TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Chủ nghĩa dân tộc: chất xúc tác cho các tranh chấp biển đảo ở Châu Á

Những căng thẳng trong các cuộc tranh chấp biển đảo ở châu Á đang tiếp tục leo thang. Một sự kết hợp nguy hiểm giữa chủ nghĩa dân tộc và các vấn đề chính trị nội bộ ở các nước làm trầm trọng thêm những tranh chấp ở khắp khu vực.

 tinh hinh bien dong

Một cuộc tranh chấp như thế giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiến hành thảo luận với người đồng cấp Nhật Bản về khả năng tuần tra bằng máy bay không người lái. Một đội tàu nhỏ gồm 20 chiếc của các nhà hoạt động Nhật Bản đến quần đảo này và đã gây đau đầu hơn nữa cho các chính trị gia ở cả Bắc Kinh lẫn Tôkyô.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối "sự xâm lược của Nhật Bản" đã được tổ chức tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Changsha (Trường Sa - thủ phủ tỉnh Hồ Nam) và Hồng Công tiếp sau những thông tin đăng trên mạng xã hội Weibo (những thông tin này sau đó đã nhanh chóng được kiểm duyệt và gỡ bỏ).

Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đang bị kẹt trong vấn đề quần đảo Dokdo/Takeshima mặc dù hai nước cho đến gần đây đã hợp tác với nhau nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung và tích trữ tài nguyên. Tranh chấp với Nhật Bản đã nổ ra khi Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc (Lee Myung-bak) đến thăm quần đảo này hồi đầu tháng Tám, làm dấy lên một cuộc tranh cãi ngoại giao mà nó đã dậy sóng hơn nữa trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic do sự lợi dụng của một cầu thủ bóng đá Hàn Quốc (cầu thủ này đã giơ cao một tấm biển với dòng chữ “Dokdo là lãnh thổ của chúng tôi” khi ăn mừng chiến thắng 2-0 trong trận tranh huy chương đồng với Nhật Bản). Sự căng thẳng dường như đã khơi lại những đau buồn xa xưa do quá trình chiếm đóng lâu dài trước đây của Nhật Bản đối với bán đảo này và làm xấu đi cái đang được chứng tỏ là một liên minh mạnh mẽ hơn trong chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác toàn diện.

Nga cũng góp phần vào làn sóng đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ. Trong tháng Bảy, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đến thăm Kunashiri, một trong bốn hòn đảo ngoài khơi Hokkaido mà Nhật Bản đang tuyên bố là của mình. Chuyến thăm của ông Medvedev là mang tính cơ hội trong bối cảnh hầu hết mọi sự chú ý đang đổ dồn về Biển Đông, và việc này đang mở ra một chiến tuyến ngoại giao khác đối với Nhật Bản.

Thật vậy, Nga đang nhúng tay hơn nữa vào các cuộc tranh chấp này, cung cấp cho Việt Nam sáu tàu ngầm diesel lớp Kilo - số tàu này hiện vẫn chưa được chuyển giao. Vụ mua sắm này sẽ giúp Việt Nam xây dựng khả năng phong tỏa biển vốn hạn chế của mình xung quanh các vùng biển cụ thể. Trong khi đó, vào tháng Tư năm nay, Nga đã tổ chức tập các cuộc tập trận hải quân chung với Trung Quốc ở Biển Hoàng Hải.

Khuấy động Biển Đông

Trung tâm của cuộc tranh chấp đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là việc kiểm soát tất cả các tuyến đường giao thông trên biển (SLOC) quan trọng vốn chạy ngang qua Biển Đông và có vai trò như những siêu xa lộ hàng hải cho Trung Quốc và các nước láng giềng, đồng thời cũng có tầm quan trọng to lớn đối với thương mại toàn cầu. Một vấn đề quan trọng tương tự là quyền sở hữu đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản, thủy sản và dầu khí có giá trị ở Biển Đông, Hoa Đông, và Biển Okhotsk.

Những nguy cơ gần đây đã gia tăng. Được chính thức thành lập vào ngày 24/7, thành phố Tam Sa sẽ có một đơn vị đồn trú quân sự và có vai trò như là thủ phủ hành chính của Trung Quốc đối với khu vực nằm ở phía Nam đảo Hải Nam . Việc thành lập thủ phủ hành chính này, trên một hòn đảo ở Biển Đông cách tỉnh Hải Nam 220 dặm đã dẫn đến những chỉ trích của Mỹ và các quốc gia châu Á.

