TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc – ASEAN: nhất cử lưỡng tiện

Thái độ hoà giải nhất thời của Trung Quốc (TQ) là một mũi tên nhắm nhiều đích. Việc TQ nhấn mạnh đến quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN đặt ra những thách thức đối với sự bấp bênh trong chiến lược của Mỹ đối với các đồng minh châu Á.

 

Ông Tập Cận Bình cùng lãnh đạo các nước ASEAN trong lễ khai mạc hội chợ ASEAN – Trung Quốc lần thứ 9, ngày 21.9.2012. Ảnh: Reuters

Trong khuôn khổ khai mạc hội chợ ASEAN – Trung Quốc từ 21 – 26.9, TQ đã có thái độ khá hoà giải khi đề cập tới vấn đề an ninh khu vực. Phó Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh coi trọng và kiên trì chính sách không ngừng mở rộng quan hệ với các nước trong ASEAN, mong muốn cùng với ASEAN giải quyết những vấn đề phát sinh còn có nhận thức khác biệt bằng đàm phán hoà bình, tôn trọng lẫn nhau, trong đó có các vấn đề trên biển.

Tuyên bố của TQ đạt hai mục tiêu

Ngày 22.9, theo đài RFI, tuyên bố của phó Chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật trên nguyên tắc sẽ thay thế chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng Hồ Cẩm Đào rằng Bắc Kinh muốn có quan hệ tốt với các nước Đông Nam Á, trước mắt, thu về hai mối lợi rõ rệt. Thứ nhất, Biển Đông tạm lặng sóng để chính quyền Bắc Kinh tập trung lực lượng đối phó với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Thứ hai, hoà dịu với ASEAN cũng có thể là cách để hoá giải sự tập hợp lực lượng giữa các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với TQ trên Biển Đông.

Thái độ nói trên khác hẳn so với cách hành xử trên biển Hoa Đông. Giận dữ khi Tokyo mua lại từ sở hữu tư nhân quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà TQ cho là thuộc chủ quyền của họ, TQ một mặt đe doạ sẽ có thêm những hành động trả đũa, mặt khác chính quyền dung túng cho dân chúng biểu tình bài Nhật.

Được cho là phát biểu khá mềm mỏng với ASEAN, ông Tập Cận Bình tránh nhắc đến tranh chấp Biển Đông, nhưng vẫn khẳng định: Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và an ninh lãnh thổ.

Khi tiếp riêng đặc phái viên của Tổng thống Philippines Benigno Aquino bên lề hội chợ ASEAN – Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cũng bày tỏ hy vọng là quan hệ giữa hai nước sẽ sớm được hàn gắn, sau cuộc đối đầu gay cấn tại khu vực đảo Scarborough/Hoàng Nham, mà Bắc Kinh và Manila đang tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, đến nay, TQ vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của ASEAN về việc thiết lập bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm giải quyết tranh chấp biển đảo trên cơ sở đa phương, mà vẫn muốn thương lượng song phương, bởi như thế TQ dễ áp đảo đối với từng nước hơn.

Trong khuôn khổ hội chợ, ngày 20.9, tại cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phó Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Đảng, nhà nước và nhân dân TQ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu. TQ và Việt Nam đều nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hoà bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết thoả đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hoà bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ hai nước.

Mỹ trước nghịch lý từ chính ASEAN

Tuy nhiên, ngay trong ngày phó Chủ tịch Tập Cận Bình lớn tiếng tuyên bố muốn giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông (21.9), TQ đã có hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Tân Hoa Xã, TQ tăng cường thúc đẩy hoạt động đầu tư tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Chính quyền TQ đang xúc tiến kế hoạch phát triển bao gồm các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng và giao thông; đã có kế hoạch cho 31 dự án lớn với số tiền cần đầu tư lên tới 2,1 tỉ USD, trong đó có dự án mở tuyến du lịch bất hợp pháp đến quần đảo Hoàng Sa trước dịp Quốc khánh TQ 1.10 tới.

Ngày 22.9, theo đài VOA, trong buổi điều trần tại Quốc hội Mỹ cuối tuần, chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương thuộc uỷ ban Đối ngoại thượng viện – Jim Webb – đã kêu gọi Chính phủ Mỹ hãy dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn việc sử dụng lực lượng quân sự hay bất kỳ hành động bành trướng chủ quyền đơn phương nào ở khu vực Đông Á. Thượng nghị sĩ Jim Webb cho rằng Mỹ cần có vai trò lãnh đạo sáng suốt để giải quyết các tranh chấp tại vùng biển này bởi theo thượng nghị sĩ Webb, Đông Á mà đặc biệt là Đông Nam Á đang theo dõi sát sao phản ứng của Mỹ đối với các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Vì vậy, ông đề nghị Washington nên dùng năng lượng sáng tạo để tìm giải pháp cho các tranh chấp đang leo thang tại đây.

Malaysia đề nghị đàm phán đa phương

Cũng trong ngày 22.9, theo hãng tin Bernama của (Malaysia), phó Thủ tướng Malaysia Yassin đã kêu gọi Trung Quốc đẩy nhanh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ông Yassin khẳng định Malaysia muốn tranh chấp được giải quyết hoà bình, thông qua đối thoại và đàm phán đa phương chứ không phải thông qua sử dụng hay đe doạ sử dụng sức mạnh quân sự. Ông nhấn mạnh việc thực hiện DOC có ý nghĩa quan trọng và nên được xúc tiến vì hoà bình và ổn định trong khu vực, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Dư luận quốc tế cuối tuần qua tập trung phân tích kết quả chuyến công du tại Nhật Bản, Trung Quốc và New Zealand của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. Có ý kiến cho rằng chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ đã được xúc tiến khá nhanh, mặc dù có các cuộc vận động tranh cử. Tuy nhiên, để thành công đối với khu vực có tầm quan trọng chiến lược này, Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng nghịch lý sau đây: một mặt, các nước láng giềng của TQ đều đón đợi sự can dự sâu rộng hơn nữa của Mỹ để quân bình với sức mạnh gia tăng của TQ, nhưng mặt khác, các nước này cũng mong muốn một quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh.

Các nước ASEAN, từ cốt lõi của chính sách quân bình của mình, không ngần ngại thúc đẩy Washington giúp họ chống lại sức ép của TQ, một sức ép đòi họ phải chấp nhận các yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhưng mỗi khi Washington có hành động ngăn cản không cho TQ lấn lướt trong khu vực, thì các nước ASEAN lại lo lắng về những mối căng thẳng Mỹ – Trung sẽ dẫn đến xung đột. Chính điều nghịch lý này đã làm cho việc duy trì một chính sách của Mỹ về Biển Đông khó mang tính nhất quán và nhiều khi dễ rơi vào thế bấp bênh về chiến lược.


Hải Đăng
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te