Phương Tây đã đánh cắp tới 150 tỷ USD của Libya?
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, cuốn sách nghiên cứu toàn diện về thảm kịch Libya có tiêu đề "Lật đổ Muammar Gaddafi. Nhật ký Libya 2011-2012" của tác giả Anatoly Egorin chuyên nghiên cứu về Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đánh giá chiến dịch quân sự của NATO tại Libya đánh dấu bằng hai kết quả đáng chú ý.
Thứ nhất là không lực liên quân đã gây thiệt hại ở mức cao gấp bảy lần thiệt hại trong Thế chiến thứ 2 do không quân của Thống chế Đức Quốc xã Rommel gây ra. Thứ hai là 150 tỷ USD tiền gửi của Libya đã biến mất khi những tài khoản của nước này bị "đóng băng" trong các ngân hàng nước ngoài.
Ông Egorin viết: “Khi bắt đầu chiến dịch chống Muammar Gaddafi... toàn bộ số tiền tưởng rằng ‘đóng băng’ cũng bắt đầu tan chảy. Không một ai biết chính xác, tiền biến đi đâu và bằng cách nào. Chỉ vẻn vẹn có thông cáo rời rạc trên báo chí rằng số tiền này là khoản thu nhập bất minh và ‘rửa tiền’ thông qua các đại diện ngân hàng phương Tây. Hiện giờ tất cả mọi người đều tìm xem tiền Libya biến đi đâu, nhưng theo tôi khó có cơ may tìm thấy."
Quan điểm tương tự cũng được người đứng đầu Hiệp hội quốc tế thiết lập nền dân chủ ở Libya, Fatima Abu an-Niran chia sẻ: “Cuộc can thiệp của NATO, hiện đã rõ, được tiến hành không phải nhằm thiết lập nền dân chủ ở Libya... mà là để cướp bóc đất nước này.”
Phương Tây giờ đây không chú ý gì đến số phận của Libya như một quốc gia, còn chính phủ mới của nước này một năm qua lại chỉ chú tâm tới việc phân chia quyền lực.
Trong khi đó, có vẻ họ không mấy bận tâm yêu cầu những nhà bảo trợ cũ của mình xem 150 tỷ USD kia bây giờ ở đâu, khoản tiền mà giờ đây lẽ ra hoàn toàn không thừa đối với một đất nước đã trở nên bần cùng.
Mới đây, phản đối chính phủ mới do Thủ tướng Ali Zidan đề xuất và được quốc hội phê chuẩn, khoảng 200 người biểu tình, phần lớn có vũ trang, đã chiếm giữ một khu vực gần tòa nhà quốc hội Libya, phong tỏa những tuyến phố lân cận và đánh đuổi các nhà báo.
Biểu tình bùng nổ vào tối 31/10, với sự tham gia của nhiều tay súng tại thủ đô Tripoli và các thành phố khác. Thậm chí trong số này còn có những đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Nội vụ Libya.
Những người biểu tình cho rằng trong nội các gồm 30 thành viên có những nhân vật từng phục vụ chế độ bị lật đổ của nhà lãnh đạo quá cố Muammar Gaddafi. Họ yêu cầu nội các mới cần được một cơ quan nhà nước thẩm tra với nhiệm vụ cấm những đối tượng này tham gia chính quyền. Những bộ trưởng mới được bổ nhiệm đang bị phản đối gồm bộ trưởng y tế, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng hợp tác quốc tế, bộ trưởng giáo dục sau đại học và bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo.
Ngoài ra, các tay súng cũng khiếu nại việc không có nhân vật nào trong nhóm chống đối từng tham gia lật đổ chính quyền của ông Gaddafi được đưa vào chính phủ mới và họ chưa được nhận lương trong suốt bảy tháng qua./.
(Vietnam+)