TNS Mỹ John McCain: Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc “không có cơ sở trong luật quốc tế”.
Bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Trung Quốc ngang nhiên hợp thức hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa”, vi phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc mưu đồ củng cố chỗ đứng ở Biển Đông
Theo báo đài Trung Quốc, ngày 24/7 tại đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), chính quyền Trung Quốc đã tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển hiệu cho các cơ quan trực thuộc cái gọi là “thành phố cấp địa khu Tam Sa”, tỉnh Hải Nam. Một loạt quan chức thuộc các cơ quan chủ quản như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Dân chính và Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc đã có mặt tham dự hoạt động kể trên. Ngay sau lễ công bố văn kiện liên quan đến việc thành lập thành phố Tam Sa của Quốc Vụ viện Trung Quốc, biển hiệu các cơ quan hành chính như Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Khu cảnh bị quân sự, ngân hàng, bệnh viện, nhà tù…cũng lần lượt được trưng lên với phân cấp chủ quản là “thành phố Tam Sa”.
Trung Quốc muốn dựng lên ông thần để cai quản Tam Sa (minh họa của Thời báo Hoàn Cầu)
Như vậy, Trung Quốc trong khoảng thời gian hơn một tháng đã lần lượt tiến hành các bước liên quan để đẻ ra cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Quốc Vụ Viện Trung Quốc ngày 21/6 phê chuẩn quyết định thành lập Tam Sa, Hội đồng Nhân dân Hải Nam ngày 17/7 thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”, ngày 21/7 tiến hành bầu 45 đại biểu của hội đồng này, ngày 23/7 họp phiên đầu tiên của hội đông và bầu Tiêu Kiệt làm “thị trưởng Tam Sa”, ngày 24/7 tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển “thành phố Tam Sa”. Chủ tịch “thành phố Tam Sa” là Tiêu Kiệt, người Hán, sinh tháng 10/1960, quê gốc tại Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, tỉnh ủy viên khóa V, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Nam.
Ngày 19/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn đề xuất của Quân khu Quảng Châu, đồng ý việc xây dựng khu cảnh bị (cảnh giới và phòng bị) tại thành phố Tam Sa. Khu cảnh bị chủ yếu phụ trách công tác động viên quốc phòng và dự bị dân binh trong khu vực thành phố Tam Sa, thúc đẩy quan hệ quân đội-chính quyền, phụ trách nhiệm vụ cảnh giới và phòng bị cho thành phố, hỗ trợ địa phương trong công tác cứu nạn, chỉ huy dân binh và bộ đội dự bị tiến hành các hành động quân sự… Có tin, đơn vị này ở cấp sư đoàn. Còn nếu nó tương đương đơn vị đồn trú tại Hong Kong thì sẽ do một trung tướng chỉ huy.
Bắc Kinh thực hiện chính sách sự đã rồi
Trong bài viết trên trang quốc tế của báo Le Figaro (Pháp), với tựa đề “Bắc Kinh đặt cơ sở trên Biển Đông”, phóng viên của báo tại Trung Quốc nêu bật ý đồ của Trung Quốc trong việc biến vùng biển đòi chủ quyền thành lãnh địa của mình thông qua việc thành lập một đơn vị quân đội đồn trú tại Biển Đông.
Theo tác giả, trong cuộc tranh chấp vùng biển với các nước láng giềng, Trung Quốc không hề buông súng, mà trái lại nữa là khác. Cuối tuần qua, Trung Quốc thông báo chính thức thành lập một đơn vị quân đội tại thành phố Tam Sa. Theo Le Figaro, đây là một bước mới nhằm “biến vùng này thành một lãnh địa” của mình, bất chấp những tranh chấp với các nước láng giềng Đông Nam Á. Phóng viên của báo Le Figaro cho rằng, việc quyết định thành lập đơn vị quân đội tại Tam Sa chỉ là sự nhấn mạnh đến tính biểu tượng, vì thực tế Trung Quốc đã triển khai một lực lượng khá hùng mạnh trong khu vực này từ lâu rồi.
Ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, Việt Nam đã lên tiếng phản đối ngay lập tức, cho rằng cái gọi là “thành phố Tam Sa” được thành lập bất hợp pháp trên vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bắc Kinh cho tổ chức rầm rộ lễ ra mắt cái gọi là "thành phố Tam Sa" tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Le Figaro nhận xét với việc dùng đoàn tàu “dân sự” hùng hậu được cử đến các vùng tranh chấp được trang bị vũ khí hạng nặng của Cục Quản lý Đại dương, Bắc Kinh đang bền bỉ dùng chính sách “sự đã rồi” để áp đặt chủ quyền của họ.
Trong cuộc tranh chấp tại Biển Đông hiện nay, tác giả nhận định, cuộc đối đầu gay gắt nhất là với Việt Nam, thế nhưng tham vọng của Bắc Kinh đã va chạm với hầu hết các láng giềng. Ngoài vấn đề tự hào dân tộc, nguồn dầu lửa được cho là rất dồi dào của vùng biển này đã làm cho tình hình căng thẳng. Ngoài ra cũng phải kể đến quyết định của Mỹ trở lại khu vực đã làm cho tranh chấp tại vùng biển này bị quốc tế hóa - điều mà Bắc Kinh không hề muốn.
Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước. Không chỉ ở Biển Đông, nhìn lên phía Bắc, Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku. Bắc Kinh vô cùng bực tức khi Thị trưởng thành phố Tokyo mùa xuân vừa qua cho biết sẵn sàng mua lại 4 hòn đảo thuộc Senkaku của một gia đình Nhật Bản giàu có và nhất là khi Thủ tướng Yoshihiko Noda ngầm phát tín hiệu rằng Chính phủ Nhật cũng sẵn sàng mua lại các đảo này.
Trung Quốc: Luật biển không phải là cơ sở giải quyết tranh chấp với Philippines
Ngày 24/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi hy vọng phía Philippines sẽ có những nỗ lực hữu ích nhằm giải tỏa căng thẳng liên quan tới đảo Hoàng Nham và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển lành mạnh”.
Tuyên bố trên nhằm đáp lại những bình luận mới nhất của Tổng thống Philippines
Benigno Aquino về vụ đối đầu giữa hai bên liên quan tới hòn đảo trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển không được sử dụng làm cơ sở để phán quyết đảo Hoàng Nham thuộc về bên nào, cũng như không thể thay đổi được thực tế hòn đảo này là bộ phận cố hữu của Trung Quốc.
Nhật báo Philippines Daily Inquiri, ngày 25/7, đưa lại nhận xét của Nhóm khủng hoảng quốc tế (ICG) có trụ sở tại Brussels cho rằng “tất cả các xu hướng đều phát triển sai lệch phương hướng và triển vọng về các giải pháp đã biến mất”. Trung Quốc đang hành động tích cực để “khai thác chia rẽ trong nội bộ ASEAN”. Sự thật rõ ràng mười mươi là nước chủ nhà hội nghị ASEAN Campuchia ủng hộ Trung Quốc, một đồng minh mật thiết của họ. ICG cảnh báo: “Không có sự nhất trí về một cơ chế giải quyết xung đột, căng thẳng tại Biển Đông sẽ dễ dàng phát triển thành xung đột vũ trang”.
Ngày 24/7, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói rằng “quyết định của Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai quân tới các hòn đảo ở Biển Đông mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là sự khiêu khích một cách không cần thiết”. Việc Trung Quốc bầu đại biểu của cơ quan lập pháp phụ trách các đảo và vùng biển ở Biển Đông chỉ củng cố thêm lý do tại sao nhiều nước châu Á ngày càng quan ngại về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Theo ông, các tuyên bố chủ quyền này của Trung Quốc “không có cơ sở trong luật quốc tế”. Thượng nghị sĩ McCain cho rằng cần tiếp tục hối thúc tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, đa phương dựa trên luật pháp quốc tế và duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế.
Rõ ràng, trong cuộc đấu tranh pháp lý liên quan Biển Đông, Trung Quốc đuối lý bèn giở các bài cùn ra./.
Nhật Nam
Theo Tổ Quốc