Biển Đông căng thẳng và động thái mới nhất của Mỹ-Trung
Ngày càng bất đồng về việc xử lý những cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, Hoa Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng, quan chức Mỹ - Trung liên tục tăng cường các chuyến đi ngoại giao.
Giữa tháng 9 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc khi hai nước đang ngày càng bất đồng về cách thức Bắc Kinh giải quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.
Chuyến thăm của ông Panetta diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp đón người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt tại thủ đô Washington. Tại cuộc gặp vào hồi tháng 5 năm nay, Bộ trưởng Leon Panetta nhấn mạnh: “Mỹ bảo vệ việc thay đổi trọng tâm chiến lược quốc phòng ở châu Á với mục đích là giúp những đồng minh có khả năng đối đầu với những thách thức quân sự mà họ gặp phải. Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc ở Thái Bình Dương. Washington muốn cùng với Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ vững chắc trong tương lai. Điều này là cần thiết cho hai nước để giải quyết hiệu quả những vấn đề khó khăn”.
Chỉ mới 3 tháng sau chuyến công du Washington của ông Lương Quang Liệt, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Sái Anh Đĩnh lại lặng lẽ qua Mỹ từ ngày 20 đến ngày 22/8 vừa qua.
Theo giới phân tích Trung Quốc, vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông đã được đặt lên bàn hội nghị.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tiếp tục có chuyến công du 6 nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 31/8. Đây là lần thứ ba bà Clinton quay trở lại châu Á trong vòng 4 tháng. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, biển Đông sẽ là vấn đề ưu tiên của bà Clinton trong chuyến công du này. Bà Clinton được dự đoán sẽ cảnh báo Trung Quốc về việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp biển đảo, hãng tin Pháp AFP nhận định. Còn giới quan sát nhận định chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ nhằm khẳng định vai trò của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trước đó, hôm thứ Ba ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã phát biểu rằng Mỹ không muốn thấy các tranh chấp trên Biển Đông cũng như ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới được giải quyết bằng cách ức hiếp hay bằng sức mạnh. “Chúng tôi muốn thấy giải quyết các bất đồng này tại bàn đàm phán,” bà Nuland nói.
Ngay trước thềm chuyến Á du của bà Clinton, hãng tin Tân Hoa Xã nhận định chuyến đi của bà Clinton là nhằm để ‘kiềm chế’ Trung Quốc và các buộc Washington "gây sự" trong khu vực. Tân Hoa Xã cũng bày tỏ quan ngại trước việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. "Mỹ cần phải từ bỏ tham vọng phi thực tế là làm bá chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như thế giới", Tân Hoa Xã răn đe.
Trong một diễn biến khác, Mỹ đang có kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Á trong một động thái nhằm hạn chế mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên song cũng có thể sử dụng để đối phó với quân đội Trung Quốc.
Thông tin trên được đưa ra sau khi quân đội Trung Quốc thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 24/7 với tầm phóng được cho là có thể vươn tới bất kỳ thành phố nào của Mỹ. Tên lửa DF-41 có thể mang 10 đầu đạn riêng biệt, mỗi đầu đạn có thể được lập trình để đánh vào một mục tiêu khác nhau. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về sự phát triển của một tên lửa chống tàu được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc, có khả năng tấn công hạm đội Thái Bình dương Mỹ. Những tên lửa này có tầm phóng gần 1.500 km, được thiết kế để ngăn chặn tàu Mỹ tiếp cận biển Đông, một khu vực quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Trung Quốc.
Trong những ngày qua, Mỹ cũng tiến hành tập trận rầm rộ với các nước châu Á bất chấp sự quan ngại của Trung Quốc. Tuần trước là cuộc tập trận chung của Mỹ với Nhật, Hàn. Tiếp đó, từ ngày 28/8, hải quân Mỹ và 6 nước Đông Nam Á (Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapỏe) khởi động kế hoạch tập trận chung nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến trên biển.
Giới quan sát đang chờ đợi các chuyến ngoại giao qua lại giữa quan chức Mỹ - Trung có xoa dịu được những bất đồng giữa hai bên xung quanh việc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng.
----------------------
Theo PN Today