Trung Quốc sở dĩ còn ngồi vào bàn chuyện COC chẳng qua là để làm ASEAN chập chững và ngăn chặn Mỹ can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 04/11/2002 tại Pnom Penh nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được về vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề này. Đáng chú ý, văn kiện xác định cụm 3 nguyên tắc: “(3) Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía trên Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. (4) Các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. (5) Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng”. Tuyên bố cũng xác đinh, trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm thực hiện một số phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên”.
Sihasak Phuangketkeow, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan: Phải 2 năm nữa mới có COC
DOC-2002 là một cột mốc đáng ghi nhận, nhưng bản thân nó không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vì nó chỉ đưa ra các nguyên tắc có tính khuyến nghị nhưng không có tính ràng buộc và chế tài. Nó có vị trí nhất định trên con đường giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng chưa bao giờ tạo ra đột phá để giải quyết cuộc xung đột tại vùng biển này. Nó như “hổ không có răng”. Trung Quốc chấp thuận DOC 2002 để tạo bầu không khí thuận lợi nhằm thúc đẩy sự liên kết kinh tế Trung Quốc-ASEAN. Khi Trung Quốc đã mạnh lên về kinh tế và quân sự, DOC chỉ còn là phương tiện “câu giờ” của ngoại giao Trung Quốc. Trên Biển Đông, xung đột không ngừng leo thang. 10 năm trước, Trung Quốc chỉ mới cắm chân tại Trường Sa. Ngày nay, Trung Quốc đang nỗ lực độc chiếm Biển Đông, biến vùng biển trong đường đứt khúc 9 đoạn thành lãnh hải của riêng mình. Nếu vấn đề Biển Đông không được quốc tế hóa từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc hẳn đã hoàn thành giấc mộng độc bá của mình.
Ngày 21/7/2011, tại Bali, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao AMM 44, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt Quy tắc Hướng dẫn DOC) gồm 8 điểm. Đây được xem là nỗ lực của các bên liên quan trong việc kiềm chế và quản lý các tranh chấp trên Biển Đông, đang trở nên căng thẳng.
Quy tắc Hướng dẫn DOC xác định: (1) Việc thực hiện DOC cần tiến hành từng bước phù hợp với các điều khoản trong DOC. (2) Các bên tham gia DOC sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tham vấn theo tinh thần của DOC. (3) Việc tiến hành các hoạt động hoặc các dự án đã được quy định trong DOC cần được xác định rõ ràng. (4) Việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. (5) Các hoạt động ban đầu được cam kết trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin. (6) Quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận giữa các bên liên quan và tiến tới hiện thực hóa COC. (7) Trong quá trình thực hiện các dự án đã được thỏa thuận, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự phục vụ của các chuyên gia, các nhân vật kiệt xuất nhằm cung cấp nguồn lực cụ thể đối với các dự án liên quan. (8) Tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thỏa thuận trong DOC sẽ được thông báo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc (PMC).
Nếu bản Hướng dẫn này mở đường cho việc đạt tới một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông mang tính ràng buộc (COC), thì đó là một đóng góp lịch sử của thỏa thuận 8 điểm Bali 2011. Nhưng những sự kiện xẩy ra trong một năm sau thỏa thuận này, như cuộc xung đột tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham giữa Trung Quốc và Philippines từ tháng 4 đến tháng 6/2012 và việc Trung Quốc thiết lập “thành phố Tam Sa” và Khu phòng bị Tam Sa nhằm thiết lập cứ điểm chiến lược tại Biển Đông để khống chế Biển Đông đã làm cho bản thỏa thuận chỉ là một giải pháp tình thế và nhanh chóng bị quên lãng.
Từ khi Mỹ đẩy mạnh can dự vào vấn đề Biển Đông năm 2010, lấy “lợi ích quốc gia” đối chọi với “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, Bắc Kinh đẩy mạnh ngoại giao kinh tế tại Đông Nam Á, lôi kéo các nước ASEAN liên quan về phía lập trường Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong 2 năm 2010-2011, Trung Quốc rót vào Indonesia 25 tỷ USD tín dụng ưu đãi cho các dự án kinh tế, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng đảo quốc và trong 3 năm 2010-2012 rót vào Campuchia 7 tỷ USD tín dụng ưu đãi và viện trợ không hoàn lại trên nhiều lĩnh vực kinh tế, quân sự.
Vào lúc kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, các trung tâm kinh tế tài chính thế giới chuyển dịch vị trí, nguồn viện trợ ODA cho các dự án phát triển kinh tế xã hội từ phía Nhật Bản, Mỹ, Tây Âu suy giảm đáng kể, các nền kinh tế nhỏ và vừa ở Đông Nam Á khó lòng cưỡng lại sức hấp dẫn của cuộc tấn công tiền bạc từ phía Trung Quốc. Lập trường ASEAN trong vấn đề Biển Đông tiếp tục bị phân hóa sâu sắc. Những nước ASEAN không có yêu sách không muốn làm xấu quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, mặt khác muốn tận dụng các cơ hội mà cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung mang lại sao có lợi nhất cho nước mình. Một số nước thậm chí phối hợp hành động cho phù hợp với lập trường của Trung Quốc.
Trước những nỗ lực của ASEAN, trong hai ngày 28-29/10, tại Pattaya, Thái Lan, các quan chức Cấp cao (SOM) ASEAN và Trung Quốc đã họp không chính thức. Hai bên đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc sẽ được tổ chức tại Campuchia cuối tháng 11/2012. Giới chức hai bên đã cam kết đối thoại hòa bình và hiệu quả và sớm khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Ông Sihasak Phuangketkeow, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, trưởng đoàn đàm phán nước chủ nhà, cho biết, tất cả các bên đã đạt được một thỏa thuận quan trọng, đó là nhất trí tìm cách đảm bảo thực thi kiềm chế và tránh những sự cố có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ chung giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên các quan chức tham gia hội nghị không thể thảo luận thực sự về chi tiết của những quy định mang tính ràng buộc được dự kiến. Ông Phuangketkeow cho rằng có lẽ phải mất thêm hai năm nữa mới có bộ quy tắc COC.
Trung Quốc sở dĩ còn ngồi vào bàn chuyện COC chẳng qua là để làm ASEAN chập chững và ngăn chặn Mỹ can dự sâu hơn vào vấn đề Biển Đông. Chứ thực ra, phía trước của cuộc xung đột Biển Đông là một lối hẹp khó đi./.
Người bình luận
Theo Tổ Quốc