TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tầm bắn hơn 12.000km: DF-41 có phải mối đe dọa với thế giới?

Tầm bắn hơn 12.000km, có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân tấn công 10 mục tiêu khác nhau, liệu DF-41 có phải là mối đe dọa đối với thế giới?

 

 

Theo Jane's Defence Weekly cuối tháng 7/2012, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới mang tên DF-41.

Loại ICBM mới này được cho là trang bị công nghệ cũng như khả năng hủy diệt ghê ghớm nhất trong kho vũ khí của lực lượng "nhị pháo" Trung Quốc (lực lượng tên lửa).

Tầm bắn của DF-41 được cho  lên đến 12.000km đủ sức bao phủ toàn bộ nước Mỹ. Quan trọng hơn cả DF-41 được trang bị công nghệ MIRV (Multiple independently targetable reentry vehicle - phương tiện tái nhập khí quyển nhiều mục tiêu độc lập) có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân tấn công 10 mục tiêu khác nhau.

Minh họa cơ chế tách đầu đạn của công nghệ MIRV.


Thiết kế "hoàn toàn mới"

Thông số kỹ thuật chính xác của DF-41 vẫn là dấu hỏi lớn. Sự phát triển của loại ICBM chiến lược này được bảo mật thông tin rất chặt chẽ.

Theo Jane’s Defence Weekly, DF-41 là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn 3 tầng đẩy. Tên lửa có chiều dài 15m, đường kính 2m, có trọng lượng 30 tấn. Tên lửa được bố trí trên xe phóng đặc chủng, hoặc đặt trong giếng phóng cố định.

 

Xe phóng tên lửa ICBM DF-41, thoạt nhìn khá giống với tên lửa RS-12M Topol của Nga.

Trung Quốc đã thông qua chương trình phát triển loại ICBM chiến lược này từ năm 1986. 

Trong kho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc hiện nay có các loại tầm ngắn như DF-11, DF-15, tầm trung DF-21, và liên lục địa DF-31 vừa được đưa vào sử dụng. Trong đó, DF-31  là1 cơ sở để tiếp tục phát triển ICBM chiến lược đủ khả năng tấn công trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, những hạn chế về công nghệ đã không cho phép Trung Quốc đạt được mong muốn là nhằm nhanh chóng phát triển năng lực răn đe hạt nhân đẳng cấp.

Các loại tên lửa ICBM như DF-31 giải quyết được phần nào về tầm bắn, song chỉ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân duy nhất. Điều này làm cho tên lửa dễ bị vô hiệu hóa bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại như Aegis.

Quá trình thiết kế khí động học và cơ cấu phóng của tên lửa được cho là hoàn thành vào năm 1999,  lúc đầu nhiều nguồn tin cho rằng, DF-41 sử dụng 2 tầng đẩy đầu tiên của tên lửa DF-31 và bổ sung thêm một tầng đẩy thứ 3. Tuy nhiên, thiết kế này sau đó được xác nhận là DF-31A còn DF-41 là một thiết kế hoàn toàn mới.

Dự kiến, DF-41 được thử nghiệm từ năm 2001. Tuy nhiên, sau đó tên lửa được thử nghiệm là DF-31A. Mẫu tên lửa được cho là DF-41 xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc vào năm 2007. Hình ảnh ống phóng đặt trên bệ phóng cơ động hoàn toàn mới, không giống với bất kỳ mẫu tên lửa nào trước đó của Trung Quốc.

Tên lửa được cho là có khả năng phóng lạnh, sử dụng các rocket phụ để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng tới một độ cao nhất định trước khi động cơ chính của tên lửa được khởi động. Cơ chế này tương tự cơ chế phóng của tên lửa ICBM RS-12M Topol của Nga.

DF-41 có là mối đe dọa?

Một tên lửa ICBM mang đầu đạn hạt nhân đã tạo ra một mối đe dọa lớn cho bất cứ mục tiêu nào trên trái đất, nhưng với một ICBM có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân tấn công 10 mục tiêu khác nhau thì mối đe dọa không chỉ tăng lên 10 lần.

Để tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn khác nhau nó phải được thiết kế với công nghệ MIRV. Hiện nay trên thế giới chỉ có Nga, Mỹ làm chủ được công nghệ này.

MIRV là công nghệ cực kỳ phức tạp. Sau khi tên lửa tách hết tầng đẩy và đưa đầu đạn chính vượt ra ngoài khí quyển, máy vi tính trên phương tiện mang đầu đạn sẽ thiết lập quỹ đạo riêng cho từng đầu đạn và sử dụng động cơ tên lửa để đưa đầu đạn vào đúng quỹ đạo của nó.

