TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

‘Tiêu diệt Osama: Cuộc chiến bí mật của Barack Obama’

Cuốn sách "Tiêu diệt Osama: Cuộc chiến bí mật của Barack Obama" đã mô tả một cuộc truy sát ly kỳ không kém một bộ phim trinh thám “bom tấn” của Hollywood.

 

 

 


Một năm sau cái chết của Bin Laden, nhiều cuốn sách đã được xuất bản về quá trình truy lùng trùm khủng bố khét tiếng này. Đầu liên là cuốn sách về tiêu diệt Bin Laden của một cựu lính đặc nhiệm Navy Seals từng tham gia chiến dịch đột kích này.

Mới đây là cuốn sách “Tiêu diệt Obama: Cuộc chiến bí mật của Barack Obama” của phóng viên Mark Bowden kể lại quá trình săn lùng Bin Laden, về những yếu tố ngẫu nhiên và về những rủi ro mà Tổng thống Obama phải đối mặt, khi ông quyết định tiến hành chiến dịch đột kích vào thành phố Abbottabad, nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan.

Tác giả Bowden, 61 tuổi, rất nổi tiếng với thể loại điều tra phóng sự.
Ảnh article.wn.com


Tác giả Bowden, 61 tuổi, vốn đã rất nổi tiếng với thể loại điều tra phóng sự. Trong một cuốn sách trước đó, ông đã mô tả cuộc săn lùng “Vua ma túy” Pablo Escobar (Colombia), một trong những tên tội phạm khét tiếng nhất và giàu có nhất trên thế giới. 

Để viết cuốn sách về săn lùng Bin Laden, tác giả Mark Bowden đã nói chuyện với đương kim Tổng thống Barack Obama. Cuốn sách mới này quả là hấp dẫn, ly kỳ không kém gì các bộ phim trinh thám ăn khách nhất.

Tổng thống Bush trồng cây, Tổng thống Obama hái quả

Sau các vụ tấn công khủng bố chống nước Mỹ ngày 11/9/2001, Osama bin Laden đã trở thành kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Để có được thông tin về Bin Laden, Bộ thông tin Mỹ đã treo giải thưởng 25 triệu USD cho ai cung cấp thông tin chính xác về trùm khủng bố khét tiếng này. Ngoài ra, Hiệp hội các hãng hàng không và Hiệp hội phi công Mỹ cũng treo giải thêm 2 triệu USD nữa. 

Tổng thống tiền nhiệm George W Bush đã làm tất cả những gì có thể để “tóm” Osama bin Laden trong thời kỳ ông còn ngồi ở Nhà Trắng. Hàng ngày, ông Bush đều hỏi đám nhân viên tình báo và chuyên gia an ninh về việc công việc truy lùng bin Laden tiến triển đến đâu.
 

Ông Bush trồng cây, ông Obama hái quả.  Ảnh Foreign Policy


Thế nhưng Tổng thống kế nhiệm Obama lại là người lần ra dấu vết của Bin Laden và tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden là thành công lớn nhất của ông trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

Phân tích, xâu chuỗi các sự kiện

Rõ ràng, dấu vết dẫn đến Abbottabad quả là một chiến công của các nhà phân tích, xâu chuỗi các sự kiện. Trong trường hợp này, người ta bắt đầu với một cái tên. Đó không phải là một cái tên thật mà là biệt danh của một kẻ nào đó đã bị ngộ nhận là đã chết.

Cái tên Abu Ahmed al-Kuwaiti là cái tên lần đầu tiên được giới chức ở Mauretania nhắc đến và đó là cái tên của một thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda. Abu Ahmed al-Kuwaiti có nghĩa là “người cha của Ahmed đến từ Kuwait” và đó là một cái tên trong hàng nghìn cái tên trong kho dữ liệu của tổ chức khủng bố al-Qaeda. 

Sau đó một năm, một người đàn ông trẻ tuổi ở Saudi Arabia cũng nói về cái tên Abu Ahmed al-Kuwaiti và cũng về cái con người đầy bí ẩn này. Trong vòng một năm, cái tên Abu Ahmed al-Kuwaiti được hai người ở hai nước khác nhau nhắc đến hai lần. Thế nhưng, khi đó CIA chưa để ý đến. Mấy năm sau, CIA mới có một phần mềm để khai thác hữu hiệu kho dư liệu khổng lồ thu thập được.