Hai tuần sau khi thành phố Tam Sa được thành lập, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã đưa ra một báo cáo để thảo luận tại quốc hội nước này về vấn đề hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc cũng như những tác động đối với Hải quân Mỹ. Tại các hành lang ở Đồi Capital, những lời thì thầm về một chiến lược quân sự cứu cánh cuối cùng của quân đội Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc được cho là đã vang vọng mạnh hơn so với trước đây. Người ta có thể nhận thấy những lời lẽ hiếu chiến trên cả hai bờ Thái Bình Dương.

Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc thành lập tiền đồn Tam Sa đã gợi lên những ký ức của trận chiến năm 1974 tại Quần đảo Hoàng Sa. Trong trận chiến này, Trung Quốc đã thực hiện thành công một cuộc tấn công trên biển với sự hỗ trợ của không quân điều từ đảo Hải Nam và buộc phía Việt Nam (lúc đó là quân của Việt Nam Cộng hòa) phải rút lui, để lại hơn 70 người thiệt mạng. Khả năng của Hải quân và Không quân Trung Quốc đã gia tăng đáng kể kể từ đó.

Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào Mỹ. Nước này đã cam kết tham gia nhiều hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cuộc tập trận hải quân đã được thực hiện với nhiều quốc gia châu Á. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Oasinhtơn sẽ tôn trọng những thỏa thuận lâu đời chẳng hạn như các hiệp ước phòng thủ chung với Philíppin (1951), Ôxtrâylia và Niu Dilân (1951), Nhật Bản (1951), và Hàn Quốc (1953) hay không.

Điều này hoặc sẽ khiến Mỹ phải chống lại Trung Quốc, hoặc sẽ làm suy giảm nghiêm trọng tinh thần của các nước châu Á nhỏ hơn vì những nước này nhận ra rằng họ hiện đang một mình. Trung Quốc biết rõ Oasinhtơn có nhiều việc phải làm trong năm bầu cử ở Mỹ, vì vậy, Chính quyền Obama sẽ không lựa chọn khả năng thứ nhất.

Mặc dù nhiều nhà phân tích lâu nay đã lập luận rằng bất kỳ cuộc xung đột công khai lớn nào ở Biển Đông đều không thể xảy ra do tác động kinh tế tiêu cực có thể nảy sinh từ một cuộc xung đột như thế ở tuyến SLOC này, việc mở hai đường vận tải biển khác ở Bắc Cực - Tuyến Đông Bắc và Tuyến Tây Bắc - có thể sớm cung cấp cho Trung Quốc một tuyến đường thay thế để đến các cảng ở châu Âu và Thái Bình Dương. Thương mại giữa châu Á có thể tiếp tục, mặc dù bị hạn chế hơn, ngay cả khi xảy ra tình trạng "phong tỏa biển" ở Biển Đông. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc lại lớn tiếng trong Hội đồng Bắc Cực, cạnh tranh để có một tiếng nói lớn hơn, và vào tháng 7 đã khai trương một Viện Nghiên cứu Bắc Cực trong hợp tác với Aixơlen.

Những rắc rối nội bộ và chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy

Theo một báo cáo của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế công bố hồi tháng Tư, "những nhiệm vụ mâu thuẫn nhau" và "sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ Trung Quốc" được cho là đã gây tai hại cho chính phủ nước này.

Hai phe quân đội và xã hội dân sự hiện đang tranh giành ảnh hưởng. Quân đội lâu nay có ảnh hưởng lớn trong quá trình chuyển tiếp quyền lực tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, tiếp sau sự ra đi của thế hệ sáng lập gồm các nhà lãnh đạo cách mạng của Trung Quốc, sự phân chia thành hai nhánh của giới thượng lưu dân sự và quân sự trong các tổ chức tương ứng của họ đã làm giảm ảnh hưởng của quân đội trong Bộ Chính trị và tiếp đó là cả trong quá trình chuyển tiếp quyền lực.

Trong khi đó, quyền lực và ảnh hưởng của các nhà quản lý hành chính những tỉnh lớn, vốn có nguồn thu từ thuế và dân số lớn tương tự như các nước châu Âu, luôn thấp thoáng ở hai bên cánh gà sân khấu. Trong năm 2012, được coi là một năm chuyển tiếp quyền lực đối với Chính phủ Trung Quốc, sự tác động của một cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa hai phe dân sự-quân sự có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Sự cạnh tranh lợi ích có thể dẫn đến sự thất bại trong việc ra các quyết định chịu sự kiểm soát của trung ương và ảnh hưởng đến khả năng tháo gỡ bất kỳ cuộc xung đột nào.

