Tạp chí “As-Sharki” (Phương Đông) vừa có bài viết mang tính tổng kết những hậu quả cay đắng mà các chính quyền liên tiếp của Mỹ gần đây phải gánh chịu, khẳng định rằng đây chính là hậu quả của những chính sách sai lầm ở tầm chiến lược của Mỹ, nhất là trong chính sách đối ngoại. Dưới đây là phần nội dung chính của bài viết:
Trong những ngày qua, Chính phủ Mỹ đã phải chịu hai thất bại lớn. Thất bại thứ nhất là cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi nằm ở miền Đông Libi, trong đó Đại sứ Christopher Steveuns và 3 nhà ngoại giao khác của Mỹ đã bị giết hại. Thất bại thứ hai là quyết định liên quân trong NATO ngừng tất cả các hoạt động phối hợp với các lực lượng an ninh Ápganixtan sau một loạt các cuộc tấn công ở trong nước (các binh lính Ápganixtan quay lại chống đội quân chiếm đóng).
Điều mà hai sự kiện trên có điểm chung là Mỹ, dưới thời George W. Bush, đã xâm chiếm Ápganixtan để “giải phóng” đất nước này khỏi quân Taliban là lực lượng đã cung cấp nơi trú ngụ cho Al-Qaeda để thực hiện vụ khủng bố kinh hoàng hôm 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ, trong khi Mỹ dưới thời Barack Obama đã can thiệp bằng quân sự để “giải phóng” Libi khỏi chế độ độc tài tham nhũng là Muammar Al – Gaddafi.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói một cách cởi mở rằng bà thực sự bị sốc trước vụ các nhà ngoại giao Mỹ ở Benghazi bị giết hại. Bà không thể hiểu được làm thế nào mà điều đó lại diễn ra tại một đất nước mà “chúng ta đã giúp giải phóng” và “trong một thành phố mà chúng ta đã cứu họ khỏi nạn bị phá hủy”. Có lẽ bà Clinton cũng không thể ngờ rằng điều đã gây ra các cuộc phản đối gay gắt tại hầu khắp các nước Hồi giáo chỉ là một đoạn phim “nghiệp dư”, made in USA, có nội dung bị cho là phỉ báng Nhà Tiên tri Mohammed, đã thực sự lăng nhục hơn một tỷ rưỡi người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Thật trớ trêu là Đại sứ Christopher Stevens đã trú ngụ tại lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, chứ không ở Đại sứ quán ở Tripoli, bởi vì ông cho rằng ở đó ông sẽ được an toàn hơn ở Tripoli, nơi sứ quán Mỹ được canh phòng vô cùng cẩn mật bằng các đội dân quân có vũ trang đến tận răng nhưng với lòng trung thành, mà ông đã từng nhận xét là “không chắc chắn”.
Tại Apganixtan, cũng trong làn sóng phấn uất ấy, những người biểu tinh đã tấn công các căn cứ quân sự của liên quân, giết chết 6 binh sĩ gồm 3 lính Mỹ và 2 lính Anh.
Có một điều mà chắc chắn bà Clinton sẽ không bao giờ hiểu được đó là sự lăng nhục này hoặc những lý do gây ra nó “hết sức đơn giản” bởi vì tất cả những thông tin về khu vực này (Trung Đông) là do các viện nghiên cứu của các chuyên gia, tuy là của Mỹ, nhưng rất thân Ixraen, cung cấp. Đây là lý do chính dẫn đến nhiều thất bại của các chính quyền Mỹ liên tiếp ở khu vực Trung Đông, khu vực quan trọng nhất đối với Mỹ về những lợi ích chiến lược.
11 năm sau cuộc can thiệp đầu tiên vào Ápganixtan, NATO đã quyết định thay đổi chiến lược của mình tại đất nước này sau khi đã bị mất hết lòng tin của hơn 250.000 binh sĩ quân đội Apganixtan và các nhân viên an ninh địa phương, được đào tạo với phí tổn 6 tỷ USD của Mỹ và NATO. Các nhà hoạch định kế hoạch của NATO đã nhận thấy rằng gần 25% các cuộc tấn công nhằm vào quân của họ tại đất nước này là do chính các binh lính và các nhân viên an ninh mà họ đã đào tạo tiến hành, nghĩa là “thầy dạy tôi đánh địch (của thầy) thế nào, tôi đánh lại thầy đúng như thế, thậm chí còn sáng tạo hơn”.