Trong khi đó, hai nghi can khủng bố bị giam giữ cũng nhắc đến cái tên Abu Ahmed al-Kuwaiti. Một trong hai nghi can nói trên cho biết Abu Ahmed al-Kuwaiti là một người đưa tin quan trọng, một cộng sự đắc lực của Osama bin Laden. Sau đó, CIA tập trung sự chú ý vào nhân vật quan trọng này.

Mãi đến năm 2007, CIA mới xác định được Abu Ahmed al-Kuwaiti chính là bí danh của Ibrahim Said Ahmed. Hiện chưa rõ, CIA đã xác định nhân thân của Abu Ahmed al-Kuwaiti bằng cách nào. Có thể CIA đã nhận được thông báo của mạng lưới cộng tác viên. Cũng có thể, CIA biết được điều này qua thẩm vấn một nghi can khủng bố bị bắt giữ ở nước ngoài và biết đâu, CIA lại thông qua hệ thống máy tính điện tử vô cùng hiện đại để phân tích, xâu chuỗi các sự kiện.

Abu Ahmed al-Kuwaiti là ai?

Ibrahim Said Ahmed xuất thân từ một dòng tộc lớn ở Pakistan chuyển sang sinh sống ở Kuwait. Ông ta sinh ra lớn lên ở Kuwait và có trong tay số máy điện thoại, địa chỉ bưu điện và máy tính nối mạng Internet. Ahmed thường xuyên vào mạng Internet vốn bị CIA giám sát 24/24 giờ. 

Ahmed sống trong một ngôi biệt thự lớn ở thành phố Abbottabad. Các nhà điều tra của CIA phát hiện ra rằng Ahmad và em trai cư xử rất kín đáo.  Hai người này chỉ dùng điện thoại khi ngồi trên ô tô. Ahmed có một chiếc Suzuki Jimny màu trắng, gắn bánh xe dự phòng ở phía sau nên dễ nhận biết từ trên không trung. Ahmed thường lái xe lòng vòng ít nhất một tiếng đồng hồ sau khi rời khu biệt thự ở Abbottabad.

Những dữ liệu này khiến cho CIA chú ý bởi vì khi Ibrahim Said Ahmed vẫn còn làm nhiệm vụ người đưa tin, anh ta chắc chắn sẽ bộc lộ nơi ẩn náu của Osama bin Laden.

Các cuộc điện thoại của anh em nhà Ahmed đã bị CIA nghe trộm. Anh em nhà này không hề cho biết mình đang làm gì và luôn giấu giếm người thân về nơi họ đang cư trú. Trong một cuộc điện đàm với họ hàng, Ahmed đã vô tình tiết lộ vẫn làm việc cho al-Qaeda, khi nói: “Tôi vẫn không có gì thay đổi so với trước đây”. 

Ngôi biệt thự bí ẩn đáng ngờ ở Abbottabad

Qua lộ trình của Ahmed, CIA đặc biệt chú ý đến một khu biệt thự ở Abbottabad, rộng gấp 8 lần các khu biệt thự gần kề. Không giống như các ngôi nhà gần kề khác, khu biệt thự này không kết nối Internet và cũng không nối mạng điện thoại cố định. Các bức tường bao quanh cao đáng ngờ và trên đó còn căng lưới dây thép gai cao thêm 0,6m. Thậm chí sân thượng ở phía sau, trên tầng ba còn được bao quanh bằng một bức tường cao quá đầu người.
 

Ngôi biệt thự bí ẩn đáng ngờ ở Abbottabad. Ảnh cbsnews.com


Người ta không thể nào nhìn vào bên trong ngôi nhà, bất kể từ trên không hay trên mặt đất. Các cửa sổ của ngôi biệt thự này được lắp kính phản quang hoặc được phủ một lớp tương tự.  CIA đã phát hiện ra rằng không chỉ có gia đình Ibrahim Said Ahmed mà còn có gia đình của người em trai sống trong khu biệt thự “kín cổng, cao tường” này.  Một điều đáng chú ý nữa là hai em nhà Ahmed đã dùng tên giả để giao tiếp với láng giềng.

