Tỷ lệ thành công quá thấp của một chiến dịch không kích kể cả trong điều kiện thuận lợi nhất khiến các chuyên gia quân sự Mỹ phải đặt giả thiết Israel phải lựa chọn một giải pháp mạo hiểm hơn nhưng tỷ lệ thành công cao hơn và đặc biệt là họ đã có kinh nghiệm.
Israel gọi đây là cuộc đột kích “Iran Entebbe” – sử dụng lính biệt kích Sayeret Matkal thực hiện một cuộc đột kích đường không “trọn gói” rất nguy hiểm. Sayeret Matkal được tổ chức theo khuôn mẫu đơn vị “Dịch vụ đặc biệt hàng không” (Special Air Service - SAS) của quân đội Anh. Lúc mới thành lập, Sayeret Matkal trực thuộc cục Tình báo, An ninh quân đội, sau đó đặt dưới quyền sử dụng trực tiếp của bộ Tổng tham mưu quân lực Do Thái.
Lực lượng biệt kích Sayeret Matkal của Israel. |
Trận đột kích chớp nhoáng nổi tiếng nhất của Sayeret Matkal là cuộc hành quân “Sấm Sét” (Thunderbolt), còn được gọi là hành quân Entebbe. Trận đột kích “thần sầu” này, Sayeret đã giải cứu hơn 100 con tin người Do Thái đi chuyến bay của hãng hàng không Air France bị nhóm khủng bố Palestine không tặc, ép bay sang Uganda. Kết quả trận này, biệt kích Do Thái bắn hạ 52 lính Uganda, tất cả nhóm khủng bố, đổi lại thiệt hại chỉ là 1 sĩ quan chỉ huy nhóm xung kích Yonatan Netanyahu cùng ba con tin người Do Thái.
Theo kế hoạch, Israel sẽ cử một đơn vị lính biệt kích đặc biệt tinh nhuệ Sayeret Matkal nhảy dù xuống gần nhà máy làm giàu urani Fordow nằm gần Qum. Đơn vị này hay các lực lượng đột kích tương tự khác gồm 400 người sẽ xông vào đánh chiếm kho nhiên liệu urani đã được làm giàu và chuyển chúng về Israel. Tỷ lệ thành công của kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhất là tốc độ đột kích, sự đơn giản và độ tin cậy của các thông tin tình báo mà họ có được.
Theo một chuyên gia hoạch định kế hoạch chiến tranh của Lầu Năm Góc, hiện Israel đã tiếp cận được với những nguồn thông tin khá chi tiết về quân đội Iran.
Chiến dịch “Iran Entebbe” sẽ được tiến hành như sau: Lực lượng lính biệt kích sẽ được chuyên chở trên từ 3 đến 6 chiếc máy bay vận tải C-130 (mỗi chiếc có thể chở tối đa 70 lính) di chuyển dưới sự yểm trợ của một loạt những tiêm kích F-16I tối tân. Những chiếc C-130 này sẽ hạ cánh xuống sa mạc gần Fordow và lính biệt kích sẽ tiếp cận bí mật để vô hiệu hóa lực lượng bảo vệ căn cứ vốn được trang bị hỏa lực hạng nặng xung quanh nhà máy. Tiếp đó họ sẽ xâm nhập và bắn chặn tất cả các đơn vị đối phương trong vùng lân cận trước khi đánh chiếm vào kho nhiên liệu hạt nhân và quay trở về Israel. Tất nhiên trước khi rút lui họ sẽ đánh bom để phá hủy toàn bộ nhà máy này.
Như vậy, Israel sẽ không cần đến một chiến dịch ném bom tốn kém mà không hiệu quả. Các quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ nhận được báo cáo cho rằng urani ở căn cứ Fordow được lưu giữ dưới dạng khí hexaflorua urani. Trong trường hợp này, biệt kích Israel sẽ không cần phải đánh chiếm mà chỉ cần đánh bom để phá hủy toàn bộ. Một sỹ quan của Lầu Năm Góc cho biết: “Các nhóm biệt kích Tsahal là lợi thế lớn nhất của lực lượng phòng vệ Israel. Tuy nhiên, do đánh theo lối kỳ tập này nên phía Israel cũng sẽ phải chịu tổn thất khá nặng bởi đối đầu với họ là lực lượng Vệ binh cách mạng Iran khá thiện chiến”. Nhưng cho dù phải chấp nhận đổ máu, Israel sẽ không loại trừ phương án này bởi họ đã từng thành công trong quá khứ. Cũng cần phải nói thêm là Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đều là cựu quân nhân của Sayeret Matkal. Mới đây, Tham mưu trưởng quân đội Israel (vốn cũng là cựu sỹ quan của Sayeret Matkal) đã công bố thành lập một đơn vị tinh nhuệ dành riêng cho các chiến dịch đặc biệt chuyên thọc sâu vào trung tâm căn cứ của đối phương để thực hiện các chiến dịch mạo hiểm.
Căn cứ, nhà máy làm giàu urani của Iran đặt ở Fordow. |
Ngoài sự thiệt hại về quân số, khó khăn vẫn chưa phải là hết đối với Israel khi thực hiện kế hoạch này. Chiến dịch này đòi hỏi Israel phải có một đơn vị tìm kiếm và cứu hộ tại mặt trận và đồng nghĩa với việc họ phải cử thêm máy bay C-130 mang theo trực thăng để tìm kiếm và cấp cứu các binh lính thương vong hay chuyên chở các nhóm biệt kích trên máy bay bị bắn rơi. Các đơn vị cứu hộ này sẽ phải được triển khai tại các nước láng giềng hoặc đáp xuống các vùng sa mạc với phía bắc Iraq và hậu quả là từ một chiến dịch đơn giản sẽ trở thành vô cùng phức tạp do có liên quan đến các quốc gia khác.
Chính điều này khiến một số chuyên gia quân sự cho rằng Israel sẽ không dám thực hiện kế hoạch “Iran Entebbe” trong đó có đô đốc Inman. “Israel đã thành công ở Entebbe nhưng họ sẽ không thể làm điều tương tự ở Iran”, ông Inman nói. Nhưng đại tá Gardiner lại khẳng định điều này không làm khó được cho Israel. “Đây là lựa chọn không gây leo thang, hoàn toàn khả thi và không quá nguy hiểm. Tất cả các mục tiêu là để Tel Aviv chứng minh rằng họ có sức mạnh ở bất cứ đâu trong khu vực”.
Lê Trí
Theo Infonet