Đây là một thất vọng rất lớn của NATO bởi vì khối quân sự này muốn rằng các lực lượng Ápganixtan được họ huấn luyện, dạy dỗ này đảm nhận tất cả các nhiệm vụ về an ninh ở Ápganixtan sau khi NATO rút quân dự kiến vào năm 2014. NATO hiện nay còn đang sợ rằng đến thời điểm ấy cũng sẽ không có đủ lực lượng tin cậy cần thiết để họ có thể chuyển giaocác sứ mệnh này. Phương Tây càng không thể tìm được một người thay thế có cảm tình hơn so với Karzai,. người đã thông báo sẽ không ra ứng cử trong cuộc bầu cử sắp tới.
Từ khi có quyết định rút quân của NATO, quân Taliban luôn khẳng đinh rằng nhóm này đã giành thắng lợi trước đội quân hùng hậu của NATO, một thắng lợi giành được nhờ dùng quyền lực và nhờ khả năng đặc biệt lập kế hoạch các cuộc tấn công và chiêu mộ các chiến binh ngay trong quân đội của chính phủ.
Quân đội phương Tây ở Ápganixtan nổi tiếng vì tiêu thụ ma túy nên không có gì đáng ngạc nhiên là họ đã không hoàn thành được sứ mệnh mà các chính phủcủa họ đã giao cho. Chính quân đội Mỹ đã tiết lộ rằng hồi năm 2011, có tới 8 binh sĩ Mỹ đã chết vì dùng quá liều ma túy, trong khi 56 người khác bị bắt vì buôn bán ma túy và 113 người được xét nghiệm máu đã cho kết quả dương tính với HIV do sử dụng ma túy. Các quan chức NATO cũng không giấu giếm rằng việc sử dụng ma túy đang gia tăng rất nhanh trong số các chiến binh của họ.
Quân NATO đã tới Ápganixtan với một cuộc tấn công ồ ạt trên bộ và trên không để tiêu diệt Al-Qaeda và các đồng minh, trong đó có quân Taliban. Kết quả cuối cùng của cuộc chiến tranh này là quân Al-Qaeda trên thực tế vẫn là tổ chức khủng bố mà Mỹ và phương Tây luôn phải để mắt tới, phải chi rất nhiều tiền bạc và công sức để đề phòng, trong khi quân Taliban, đã có không ít người dự đoán rằng nhóm này sẽ là nhà cầm quyền sắp tới ở Ápganixtan.
Có vài dấu hiệu cho thấy Mỹ đang triển khai máy bay quân sự và lực lượng lục quân ở Libi để trả thù cho các nhà ngoại giao của họ bị giết hại. Nếu những thông tin này là chính xác thì sẽ là những tin tốt lành đối với các chiến binh Hồi giáo, những người biết rằng các nỗ lực của Mỹ để trả thù Al-Qaeda sau vụ khủng bố 11/9/2001 đã dẫn đến những tấm giấy báo tử của hàng nghìn binh sĩ Mỹ; dẫn đến khoản chi phí khổng lồ hơn 500 tỷ USD ở Ápganixtan và gấp đôi số tiền như vậy ở Irắc. Chưa hết, Mỹ đã chuốc lấy nỗi hận thù của người Arập và người Hồi giáo do ủng hộ các chế độ độc tài trong khu vực và cực kỳ thiên vị Ixraen. Họ càng chuốc lấy mối hận thù hơn sau Mùa Xuân Arập vì họ không hề thay đổi chiến lược. Tiếc rằng Chính phủ Mỹ thường xuyên nhận được những bản báo cáo chiên lược “tối mật” về khu vực Trung Đông, nhưng chỉ biết đến những lợi ích của Ixraen, chứ không hề lưu ý đến dòng chảy của lịch sử và địa lý ở khu vực Trung Đông để tránh những thất bại mới như cú sốc vừa rồi ở Benghazi.
Người ta tự hỏi thiên tài nào đã thuyết phục được các thành viên của NATO tới địa ngục Ápganixtan nảy, nơi chưa một cường quốc nước ngoài nào trụ lại được, và chưa một ai mang được chiến thắng từ đấy trở về trong suốt nhiều thập kỷ nay? Không cần thiết phải nói rằng họ đang ở trong các trung tâm nghiên cứu theo tư tưởng tân bảo thủ chỉ quan tâm đến lòng trung thành đối với Ixraen.
Mỹ đã ủng hộ phe đối lập ở Libi chống lại Gaddafi, đã giúp Arập Xêút và Cata cung cấp vũ khí cho các dân quân Libi, và hiện nay đang “gặt bão”. Những “người bạn” Libi của Mỹ giờ đây đang quay lại chống Mỹ, Đại sứ Stevens bị chính các “đồng sự” của mình sát hại ở Benghazi.