Quá trình này lặp lại cho tất cả các đầu đạn, mỗi đầu đạn có một hệ thống dẫn hướng quán tính riêng, tọa độ của mục tiêu sẽ được nạp vào tên lửa trước khi phóng.

Ngoài sự phức tạp của cơ chế tách đầu đạn, việc đưa đầu đạn vào đúng quỹ đạo và tọa độ đã được định sẵn cần có sự hỗ trợ của mạng lưới thông tin liên lạc vệ tinh khổng lồ.

Việc Trung Quốc có thể nâng tầm bắn của các ICBM vượt qua 10.000km không phải là điều ngạc nhiên và quá khó khăn đối với họ. Tuy nhiên, nếu DF-41 được trang bị công nghệ MIRV thì khả năng đe dọa hạt nhân của nó không chỉ với nước Mỹ mà trên toàn thế giới.

Theo một số nguồn tin, CEP (sai số vòng tròn bán kính) của DF-41 khá lớn, từ 700-800m (chỉ số này của các ICBM Nga, Mỹ từ 200-300 mét). Điều này bộc lộ điểm yếu về công nghệ dẫn hướng quán tính của Trung Quốc.
 
Khi chỉ số CEP lớn, tên lửa buộc phải trang bị các đầu đạn lớn hơn để tăng phạm vi thiệt hại. Điều này đồng nghĩa với việc tên lửa khó có thể mang nhiều đầu đạn. Do đó, khả năng mang 10 đầu đạn của DF-41 chỉ là phỏng đoán.
 

 

DF-41 được cho là có lần phóng thử đầu tiên vào ngày 24/07/2012 tại trung tâm thử nghiệm tên lửa tại tỉnh Sơn Đông.

Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, chuyên gia phân tích quân sự Andrew Chang người thường xuyên cộng tác với Tạp chí Khán Hòa khẳng định: "Sự phát triển của DF-41 là có thật, song thử nghiệm vào ngày 24/07/2012 hoàn toàn không có".

Vị chuyên gia này cho biết thêm, thông tin về việc thử nghiệm của DF-41 được đẳng tải trên Jane's Defence Weekly chỉ là một trò bịp mang tên Thời Báo Hoàn Cầu.

Hiện tại, Trung Quốc không đủ khả năng để thực hiện một chu trình bay thử nghiệm đối với ICBM thế hệ thứ 3.

Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn không thể giải quyết hết tất cả các vấn đề kỹ thuật của dự án cho dù nó đã có quãng thời gian phát triển hơn 20 năm.

Một trong những thử thách lớn nhất là quá trình phân tách đầu đạn của công nghệ MIRV.

Mark Stokes, giám đốc Viện 2049 một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Virginia, Mỹ nhận định: “Tên lửa mới kết hợp một động cơ mới lớn hơn, ổn định hơn so với DF-31” việc phát triển hệ thống động cơ mới sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao hơn.

Mối quan ngại cho các nước trong khu vực

Sự phát triển của DF-41 là có thật, thông tin về tầm bắn của DF-41 củng có thể là chính xác, tuy nhiên tên lửa thực sự có công nghệ MIRV với khả năng mang tới 10 đầu đạn hay không vẫn là ẩn số.

Những thông tin hiện nay về DF-41 đều dựa trên những nhận định của các nhà phân tích quân sự không có gì đảm bảo chính xác hoàn toàn.

 

Trung Quốc sẽ sử dụng loại ICBM DF-41 vào mục địch gì?

Chưa có bất kỳ báo cáo nào về thử nghiệm công nghệ MIRV được tiến hành tại Trung Quốc, nhiều khả năng họ vẫn chưa thực sự sẵn sàng với loại công nghệ cực kỳ phức tạp này.

Cho dù khả năng thực sự của DF-41 vẫn chưa rõ ràng nhưng với sự phát triển của nó đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có kho tên lửa đạn đạo phong phú trên thế giới từ tầm ngắn, tầm trung đến liên lục địa, trong khi Nga Mỹ chỉ có tầm ngắn và liên lục địa.

Sự phát triển bí ẩn của DF-41 làm dấy lên mối quan ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nước này nhiều lần tuyên bố “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” nhưng vẫn liên tục phát triển các loại ICBM mới với tầm bắn và công nghệ ngày càng phức tạp.

Một vấn đề quan trọng nữa là Trung Quốc chưa bao giờ công bố một cách rõ ràng về mục đích phát triển các loại vũ khí của mình đặc biệt là những vũ khí chiến lược. Dù công nghệ tên lửa ICBM Trung Quốc không thực sự tinh vi như của Nga Mỹ nhưng sự mập mờ của họ khó có thể khiến các quốc gia khác yên tâm.

Quốc Việt / Theo ĐVO

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te