Sinh hoạt trong khu biệt thự to lớn nói trên cũng khiến cho CIA đặc biệt lưu ý. Hai anh em nhà Ahmed đặc biệt chú trọng đến các biệt pháp bảo đảm an ninh. Ngoài những bức tường bao cao chót vót được căng lưới dây thép gai, những người sống trong khu biệt thự này không bao giờ đổ rác thải mà thường đốt chúng trong vườn. Không một đứa trẻ nào rời khu biệt thự để đi học hoặc đi khám bệnh.

CIA bí mật điều tra, theo dõi

CIA đã bí mật theo dõi khu biệt thự này và chụp rất nhiều bức ảnh từ trên vệ vinh cũng như phái nhiều điệp viên chìm đến bí mật điều tra, do thám. Tuy không thể lọt vào bên trong khu biệt thự, nhưng các nhân viên chìm của CIA đã thu thập từ những người láng giềng khá nhiều thông tin hữu ích và hỏi nhiều câu tưởng chừng vu vơ không gây chú ý nhưng lại hoàn toàn có chủ đích. 

Rốt cuộc, CIA đã phát hiện ra rằng còn có một gia đình nữa sống trên tầng ba của khu biệt thự và không một thành viên nào của gia đình này ra khỏi phạm vi của những bức tường bao quanh. Những người láng giềng ở Abbottabad không hề biết gì về sự hiện diện của gia đình thứ ba trong ngôi biệt thự này. Có nhiều dấu hiệu cho thấy anh em nhà Ahmed chính là người đưa tin của gia đình bí mật nói trên vì một trong hai anh em nhà này bao giờ cũng có mặt trong ngôi biệt thự đó.
 

Ảnh chụp từ trên không của CIA. Ảnh AP/CIA


CIA đã sử dụng máy bay không người lái liên tục theo dõi ngôi biệt thự nói trên. Những hình ảnh ghi được cho thấy một người đàn ông cao gầy khoác bộ tang phục Pashtun truyền thống, vấn khăn trên đầu… hàng ngày đi dạo ở khu vườn bên trong bức tường rào. Khu vườn này có cây xanh bao phủ, có lẽ để che nắng và để tránh bị quan sát từ trên không. 

Tuy nhiên, các máy bay không người lái của Mỹ vẫn chụp được khá nhiều hình ảnh của người đàn ông bí ẩn nói trên, nhưng chưa bao giờ chụp được khuôn mặt mà chỉ chụp được cái dáng cao gầy mà anh em nhà Ahmed chưa bao giờ có được.

Vì sao Tổng thống Obama phải hành động gấp gáp?

Cuối cùng, hàng trăm nhân vật thân cận với Tổng thống Obama cũng biết đến những thông tin mà CIA thu thập được và kế hoạch hành động sắp tới. “Một miệng thì kín, chín miệng thì hở” và CIA không loại trừ khả năng có một ai đó tiết lộ bí mật vô cùng quan trọng này. Điều này đã buộc Tổng thống Obama và giới chức hữu quan phải nhanh chóng hành động.

Theo tác giả Mark Bowden, cho đến khi Tổng thống Obama ra quyết định tiến hành chiến dịch đột kích Abbottabad, khả năng Osama bin Laden ở trong khu biệt thự nói trên chỉ là 50 trên 50. Cho đến khi lính đặc nhiệm của Navy Seals đột nhập vào tận phòng ngủ của Bin Laden, người ta vẫn còn chưa dám chắc 100% rằng liệu đây có phải là trùm khủng bố khét tiếng hay không. 
 

Tổng thống Obama và các cộng sự thân tín theo dõi chiến dịch đột kích, tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh REUTERS


Tổng thống Obama và các cộng sự thân tín đã suy tính kỹ càng về mọi điều lợi, hại của cuộc đột kích vào lãnh thổ của nước Pakistan đồng minh nhưng có chủ quyền. Rốt cuộc, ông đã quyết định đặt dấu chấm hết cho cái chương bi thảm về các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và giáng cho mạng lưới al-Qaeda một đòn chí tử, bất chấp những rắc rối về ngoại giao có thể xảy ra. 


 

Minh Bích (theo Spiegel.de, ĐVO)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te