Mỹ đã chi không biết cơ man nào là tiền của để giúp Al-Qaeda trở nên hùng mạnh, nhưng giờ đây tổ chức này đã quay lại chống Mỹ, điển hình nhất là vụ 11/9 (cả 2001 ở Mỹ và 2012 ở Libi, sát hại Đại sứ Stevens), và một phong trào chống Mỹ do mạng lưới này phát động, cổ súy đã lan ra khắp thế giới Hồi giáo. Và liên tưởng từ Al-Qaeda, hiện đã có nhiều người cảnh báo rằng nếu Mỹ ủng hộ phe đối lập chống lại Tổng thống Xyri Bashar Al-Assad, giúp Arập Xêút và Cata cung cấp vũ khí cho lực lượng này, thì tất yếu Mỹ sẽ lại bị chính những người đó phản chủ nếu Assad bị lật đổ.
Các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ cũng đã đề cập đến một sự thật vô cùng đau lòng và mỉa mai, đó là Mỹ đã ủng hộ Mùa Xuân Arập và đã cứu vớt thành phố Benghazi – khi những người dân ở thành phố này sắp bị quân của Gaddafi giết chết – nhưng đã bị những kẻ phản bội Arập ở chính thành phố đã được Mỹ cứu vớt này, đâm vào lưng.
Nhưng câu chuyện thực lại khác, không hẳn là như thế. Ai cũng biết Mỹ đã ủng hộ và trang bị vũ khí cho các chế độ độc tài Arập từ nhiều thập kỷ nay, và Saddam Hussein là một trong những người được Mỹ yêu thích nhất. Mỹ cũng rất yêu thích Hosni Mubarak của Aicập, tôn thờ Ben Ali của Tuyniđi, say mê các Nhà nước chuyên chế ở vùng Vịnh, và trong ít nhất hai thập kỷ đã thân thiện với chế độ của gia đình Assad ở Xyri. Nói lại những chuyện cũ ấy để nói rằng các tác giả của “Mùa Xuân Arập” cũng quá hiểu vì sao Mỹ ra tay cứu vớt họ, cũng như trước kia Mỹ đã làm với Al-Qaeda và Taliban v.v… và một điều nữa họ cũng rất hiểu là phải làm gì sau khi được… cứu vớt.
Vâng, đúng là Mỹ cũng đã làm những việc gần giống như vậy ở Ápganixtan sau năm 1980. Mỹ đã ủng hộ các Mujahideen chống Liên Xô mà không chú ý đến sự thần học của họ và đã sử dụng Pakixtan để vận chuyển vũ khí. Và khi một số trong số họ trở thành quân Taliban và phụng sự cho Osama Bin Laden và những tên khủng bố tham gia vụ 11/9/2001, thì Mỹ lại gọi họ là những kẻ khủng bố, rồi tự hỏi tại sao người Ápganixtan lại phản bội Mỹ. Câu chuyện cũng giống như vụ cách đây chưa lâu, khi 4 lính Mỹ thuộc các lực lượng đặc biệt bị nhũng kẻ “tập sự” bạc bẽo của cảnh sát Ápganixtan xả súng giết chết.
Chưa hết, vào đúng ngày mà ở Mỹ diễn ra lễ tưởng niệm vụ khủng bố 11/9, một đám đông người Arập đầy tức giận đã tập hợp trước cổng đại sứ quán Mỹ tại Cairô của Aicập, nơi cách đây chưa lâu vị Tổng thống già nua, mới bị phế truất của nước này là Hosni Mubarak, luôn được Oasinhtơn coi là “người nhà”. Thế hệ tiếp theo của “người nhà” kia đã trèo lên tường của tòa sứ quán trước cái nhìn thụ động của cảnh sát, rồi đã ném lá cờ Mỹ xuống để thay bằng một lá cờ Hồi giáo.
Đúng là nước Mỹ đang gặt bão, trước hết là những cơn bão từ thế giới Hồi giáo.
*****************************************
(Tạp chí Le Noavel Observateur, tháng 9/2012)
Cái chết của đại sứ Chris Stevens trước cuộc hầu cử tổng thống Mỹ chưa đầy hai tháng đã làm chấn động nước Mỹ. Liệu vụ tấn công lãnh sự quản Mỹ ở Benghazi và cơn kích động của thế giới Hồi giáo có đánh dấu một bước ngoặt trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ?
