Từ bàn tay trắng trở thành người giàu số một nước Nga, cuộc đời Khodorkovsky tiêu biểu cho thế lực tài phiệt xuất hiện vào thời điểm tranh tối tranh sáng ở Nga với những mánh khóe chính trị, hoạt động buôn lậu, vơ vét và biến tài sản quốc doanh thành tài sản cá nhân. Số phận Khodorkovsky hiện vẫn là đề tài gây tranh cãi, phương Tây thậm chí chính trị hóa số phận Khodorkovsky hòng can thiệp, bôi nhọ chính sách nhân quyền Nga.
Mới đây, khi được hỏi về số phận ông trùm dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky, Tông thống Nga Vladimir Putin nói, ông đã sẵn sàng cân nhắc ân xá cho nhân vật này. "Nếu có thể trong khuôn khổ luật pháp thì tôi đồng ý. Tuy nhiên, còn có luật, anh ta cần tự mình xin ân xá, đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề".
Khodorkovsky cùng với đối tác kinh doanh Platon Lebedev, bị kết án 13 năm tù vì trộm cắp dầu mỏ và rửa tiền. Những người này chưa từng chính thức xin ân xá.
Đi lên từ bàn tay trắng, trở thành tỷ phú số một nước Nga, Khodorkovsky như là một đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ tỷ phú không giờ Nga. Không chỉ gói gọn trong phạm vi nước Nga, vụ án Khodorkovsky thậm chí còn có khả năng bị “chính trị hóa” vì những can thiệp từ phía phương Tây. Nhiều người đã tự hỏi: Tại sao một nhân vật từng được đánh giá là “nhà tài phiệt giàu nhất nước Nga” lại phải sa chân vào tù tội? Đó liệu có phải là một bản án xứng đáng dành cho tay trùm tài phiệt này hay không?
Từ kỹ sư hóa học đến ông chủ ngân hàng tư nhân đầu tiên
Mikhail Khodorkovsky sinh ngày 26/6/1963, tại Moscow trong gia đình cha mẹ đều là viên chức nhà nước. Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ hóa Mendeleev vào năm 1986, Khodorkovsky bắt đầu lập nghiệp đúng vào giai đoạn nước Nga chập chững những bước đi đầu tiên của quá trình đổi mới theo xu hướng kinh tế thị trường. Những cải cách về cơ cấu của nền kinh tế khi đó rất cần những quan điểm phát triển độc đáo theo kiểu “phi truyền thống” từ thế hệ các nhà lãnh đạo mới. Trong bối cảnh như vậy, trùm tài phiệt tương lai của nước Nga đã có điều kiện để thể hiện và phát huy tất cả những phẩm chất cá nhân xuất sắc của mình – khả năng tổ chức, tư duy sáng tạo cũng như sự hiểu biết sâu sắc xu hướng và đặc điểm của các biến động chóng mặt trong nền kinh tế Nga lúc bấy giờ.
Năm 1987, Khodorkovsky cùng với một nhóm nhỏ bạn bè (gồm có Nevzlin, Samusev và Dubov) cho thành lập ra cái gọi là Trung tâm các chương trình khoa học kỹ thuật liên lĩnh vực (Menatep) – thực chất là một công ty tư nhân chuyên kiếm tiền bằng cách tổ chức các hoạt động nghiên cứu thị trường theo đơn đặt hàng của các xí nghiệp khác. Đây cũng chính là cơ sở ban đầu để hình thành nên Tập đoàn khổng lồ Menatep sau này.
Sau những màn làm ăn nhỏ lẻ như “đánh hàng xén” ngoại nhập những mặt hàng đại loại rượu Napoleon giả, vodka Thụy Sĩ đến jeans wash, Khodorkovsky bắt đầu len vào nơi mà từ đó giúp mình trở nên giàu sụ và nổi tiếng thế giới. Đó chính là hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Menatep do Khodorkovsky thành lập chính là một trong những ngân hàng tư nhân đầu tiên thời hậu Liên Xô tại Nga. Giới quan sát đánh giá, chính ngân hàng này là cỗ máy kiếm tiền siêu việt cho "vua dầu mỏ".
Khodorkovsky từng có mối quan hệ thân thiết với Boris Yeltsin
Trong thời gian này, Khodorkovsky thường làm việc miệt mài trung bình 14 tiếng mỗi ngày, tìm mọi cách kiếm tiền vào thời điểm nước Nga vẫn chưa có được một thể chế kinh tế rõ ràng. Với tình trạng tham nhũng tràn lan ở Nga vào thời kỳ đó, Khodorkovsky không tiếc tiền và tất nhiên là không quá khó khăn để tìm kiếm cho mình được những “ô dù” vững chắc cho hoạt động kinh doanh. Nhưng bù lại, ông ta có thể thu lãi gấp cả ngàn lần nhờ những khoản đầu tư kiểu này.
