Việc tàu Trung Quốc và Nhật Bản đụng nhau gần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông, cộng với những phản ứng nóng nảy từ đôi bên đã làm dấy lên các giả thuyết về một cuộc đụng độ trên biển giữa đôi bên.
Trong tình huống xảy ra chiến tranh, Nhật Bản có thể lép vế trước một đạo quân trên biển đông đảo về số lượng của Trung Quốc, nhưng như thế không có nghĩa Tokyo đã cầm chắc phần thua.
Căng thẳng giữa 2 người khổng lồ ở châu Á tiếp tục tăng cao sau khi chính phủ Nhật Bản mua nhiều đảo tranh chấp thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ các chủ sở hữu tư nhân trong tuần này.
"Vờn nhau” trên biển
Trong động thái phản ứng với thương vụ mua bán của Nhật Bản, Trung Quốc hôm 14/9 đã điều 6 tàu hải giám vào vùng biển mà Nhật tuyên bố có chủ quyền.
Yasuhiko Oku, một quan chức thuộc lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cho biết các tàu tuần duyên Nhật đã lập tức tiếp cận và phát tín hiệu cảnh báo, yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển tranh chấp.
Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo tranh chấp, nhưng Trung Quốc không thừa nhận việc này. Đài truyền hình CCTV của Trung Quốc liên tục phát các đoạn video cho thấy một sĩ quan trên một tàu hải giám Trung Quốc thông báo qua sóng vô tuyến, yêu cầu phía Nhật Bản rút đi. "Hành động của các anh đang đe dọa chủ quyền của Trung Quốc. Bất kỳ hành động đơn phương nào của các anh liên quan tới quần đảo Điếu Ngư và các đảo liên quan đều là phi pháp. Hãy dừng ngay hành động phạm luật. Nếu không các anh sẽ chịu hậu quả do hành động của mình gây ra" - người này nói.
Tàu Tuần duyên Nhật Bản (trên) và tàu Hải giám Trung Quốc “vờn” nhau ở gần đảo Senkaku/Điếu Ngư |
Trong bối cảnh một cơn bão đang tiếp cận khu vực tranh chấp, tới chiều 14/9, toàn bộ 6 tàu Trung Quốc đã rời khỏi khu vực biển cách đảo hơn 30km. Nhưng bầu không khí căng thẳng vẫn còn nguyên.
Cùng ngày 14/9, nhiều cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc và báo chí nước này còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Không ít giọng điệu quá khích đã xuất hiện. Tuần này, tờ báo Beijing Evening News thậm chí còn khiến dư luận kinh ngạc khi kêu gọi việc dùng vũ khí nguyên tử trong cuộc tranh chấp, cho rằng đó sẽ là giải pháp giúp đơn giản hóa tình hình. Tháng trước, khi Nhật Bản đã bắt giữ và trục xuất những nhà hoạt động Trung Quốc tìm cách đặt chân lên đảo, một vị tướng cứng rắn tên là Luo Yuan đã kêu gọi Trung Quốc triển khai 100 con tàu bảo vệ Điếu Ngư/Sensaku.
Đông hơn không có nghĩa sẽ thắng
Những giọng điệu như thế đã khiến vài nhà phân tích tính tới khả năng đụng độ trên biển giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Theo trang Foreign Policy, để một cuộc chiến trên biển nổ ra có rất nhiều yếu tố tác động, trong đó bao gồm các toan tính chính trị phức tạp. Nhưng nếu loại bỏ khía cạnh chính trị và chỉ xét trên phương diện quân sự thuần túy, Hải quân Nhật Bản hiện có trong tay 48 tàu nổi chiến đấu chủ lực. Các con tàu này được thiết kế để có thể tấn công đội tàu chính của đối phương, trong khi có thể chịu tốt các cú phản đòn. Chúng gồm những khu trục hạm mang máy bay trực thăng hay còn gọi là tàu sân bay hạng nhẹ, khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu Aegis hiện đại tối tân, các con tàu khu trục nhỏ hơn, tàu hộ tống các loại... Ngoài ra Nhật còn có 16 chiếc tàu ngầm chạy diesel.