Tất cả mọi người đều gọi ông là Chris nhưng ông thường ký tên dưới những bức thư của mình là “Krees” như tên các bạn bè người Hồi giáo đặt cho ông. Christopher Stevens có một nụ cười rạng ngời, một kiến thức chuyên sâu về thế giới Arập và một tình yêu Libi thực sự mà ông đã phải trả giá bằng cả tính mạng của mình, ở tuổi 52, vị đại sứ này, người đã không chấp nhận cố thủ một chỗ vì những lý do an ninh, là hiện thân của một thế hệ mới các nhà ngoại giao. Ông đã đi dọc ngang khắp đất nước, gặp các thủ lĩnh bộ lạc, cùng uống nước chè yới họ trong những lều bạt. Đựợc Hillary Clinton cử sang Libi làm đặc phái viên bên cạnh phe nối dậy vào tháng 4/2011, ông đã cùng một nhóm nhỏ các nhà ngoại giao đi trên một chiếc tàu hàng đổ bộ xuống Benghazi, để mở văn phòng và kết nối liên lạc với các phần tử chống đối Gaddafi. Ngày 11/9 vừa qua, trong vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Libi, ông và ba nhân viên an ninh đã thiệt mạng tại chính thành phố “mà ông đã góp phần giải phóng” như lời phát biểu đầy xúc động của Tổng thống Barack Obama tại buối lễ truy điệu.
Liệu việc phát tán trên mạng Internet một bộ phim hạng bét có đủ để giải thích thảm kịch này và làn sóng kích động tiếp sau đó lan tới 16 nước Hồi giáo? Vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi liệu có phải là một hành động có tính toán trước như cuộc điều tra đang tiến hành muốn chứng minh? Còn quá sớm để khẳng định điều này. Nhưng những hình ảnh về bốn cỗ quan tái phủ quốc kỳ Mỹ, sau một hàng rào danh dự các lính thủy đánh bộ đã thực sự Ịàm chao đảo nước Mỹ.
Kể từ năm 1979, Chris Stevens là đại sứ Mỹ đầu tiên bị giết khi đang thừa hành nhiệm vụ. Thời điểm tượng trưng của vụ tấn công này, đúng 11 năm sau vụ lao máy bay khủng bố vào Trung tâm Thương mại Thế giới, càng làm tăng cảm xúc. Khi các vụ bạo lực bùng phát khắp nơi trong thế giới Arập, từ Cairô tới Ixlamabát, từ Tuynít tới Đôha, trước cuộc bầu cử tổng thống chưa đầy hai tháng, ông Barack Obama đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay. Thế nhưng khi căng thẳng dịu xuống, chính từ các cuộc khủng hoảng này phát lộ những người chiến thắng trong các chiến dịch tranh cử, người ta nói rằng, vụ bắt cóc con tin trong Đại sứ quán Mỹ tại Iran năm 1979 đã cướp mất cơ hội tái đắc cử của Jimmy Carter…
Tin chắc rằng thời cơ đã đến, Mitt Romney vội vàng phản công. Tối ngày 17/9, ứng cử viên Đảng Cộng hòa dằn giọng nói rằng “thật đáng phẫn nộ khi phản ứng đầu tiên của Chính quyền Obama không phải là lên án các vụ tấn công phái đoàn ngoại giao của chúng ta, mà lại tỏ ra thông cảm với những kẻ tổ chức các vụ tấn công đó.” Tất nhiên đó là trước khi người ta được biết về cái chết của các nhà ngoại giao Mỹ. Nhưng, ngay sáng hôm sau, đối thủ của Obama còn ngoáy sâu thêm bằng cách cáo buộc ông là “luôn từ chối những giá trị mà nước Mỹ bảo vệ”… Đầy toan tính, nhưng đã hoàn toàn thất bại. Phản ứng vội vã này đã khiến ông bị đập tơi bời trong chính phe cánh của ông. Ngay giữa bầu không khí quốc tang, sự thiếu ý tứ này khó được chấp nhận cho dù nó được đổ lỗi cho tâm trạng hốt hoảng của một ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang thất thế trong các cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài, nếu những hình ảnh quốc kỳ Mỹ bị đốt, bị xé, bị giẫm nát tiếp tục xuất hiện trên truyền hình – nhắc nhở một cách tàn nhẫn cho người Mỹ thấy đất nước họ có thể bị căm ghét tới mức nào – thì đương nhiên những câu hỏi sẽ lại được đặt ra: tại sao nước Mỹ lại ra nông nỗi này? Chính quyền Barack Obama liệu có ngây thơ về “Mùa Xuân Arập”, liệu họ có đủ cảnh giác trước mối nguy hiểm cực đoan? Một số đảng viên Cộng hòa đã không quên nhắc lại rằng Mubarak và Gaddafi có thể là những nhà độc tài, nhưng họ đã duy trì được sự ổn định trong khu vực này của thế giới
