc bởi trong nỗ lực chống lại đường lưỡi bò của Trung Quốc, Việt Nam không lẻ loi, nhưng phải vận động các nước trong khối ASEAN và nhiều quốc gia khác cùng tham gia.
Giới chuyên môn quan tâm tới thông tin trên tờ Hoàn Cầu thời báo số ra ngày 29/10 bởi “Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc (chịu trách nhiệm hoạt động tại khu vực Biển Đông) vừa diễn tập ứng phó với tình huống khẩn cấp trên biển với 16 phân mục huấn luyện khác nhau”. Tham gia tập trận, tàu khu trục đảm nhiệm công tác thăm dò và phán đoán tình hình để đưa ra phương án ứng phó. Tuy đưa tin về việc này, nhưng tờ Hoàn Cầu thời báo lại không nói rõ cuộc diễn tập được tiến hành khi nào, chỉ đưa tin, ảnh…
Nhật Bản gia tăng khẩu chiến về tranh chấp biển đảo
Ngày 31/10, Diễn đàn Quốc phòng Tokyo (tổ chức thường niên kể từ năm 1996) đã khai mạc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản nhưng không có đại diện Trung Quốc. Trong lời phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết, Tokyo muốn trao đổi quan điểm với Trung Quốc tại diễn đàn lần này, nhưng đoàn đại biểu Trung Quốc không tham dự. Dư luận cho rằng, sự vắng mặt của đoàn Trung Quốc là do căng thẳng tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang gia tăng. Cũng trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto cho biết, diễn đàn này sẽ thảo luận về vai trò của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực nhằm đối phó với những thử thách an ninh mới và duy trì ổn định hòa bình khu vực.
Ông Satoshi Morimoto cũng cho rằng, lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đang nghiên cứu để sở hữu máy bay vận tải thế hệ mới MV-22 Osprey. Được biết, Mỹ đã triển khai các loại máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tại Nhật Bản như MV-22 Osprey, F-22 Raptor, F-35, P-8A Poseidon nhằm thực hiện chiến lược mới đối với Châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó (30/10), Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, sẽ tiến hành tập trận chung với Mỹ trong vùng trời và vùng biển gần Nhật Bản nhưng không cho biết chi tiết về cuộc tập trận này. Tuy nhiên, theo Văn phòng Bộ Tổng tham mưu liên quân Nhật Bản cho biết, khoảng 37.000 nhân viên lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và 10.000 quân Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận dự kiến diễn ra từ 5 đến 16/11. Được biết, ban đầu Tokyo và Washington có kế hoạch tập trận tại hòn đảo không người Irisuna thuộc tỉnh Okinawa, cách đảo chính Okinawa khoảng 60km.
Hải quân Trung Quốc diễn tập trên biển
Ngày 31/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho rằng, hiện vẫn chưa đến lúc để Tokyo và Bắc Kinh có những cuộc đối thoại song phương cấp cao nhằm giải quyết tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi “thời điểm vẫn chưa chín muồi”. ÔngKoichiro Gemba cho biết, không có kế hoạch tham dự cuộc họp Á - Âu ở Lào và những cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia vào tháng 11.
Được biết, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng sẽ không gặp người đồng cấp Nhật Bản Yoshihiko Noda bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) tổ chức tại Lào trong tuần tới (từ 5 đến 6/11) do căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ngày 29/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố, Tokyo sẽ tăng cường an ninh dọc bờ biển trong bối cảnh tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng trong ngày 31/10, Tân Hoa xã dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Khổng Tuyền cho biết, có bằng chứng lịch sử cho thấy quần đảo Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Trung Quốc. Ông Khổng Tuyền cho biết, có nhiều hồ sơ lịch sử, trong đó có một số bản đồ cổ được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp cho thấy quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một phần lãnh thổ Trung Quốc, do đó, việc trao trả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cho Trung Quốc là “bổn phận pháp lý Nhật Bản phải thực hiện sau khi thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai”.
Ngày 31/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, việc các tàu hải giám Trung Quốc gần đây tuần tra tại vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là “hoạt động thông thường” nhằm thực hiện quyền tài phán của Trung Quốc đối với khu vực này.
Trước đó (30/10), ông Hồng Lỗi cũng đã phản ứng trước tuyên bố của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba về việc “Tokyo giữ nguyên lập trường cho rằng, không có tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời hối thúc Nhật Bản thừa nhận tranh chấp này”. Trong một diễn biến liên quan khác, ngày 23/10, khi tiếp phái đoàn do nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage dẫn đầu, Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng nói bóng gió: Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp với Tokyo về các vấn đề liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Giới truyền thông đưa tin, 11 giờ ngày 30/10, 4 tàu hải giám Trung Quốc lại tiến vào vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, bất chấp cảnh cáo của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG). Thậm chí 1 tàu hải giám Trung Quốc còn phát thông điệp bằng tiếng Trung và tiếng Nhật yêu cầu các tàu tuần tra của JCG phải lập tức rời khu vực mà họ gọi là lãnh hải của Trung Quốc. Đây là lần thứ 8 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải kể trên sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (11/9). Ngoài 4 tàu hải giám, JCG còn phát hiện 2 tàu ngư chính của Trung Quốc cũng diễu qua khu vực này. Giới chuyên môn khá quan tâm tới thông tin nói rằng, Bắc Kinh đã biên chế hơn 250 chiến đấu cơ tự chế J-10 (thế hệ chiến đấu cơ thứ tư của Trung Quốc do Tập đoàn công nghiệp máy bayThành Đô thiết kế) cho lực lượng không quân và hải quân nước này.
