TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh chấp trên Biển Đông: Tàu lớn chưa chắc thắng

Tạp chí Affaires Stratégiques (Pháp) số ra mới đây đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Eric Frecon, giáo sư trường Hải quân, về khả năng tạo thế cân bằng giữa các cường quốc ở Biển Đông - một vùng biển giàu tài nguyên và có vai trò địa chiến lược quan trọng - trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông ngày một gia tăng.

Giáo sư Eric Frecon

Theo ông Eric Frecon, nhiều khả năng Trung Quốc không sẵn sàng đẩy cao xung đột với Nhật Bản và các nước có liên quan vì một thế cân bằng mới đang hình thành trong khu vực. Mặc dù Trung Quốc được cho là một cường quốc hải quân, tự trang bị cho mình nhiều phương tiện, song nước này phải đối mặt với một loạt cường quốc nhỏ ở Đông Nam Á cũng đang tự trang bị các phương tiện hải quân như tàu cao tốc nhỏ có khả năng chống lại các chiến dịch triển khai hải quân lớn ở trong vùng.

Hơn nữa, Biển Đông có những đặc trưng riêng, là một vùng biển hẹp gần như khép kín, có nhiều eo biển khiến các đội tàu chiến lớn không thể xoay sở dễ dàng.

Thêm vào đó, các nhóm tàu này có thể bị tiêu diệt bởi tên lửa chống hạm đặt dọc đường bờ biển. Các giàn tên lửa này cộng với các tàu nhỏ cao tốc của hải quân các nước trong vùng là mối đe dọa đối với Trung Quốc nếu họ tiến xuống phía Nam.

Can dự vào khu vực này không chỉ có Trung Quốc, ngoài Mỹ và Nhật Bản còn có Ấn Độ cũng bắt đầu quan tâm. Như vậy đã xuất hiện một thế cân bằng nhất định giống như ở châu Âu trước đây với rất nhiều kênh trao đổi và thảo luận cho phép giữ trạng thái cân bằng đó.

Về khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự trong cuộc xung đột với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và hậu quả của nó, chuyên gia Eric Frecon khẳng định Trung Quốc không sẵn sàng đẩy xung đột lên cấp độ cao hơn. Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với hai mặt trận, phía Bắc với Nhật Bản và phía Nam với một số nước Đông Nam Á. Tình hình dường như căng thẳng hơn ở phía Bắc nhưng có vẻ lắng dịu hơn ở phía Nam.

GS. Eric Frecon phân tích, Biển Đông là một vùng biển hẹp gần như khép kín, có nhiều eo biển khiến các đội tàu chiến lớn không thể xoay sở dễ dàng

Như vậy, Trung Quốc phải cân nhắc xem xung đột với Nhật Bản phải giải quyết như thế nào để tạo được ảnh hưởng với các cuộc thảo luận ở Biển Đông và từ đó có thể gây sức ép với các nước ven biển.

Eric Frecon cho biết ông hoàn toàn tin rằng sáng kiến của Indonesia, Singapore có thể tạo động lực kích hoạt trở lại sự năng động của khu vực trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không tạo được động lực cần thiết. Các nước thứ ba có thể có tác động tới tình hình khu vực thì có thể là Australia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Theo chuyên gia Eric Frecon, EU có ảnh hưởng đáng kể với tư cách là đối tác thương mại thứ hai của ASEAN. Đặc biệt, EU có kinh nghiệm về kiểm soát xung đột biển, tranh chấp biển, kiểm soát giao thông đường biển, các nước có tranh chấp biển có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nước EU. Hơn nữa, tất cả các nước châu Âu đều có trong kho lưu trữ của mình những tấm bản đồ, các bản báo cáo có thể giúp ích cho việc giải quyết xung đột biển.

 

P.V (tổng hợp)
Theo Doanh Nhân Sài Gòn
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te