Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền
Hàng năm cứ vào khoảng cuối tháng 2 âm lịch, khi các đợt gió mùa Đông Bắc thưa dần trên Biển Đông, người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) lại cùng nhau cử hành các nghi lễ được gọi là "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”. Đây chính là hoạt động tri ân và tưởng nhớ những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trên Biển Đông.
Tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.Ảnh: Trí Nguyễn - vnexpress
Nhiệm vụ nặng nề, công việc nguy hiểm, biển khơi khó lường, trong khi phương tiện của thời đó còn rất thô sơ nên các dân binh trong đội Hoàng Sa hầu như luôn phải đối mặt với cái chết. Thế nhưng trong suốt nhiều thế kỷ qua, các đội hùng binh của vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã hầu như liên tục ra khơi xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo này. Hầu hết các tài liệu cổ có ghi chép về đội Hoàng Sa đều cho thấy đội này bắt đầu xuất hiện từ thời những chúa Nguyễn đầu tiên đặt chân đến xứ Đàng Trong. Theo TS Nguyễn Nhã, chúng ta có cơ sở để kết luận đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau. Một năm sau khi lên ngôi hoàng đế, năm Gia Long thứ 2 (1803) vua ra chỉ dụ cho đội Hoàng Sa tiếp tục công việc như cũ. Đại Nam Thực Lục Chính Biên có chép rõ: "Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Từ năm 1816, vua Gia Long bắt đầu cử thủy quân đi cùng với đội Hoàng Sa. Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), những hoạt động của đội Hoàng Sa và thủy quân trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành lệ thường hàng năm theo sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ ghi lại.
Toàn cảnh đảo Lý Sơn tức Cù lao Ré (Quảng Ngãi)
Theo chính sử triều Nguyễn ghi lại, hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi biển từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Đây rõ ràng là thời gian rất thuận lợi cho việc đi biển trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Hầu hết các tài liệu cũng cho biết đi từ Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) đến nơi bắt đầu hoạt động ở Hoàng Sa mất 3 ngày 3 đêm. Trong suốt 6 tháng đội Hoàng Sa tiếp tục đi khắp nơi trên biển để thực hiện nhiệm vụ được triều đình giao phó. Đó là các công việc thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển phía bắc quần đảo Hoàng Sa, kiêm quản trông coi các đội khác cùng làm nhiệm vụ nhưng ở khu vực khác như đội Bắc Hải ở phía nam (tức quần đảo Trường Sa). Về sau, đội còn đảm trách thêm việc đi xem xét, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ vùng quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ này bắt đầu từ thời Gia Long mới được ghi trong chính sử. Riêng về nhiệm vụ do thám, canh giữ ngoài biển, trình báo về các bọn cướp biển thì bắt đầu có ghi từ năm Gia Long thứ 3 (1804). Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa không chỉ thuần túy về kinh tế, khai thác tài nguyên mà còn làm các công việc phục vụ cho chức năng quản lý nhà nước. Như vậy, quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa và các đội kiêm quản khác chính là quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục, kéo dài trong nhiều thế kỷ (từ đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX) và tuân theo luật lệ rõ ràng của Nhà nước phong kiến Việt Nam.