Trong giai đoạn 1994 – 1995, Menatep lại tiếp tục quay vòng những khoản tiền thu lợi khổng lồ vào các lĩnh vực của ngành sản xuất công nghiệp Nga – mua những cổ phần lớn của các công ty khai thác khoáng sản, sản xuất đồng, luyện kim, tổ hợp công nghiệp rừng v.v… Tính ra, ngân hàng đầu tư này đã có cổ phần tại hơn 100 xí nghiệp khác nhau của Nga. Đáng chú ý đó là “thành quả” của những cuộc đấu giá mà Menatep luôn là người chiến thắng, nhờ có tay trong là giới lãnh đạo của các công ty mà họ muốn thôn tính. Tất nhiên, cứ sau mỗi thương vụ thành công, những nội gián kiểu này đều được lại quả một số tiền không hề nhỏ.
Thâu tóm ngành dầu khí Nga
Khi đã có được một tiềm lực tài chính tương đối hùng hậu, Khodorkovsky bắt đầu để mắt tới nguồn tài nguyên dầu khí béo bở tại Siberia. Tháng 12/1995, sau một cuộc đấu thầu kịch tính, Khodorkovsky đã mua được 78% số cổ phần của YUKOS, tập đoàn dầu khí lớn thứ hai tại Nga và thứ tư trên thế giới. Việc Khodorkovsky mua được YUKOS được đánh giá là một trong những sự kiện bất ngờ nhất trong lịch sử tư nhân hóa của nền kinh tế Nga. Từ trước đó, những ông trùm trong lĩnh vực dầu mỏ luôn thuộc về một đẳng cấp đặc biệt. Họ không cho phép bất cứ một “kẻ ngoại đạo” nào, cho dù có khả năng kinh tế hay quyền lực tới đâu có thể bước chân vào lĩnh vực trên. Họ điều hành công ty của mình bằng chính sách “bàn tay sắt” và không chấp thuận chia sẻ quyền lực với bất cứ ai – từ chủ nhà băng cho tới những tên trùm mafia. Trên thực tế, đã có không ít những kẻ định mon men vào lĩnh vực này đã bị thẳng tay loại bỏ.
Một nhân vật khôn ngoan như Khodorkovsky thừa hiểu về chuyện này. Ông ta quyết định sử dụng bí quyết thành công quen thuộc bằng “con bài quan chức”. Ông chủ Muravlenko của YUKOS khi đó được “rỉ tai” rằng, Menatep mua YUKOS thực ra bằng ngân sách đầu tư quốc gia chứ không phải bằng tài sản riêng. Để đổi lấy việc đồng ý bán 78% cổ phần YUKOS là một chương trình đầu tư đầy hứa hẹn trị giá 350 triệu USD. Nhưng chương trình trên cho tới bây giờ vẫn chưa bao giờ được triển khai.
Khi đã nắm trong tay YUKOS, Khodorkovsky rất sốt sắng bắt tay vào thực hiện giấc mơ xây dựng đế chế dầu khí của mình. Ông ta bay tới Yugansk, không ngại ngần xỏ vào đôi ủng lang thang khắp các giàn khoan tại những khu vực lầy lội. Khodorkovsky đặt ra cho mình 3 nhiệm vụ chính: 1) Ngăn chặn ngay các trò trộm cắp dầu; 2) Tối ưu hóa lực lượng nhân công; 3) Tối thiểu hóa các khoản thuế phải nộp.
“Tài năng” thực sự của Khodorkovsky được tập trung áp dụng nhằm mục đích… trốn thuế. Thông thường, các tập đoàn dầu khí truyền thống mua dầu từ các chi nhánh khai thác trực tiếp của mình theo giá bình thường (tức là mức giá cuối cùng kể cả phí vận chuyển, tỉ lệ thuế phải nộp cũng tính theo phần trăm từ mức giá này). Còn YUKOS, Khodorkovsky cho triển khai chính sách gọi là “mua dầu ngay tại giếng khoan”, thực chất là trò phù phép mua theo “giá nội bộ trong tập đoàn” mà không phải tính phí vận chuyển (do mức thuế cao chỉ áp dụng cho các công ty có giấy phép khai thác dầu). Nhờ thủ đoạn này cũng như sự giúp đỡ của các quan chức biến chất, Khodorkovsky đã giảm được số tiền thuế phải nộp từ 128 xuống còn có 32 rúp trên mỗi tấn dầu. Tính ra chỉ riêng trong năm 1999, trên mỗi tấn dầu khai thác được, YUKOS chỉ phải trả tiền thuế ít hơn 10 lần so với “Surguneftgas” và 5 lần ít hơn LUKOIL.