Các phương tiện truyền thông khắp khu vực đang tiếp tục quốc gia hóa vấn đề Biển Đông thông qua những lời lẽ hiếu chiến, và có lẽ không nơi nào mà tình trạng này lại nhiều hơn so với ở Trung Quốc. Trong một năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 600 nhà đi biển Trung Quốc Trịnh Hòa có các cuộc thám hiểm khắp châu Á, không có gì đáng ngạc nhiên khi tâm lý dân tộc chủ nghĩa lại dâng cao ở Trung Quốc.

Sự huy động về văn hóa đã trở thành một yếu tố quan trọng để gắn kết đất nước đông dân này lại với nhau. Ví dụ nổi bật nhất trong số đó là cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông. Hơn nữa, không có gì là ngạc nhiên khi sự đoàn kết dân tộc gia tăng đã trở thành một vấn đề quan trọng trong một năm mà sự rối loạn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, tiếp tục đe dọa các cán cân thương mại và do đó ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm triệu công nhân Trung Quốc. Đoàn kết dân tộc là cần thiết để ngăn chặn tình trạng bất ổn nội bộ.

Dĩ nhiên, vấn đề nảy sinh do sự huy động văn hóa như vậy là ở chỗ nó sẽ kích động quần chúng. Điều đó đến lượt nó sẽ có những tác động mà sẽ gây phức tạp cho sự kiểm soát của trung ương. Các tàu đánh cá của Trung Quốc đã xâm nhập hơn nữa đến các vùng biển giàu tài nguyên với sự hỗ trợ của việc huy động về văn hóa. Và một lực lượng hải quân, mà vẫn còn thiếu khả năng hoạt động ngoài biển khơi và đòi hỏi phải tiếp tục hiện đại hóa, đang nhận thấy một cơ hội để có thể nhảy lên lưng con rồng văn hóa nhằm biện minh hoặc gia tăng mẩu bánh ngân sách của mình. Trong khi đó, ở trong nước, các cuộc phản đối và tuần hành hàng loạt đang đòi hỏi hành động từ phía chính phủ.

Xoa dịu các vùng biển

Các biện pháp xây dựng lòng tin và đối thoại hơn nữa là cần thiết đối với những quốc gia đang có các yêu sách chủ quyền. Mỹ cần ký Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), công ước này sẽ cung cấp một khuôn khổ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở cấp quốc tế. Chỉ đến khi ký, Oasinhtơn mới có thẩm quyền chỉ trích các bên tham gia Công ước, chẳng hạn Trung Quốc, về việc duy trì những yêu sách đòi hỏi chủ quyền. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào hướng tới việc ký kết UNCLOS đều đã bị chặn lại tại Thượng viện Mỹ.

Bất chấp khả năng hải quân vượt trội, Mỹ đang bị cản trở do thiếu sự tin cậy của các nước khác xuất phát từ việc không phê chuẩn văn kiện nói trên - mặc dù khả năng LHQ có thể đóng vai trò như một diễn đàn để đàm phán là đầy triển vọng trong trường hợp tốt nhất. Tình cảm dân tộc dâng cao, và một số nước cảm thấy hiện có rất nhiều thứ để mất nếu để chịu sự tiết chế của LHQ, cụ thể là đối với Trung Quốc, vốn có thể đàm phán những giải pháp thuận lợi hơn nhiều dựa trên cơ sở song phương. Tuy nhiên, vẫn có quan điểm đầy tự tin khác cho rằng xung đột là không thể xảy ra do sự hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ.

Cách thức để các cuộc khủng hoảng này được quản lý, đặc biệt là khi chủ nghĩa dân tộc đang leo thang ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philíppin, sẽ cung cấp một chỉ dấu tuyệt vời cho câu hỏi liệu xung đột có thể được ngăn chặn trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông vốn có tầm quan trọng rất lớn này hay không. Thật vậy, các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Bắc Á gần đây dường như là những thử nghiệm cho sự phản ứng xa hơn về phía Nam . Tuy nhiên, nguy cơ trước mắt chính là tính không thể dự báo của tâm lý dân tộc chủ nghĩa vốn đang gia tăng cùng với những hành động của một tàu cá quá hung hăng hoặc của một đội tàu nhỏ các nhà hoạt động./.

Tác giả Elliot Brennan thuộc Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP) tại Thụy Điển

Theo Atimes (ngày 29/8)
Vũ Hiền (gt)
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te