Nhiều thân tín của ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình nắm giữ chức vụ quan trọng trong quân đội Trung Quốc trong cuộc điều chỉnh nhân sự cấp cao trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 18.
Tạp chí Minh Kính số ra tháng 11 (xuất bản trước thời hạn) của Hong Kong, sau Hội nghị Bắc Đới Hà, danh sách Quân ủy Trung ương khóa 18 đã đem lại bất ngờ rất lớn.
Bài báo cho rằng, Lưu Nguyên - Chính ủy Tổng cục Hậu cần đương nhiệm - vừa không thể "có chỗ" trong Quân ủy Trung ương khóa 18 vừa khó có khả năng trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Các ứng cử viên cho vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị như Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Giả Đình An - một nhân vật thân tín của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Kỷ luật Quân đội Đổng Thế Bình - người có quan hệ gần gũi với Tổng Bí thư đương nhiệm Hồ Cẩm Đào, và Lưu Hiểu Giang - Chính ủy Hải quân, con rể của Hồ Diệu Bang - đều đã bị loại ra khỏi cuộc đua.
Điều đáng chú ý, vào đầu tháng 9/2012, sau khi Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình bất ngờ vắng mặt tại nhiều cuộc gặp ngoại giao quan trọng và khiến dư luận dấy lên không ít đồn đoán, thì hai tuần sau, cựu Trưởng Đặc khu Hong Kong, Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc (Mặt trận Tổ quốc Trung ương) đương nhiệm Đổng Kiến Hoa đã có buổi trả lời phỏng vấn hiếm hoi với hãng tin CNN (Mỹ) và công khai bàn về vấn đề chính trị.
Ngoài việc xác nhận Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội) 18 sẽ tổ chức vào tháng 11/2012, Đổng Kiến Hoa còn tiết lộ ba thông tin quan trọng. Một là ông Tập Cận Bình chưa thể xuất hiện do bị thương ở vùng lưng khi bơi. Hai là Tập Cận Bình chắc chắn sẽ trở thành nhà lãnh đạo tối cao khóa 18. Ba là Hồ Cẩm Đào có khả năng rất lớn sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm một thời gian sau Đại hội 18.
Trên thực tế, ba thông tin mà Đổng Kiến Hoa tiết lộ không có gì mới, nhưng hàm ý của thông tin thứ ba khiến người ta phải lưu ý. Bởi sau Hội nghị Bắc Đới Hà, trong các dự đoán về Quân ủy Trung ương khóa 18, dư luận trong và ngoài Trung Quốc đều bỏ qua khả năng Hồ Cẩm Đào không bàn giao quân quyền cho Tập Cận Bình. Thậm chí, đa số dư luận còn cho rằng Hồ Cẩm Đào sẽ "về hưu hoàn toàn" sau Đại hội 18. Vì thế, thông tin mà Đổng Kiến Hoa, nhân vật ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói với CNN được dư luận cho là thông điệp mà Trung Nam Hải cố ý phát đi.
Khác với các kịch bản Quân ủy Trung ương khóa 18 được lưu truyền hiện nay, Tổ Phân tích Đại hội 18 thuộc Tập đoàn Xuất bản Mirror đã đưa ra danh sách Quân ủy Trung ương khóa 18 mà không đi theo giả thiết Hồ Cẩm Đào lưu nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Lý do họ đưa ra là cho dù Hồ Cẩm Đào đi theo tiền lệ của Giang Trạch Dân - lưu nhiệm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương thêm hai năm mới giao binh quyền - thì hai năm sau, chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương vẫn "về tay" Tập Cận Bình mà không làm thay đổi vị trí của hai vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và các Ủy viên Quân ủy Trung ương.
Dựa trên kết quả phân tích nhiều nguồn tin, Tổ Phân tích Đại hội 18 đã đưa ra danh sách Quân ủy Trung ương khóa 18 gồm: Chủ tịch là ông Tập Cận Bình cùng hai Phó Chủ tịch là Hứa Kỳ Lượng và Phạm Trường Long. Danh sách Ủy viên bao gồm: Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Tổng Tham mưu trưởng Phòng Phong Huy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trương Dương, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Triệu Khắc Thạch, Chủ nhiệm Tổng cục Trang bị Trương Hựu Hiệp, Tư lệnh Hải quân Tôn Kiến Quốc, Tư lệnh Không quân Mã Hiểu Thiên và Tư lệnh Pháo binh II Ngụy Phong Hòa.
Theo Tổ Phân tích Đại hội 18, cuộc đấu tranh quyền lực ở Trung Quốc lúc nào cũng diễn ra, do đó, cơ quan tối cao về binh quyền của Trung Quốc cũng có thể thay đổi các thành viên chủ chốt. Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ diễn ra đối với các vị trí cá biệt, không làm thay đổi cơ cấu chung.
Tân Tư lệnh Không quân Mã Hiểu Thiên
Những nhận định này bắt đầu có kết quả khi truyền thông chính thức Trung Quốc ngày 23/10 loan báo nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân. Tiếp đó, ngày 25/10, trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng thông tin điều chỉnh nhân sự cấp cao 4 cơ quan cấp Tổng cục của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo đánh giá của tờ Tin tức Thế giới, không khó để nhận ra rằng thân tín của Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào và thân tín của Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình - người sẽ kế nhiệm Hồ Cẩm Đào tại Đại hội 18 - lần lượt nắm giữ những chức vụ quan trọng trong PLA. Bên cạnh đó, các tướng lĩnh có quan hệ mật thiết với cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai tuy đã lần lượt xuất hiện để loại bỏ tin đồn bị thanh trừng sau sự kiện Bạc Hy Lai, nhưng cuối cùng đều tỏ ra không có duyên với việc được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong PLA.
