TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

10 vụ ám sát hụt nổi tiếng trong lịch sử

Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới luôn có không ít kẻ địch, do đó, họ thường phải đối mặt với những nguy cơ bị ám sát. Tuy nhiên, không phải vụ ám sát nào cũng thành công và do đó, nhiều nhà lãnh đạo may mắn tránh được cái chết trong gang tấc.
 

1. Vụ ám sát hụt Adolf Hitler, năm 1944

Đây được xem là vụ mưu sát huyền thoại trong chiến tranh thế giới thứ 2. Người lĩnh nhiệm vụ ám sát Hitler là Đại tá Claus von Stauffenberg, một nhà quý tộc người Đức. Stauffenberg đồng thời cũng là Tham mưu trưởng Lực lượng dự bị trong đội quân Đức Quốc xã nhưng lại có tư tưởng chống Hitler. Trên thực tế, kế hoạch ám sát Hitler được chuẩn bị kỹ càng trong một thời gian dài và được ấn định thực hiện vào ngày 20/7/1944. Theo kế hoạch, Đại tá Stauffenberg đã đặt bom trong phòng họp của Hitler, gần vị trí ngồi của trùm Đức Quốc xã nhất.

Quả bom đã phát nổ ngay sau khi Đại tá Stauffenberge rời khỏi căn phòng, làm 4 người thiệt mạng nhưng Hitler lại không hề hấn gì. Lý do là, chiếc bàn làm bằng gỗ sồi nơi Hitler ngồi với kết cấu đặc biệt vô tình giảm tác động của quả bom, cứu mạng Hitler. Ngay lập tức, trùm Đức Quốc xã tiến hành càn quét để săn lùng kẻ chủ mưu. Đại tá Stauffenberg và những người nhúng tay vào kế hoạch ám sát đều không tránh khỏi cái chết thảm khốc. Thậm chí, người nhà của họ cũng bị bắt vào các trại tập trung và bị tra tấn cho đến chết.

Tuy nhiên, nếu vụ ám sát thành công, Đức Quốc xã sẽ bị lật đổ. Chiến tranh thế giới thứ 2 cũng vì thế có thể kết thúc sớm hơn 10 năm, cứu rỗi hàng triệu sinh mạng và bối cảnh chính trị châu Âu cũng sẽ thay đổi. Thậm chí, bức tranh ảm đảm, phức tạp của Chiến tranh Lạnh cũng có thể sẽ đổi thay.

2. Vụ ám sát hụt Hoàng đế Đức Wilhelm II, năm 1901

Vào ngày 6/3/1901, một kẻ cuồng loạn theo chủ nghĩa vô Chính phủ đã bắn một phát đạn nhằm vào Hoàng đế Wilhelm II khi ông tới thăm Bremen. Tuy nhiên, viên đạn đi chệch hướng và Hoàng đế Wilhelm II chỉ bị thương nhẹ.

Hoàng đế Wilhelm II là một trong những nhân vật chủ chốt trong lịch sử châu Âu vào thế kỷ 20 và những chính sách của ông đóng vai trò quyết định dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ nhất. Do đó, nếu vụ ám sát năm 1901 thành công, thế giới sẽ tránh được một cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu và tiến trình lịch sử (đặc biệt là ở châu Âu) hứa hẹn sẽ chuyển biến theo hướng khác.

3. Vụ ám sát hụt Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln, năm 1864

Trước khi bị diễn viên John Wilkes Booth bắn chết vào năm 1865, ít người biết, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng bị ám sát hụt vào tháng 8/1964. Vụ ám sát xảy ra khi Tổng thống Lincoln đang ngồi trên xe ngựa dạo trên đường phố Washington. Kẻ tấn công đã bắn một phát đạn về phía Tổng thống Mỹ. Phát đạn đi chệch hướng, sượt qua đầu Lincoln chỉ trong gang tấc nhưng làm mũ ông thủng một lỗ, súy khiến Lincoln mất mạng.

Giả sử vụ ám sát Tổng thống Lincoln vào năm 1864 thành công, cuộc nội chiến của Mỹ nhiều khả năng sẽ không thể chấm dứt vào năm 1865 khi phe miền Nam có thể nỗ lực cầm cự lâu hơn và tiếp tục chiến đấu chống lại miền Bắc. Lịch sử nước Mỹ do đó, sẽ rẽ sang một chương khác.

4. Vụ ám sát hụt Tổng thống Franklin Roosevelt, năm 1933

Franklin Roosevelt là Tổng thống thứ 32 của Mỹ và là nhân vật trung tâm của các sự kiện thế giới trong giữa thế kỷ 20. Ông được biết đến như là một huyền thoại trong lịch sử, từng lãnh đạo nước Mỹ trải qua cuộc Đại suy thoái trầm trọng của toàn thế giới năm 1933 cũng như cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Roosevelt cũng là Tổng thống Mỹ duy nhất đắc cử tới 4 nhiệm kỳ.