Năm 1997, Khodorkovsky đã hạ quyết tâm phải trở thành ông chủ của cả một đế chế dầu mỏ hùng mạnh. Bán bớt một loạt nhà máy trong các lĩnh vực khác, cùng với việc cầm cố tài sản của mình để vay những khoản tiền lớn từ phương Tây, Khodorkovsky mua lại Công ty Dầu mỏ phương Đông (VNK). Cũng trong năm này, nhà tài phiệt bỏ lại vị trí lãnh đạo tại Menatep, trở thành người đứng đầu tập đoàn cổ phần “Rosprom”.
Lũng đoạn hệ thống chính trị
Khi đã trở thành tỷ phủ giàu nhất xứ sở bạch dương, "ông vua dầu mỏ" bắt đầu "nhòm ngó" sang chính trường. Mục tiêu của y là biến chính trị thành "sân sau" hậu thuẫn cho những "cỗ máy kiếm tiền" của mình. Giới quan sát nhận định, trùm tài phiệt này đã làm giàu trong bóng tối với những quan hệ chính trị mờ ám và biến cựu Tổng thống Boris Yeltsin thành công cụ của mình.
Dưới sự hậu thuẫn của đồng tiền, Khodorkovsky tham gia trực tiếp vào chính quyền của Tổng thống Boris Yeltsin với vai trò Thứ trưởng dầu mỏ và khí đốt Nga. Nhưng động thái chính trị được cho là đầy mạo hiểm của ông chủ Yukos là việc không hề tỏ ra giấu diếm sự ủng hộ của mình đối với các chính trị gia đối lập với Tổng thống Vladimir Putin, người kế nhiệm đầy quyền lực của Yeltsin.
Thật ra ngay từ năm 1999, Khodorkovsky và tay chân của ông ta đã rất tích cực sử dụng một phần đáng kể tiền bạc của mình để vận động hành lang cho các quyền lợi của công ty, của ngành dầu khí và giới thương gia hàng đầu trong các cấp cơ quan chính quyền (như Duma quốc gia, Hội đồng liên bang, Chính phủ v.v…) cũng như cải thiện hình ảnh của công ty trong xã hội nước Nga. Trong cuộc bầu cử Duma, Khodorkovsky không tiếc tiền bạc ủng hộ cho nhiều đảng phái thân cận, đưa tay chân đại diện của mình vào Quốc hội hay vào vị trí lãnh đạo tại những khu vực mà YUKOS đang tập trung khai thác. Năm 2002, Khodorkovsky tiến thêm một bước với việc dùng tiền bạc của mình thành lập ra quỹ “Nước Nga mở” với mục đích được tuyên bố là “khẳng định lòng tin của xã hội đối với giới doanh nghiệp lớn, những người đã nhận thức được trách nhiệm xã hội của mình đối với người dân”.
Những tham vọng và hoạt động chính trị ráo riết của Khodorkovsky tất nhiên không qua được mắt của Điện Kremlin. Phát “pháo hạng nặng” đầu tiên nhằm vào Khodorkovsky được bắn ra vào tháng 5-2003. Khi đó, Hội đồng chiến lược quốc gia (thành phần bao gồm những nhà nghiên cứu chính trị có uy tín) đã tung ra một bản báo cáo có nhan đề “Âm mưu đảo chính của giới tài phiệt đang được chuẩn bị tại Nga”. Nội dung báo cáo khẳng định, giới tài phiệt luôn hành động xuất phát từ những quyền lợi tài chính của riêng mình, chưa bao giờ vì những quyền lợi chiến lược của nước Nga. Hơn nữa, những thủ đoạn để đạt được mục đích của giới này đang làm băng hoại nền kinh tế Nga, làm gia tăng nghiêm trọng tệ nạn tham nhũng. Nhân vật được nhắc tới hàng đầu về những tham vọng chính trị trong báo cáo không ai khác là người đứng đầu Tập đoàn YUKOS.
Theo một số nhà quan sát, Khodorkovsky thực sự trở thành một mối nguy hiểm đối với Điện Kremlin bắt đầu từ khi cuộc chiến Iraq bùng nổ. Đúng vào thời điểm đó, YUKOS tuyên bố về thỏa thuận kết hợp với Sibneft. Với tư cách người đứng đầu liên doanh mới, Khodorkovsky đã đẩy mạnh đàm phán với các hãng dầu mỏ của Mỹ về khả năng bán lại cho họ một lượng lớn cổ phần. Ông Putin tất nhiên khó có thể chấp nhận về việc một tập đoàn khổng lồ mới hình thành (có tổng sản lượng khai thác tới 20 tỉ thùng dầu) đang sắp sửa rơi vào tay người Mỹ, nhất là trong bối cảnh an ninh năng lượng đang được Nga đặc biệt quan tâm khi cuộc chiến Iraq vừa nổ ra.
