TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Những đợt sóng dồn về từ Hoàng Sa

“Trung Quốc đang sử dụng các yếu tố phi quân sự để đạt các mục tiêu chiến lược. Điều này không chỉ xảy ra ở bãi cạn Scarborough, mà đang diễn ra ngay tại Hoàng Sa hiện nay”, ThS Hoàng Việt nói.

 

Ngày 1.10 vừa qua, Trung Quốc làm lễ thượng kỳ trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, nơi vừa được thành lập cái gọi là trụ sở của “thành phố Tam Sa”. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông vừa dự hội thảo tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây về và nhận định tình hình Trung Quốc cấp tập xây dựng cái gọi là “thành phố mới thành lập Tam Sa trên đảo Phú Lâm của Việt Nam”, theo tin Tân Hoa Xã đưa đêm 29 và ngày 30.9 vừa qua.

Theo đó, các nhà chức trách của cái gọi là “thành phố Tam Sa” thuộc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) bắt đầu vạch kế hoạch phát triển bốn dự án cơ sở hạ tầng và một chương trình nhà ở nơi Trung Quốc đặt cái gọi là trụ sở của “thành phố Tam Sa”.

Đạt chiến lược mà không gây xung đột

Ngày 2.10, ThS Hoàng Việt, giảng viên đại học Luật TP.HCM, người vừa tham gia “Diễn đàn các nhà trí thức nghiên cứu chiến lược” từ thành phố Nam Ninh, Quảng Tây về, đánh giá: “Càng ngày chúng ta càng thấy một thực tế là Trung Quốc đang sử dụng các yếu tố phi quân sự để đạt các mục tiêu chiến lược. Điều này không chỉ xảy ra tại Scarborough, mà ngay tại Hoàng Sa hiện nay”. Ông Việt nói: “Việc sử dụng các phương tiện phi hải quân trong các tranh chấp lãnh thổ đã bộc lộ một chiến lược, vừa tinh vi vừa có phương pháp, nhằm thực thi các đòi hỏi chủ quyền trên biển của Trung Quốc mà tránh phải leo thang xung đột”. Trên thực địa, rõ ràng Trung Quốc đang giữ cho tranh chấp trong khuôn khổ và cấp độ địa phương; tạo ra tình huống không cho phép Mỹ, ASEAN và cộng đồng quốc tế đủ lý lẽ để bênh vực Việt Nam.

Việc Trung Quốc công bố triển khai chương trình xây dựng nhà ở với tổng số vốn chính xác là 2.970.000 USD do thị trưởng của cái gọi là “thành phố Tam Sa” đưa ra là một dẫn chứng cụ thể cho tình huống vừa nêu trên. Theo kế hoạch, bảy con đường với tổng chiều dài 5km sẽ được nâng cấp hoặc xây dựng mới tại Hoàng Sa. Trong khi đó, việc lắp đặt một nhà máy khử mặn nước biển có khả năng xử lý 1.000m3 nước biển mỗi ngày để lấy nước ngọt cũng đã tiến hành. Các dự án còn bao gồm việc xây dựng các công trình giao thông kết nối giữa các đảo, dựng một bến tàu và xây đảo “Triệu Thuật”, tức là đảo Cây trong quần đảo Hoàng Sa. Đây là những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc tiếp nối một loạt các hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, ngay sau khi phó Chủ tịch Tập Cận Bình vừa lớn tiếng tuyên bố muốn giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ngày 21.9, ông Tập đã lên giọng trấn an rằng, Bắc Kinh chỉ muốn duy trì mối quan hệ hoà bình với các nước trong khu vực. Ông Tập tuyên bố: “Trải qua rất nhiều thăng trầm thời hiện đại, chúng tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự phát triển và giá trị của hoà bình”. Trong khi đó, khác với điều ông Tập nói, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “diễn tiến hoà bình”, công khai lấn chiếm từng mét đảo, mét biển của Việt Nam, để rồi vươn tới cưỡng chiếm toàn bộ Biển Đông.

Một cách không che đậy và bất chấp luật pháp quốc tế, Trung Quốc quyết tâm biến cái gọi là “Tam Sa” thành cơ sở vững chắc trên Biển Đông. Chính quyền của thành phố được mệnh danh là trẻ nhất này được Quốc vụ viện Trung Quốc chính thức thành lập ngày 24.7 trên đảo Vĩnh Hưng (tức là đảo Phú Lâm của Việt Nam) để cai quản toàn bộ các quần đảo và vùng biển có tranh chấp với các nước láng giềng trên Biển Đông. Sở Cung ứng điện thuộc công ty lưới điện Hải Nam mới chính thức được gắn biển. Dự án trạm xử lý rác thải được khai trương. Các tập đoàn nhà nước từ viễn thông, điện thoại di động đến ngân hàng Công thương, công ty bảo hiểm đều đã thiết lập các trạm dịch vụ tại đây. Trung Quốc cũng đã xây dựng một sân bay lớn đáp ứng các máy bay hạng nặng.

Thái Lan và ASEAN có thể giúp gì?

Ngày 2.10, theo đài BBC, Thái Lan trong vai trò điều phối giữa Asean và Trung Quốc, dự định sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao bàn về tranh chấp Biển Đông. Trước đó, bà Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng Thái Lan, trong tư cách điều phối giữa Asean và Trung Quốc trong ba năm tới, sẽ nỗ lực hết mình để giúp xây dựng niềm tin giữa các bên. Việc tổ chức cuộc họp đã được các ngoại trưởng Asean nhất trí khi gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, tuy chưa ấn định thời gian cụ thể.

Trước đó, hôm 26.9, khi phát biểu ở Hội châu Á (Asia Society) tại New York, bà Yingluck cảnh báo: tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế sẽ không đạt được nếu có căng thẳng khu vực, trong đó có tranh chấp Biển Đông.

Bà Yingluck nói: “Chúng tôi tin rằng những vùng biển như Biển Đông cần được xem là khu vực của cơ hội hợp tác”. Thái Lan không tham gia tranh chấp, vốn không muốn nêu lập trường về Biển Đông nhưng cảm thấy thương mại với Trung Quốc ngày càng quan trọng. Bà Thủ tướng cũng nói vui rằng, bản thân bà có thể đóng góp “chút sắc thái của người phụ nữ để giải quyết xung đột” trên Biển Đông hiện nay. Hồi tháng 7, ngoại trưởng Thái Lan cũng tuyên bố nước này sẽ giúp Trung Quốc tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp Biển Đông, sau khi gặp ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhân các cuộc bàn thảo ở Bắc Kinh. Ngoại trưởng Thái nói, lập trường của nước ông là cố gắng đạt được hoà bình ở Biển Đông. Thái Lan muốn các nước tranh chấp giải quyết xung đột qua đàm phán.

Thiều Quang
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te