Vụ ám sát hụt ông Roosevelt xảy ra tại Miami, Florida vào tháng 2/1933, khi ông vẫn chưa trở thành Tổng thống Mỹ. Giuseppe Zangara, một kẻ nhập cư điên loạn người Italy đã nã 5 phát đạn về phía chiếc xe hơi chở Roosevelt. Tuy nhiên, những viên đạn đều đi chệch mục tiêu. Tuy nhiên, không may Thị trưởng Chicago, Anton Cermak, người ngồi cùng xe với ông Roosevelt hứng đạn thay và thiệt mạng.

Nếu Zangara ám sát Roosevelt thành công, nước Mỹ sẽ mất một lãnh tụ kiệt xuất. Người Mỹ sẽ có một tổng thống thứ 32 khác mà không phải là Franklin Roosevelt. Tuy nhiên, bất kể vị tổng thống đó là ai, cũng thật khó tưởng tượng họ cũng có khả năng tìm ra các biện pháp ưu việt và đưa ra các chính sách tuyệt vời để giải quyết các vấn đề thách thức đối với  nước Mỹ tương tự như Tổng thống Roosevelt đã làm. Lịch sử nước Mỹ do đó, sẽ rẽ sang hướng khác.

5. Vụ ám sát hụt trùm phát xít Italy, Benito Mussolini, năm 1926

Năm 1926 là một năm đen đủi đói với trùm phát xít Italy, Benito Mussolini khi bị ám sát tới 4 lần trong 7 tháng. Tuy nhiên, xét trên một khía cạnh khác, khi không có bất cứ nỗ lực ám sát trùm phát xít nào thành công, năm 1926 có thể là năm may mắn của Benito Mussolini và là năm tồi tệ cho Italy cũng như toàn thế giới.

Vụ ám sát đầu tiên được thực hiện bởi một phụ nữ người Ireland. Người phụ nữ này đã bắn một phát đạn về Benito. Tuy nhiên, viên đạn bay sượt qua mũi của tên trùm phát xít. Ba vụ ám sát còn lại, đều do các sát thủ nam thực hiện, bị phát giác khi còn ở trong giai đoạn lên kế hoạch.

Tuy nhiên, nếu một trong những vụ ám sát trên thành công, đảng Phát xít Italy sẽ không chỉ mất đi người lãnh đạo phong trào mà còn có khả năng suy giảm quyền lực hoặc thậm chí, mất quyền lãnh đạo Italy. Cục diện chính trị thế giới vì lẽ đó, có thể thay đổi.

 

6. Vụ ám sát hụt nhà cách mạng Liên Xô, V.I. Lenin, năm 1918

Ngày 30/8/1918, Fanya Kaplan, một thành viên của Đảng Xã hội Cách mạng Nga, tiếp cận nhà lãnh đạo kiệt xuất của Liên Xô, Vladimir Ilyich Lenin sau khi ông vừa tham dự một buổi mít tinh và đang quay ra xe hơi. Kaplan đã bắn 3 phát đạn về phía Lenin trong đó, hai phát trúng khuỷu tay và lưng của ông.

Lenin lập tức được đưa về căn hộ tại Kremlin vì ông từ chối tới bệnh viện. Lý do là, Lenin tin rằng, có những kẻ ám sát khác đang rình rập ông ở bệnh viện. Các bác sĩ được triệu tới chữa trị cho vị lãnh tụ kiệt xuất của Liên Xô ngay tại nhà. Tuy nhiên, các bác sĩ không thể gắp đạn ra khỏi cơ thể của Lenin do lo ngại điều này sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của ông.

Sau đó, Lenin dần hồi phục sức khỏe và tiếp tục lãnh đạo nhân dân Nga vượt qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử trọng đại. Tuy nhiên, sức khỏe của ông bắt đầu giảm sút từ thời điểm đó. Nhiều người cho rằng, vụ ám sát có liên quan tới những cơn đột quỵ sau này của Lenin.

7. Vụ ám sát Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, năm 1981

Ngày 30/3/1981, chỉ mới 69 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Ronald Reagan đã đối mặt với một âm mưu ám sát kinh hoàng ngay tại Thủ đô Washington.

Tay súng John Hinckley Jr đã bắn nhiều phát đạn liên tiếp vào Tổng thống Reagan ngay khi ông vừa bước ra khỏi khách sạn Washington Hilton và đang tiến về phía chiếc xe hơi của mình sau khi hoàn thành bài diễn trong một hội nghị.

Kết quả là, Tổng thống Reagan bị một viên đạn găm trúng phổi, làm thủng phổi nhưng ông đã sống sót. Nếu vụ ám sát thành công, nước Mỹ sẽ mất một vị tổng thống vĩ đại và lịch sử nước Mỹ cũng như kết cục của Chiến tranh Lạnh sẽ thay đổi.

Trong hai nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1981 đến năm 1989, Tổng thống Ronald Reagan chính là người thay đổi và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ trở lại đồng thời mở rộng quân sự và góp phần kết thúc Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Ronald Reagan cũng chính là người thuyết phục thành công cựu Tổng thống Liên Xô, Gorbachev phá bỏ bức tường Berlin, dẫn đến sự kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh.