Theo John Mearsheimer, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Chicago, những câu hỏi này sẽ khơi lại một đề tài vốn gây tranh cãi, Ông giải thích: “Từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam, các đảng viên Cộng hòa đã công kích một cách có hệ thống các đảng viên Dân chủ về đề tài này, vạch ra những cái gọi là yếu kém của họ và thái độ khoan hòa của họ trong lĩnh vực quốc phòng và chính sách đối ngoại, Bước vào Nhà Trắng với không một chút kinh nghiệm quân sự, Barack Obama biết rằng đó sẽ là ‘gót chân Asin’ của ông.” Nhưng do nhận thức rõ điều này, Tổng thống Mỹ đã biết cách bù lấp khiếm khuyết này, Khi đến Oasinhtơn, ông đã đọc một bài diễn văn cởi mở và hòa giải với thế giới Arập, khác hẳn với diễn văn của những người tiền nhiệm. Và ông đã tiêu diệt Bin Laden, “việc này đã chặn đứng những chỉ trích của các đảng viên Cộng hòa”, như nhận định của Charles Lipson, chuyên gia về quan hệ giữa Mỹ và Trung Đông tại Đại học Chicago. Obama đã không bao giờ cắt giảm các khoản chi tiêu quân sự và rất nhanh chóng tỏ ra là một tổng tư lệnh quân đội đầy cương quyết như nhận xét của nhà báo Daniel Klaidman, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng, trong một cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông tin về đề tài này. Obama đã ủng hộ việc tăng cường tấn công bằng các máy bay không người lái, chấp nhận những sai sót và thậm chí cả việc có các nạn nhân là người Mỹ. John Mearsheimer nhận định: “Ông ấy đã ưu tiên những vấn đề an ninh hơn các quyền tự do cá nhân. Suy cho cùng, cho dù có lời lẽ mềm dẻo hơn, trong nhiệm kỳ hai của ông này Obama tỏ ra là người tiếp tục hoàn hảo chính sách của Bush.” Cả lúc này nữa, Tổng thống Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn nhất đối với Libi và Ai Cập. Tất nhiên, trái với những người tiền nhiệm, Obama đã không đặt Ixraen ở vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Trong các tối hậu thư gửi tới Iran, ông đã không mù quáng nghe theo Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thậm chí còn dọa không tiếp ông này trong chuyến thăm Mỹ. Và lại, Thủ tướng Ixraen đã lựa chọn ủng hộ ứng cử viên Romney trong chiến dịch tranh cử.
Nhưng theo các kết quả điều tra mới đây của Jewish Value Survey, phần lớn các cử tri Do Thái mong muốn Barack Obama tái đắc cử.
Bề ngoài mềm dẻo nhưng thực chất không hề nhân nhượng, Obama đã cho thấy ông là một người thực dụng, như vẫn luôn như vậy. Trongkhi một số đảng viên Cộng hòa chỉ trích ông không ủng hộ Ixraen đúng mức, phe tả của các đảng viên Dân chủ lại chỉ trích ông đã không giữ lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo, không rút quân sớm khỏi Irắc hay không giảm đáng kể ngân sách chi cho quân sự. Nhưng Obama đã luôn lưu ý trấn an phái trung dung, lực lượng mà nhờ họ ông có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. Romney đã tốn công vô ích khi đe doạ Iran về vấn đề hạt nhân, bởi chẳng ai dễ dàng bị mắc lừa. John Mearsheimer nhận định: “Người Mỹ đã mệt mỏi với các cuộc chiến tranh. Họ vẫn tin chắc rằng các giá trị của họ lớn hơn. Nhưng họ không còn muốn áp đặt chúng cho các nước khác trên thế giới.”
Tất cả các cuộc thăm đò đều minh chứng một điều: người Mỹ đặt niềm tin lớn hơn vào Barack Obama về chính sách đối ngoại. Mitt Romney liệu có nhầm trận địa? William Howell, giáo sư ngành Khoa học chính trị tại Đại học Chicago khẳng định: “Nếu ông ấy muốn có cơ hội ghi điểm, ông ấy phải xoáy vào vấn đề kinh tế và chứng minh rằng ông là người duy nhất có khả năng vực dậy đất nước. Trên lĩnh vực đối ngoại, ông ấy không thể có may mắn.” Dù sao đi nữa thì cũng là tại thời điểm này./.
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Nguồn: Anh Ba Sàm