Mỹ sẽ khoanh tay đứng nhìn?
Ngày 31/10, tờ China Post đưa tin, Cảnh sát biển Philippines cho biết, nước này sẽ mua 5 tàu tuần tra của Pháp với giá trị hợp đồng khoảng 90 triệu euro (116 triệu USD) để tăng cường khả năng bảo vệ khu vực đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông. Phó Đô đốc Luis Tuason, Tư lệnh lực lượng Cảnh sát biển Philippines cho biết, số tàu này sẽ được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên các khu vực có thời tiết phức tạp tại biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines. Đây sẽ là lần đầu tiên Cảnh sát biển Philippines có được những chiếc tàu tuần tra lớn như vậy. Philippines cũng đang tăng cường hợp tác quân sự với Australia để đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. |
Dư luận quan tâm tới bài viết của tác giả M. Taylor Fravell, Giáo sư khoa học chính trị, thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại MIT vừa được trang mạng Wall Street Journal của Mỹ (29/10) bởi cho rằng, nếu Trung Quốc chiếm được ưu thế trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, họ sẽ chiếm được lợi thế trong tranh chấp đối với những lãnh thổ khác, ví như Biển Đông… Theo thống kê, kể từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã cuốn vào 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển với các nước láng giềng, trong đó có 17 cuộc tranh chấp được giải quyết nhờ hai bên đạt được các thỏa thuận. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không chỉ một lần sử dụng vũ lực trong 6 cuộc tranh chấp. Trong tranh chấp biển đảo, tỷ lệ Trung Quốc sử dụng vũ lực cao hơn tỷ lệ sử dụng vũ lực trong tranh chấp biên giới trên đất liền. Được biết, Trung Quốc coi các quần đảo là nơi có nhiều giá trị kinh tế, quân sự, chiến lược và ảnh hưởng lớn đến an ninh cũng như có nhiều tiềm năng khí đốt, hải sản và Bắc Kinh chỉ sử dụng sức mạnh để khẳng định vị thế trong các bất đồng ở những hòn đảo mà họ đã hoặc chưa chiếm trên cơ sở tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó tờ Wall Street Journal lại đưa cảnh báo của tác giả Mark Helprin: trong khi năng lực hải quân và sự “mạnh dạn” của Trung Quốc tại các vùng biển phía tây Thái Bình Dương ngày càng gia tăng thì quy mô của Hải quân Mỹ lại đang tiếp tục thu nhỏ. Đương nhiên việc này ảnh hưởng không nhỏ tới chiến lược quay lại Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Cách đây không lâu, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Cecil Haney từng tuyên bố: không ngạc nhiên khi Trung Quốc muốn phát triển tiềm lực hải quân, nhưng hy vọng Bắc Kinh sẽ minh bạch trong những dự định phù hợp với sức mạnh hải quân của nước này. Ngày 30/10, tại cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, một số cựu quan chức Mỹ như cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Nye và cựu Ngoại trưởng Mỹ Richard Armitage đã nhắc nhở Bắc Kinh: dù Mỹ đã tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp Trung - Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng khu vực này lại nằm trong sự bảo vệ của một hiệp ước an ninh song phương giữa Nhật Bản và Mỹ. Ông Richard Armitage tuyên bố, nếu Trung Quốc tấn công Nhật Bản, Mỹ chắc chắn sẽ bảo vệ đồng minh thân cận nhất của mình ngay.
Ngày 31/10, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hongkong) đưa tin, ông Trần Kiện, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản (1998-2001) vừa cáo buộc Mỹ đang lợi dụng các tranh chấp biển đảo của Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng của Washington tại khu vực này. Ông Trần Kiện cho rằng, hiện Nhật Bản đang được Mỹ sử dụng như một điểm chiến lược cho sự trở lại châu Á của mình. Được biết, tờ Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa phát động cuộc công kích đối với tờ Thời báo New York, Mỹ bởi “tờ báo này đã giả mạo và bóp méo thông tin”. Việc này diễn ra sau khi tờ Thời báo New York đưa tin “gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tích lũy được số tài sản trị giá 2,7 tỉ USD”. Việc này cho thấy Mỹ đang rất quan tâm tới những biến động của Trung Quốc, nhất là khi nước này đang chuẩn bị khai mạc Đại hội 18 dư kiến diễn ra vào ngày 8/11.
Ngày 29/10, Hàn Quốc chính thức mở Phái đoàn đại diện thường trực và bổ nhiệm Đại sứ của mình tại ASEAN. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan coi sự kiện này thể hiện cam kết mạnh mẽ về các mối quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN bởi nó sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác giữa đôi bên. Được biết, thương mại hai chiều giữa ASEAN và Hàn Quốc đang trên đà gia tăng, từ 98,6 tỉ USD năm 2010 lên 124,5 tỉ USD năm 2011. |
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
Theo Petrotimes