Theo báo Tin tức Thế giới, những biến động nhân sự cấp cao trong quân đội trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc thường báo hiệu sự thay đổi trong Quân ủy Trung ương. Trong cuộc cải tổ nhân sự PLA lần này, điểm nổi bật nhất là việc Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA, được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân. Mã Hiểu Thiên, xuất thân là phi công, năm nay 63 tuổi, là con của Đại tá khai quốc Mã Tái Nghiêu, người từng giữ chức Trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Chính trị PLA. Vì thế, Mã Hiểu Thiên có thể được coi là một thành viên của phe Thái tử (cùng với Tập Cận Bình). Tuy nhiên, có người nói Mã Hiểu Thiên thiết lập được quan hệ tốt đẹp cả với Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào.
Một biến động bất ngờ khác là Chính ủy Quân khu Quảng Châu, Thượng tướng Trương Dương, được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trương Dương năm nay 61 tuổi, nhập ngũ năm 1968, từng làm Chính ủy Quân đoàn 42 lục quân, luôn nhận được sự quan tâm, bồi dưỡng của Hồ Cẩm Đào. Năm 2004, có người nói chính Hồ Cẩm Đào đã đưa Trương Dương về Quân khu Quảng Châu làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, tạo đà thăng tiến cho nhân vật này. Trương Dương trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đồng nghĩa với việc tướng Giả Đình An - một thân tín của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân - bị loại khỏi cuộc đua vào Quân ủy Trung ương khóa tới và ý đồ tìm kiếm cân bằng quyền lực của phe Giang Trạch Dân một lần nữa bị giáng đòn mạnh. Cùng với việc Trương Dương nắm quyền chỉ huy ở Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị Pháo binh II (tên lửa chiến lược) Ân Phương Long, người đã viết bài trên báo bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Trung ương sau sự kiện Bạc Hy Lai, sẽ được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Ngoài ra, những diễn biến gần đây còn cho thấy những thành viên phe Thái tử từng được nhận định là sẽ thăng tiến tại Đại hội 18 như Chính ủy Tổng cục Hậu cần, Thượng tướng Lưu Nguyên (con trai của nguyên Chủ tịch nước Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ); Chính ủy Pháo binh II, Thượng tướng Trương Hải Dương (con trai của nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Chấn) đều đã bị loại ra khỏi cuộc đua vào Quân ủy Trung ương khóa 18. Dư luận cho là họ bị liên lụy bởi sự kiện Bạc Hi Lai. Trong các thành viên phe Thái tử nêu trên, Lưu Nguyên trước đây được đánh giá là có khả năng đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương khóa 18. Nhưng giờ đây, chức vụ này nhiều khả năng thuộc về Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, Thượng tướng Phạm Trường Long.
Thượng tướng Phòng Phong Huy, nguyên Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh vừa được thăng chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc
Một biến động nữa là Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh, Thượng tướng Phòng Phong Huy, được bổ nhiệm là Tổng Tham mưu trưởng PLA, thay Thượng tướng Trần Bính Đức sẽ phải về hưu vì quá tuổi. Phòng Phong Huy năm nay 61 tuổi, có thời gian dài phục vụ trong quân đội đóng ở khu vực Tây Bắc, được coi là thân tín của Hồ Cẩm Đào. Năm 2009, trong lễ duyệt binh kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc, Phòng Phong Huy là Tổng Chỉ huy chương trình duyệt binh và đã tháp tùng Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự. Phòng Phong Huy quê ở huyện Bân, thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, là đồng hương cùng tỉnh với Tập Cận Bình.
Sau sự điều chỉnh nhân sự lãnh đạo đứng đầu 4 cơ quan cấp tổng cục của PLA, các quan chức chủ chốt còn lại ở các cơ quan trên và lãnh đạo các quân chủng, quân khu cũng sẽ phải điều chỉnh. Bởi những chiếc ghế mà Phòng Phong Huy, Triệu Khắc Thạch, Trương Hựu Hiệp và Trương Dương để lại ở các quân khu Bắc Kinh, Nam Kinh, Thẩm Dương và Quảng Châu, hiện mới chỉ có tin đồn là nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng PLA Thái Anh Đỉnh sẽ kế nhiệm Triệu Khắc Thạch làm Tư lệnh Quân khu Nam Kinh. Tình hình liên quan sẽ dần sáng tỏ trước Đại hội 18.
Bên cạnh đó, theo Tổng Thư ký Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở ở Hong Kong, ông Lý Phượng, lần điều chỉnh nhân sự này của PLA nhằm dần hình thành ban lãnh đạo mới. Tại Đại hội 18, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ thay đổi thì lãnh đạo quân đội cũng phải thay đổi. Đồng thời, lần này, việc giới chức cấp cao Trung Quốc quyết định đưa các tướng lĩnh trẻ hơn, nắm chắc tình hình quốc tế, thông hiểu về cách mạng quân sự mới vào vòng quyết sách quân sự tối cao sẽ khiến PLA trở thành quân đội theo kiểu hướng ngoại, giúp ích cho việc giải quyết các công việc quốc tế, phù hợp với sự trỗi dậy và bước ra vũ đài quốc tế của Trung Quốc. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hơn nữa việc hiện đại hóa PLA.
Võ Vân (Gt)
Theo Tổ Quốc