Hàng chục nghìn người Syria biến mất một cách bí ẩn được cho là có liên quan đến quân đội Chính phủ.
Tổ chức nhân quyền tại Syria gần đây cho biết, ít nhất 28.000 người Syria đã biến mất do bị binh lính hoặc lực lượng quân sự bắt cóc. Tổ chức này hiện đã nắm được danh sách đầy đủ của 18.000 người mất tích từ các cuộc biểu tình chống Chính phủ từ 18 tháng trước và 10.000 trường hợp khác.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài khiến người dân lâm vào cảnh mất mát đau thương
Tổ chức các nhà hoạt động trực tuyến có tên Avaaz tuyên bố: "Không ai được an toàn" từ chiến dịch mà quân Chính phủ gọi là truy quét khủng bố. Chính quyền Syria dự định gửi bản báo cáo lên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc để điều tra rõ sự việc này. Thậm chí, Avaaz đã tập hợp lời khai của người nhà những người Syria mất tích và bị lực lượng của Chính phủ bắt cóc.
Bà Alice Jay, giám đốc chiến dịch tại Avaaz cho hay, người Syria đang biến mất dần và trên đường phố chỉ còn bóng dáng của lực lượng an ninh và lực lượng bán quân sự. Nhiều người Syria đã bị bắt cóc ngay trong các cuộc biểu tình trên đường phố và "biến mất" một cách bí ẩn trong các phòng tra tấn. Cho dù đó là phụ nữ đi mua hàng tạp hóa hoặc nông dân đi mua nhiên liệu, không ai được an toàn.
Anh Fadel Abdulghani thuộc Mạng lưới Nhân quyền Syria ước tính, khoảng 28.000 người đã biến mất kể từ khi tình trạng chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad xảy ra hồi năm trước. Nhưng Muhannad al-Hasani của tổ chức nhân quyền Sawasya còn đưa ra một con số cao hơn: "Theo thông tin nhận được từ các ngôi làng ở Syria, chúng tôi nghĩ, có thể số người mất tích đã lên tới 80.000 người. Hầu hết mọi người đều bị bắt cóc trong đêm, trên đường phố và khi không có ai để ý". Luật sư Muhammad Khalil của tổ chức cũng lên tiếng, mặc dù không có con số cụ thể, nhưng hàng nghìn người cũng đã biến mất từ hồi tháng 3/2011.
Avaaz là tổ chức quyên góp tài trợ, đồng thời cũng thực hiện các chiến dịch và kiến nghị, thiết lập một mạng lưới các nhà báo ở nước ngoài, trong đó có Syria. Tổ chức này còn phân phối các thiết bị ghi âm và máy ảnh cho các nhà hoạt động địa phương để ghi lại các sự kiện và giúp cung cấp các con số chính xác về số người chết và số người bị bắt giữ tại nước này.
Chính phủ Syria vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào cho những tuyên bố trên, mặc dù trước đây, họ đã từng phủ nhận các bản báo cáo về việc lạm dụng nhân quyền. LHQ còn cho biết, hơn 18.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột, 170.000 người phải chạy trốn ra nước ngoài và 2,5 triệu người cần viện trợ trong nước. Các nhà hoạt động nhân quyền và nhóm đối lập đã đưa số người chết lên đến hơn 30.000 người. Nếu số người chết và mất tích tại Syria tiếp tục tăng thì khả năng Syria bị "xóa sổ" có thể trở thành sự thật.
Do tình hình bạo lực đang tiếp tục leo thang và tình hình biến mất của hàng nghìn người Syria, Đặc phái viên chung Liên Hiệp Quốc-Liên đoàn Ả Rập về Syria, ông Lakhdar Brahimi sẽ đến Syria và có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Walid Muallem tại Damascus. Ông Brahimi đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn trong ngày lễ Hồi giáo Eid al-Adha hay còn gọi là Lễ hiến sinh, tổ chức từ ngày 25/10 để đi đến một tiến trình chính trị tốt đẹp hơn.
Trong một diễn biến khác, giới chức phe nổi dậy Syria cho biết, một số đơn vị quân nổi dậy nước này đã có được những vũ khí phòng không tiên tiến.
Đặc phái viên Lakhdar Brahimi đã nhận định cuộc nội chiến ở Syria có nguy cơ bùng phát xuyên biên giới và trở thành một cuộc xung đột "mang tính hủy diệt tất cả" nếu không được giải quyết triệt để. Ông Brahimi cho rằng, cuộc xung đột kéo dài 19 tháng qua ở Syria có thể dìm toàn bộ khu vực Trung Đông trong biển lửa. Ông cũng bày tỏ hy vọng tháng lễ Hồi giáo Eid al-Adha là cơ hội cho cả hai bên ngừng bắn, đồng thời cảnh báo Trung Đông sẽ còn phải chịu đựng nếu bạo lực vẫn tiếp diễn. |
Hồng Nhung(Theo BBC, NĐT)