Tượng đài hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn sừng sững nhìn ra quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Tuổi trẻ
Đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, thời Chúa Nguyễn đã đặt lệ mỗi năm lấy 70 suất đinh để sung vào đội Hoàng Sa, chủ yếu lấy người của xã An Vĩnh, Cù lao Ré (Quảng Ngãi). Ngay từ khi trấn nhậm phương Nam, các chúa Nguyễn đã nhận thấy vùng Biển Đông không chỉ là nơi có nhiều báu vật mà còn là cửa ngõ có tính chiến lược để trấn giữ phần đất liền nên đã rất có ý thức xác lập và thực thi chủ quyền trên vùng biển này. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên mỗi năm chỉ có thể đưa người ra vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa một thời gian khoảng 6 tháng. Vì vậy, hàng năm lựa chọn các trai tráng khoẻ mạnh, thạo đi biển, thông hiểu luồng lạch của Cù lao Ré để sung vào đội Hoàng Sa. Nhiệm vụ của đội rất nặng nề và công việc nguy hiểm, nên các dân binh của đội Hoàng Sa đều biết rằng họ luôn đối diện với cái chết. Chính vì thế mà ngoài lương thực, nước uống các dân binh còn mang theo một đôi chiếu, 7 sợi dây mây và 7 cái đòn tre. Nếu chẳng may có mệnh hệ nào ở giữa biển khơi thì dùng chiếu ấy quấn xác, đòn tre để nẹp và lấy dây mây bó lại rồi thả xuống biển. Chiếc thẻ tre nhỏ ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người mất được cài kỹ trong bó chiếu để những ai vớt được còn nhận biết.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Tại Cù lao Ré hiện vẫn còn Âm Linh Tự tức miếu Hoàng Sa, ở thôn Tây, xã Lý Vĩnh, tức phường An Vĩnh xưa và Âm Linh Tự ngoài trời ở xã Lý Hải, tức phường An Hải xưa. Hiện vẫn còn tục tế đình và lễ khao quân tế sống để tiễn dân binh hải đội Hoàng Sa lên đường làm nhiệm vụ hàng năm vào ngày 20 tháng 2 âm lịch. Trên đảo Lý Sơn ngày này có nhiều gia đình còn gia phả và bàn thờ những người là lính Hoàng Sa như nhà ông Phạm Quang Tỉnh ở thôn Đông, xã An Vĩnh có nhà thờ và gia phả ông tổ Pham Quang Ảnh - người được vua Gia Long cử làm đội trưởng đội Hoàng Sa năm 1815. Trong ký ức của người dân Lý Sơn vẫn còn khắc ghi những câu chuyện hùng tráng lưu truyền từ tổ tiên. Như câu chuyện về Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh vua Minh Mạng (1836) dẫn đoàn thuyền của đội Hoàng Sa ra Biển Đông cắm mốc, dựng bia chủ quyền, đo đạc vẽ bản đồ, trồng cây cối, thu lượm hải vật trong suốt 6 tháng ròng rã, kể từ đó công việc này thành lệ hàng năm. Không ai rõ Phạm Hữu Nhật đã đi bao nhiêu chuyến, nhưng có một điều chắc chắn là lần cuối cùng ông đã đi mãi không về. Người thân đã phải ngậm ngùi an táng ông bằng nấm mộ chiêu hồn không hài cốt. Tổ quốc khắc ghi công ơn của ông bằng việc đặt tên Hữu Nhật cho một hòn đảo lớn ở phía nam quần đảo Hoàng Sa.
Thả thuyền tưởng nhớ các hùng binh bảo vệ đảo Hoàng Sa
Theo sử sách ghi lại, địa bàn hoạt động của đội Hoàng Sa rất rộng. Khởi đầu là những đảo gần bờ nhất, song trong vòng 6 tháng hàng năm từ năm này qua năm khác đội Hoàng Sa đã mở rộng phạm vi hoạt động khắp các đảo san hô trên Biển Đông gồm quần đảo Hoàng Sa và kiêm quản đội Bắc Hải hoạt động trên địa bàn quần đảo Trường Sa. Theo TS Nguyễn Nhã, hoạt động của đội Hoàng Sa tới các đảo phía bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc), phía nam tiếp tới Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự mình đi khắp nơi song lại kiêm quản các đội khác nên phạm vi hoạt động của các đội rất rộng, khắp các đảo trên Biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung, từ phía tây nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay. Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré.
Ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ đời thứ 5 thắp nhang
bên mộ gió của Chánh suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật
Việc lập thêm nhiều hải đội có nhiệm vụ như đội Hoàng Sa hoạt động trên các địa bàn khác cho thấy triều đình nhà Nguyễn ngày càng phát hiện ra thêm nhiều đảo san hô trên một khu vực hết sức rộng lớn của Biển Đông. Nhu cầu tìm hiểu, khai thác, đo đạc và quản lý các vùng biển đảo này khiến cho công tác của đội Hoàng Sa và các đội khác thêm nặng nề. Nhà Nguyễn vẫn để cho đội Hoàng Sa kiêm quản là có ý tập trung vào một đầu mối hầu có thể nắm rõ và kiểm soát được tình hình trên Biển Đông. Trước yêu cầu đó, người chỉ huy đội Hoàng Sa phải là vị quan lớn hơn, được phong tước Hầu như cai đội Thuyên Đức Hầu, Phú Nhuận Hầu để đủ uy thế, quyền hành thực thi chức trách lớn hơn. Rõ ràng, quy mô kiểm soát và quản lý các vùng biển, đảo trên Biển Đông của nhà Nguyễn ngày càng mở rộng cùng với việc gia tăng ý thức xác lập và thực thi chủ quyền của triều đại phong kiến này trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ XX tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhóm PV Biển Đông
Theo Đại Đoàn Kết