Ở phía Trung Quốc, Hải quân nhân dân Trung Quốc có 73 tàu chiến lớn, 84 tàu tuần tra mang tên lửa, 63 tàu ngầm. Xét về số lượng, có thể thấy Hải quân Trung Quốc đứng ở thế vượt trội áp đảo. Song số lượng có thể khiến người ta nhầm lẫn rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ giành chiến thắng, nếu xung đột nổ ra và có 3 yếu tố chính gây nên sự nhầm lẫn này.
Trước tiên, theo lời chiến lược gia Edward Luttwak, vũ khí giống như "những chiếc hộp đen bí mật" cho tới khi người ta mang chúng ra sử dụng trong chiến đấu: chẳng ai có thể biết liệu vũ khí có thể hiện được sức mạnh như quảng cáo hay không. Chiến trận, chứ không phải các thông số kỹ thuật, mới là thứ đánh giá rõ rệt nhất giá trị của một công nghệ quân sự. Trung Quốc có nhiều vũ khí hơn, không có nghĩa chúng có chất lượng cao hơn vũ khí của Nhật Bản.
Thứ hai, trong chiến tranh, con người đóng vai trò hết sức quan trọng. Những người lính biển trau dồi khả năng chiến đấu không nhờ việc ngồi trên bến cảng lau chùi vũ khí, mà nhờ vào việc thao diễn liên tục. Đội tàu của Hải quân Nhật Bản thường xuyên luyện tập một mình hoặc với hải quân các nước khác. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc khá thụ động trong khía cạnh này. Ngoài việc triển khai tàu chống cướp biển ở Vịnh Aden hồi năm 2009, các đội tàu của Trung Quốc chỉ xuất hiện trong các cuộc thao diễn ngắn, khiến người lính có ít thời gian làm quen với môi trường chiến trận, nắm rõ công việc của họ và xây dựng các thói quen có lợi cho hoạt động chiến đấu trên biển.
Thứ ba, đụng độ trên biển không có nghĩa chỉ có các con tàu xả đạn vào nhau. Vị trí địa lý của hai người khổng lồ ở châu Á này nằm khá gần nhau. Các vùng đất của họ, kể cả những hòn đảo tiền tiêu, là những tàu sân bay không thể đánh chìm và là những trạm phóng tên lửa lý tưởng. Khi được vũ trang và tăng cường hệ thống bảo vệ, các vị trí này sẽ giúp thay đổi đáng kể cục diện của một cuộc chiến trên biển.
Canh bạc “siêu cường”
Điều quan trọng là Nhật Bản không cần phải đánh thắng Trung Quốc để giành chiến thắng trên biển. Nước này hiện đang kiểm soát Sensaku/ Điếu Ngư và tất cả những gì họ cần làm chỉ là từ chối không cho Trung Quốc có thể tiếp cận với đảo này.
Ngoài ra, Nhật Bản có lực lượng quân sự tập trung, trong khi Trung Quốc lại phải trải dài Hải quân nhằm bảo vệ đường bờ biển lớn của nước này. Các chỉ huy của Trung Quốc sẽ đối đầu với một vấn đề khó khăn: nếu họ tập trung lực lượng chống Nhật Bản, họ sẽ hở sườn ở các khu vực lợi ích khác.
Và cuối cùng, các lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải cân nhắc việc một cuộc chiến trên biển sẽ đẩy lùi khả năng khuếch trương sức mạnh của nước này ra sao. Trung Quốc đã đặt cược tương lai kinh tế và ngoại giao lên một đạo quân hướng mạnh ra biển. Năm 2006, chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng ra lệnh cho các chỉ huy quân đội Trung Quốc phải xây dựng Hải quân có thể bảo vệ các tuyến đường biển huyết mạch của đất nước vào bất kỳ lúc nào.
Nhưng điều đó có nghĩa Trung Quốc sẽ cần tới rất nhiều tàu chiến. Và theo Foreign Policy, nếu Trung Quốc mất quá nhiều tàu trong một cuộc đụng độ với Nhật Bản, điều rất dễ xảy ra nếu giao tranh trên biển giữa hai người khổng lồ xuất hiện, Bắc Kinh sẽ chứng kiến động lực đi lên theo hướng siêu cường của nước này đảo ngược chỉ trong vòng một buổi chiều.
Tường Linh (Theo AP, Thể thao Văn Hóa)