Cùng với việc theo đuổi ý tưởng bị nhiều người chỉ trích là “điên rồ” mang tên "chiến tranh giữa các vì sao", Reagan cũng chính là người truyền cảm hứng cho sự phát triển mạnh mẽ của một loạt ngành khoa học, công nghiệp của Mỹ như khoa học vũ trụ, không gian, kỹ thuật hình ảnh, vũ khí chiến tranh…

8. Vụ ám sát hụt Tổng thống Mỹ, Andrew Jackson, năm 1835

Nhiều người cho rằng, vụ ám sát Tổng thống Lincoln là nỗ lực sát hại một vị Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, người tiền nhiệm của ông, Tổng thống thứ 7 của Mỹ, Andrew Jackson mới là tổng thống đầu tiên phải đối mặt với âm mưu ám sát của những kẻ khủng bố bên ngoài nước Mỹ. Đây cũng là vụ ám sát đầu tiên trong lịch sử Tổng thống Mỹ.

Vụ ám sát xảy ra vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Jackson. Richard Lawrence, một gã bị bệnh hoang tưởng tiến nhanh về phía Tổng thống Jackson khi ông bước ra từ cửa phía Đông của điện Capitol đồng thời rút khẩu súng cất giấu trong người ra nhằm thẳng vào Tổng thống và bóp cò. Một điều kỳ diệu đã xảy ra khi không có viên đạn nào bay ra và Tổng thống Jackson được cứu mạng. Ngay sau đó, kẻ tấn công bị một sĩ quan Hải quân nhanh chóng bắn chết tại chỗ.

Tuy nhiên, nếu vụ ám sát thành công, hướng đi chính trị của nước Mỹ rõ ràng sẽ thay đổi.

9. Vụ ám sát hụt Tổng thống Ai Cập Gamal Nasser, năm 1954

Gamal Abdel Nasser là một chính trị gia có tiếng ở Trung Đông trong nửa cuối thế kỷ XX. Ông trở thành Tổng thống Ai Cập vào năm 1954.

Ông là nhà lãnh đạo phong trào dân tộc Ai Cập vào năm 1952, lật đổ nền quân chủ và xây dựng chế độ cộng hòa tại Ai Cập. Sau đó, ông thương lượng để chấm dứt chiếm đóng kéo dài trong suốt 72 năm của Anh ở Ai Cập.

Thành tựu lớn nhất của ông là công trình đập Aswan Hight nổi tiếng; những định chế về cải cách ruộng đất, chương trình công nghiệp hóa và phục hồi quyền tự trị của Ai Cập. Nasser theo đuổi chính sách thống nhất Arab và chủ nghĩa xã hội.

Vụ ám sát hụt Tổng thống Ai Cập Nasser diễn ra ngày 26/10/1954. Một thành viên ly khai của tổ chức “Những người anh em Hồi giáo” tên Mohammed Latif đã trà trộn vào đám đông quần chúng đang lắng nghe Tổng thống Nasser diễn thuyết tại thành phố Alexandria và khi chỉ còn cách ông Nasser chừng 7m, Latif rút súng ngắn bắn 8 phát vào ông. Tuy nhiên, tất cả 8 viên đạn đều không trúng mục tiêu và tay súng này lập tức bị cảnh sát bắt giữ.

Trong trường hợp Latif ám sát thành công Tổng thống Nasser, lịch sử Ai Cập cũng như lịch sử khu vực sẽ có nhiều đổi khác so với những gì đã diễn ra.

10. Vụ ám sát hụt Tổng thống Pháp Charles De Gaulle, năm 1962

Từ sau chiến tranh Thế giới thứ 2, uy tín của Tổng thống Pháp Charles De Gaulle ngày càng được củng cố. Ông là một trong những chính khách được ngưỡng vọng bậc nhất của nước Pháp và châu Âu, là biểu tượng của tính kiên định, tinh thần dân tộc và ý chí tự do.

Vụ ám sát Tổng thống Pháp Charles De Gaulle diễn ra vào ngày 22/8/1962 sau khi ông cùng gia đình ngồi xe hơi rời khỏi điện Elysée. Khi đến đại lộ de la Liberation, chiếc xe hơi chở Tổng thống Charles De Gaulle bị áp sát và nã đạn liên tục.

Một viên đạn bay sượt qua đầu De Gaulle găm vào thùng xe. Những viên đạn khác tiếp tục được bắn ra tới tấp. Chiếc xe của Tổng thống bị hư hại nặng nhưng vẫn tiếp tục lượn lách. Đến ngoại ô vùng Petit - Clamart, dòng xe cộ đông đúc đã che chắn cho chiếc xe hơi của Tổng thống Charles. Những kẻ ám sát đành phải bỏ cuộc và Tổng thống Pháp thoát chết.

Nếu Charles De Gaulle mất mạng trong vụ ám sát này, nền chính trị Pháp chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng bất ổn định khó có thể tưởng tượng được.



Phương Đăng

Theo Infonet/Zing

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te