TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Báo Trung Quốc: Bắc Kinh-Tokyo không còn đường lùi trong vấn đề Điếu Ngư

Những căng thẳng  giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại biển Hoa Đông đã được đẩy lên đến cao trào. Dư luận và truyền thông Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh hiện đã không còn đường lùi và cần phải làm tốt công tác chuẩn bị cho trận hải chiến với Tokyo, song song với đó là một cuộc “chiến tranh nhân dân”.

Những diễn biến gần đây tại Hoa Đông đã đẩy tâm lý đối đầu cũng như thù địch trong xã hội ở cả Nhật Bản và Trung Quốc lên đến cao độ, sự việc tiếp tục đi đến chỗ mất kiểm soát.

Tờ “Thời báo Hoàn cầu” của Trung Quốc cho rằng chính quyền Bắc Kinh hiện không thể tiếp tục đơn phương áp dụng giải pháp kiềm chế trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku vì như vậy sẽ gây tổn thất nặng nề cho tinh thần đoàn kết chung trong xã hội cũng như làm phương hại lớn đến uy tín của nhà cầm quyền. Trung Quốc chỉ có thể thuận theo mong muốn của người dân, từng bước triển khai các hành động tranh chấp, khống chế thực sự đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Đây có thể sẽ là sự mạo hiểm chiến lược đối với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh buộc phải đối mặt và điều khiển sự mạo hiểm đó, đặc biệt trong giai đoạn dân chủ hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo báo trên, nếu vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trở thành một “cái hố” trên con đường trỗi dậy của Trung Quốc, "chúng ta buộc phải vượt qua trở ngại đó". Xã hội Trung Quốc hoàn toàn không đòi hỏi ngay lập tức phải giành lại toàn bộ quần đảo này vì họ hiểu rõ rằng đây là việc làm rất khó khăn. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc không chấp nhận sự cứng rắn của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku. Trong vấn đề này, Trung Quốc phải tiến lên phía trước, không được lùi bước hoặt giẫm chân tại chỗ. Đó chính là viễn cảnh mà người dân Trung Quốc mong muốn được chứng kiến.

Nhiều học giả và nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng đòi hỏi trên thiếu trí tuệ chiến lược. Trung Quốc nên kiềm chế, tiếp tục lấy việc tăng cường sức mạnh để đối trọng với Nhật Bản và Mỹ nhằm tạo cơ hội thực sự chắc chắn cho việc thu hồi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Tuy nhiên, chủ trương này không thể thực hiện trong bối cảnh chính trị thực tế hiện nay.

“Thời báo Hoàn cầu” khẳng định Trung Quốc cần phải dũng cảm và mưu lược trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku để tạo ra cục diện mới đấu tranh với Nhật Bản. Lực lượng chấp pháp của Trung Quốc phải tiến vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và đảm bảo khả năng sẵn sàng bắt giữ những người Nhật Bản đặt chân lên đảo. Trước mắt, tất cả những việc làm này sẽ rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải trở thành mục tiêu từ nay về sau của Chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ Điếu Ngư/Senkaku. Điều này có thể sẽ tạo ra cục diện căng thẳng trên biển giữa Bắc Kinh và Tokyo, nhưng Trung Quốc hoàn toàn không có gì phải lo ngại.

Đối với Trung Quốc, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không chỉ là sự che chắn quan trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc và là kho báu tàng trữ nguồn dầu khí, hải sản phong phú, mà quan trọng hơn, nó còn được dùng để thể hiện rằng sự chấp chính của Trung Quốc là vì đất nước, là vì bảo vệ lợi ích dân tộc. Bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc ra sức đẩy mạnh giáo dục “chủ nghĩa yêu nước". Chủ nghĩa dân tộc (tức là “chủ nghĩa yêu nước” mà Trung Quốc tuyên truyền) vì thế trở thành lá bài quan trọng để bảo đảm nắm chắc chính quyền, theo đó, nhà cầm quyền thỉnh thoảng lại khơi ra vấn đề tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, tạo ra chút căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật để thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Có thể nói, vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và lịch sử Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc đã là công cụ quan trọng để Trung Quốc thể hiện lập trường chủ nghĩa dân tộc của mình, và người Nhật Bản đã liên tục bị lôi vào “vở diễn” này của Bắc Kinh.

Trung Quốc dọa dùng “chiến tranh nhân dân”

Việc chính quyền Tokyo tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo Senkuka/Điếu Ngư đã đưa căng thẳng Trung-Nhật đến bên bờ một cuộc chiến tranh nóng. Trung Quốc đưa 2 tàu hải giám đến vùng biển quanh quần đảo này để thể hiện tuyên bố chủ quyền của mình. Theo Tân Hoa xã, các tàu hải giám này của Trung Quốc đã thảo một kế hoạch hành động nhằm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ” và sẽ có hành động để tình hình không leo thang.


Tàu Hải giám 46 (cùng với Hải giám 49) của Trung Quốc được cho là đã được điều đến Điếu Ngư/Senkaku

Đáp lại, lực lượng tuần duyên Nhật Bản cũng “sẵn sàng nghênh tiếp” tàu hải giám Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã ra lệnh cho các lực lượng phòng vệ (JSDF) sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp. Phát biểu trước 180 quan chức quân đội, ông Noda cho rằng một số nước lân cận ngày càng đẩy mạnh hoạt động quân sự, do đó JSDF cần theo dõi sát sao để ứng phó kịp thời.

Nguy hiểm hơn, tờ Minh Báo của Hong Kong cảnh báo Nhật Bản có thể phải đối mặt với một cuộc “chiến tranh nhân dân” do chính phủ Trung Quốc phát động. Bằng chứng nằm ở bình luận “bật đèn xanh” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi về các cuộc biểu tình chống Nhật ngày 11/9. Một mặt kêu gọi người biểu tình chừng mực, mặt khác, ông Hồng lại bảo “có thể hiểu được lòng yêu nước” của họ và cho rằng bảo vệ đất nước trước ngoại xâm là trách nhiệm của từng công dân Trung Quốc, bất kể là thường dân hay tướng sĩ.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu dự báo thời tiết ở Điếu Ngư trên đài truyền hình quốc gia, sóng thát thanh và internet từ ngày 11/9. Hai cục Khí tượng và Hải dương Trung Quốc cho biết dịch vụ này nhằm bảo vệ an toàn cho tàu thuyền của ngư dân và hải quân Trung Quốc trong khu vực.

Ngoài chiêu bài “chiến tranh nhân dân”, ông Vương Dật Châu, Hiệu phó Trường Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, còn đề xuất chính phủ Trung Quốc “trừng phạt Nhật Bản bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm”. Các cuộc đàm phán nhằm giành một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Nhật Bản có khả năng cũng bị Trung Quốc cản trở./.

Võ Vân
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te