Đầu tháng 10/2003, Tập đoàn Exxon-Mobile của Mỹ tuyên bố đã sẵn sàng mua lại 40% số cổ phần của liên doanh YUKOS – Sibneft, hay thậm chí cả tỉ lệ đa số để giành quyền kiểm soát. Ông Putin bắt đầu nhận được những đề nghị mua YUKOS từ phía Henry Kissinger và sau đó là George Bush. Còn Khodorkovsky vào thời điểm đó cũng liên tục đi công tác nước ngoài. Một tháng trước khi bị bắt giữ, tay trùm tài phiệt này ngang nhiên tuyên bố tại Berlin, chỉ có giới tài phiệt mới là lực lượng duy nhất làm đối trọng với chính quyền. Một vài nguồn tin còn khẳng định, Khodorkovsky còn thỏa thuận với Washington, nếu có khả năng lên nắm quyền sẽ triển khai chính sách giải giáp hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của Nga để đổi lấy khoản hỗ trợ tài chính 160 tỉ USD của Mỹ. Dù có hay không chi tiết giật gân trên, một cuộc chiến thực sự giữa YUKOS với Điện Kremlin đã nổ ra.
Kết cục trong song sắt
Sáng ngày 25/10/2003, chiếc máy bay riêng của Khodorkovsky đang trên đường tới Irkutsk đã dừng chân tại sân bay “Tolmachevo” (Novosibirsk) để tiếp thêm nhiên liệu. Ngay khi máy bay vừa hạ cánh, trùm tài phiệt này đã bị các nhân viên Cơ quan An ninh liên bang (FSB) bắt giữ và áp giải tới một phòng giam cách ly ở Moscow, với các tội danh ban đầu là tham ô và trốn thuế.
Kết cục của người giàu nhất nước Nga đang ở trong song sắt nhà tù
Đến tháng 5/2005, danh sách các bị cáo trong vụ YUKOS đã lên tới hơn 30 người. Tất cả cổ phiếu, tài khoản của YUKOS và các công ty con đều bị phong tỏa. Ngoài một phần được trích ra để trả thuế và trả lương nhân viên, số còn lại đều được sung công để trả nợ. YUKOS dần dần phải giảm biên chế và sau một thời gian ngừng xuất khẩu dầu do không có khả năng trả tiền thuế. Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất nước Nga tan rã từ thời điểm này.
Phiên tòa xét xử Khodorkovsky bắt đầu vào tháng 4/2004 với kết quả là bản án 9 năm tù vì một loạt các tội danh. Tháng 12/2006, Khodorkovsky cùng đối tác Lebedev tiếp tục lại phải ra trước phiên tòa thứ hai để đối mặt với những cáo buộc mới liên quan đến những hành vi tội phạm có tổ chức và gian lận kinh doanh. Đáng chú ý nhất trong những tội danh này là cáo buộc vụ ăn cắp 350 triệu tấn dầu trong giai đoạn 1998-2003. Ngày 30/12/2010, Khodorkovsky nhận được bản án bổ sung mới 14 năm tù giam. Thông tin mới nhất cho biết, Khodorkovsky đã được cho giảm bớt một năm tù sau khi quan tòa xem xét đơn đề nghị của các luật sư. Theo đó, trùm tài phiệt dầu mỏ của Nga nếu không có gì thay đổi sẽ được trả tự do vào năm 2016.
Dù hiện tại đang ở trong song sắt nhưng ảnh hưởng của Khodorkovsky chưa bao giờ hết. Thậm chí các nước phương Tây không ngừng nỗ lực “chính trị hóa vụ án” để can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Như Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “tỏ ra nghi ngờ về khả năng hệ thống tư pháp bị thao túng”. Hay như một số nghị sĩ Mỹ còn công khai đòi “loại bỏ Nga khỏi nhóm G-8” vì vụ Khodorkovsky. Và các khoản tiền khổng lồ của Khodorkovsky vẫn còn lẩn quất đâu đó, tại các “thiên đường trốn thuế, rửa tiền” hay các khu biệt thự, các bất động sản dưới cái tên của thân nhân ông ta./.
Khánh An(Theocác báo Nga, Sách: Bản lĩnh Putin, Putin từ Trung tá KGB đến Tổng thống Liên bang Nga, Putin – Sự trỗi dậy của một con người )
Theo Tổ Quốc